16.07.2017

Chuyện đổ bùn cát nạo vét xuống biển của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Bình Thuận

Chuyện đổ bùn cát nạo vét xuống biển của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Bình Thuận


Kẻ ăn cắp tương lai của cả dân tộc

Ăn cắp tương lai

Đã rất nhiều lần, các nhà lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương khẳng định không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Nhưng, câu chuyện đổ bùn cát nạo vét xuống biển của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Bình Thuận, một lần nữa minh chứng cho thực trạng các địa phương và ngành quản lý đang tiếp tục "ăn cắp" tương lai.

Tại Bình Thuận, không chỉ có Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, mà Trung tâm điện lực Vĩnh Tân còn có bốn dự án nhiệt điện đốt than khác. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, đã xác định diện tích biển sẽ nhận đổ bùn cát là 300ha, chứ không phải chỉ là 30ha hiện đã cấp phép.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đổ 1 triệu m3. Nhưng thực tế tổng lượng bùn cát nạo vét là 1.569.524 m3. Đó là chưa kể, để duy trì, dự án này còn nạo vét tiếp với khối lượng 268.615 m3/năm. Tạm tính trong 25 năm hoạt động và lượng bùn cát nạo vét ban đầu, tổng khối lượng sẽ là 8.284.899 m3.

Nói không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, nhưng thực tế trong một báo cáo vào cuối năm 2016, chính tỉnh Bình Thuận đã khẳng định việc đổ bùn cát xuống biển sẽ gây tác động lớn đến khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau. Vậy mà nay họ vẫn cho đổ xuống biển.

Nói không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, nhưng để các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng đi vào hoạt động, chính Bình Thuận đã đề xuất thu hẹp 1.060 ha của khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau.

Ăn cắp cả tương lai của con cháu, ăn cắp cả tương lai của dân tộc, là khốn nạn vô sỉ nhất, tuyệt đối không thể dung thứ.



Miệng nhà quan có gang có thép: ừa! cái miệng Thứ trưởng!

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, người cương quyết cấp phép cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xả bùn thải sau nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận) gần khu bảo tồn biển Hòn Cau trước đó rất thật thà trách nhiệm, "Khu vực đổ bùn thải cát không à, không có gì khác ngoài cát. Có thực vật chúng tôi không cấp phép đổ bao giờ".


Ê-kíp truyền hình của VTC 14 ra tận nơi, nhờ ngư dân địa phương hỗ trợ lặn xuống khu vực mà Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc từng khẳng định toàn cát và phát hiện dưới đó là thảm thực vật biển tuyệt đẹp, san hô...

Những hình ảnh mà VTC 14 cung cấp cho độc giả đã khiến Thứ trưởng vấp máy quay té ngửa.

Ấy vậy mà trong đợt giải trình trước UBND Tỉnh Bình Thuận, Phạm Ngọc Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam vẫn cương quyết tự tin, "Bộ Tài nguyên và Môi trường hết sức có trách nhiệm với nhân dân, làm rất kỹ trước khi quyết định cấp phép nhấn chìm bùn thải".

Ừa, hết sức có trách nhiệm mà còn khẳng định chỉ toàn cát trong lúc dưới đó là thảm thực vật, san hô!

Ừa, làm rất kỹ mới cấp phép mà còn vậy. Xong chơi kiểu nếu trong lúc xả mà có vấn đề sẽ yêu cầu dừng thải ngay.

Hình ảnh mà VTC 14 cung cấp cho độc giả đã khiến Thứ trưởng vấp máy quay té ngửa?.

Chính điều này cho thấy thói làm ăn vô trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Họ lại càng cho thấy họ lươn lẹo để đạt được mục đích ra sao.

Trắng đen đã rõ, vẫn dám mở miệng nói đã làm rất kỹ, rất trách nhiệm.

Họ nói mà không chịu mở mắt nhìn, nói mà không cần biết điều mình nói đang bị vạch mặt ra sao?

Thiệt là cái miệng của quan nhân hệt như cái hôi mắm tôm trong truyện cười dân gian vậy!

Nếu không có động cơ, tại sao họ bất chấp cả danh dự và uy tín của mình để bảo vệ việc đổ bùn thải xuống biển?!

Theo FB Ngô Nguyệt Hữu



Phải dừng việc 'nhận chìm' 1 triệu m3 chất nạo vét xuống biển

Theo các chuyên gia, Bộ Tài nguyên và môi trường phải có trách nhiệm kiểm tra việc cho "nhận chìm" chất nạo vét của Điện lực Vĩnh Tân 1 đã lấy ý kiến người dân đúng quy định hay không rồi mới cấp phép.

Cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Chiều 15-7 tại Nha Trang, Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC - thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tuyến giữa đại diện Tổng cục Biển và hải đảo - Bộ Tài nguyên và môi trường cùng các chuyên gia của tổng cục với các nhà quản lý, luật sư, nhà báo về việc cấp phép cho “nhận chìm” gần 1 triệu m3 “vật chất” nạo vét biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Là chất được phép "nhận chìm" xuống biển?

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Thanh Tùng - vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, đại diện Tổng cục Biển và hải đảo - Bộ Tài nguyên và môi trường thông tin rằng “vật chất” nạo vét cảng biển của Điện lực Vĩnh Tân 1 được Bộ cấp phép cho “nhận chìm” xuống vùng biển Tuy Phong khác với bùn thải.

Theo ông Tùng, đó là một trong tám nhóm vật chất được phép “nhận chìm” xuống biển theo quy định của luật pháp Việt Nam và cả các nghị định thư, công ước quốc tế về hàng hải và bảo vệ môi trường biển.

Về cách cho “nhận chìm” gần 1 triệu m3 vật chất nạo vét kể trên, theo ông Tùng, sà lan chở các chất nạo vét để “nhận chìm” có đáy cách mặt nước biển khoảng 5m.

Khi sà lan chở các chất nạo vét đến vùng biển được phép “nhận chìm” (rộng khoảng 30ha cách khu Bảo tồn biển quốc gia Hòn Cau chừng 8km và cách các khu làng nuôi tôm, làm muối chừng hơn 10km) thì sẽ mở đáy sà lan để xả các chất nạo vét (bùn, cát) đó xuống biển.

Đối với lo ngại về việc gây ô nhiễm môi trường, ông Tùng cho biết Viện Hải dương học (tại Nha Trang) đã được chọn là cơ quan giám sát độc lập của dự án cho “nhận chìm” các chất nạo vét kể trên.

Hiện nay, Viện Hải dương học đã tiến hành quan trắc 13 địa điểm ở vùng biển Tuy Phong để kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động môi trường trong suốt quá trình trước, trong và sau khi “nhận chìm” các chất nạo vét.

Trường hợp có bất kỳ một thông số nào vượt ngưỡng cho phép thì sẽ dừng lại ngay việc nhận chìm đó” - ông Tùng nói.

Việc “nhận chìm” vật chất nạo vét xuống biển Tuy Phong, theo ông Tùng, là một dự án có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt, cấp phép đúng quy định pháp luật.

Quy trình ngược: cấp phép "nhận chìm" rồi mới hỏi dân

Tuy nhiên, tranh luận về vấn đề này, luật sư Nguyễn Toàn Thiện (chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, đại biểu HĐND tỉnh) cho rằng việc cho phép "nhận chìm" chất nạo vét hoàn toàn không hỏi ý kiến của người dân chịu tác động, ảnh hưởng bởi việc này là không đúng quy định của pháp luật.

Ông Tùng và các chuyên gia thuộc Tổng cục Biển và hải đảo đều giải thích, trong hồ sơ dự án khi trình cho Bộ TNMT xem xét cấp phép đều có ý kiến của các cơ quan, ban ngành liên quan của, tỉnh huyện, xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN (MTTQVN) xã.

Ông Tùng giải thích: “Việc hỏi ý kiến trực tiếp của người dân trong vùng chịu ảnh hưởng thì không thể thực hiện được. Ủy ban MTTQVN xã là cơ quan đại diện được dân bầu ra theo quy định pháp luật. Chủ dự án không thể đi hỏi ý kiến từng người dân mà chỉ hỏi Ủy ban MTTQVN xã.

Còn việc các cơ quan đại diện ở địa phương có hỏi ý kiến của người dân hay không là thuộc trách nhiệm của các cơ quan đó”.

Tuy nhiên, luật sư Thiện tranh luận lại rằng việc cấp phép cho Điện lực Vĩnh Tân 1 xả 1 triệu m3 chất nạo vét xuống biển Tuy Phong là thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và môi trường.

UBND tỉnh Bình Thuận chỉ có thẩm quyền đề nghị bộ và các cơ quan chức năng của bộ phải có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện lấy ý kiến người dân có đúng quy định pháp luật hay không rồi mới cấp phép.

Việc Bộ Tài nguyên và môi trường cấp giấy phép cho doanh nghiệp “nhận chìm” rồi mới đi hỏi ý kiến của người dân trong vùng chịu ảnh hưởng là làm theo “quy trình ngược”.

Theo luật sư Thiện, việc cấp phép khi không tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng là trái quy định pháp luật.

Vì vậy, luật sư Thiện hỏi Bộ Tài nguyên và môi trường có xem xét kiến nghị của 13 tổ chức dân sự đã đề nghị tạm dừng thực hiện việc cho “nhận chìm” 1 triệu m3 vật chất nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong hay không?

