Cộng sản cần nô tài hơn nhân tài !!!
(trích Tự do
Ngôn luận số 270 (01-07-2017)
Khi còn là một nhân viên ở thư viện đại
học Bắc Kinh, Mao Trạch Đông luôn bị các giáo sư và sinh viên coi thường. Mang
mối hận lòng, lúc đã lên ngai quyền lực tuyêt đối, ông ta hết sức thù ghét giới
trí thức và đã nói một câu danh tiếng, đáng ghi bia miệng ngàn đời: “Bọn trí thức chỉ là cục phân!”. Nói vậy
không có nghĩa là Mao Trạch Đông đã chẳng sử dụng các nhân tài. Sử dụng nhưng
trước hết họ phải trở thành nô tài, nghĩa là tuyệt đối trung thành với đảng, với
Mao chủ tịch. Khi hai nhà vật lý Ganpan Wang và Zhao Zhongyang từ Đại học
Illinois (Hoa Kỳ), sau nhiều năm sinh sống ở Mỹ, trở về Trung cộng mang
theo nhiều bí mật hạt nhân để phục vụ đất nước qua việc tham gia dự án phát
triển bom nguyên tử (thập niên 1950), việc đầu tiên Mao buộc họ là phải thấm
nhuần chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao và thề hứa trung thành với Đại lãnh tụ.
Người ta vẫn còn nhớ vào thời Liên
Xô, một kỹ thuật gia nông nghiệp tên là Trofim Lyssenko (1898-1976) đã đề ra một
lý thuyết di truyền học giả tạo. Cái may cho ông ta là được Staline coi như
khoa học chính thức của chế độ, đối lại với “khoa học tư sản” là lý thuyết di
truyền học (đích thực) của linh mục Gregor Mendel. Thoạt đầu, nhiều nhà khoa học
Liên Xô hết sức phản bác Lyssenko. Nhưng rồi, với tâm địa nô tài, họ đã chấp nhận
lý thuyết sai lầm đó, khiến ngành sinh học và di truyền học của Liên Xô tụt hậu
nhiều thập niên (Mãi đến năm 1960 nó mới bị loại bỏ).
Ngược lai, những
nhà trí thức chân chính, nhân tài của đất nước nhưng không chấp nhận chế độ CS
thì bị bách hại tàn khốc. Vụ án Nhân văn Giai phẩm với hàng trăm văn nghệ
sĩ người bị đi tù, người bị quản thúc, người bị đuổi việc… là một bằng chứng. Nhưng
nổi tiếng nhất có lẽ là số phận của hai nhà đại trí thức đã nghe theo lời Hồ
Chí Minh bỏ Pháp trở về phục vụ đất nước và cách mạng để rồi bị đày đọa cho đến
chết là luật sư Nguyễn Mạnh Tường và triết gia Trần Đức Thảo.
Là một trí thức Tây học nổi tiếng và
thiên tả, theo CS từ năm 1945, nhưng chỉ vì bài tham luận “Qua những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất - Xây dựng quan điểm lãnh đạo”
đọc trong một phiên họp của Mặt trận TQ ở Hà Nội, ngày 30-10-1956 mà luật sư Nguyễn Mạnh Tường bị tước hết mọi chức
vụ lẫn danh vị nghề nghiệp và phải sống một cuộc đời vô cùng kham khổ. Tất cả
đã khiến ông phải kêu lên trong cuốn sách viết lúc cuối đời: "CS sống bằng sự dối
trá, giả hình, nhưng cái sai lầm của nó là đặt sự tàn bạo của nó trên những vẻ
bề ngoài hư ảo mà nó giải thích theo ý mình và dùng để tiêu diệt những kẻ mà nó
gọi là kẻ thù" và "Sự dã man quỷ quyệt mánh lới và sự bất nhân khéo che đậy của
họ chưa hề thấy trong lịch sử loài người" (Kẻ bị khai trừ,
trang 147).
Trần Đức Thảo,
thạc sĩ triết học, giáo sư đại học Sorbonne, say mê chủ nghĩa Marx và có tâm
nguyện áp dụng chủ nghĩa này khi theo Hồ Chí Minh về Việt Bắc cuối năm 1951.