Ông Tùng trả lời: “Việc này nằm ngoài chức năng, nhiệm vụ của chúng tôi. Nhưng chúng tôi sẽ xem xét để tham mưu cho cấp trên trình cho Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét. Còn hiện tại, vì thời gian có hạn nên chưa thể trả lời như thế nào”.

Tham gia buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Chi - nguyên chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa cho rằng: Luật pháp đã quy định đầy đủ. Các quan có ý kiến phải căn cứ theo ý kiến của người dân chịu tác động của dự án, quy hoạch.

Ông Chi nói: “Theo tôi, cái gì dân người ta không đồng ý thì phải xem xét lại, tránh tình trạng chính quyền, nhà nước làm sai, ép dân vào thế phải phản đối rồi chính quyền quay lại xử lý dân.

Người dân cần có môi trường đảm bảo để họ làm ăn sinh sống, chứ không cần đồng tiền bồi thường khi xảy ra hậu quả, sự cố môi trường”.

Ông Chi còn chất vấn: Tại sao cứ phải cho xả các chất nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong mà không chọn một khu vực khác, cách xa thêm khu Bảo tồn biển Hòn Cau và các vùng nuôi tôm, cá, làm muối của dân thêm hàng chục km nữa cho an toàn?

Vì vậy, ông Chi tán đồng với các kiến nghị tạm dừng việc cho phép “nhận chìm” để chọn một khu vực biển khác phù hợp, an toàn hơn để cho “nhận chìm” 1 triệu m3 vật chất nạo vét đã nêu. 


Theo TTO


Biển Bình Thuận đang bị đầu độc như thế nào?

Lê Anh Hùng

Bộ Tài nguyên - Môi trường chấp thuận cho Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra vùng biển Bình Thuận.

Ngày 28/6 vừa qua, truyền thông nhà nước đưa tin, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã chấp thuận cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là khối lượng bùn, cát sau nạo vét vũng quay tàu và khu bến chuyên dùng, phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Sự kiện một khối lượng bùn thải khổng lồ sắp được xả ra tại một địa điểm cách không xa khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau (một trong 16 khu bảo tồn biển trên cả nước) đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt là trong bối cảnh khu bảo tồn này đã phải lên tiếng kêu cứu vì tình trạng ô nhiễm do các nhà máy điện thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân gây ra suốt mấy năm nay.

Lý do Cty Điện lực Vĩnh Tân 1 đưa ra để được cấp phép xả đổ chất thải trên biển rất dễ được “thông cảm”. Tờ Pháp luật TP HCM ngày 3/11/2016 cho biết: “Theo hồ sơ xin phép Bộ TN&MT của công ty này thì khối lượng nạo vét đổ thải lớn. Nếu đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền thì phải có diện tích lớn nhưng địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để thực hiện.”

Quả vậy, Vĩnh Tân và khu vực xung quanh là một vùng đất chật hẹp: một bên là núi, một bên là biển, ở giữa là một dải đất hẹp, với địa hình phức tạp. Đây là khu vực vừa cách xa nguồn cung cấp than, vừa cách xa các trung tâm tiêu thụ điện năng, lại rất nhạy cảm về môi trường, với một khu bảo tồn biển chỉ cách đất liền vài km.

Vì thế, thật khó hiểu khi người ta lại cho xây dựng ở đây một trung tâm nhiệt điện khổng lồ, quy mô lớn nhất cả nước, với 5 nhà máy nhiệt điện than: Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. (Để hình thành mặt bằng trung tâm nhiệt điện người ta phải tiến hành san lấp hàng trăm ha mặt biển. Bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 rộng hơn 60ha, với chiều cao thiết kế 27m. Tuy nhiên, mới sau hơn 2 năm hoạt động, nó đạt đạt độ cao 12m.)

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ ngày 9/9/2014. Cả hai tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đều đã thực hiện đốt than lần đầu thành công, dự kiến sẽ lần lượt đi vào hoạt động từ quý IV năm 2017 và quý II năm 2018. Ba nhà máy còn lại đều đang trong quá trình thi công.

Mới một trong tổng số năm nhà máy chính thức đi vào hoạt động mà hàng loạt vấn đề về môi trường đã xẩy ra xung quanh trung tâm nhiệt điện này.

Mặc dù ra đời sau Khu Bảo tồn biển Hòn Cau nhưng các dự án của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn được phép chồng lấn lên khu bảo tồn thiên nhiên này đến hơn 1.000ha. Điều này cho thấy là ngay từ đầu, vấn đề môi trường ở đây đã bị đặt xuống hàng thứ yếu. Ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Bình Thuận, nhận định: “Chịu tác động ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân, các khu dự án khác, Khu bảo tồn biển Hòn Cau bị xóa sổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Chất lượng nước biển tại đây cũng sẽ thay đổi không còn giữ được độ mặn đặc biệt như trước đây... Các đồng muối Cà Ná, Vĩnh Hảo còn bị khói bụi từ các nhà máy này tác động. Không sớm thì muộn diêm dân và các công ty muối ở những vùng này sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất...”

Theo người dân địa phương, nước thải của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả ra biển, nóng hơn nhiệt độ bình thường của nước biển, khiến hải sản biến mất. Vào tháng 2, 3 hàng năm, tôm hùm con ở rạn san hô rất nhiều, nhưng nay cũng không còn. Nước dưới biển nằm ở độ sâu 10m lúc nào cũng nóng hâm hẩm, các rạn san hô gần bờ đều bị chết, ốc sò thì chết hả họng, cua tấp vô bờ chết thúi. Nước thải của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả ra biển gây ô nhiễm tới 5 lý, mỗi lần kéo lưới lên là thấy nước đỏ và nóng hâm hẩm.

Từ ngày 14-16/4/2015, hàng ngàn người dân địa phương đã đổ ra quốc lộ 1A đoạn chạy qua đây, khiến giao thông Bắc - Nam bị ách tắc hàng chục km, để phản đối việc Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải bụi than và xỉ vào môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ trên đất liền mà cả một vùng biển rộng lớn.

Ngày 28/4/2017, trước việc nhiều hộ dân sống gần bãi chứa tro xỉ than trên phản ánh, hàng chục hecta cây trồng ở xã Vĩnh Tân bỗng lụi tàn rồi chết dần, gây thiệt hại cho sản xuất, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản giao Sở TN-MT phối hợp với UBND huyện Tuy Phong thông báo kết quả phân tích mẫu nước giếng, mẫu đất tại khu vực gần bãi chứa tro xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho các hộ dân biết, đồng thời khuyến cáo người dân tạm thời không nên sử dụng nguồn nước ngầm (nước giếng) vào mục đích tưới tiêu cũng như ăn uống. Theo đó, kết quả phân tích hàm lượng Clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân nơi đây vượt ngưỡng từ 1,2 đến 1,8 lần; hàm lượng Clorua trong 4/5 hồ nước phục vụ nhu cầu tưới tro xỉ vượt từ 1,05 đến 1,8 lần; hàm lượng tổng số muối tan ở một số nơi mặn và rất mặn.

Vùng đất từ Phan Rang đến Tuy Phong - Bắc Bình có khí hậu bán hoang mạc, khô nóng, nắng nhiều, lượng mưa ít nhất trong cả nước. Nguồn nước chính mà người dân Tuy Phong thường sử dụng là nước ngầm và nước giếng. Vì thế, việc tro và xỉ than của các nhà máy chỉ được xử lý đơn giản bằng cách quy tập vào bãi rồi tưới nước lên sẽ làm nẩy sinh hai vấn đề nan giải: (i) lượng nước tưới làm hao hụt nguồn nước ngọt vốn đã ít ỏi dành cho sinh hoạt của người dân cũng như phục vụ canh tác; và (ii) các chất độc trong tro và xỉ than vốn có hàm lượng rất cao, khi được tưới nước hoặc gặp trời mưa chúng sẽ ngấm vào mạch nước ngầm và sau một thời gian sẽ khiến toàn bộ vùng đất và vùng biển xung quanh bị nhiễm độc, bởi theo vòng tuần hoàn, cuối cùng nước sẽ chảy ra biển.

Đáng quan ngại hơn, trong 4 nhà máy nhiệt điện tại Vĩnh Tân (tổng công suất của hai nhà máy Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng chỉ bằng Vĩnh Tân 3) thì Trung cộng làm tổng thầu EPC đến 3 nhà máy là Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 3, đồng thời là chủ đầu tư của Vĩnh Tân 1, nhà máy vừa được Bộ TN-MT cho phép xả gần 1 triệu m3 bùn thải ra biển. (Theo một điều tra mới đây của Trung cộng, hơn 70% doanh nghiệp nước này vi phạm về môi trường.)

Mới một nhà máy chính thức hoạt động mà tình trạng ô nhiễm môi trường ở Vĩnh Tân đã nghiêm trọng như vậy thì khi tất cả các nhà máy của trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước này đi vào vận hành tình hình còn trầm trọng đến đâu? Đó là câu hỏi mà có lẽ không một người dân Việt Nam nào muốn nghe câu trả lời.

Xem ra, giống như ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), số phận một vùng biển quan trọng và nhạy cảm cả về môi trường lẫn an ninh quốc phòng của Việt Nam lại được người ta đặt vào tay Trung cộng một cách rất chi là vô tư.

Câu hỏi mà công chúng Việt Nam muốn được giải đáp ở đây là: Trách nhiệm này thuộc về ai?

Lê Anh Hùng