Nhưng rồi ông đã choáng váng trước “hiện thực Mác-xít” tại quê nhà. Trước hết,
ông được giao cho những công tác lặt vặt và trái chuyên môn, rồi ngồi dịch các
bài nói, bài viết của Trường Chinh, kẻ lúc ấy đang được coi là lý thuyết gia số
một của đảng. Cuối năm 1956, một người trong nhóm “Nhân văn” là Nguyễn Hữu Đang
đến gặp ông nhờ viết bài. Ông nhận lời, và trên Nhân Văn số 3 ngày 15-10-1956,
có bài viết của ông nhan đề “Nỗ lực phát triển Tự
do, Dân chủ”, tiếp đó là bài “Nội dung
Xã hội và hình thức Tự do” trên “Giai phẩm Mùa đông”. Hai bài viết
như hai quả bom nổ giữa lòng Hà Nội. Ngay lập tức ông bị cách chức, bị lôi ra
kiểm điểm cùng với tất cả những ai có liên quan đến “Nhân văn” và “Giai phẩm” rồi
phải sống cuộc đời lầm than. Cuối cùng bị đầu độc chết tại Paris khi ông chuẩn
bị ra sách phê phán Marx và giã từ chế độ tháng 4-1993.
Tại Việt Nam
lúc này, chủ trương “cần nô tài, bất cần nhân tài” lại chứng tỏ qua việc tước
quốc tịch rồi trục xuất Giáo sư Phạm Minh Hoàng, cũng là một người đã rời
bỏ nước Pháp cách đây 17 năm để trở về quê hương, cống hiến sức lực xây dựng đất
nước qua việc dạy toán cho sinh viên đại học tại Sài Gòn. Có điều là như các
nhà trí thức chân chính, sĩ phu đúng nghĩa, Giáo sư Hoàng đã dấn thân vào cuộc
đấu tranh cho dân chủ qua nhiều bài viết phê phán chế độ cộng sản dưới bút hiệu
Phan Kiến Quốc, và ông đã phải trả giá cho công việc yêu nước này bằng 17 tháng
tù
. Ông đã bị nhà cầm quyền
tước quốc tịch qua văn thư của chủ tịch nước ngày 19-05 và bị buộc rời VN ngày
25-06, với cáo buộc vu vơ của phát ngôn nhân bộ ngoại giao: “vi phạm pháp luật
và xâm phạm an ninh quốc gia”. Các chuyên gia luật đều coi biện pháp trả thù
trí thức như thế là sai trái và hèn hạ. Vì Giáo sư Hoàng luôn giữ quốc tịch Việt
Nam, và tuy từng có thời gian sinh sống lẫn làm việc lâu dài ở Pháp, nhưng từ
17 năm nay ông đã hồi hương và được nhà nước cấp Chứng minh Nhân dân dành cho
người cư trú tại Việt Nam và cho nhập hộ khẩu thường trú. Ông đã không cần và
cũng chưa từng xin nhập tịch Việt Nam theo Điều 19 của Luật Quốc tịch.
Do đó, xét theo Điều 31
của Luật này, Giáo sư Hoàng không thể bị tước quốc tịch, bất kể “có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền
độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy
tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay không. Nếu có “vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc
gia”, theo cách diễn giải và gán ghép của cơ quan an ninh, thì hành vi của
ông đã hoặc phải bị xử lý theo luật hình sự hiện thời, chứ không thể bằng biện
pháp tước quốc tịch một cách ngang nhiên, võ đoán rồi tống xuất khỏi nước bằng
bạo lực như vậy.
Nhưng đối với
Cộng sản, những trí thức nào một là “phản tỉnh” như
trung tướng Trần Độ, giáo sư Hoàng Minh Chính, giáo sư Nguyễn Thanh Giang, nhà
văn Nguyễn Khải, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà báo
Bùi Tín… hai là “phản động” như doanh nhân Trần
Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Công Định, giáo sư Phạm Minh Hoàng, bác sĩ Hồ Hải…. ba là “ngụy quân ngụy quyền” như
hàng trăm ngàn chuyên gia trong giới quân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa trước
đây đều không thể đứng chung dưới ánh mặt trời, ngồi
chung trong bàn làm việc, làm chung trên công trường xây dựng đất nước với những
con người “trọng hồng hơn chuyên”. Hàng
trăm ngàn nhân tài người Việt ở hải ngoại, nếu không chấp nhận chỉ đem về nước
kiến thức chuyên môn chứ chẳng phải tinh thần dân chủ, và cúi chịu sự sai khiến
của những đại diện đảng dốt nát hơn mình, thì đảng cũng chẳng cần họ!
Đám
nô tài (và
có lúc kiêm nhân tài) của đảng hiện thấy nhung nhúc tại đất nước,
từ những giáo sư tiến sĩ trong Hội đồng lý luận trung ương, các học viện chính
trị của đảng, thậm chí trong nhiều trường đại học đến những quan chức cao cấp
trong bộ máy cầm quyền. Những kẻ từng
tuyên bố
“Hiến định điều 4 vì lợi ích đất nước và nhân
dân”,
“Biên soạn Bách khoa Toàn thư là phải đúng quan
điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”,
“Muốn quy hoạch báo chí Việt Nam tốt hơn, nhất
định không có báo chí tư nhân, không để tư nhân núp bóng”,
“Mỗi ngành nghề có đặc trưng đặc thù. Tuyển vào công an để bảo vệ Đảng,
Nhà nước, chính quyền…”,
“Việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, cắt cáp cũng là cách yêu cho
roi, cho vọt”,
“Việc từ chức ở ta khó hơn ở các nước phát triển.Chức quyền nhiều
khi được coi là nhiệm vụ chính trị. Từ chức nghĩa là từ chối nhiệm vụ được
giao”,
“Tôi cho rằng không nên đặt vấn đề xây tượng đài là đắt hay rẻ. Trước
khi phán xét, cần phải nhìn giá trị văn hóa. Tượng đài sẽ là động lực để tạo
nên sự phát triển. Không thể nói rằng vì nhiều người còn đói nên để tiền đó mua
cơm trước. Đôi khi văn hóa phải đi trước”,
“Bản chất của thị trường không phải là xấu mà là tốt, đặc biệt
chúng ta lại định hướng xã hội chủ nghĩa vào đấy nữa thì lại càng tốt”…
Đám nô tài đó có thể ngồi trong tòa
nhà uy nghi nhất của đất nước, mang danh hiệu cao quý bậc nhất xã hội: “đại biểu
nhân dân”, có kẻ còn khoác tước vị thuộc loại “nhân tài” như sử gia, giáo sư,
luật sư, chức sắc tôn giáo, tướng tá công an, quân đội… nhưng họ có thể sẵn
sàng biểu quyết và và thực sự đã biểu quyết hôm 20-06-2017 về Bộ luật Hình sự
2015 sửa đổi, với Điều 19 đang gây hoang mang và phẫn nộ cho cả nước, là điều
buộc gia đình phải tố cáo người thân và luật sư phải tố giác thân chủ khi biết
người thân hoặc thân chủ phạm tội “xâm phạm an ninh quốc gia”… Họ đều biết rõ tội
này được đám chủ của họ hiểu rất rộng, từ chuyện phản bội đất nước, tàn phá Tổ
quốc, giết hại Đồng bào… tới chuyện động tới quyền lực độc tôn của đảng và tới
chế độ dưới mọi hình thức.
Họ vẫn phê chuẩn, dù biết
điều 19 quái đản man rợ ấy sẽ công an hóa toàn thể xã hội, dựng lại cảnh đấu tố
nhau thời Cải cách ruộng đất, nhất là sẽ biến thiên chức bảo vệ thân chủ của luật
sư và quyền im lặng của các bị can thành vô nghĩa cũng như tiêu diệt sự tin tưởng
lẫn nhau trong toàn xã hội. Đám nô tài ấy có thể theo chủ tịch Hà Nội về Đồng
Tâm, với “nụ cười thương dân”, đề cùng ký tên xác nhận văn bản không truy tố
dân làng Hoành, nhưng rồi khi nhà nước trở mặt, thì thản nhiên tuyên bố văn bản
đó chỉ là giải pháp tình huống, tháo ngòi nổ cho sự việc dịu đi, còn bây giờ cần
phải khởi tố điều tra, để xem mức độ thế nào trên tổng thể vu việc. Bà con bắt
giữ một số người làm công vụ, kể cả hiện tượng đập phá tài sản, đó là việc đã xảy
ra rồi, không thể bỏ qua được !?!
Đám nô tài ấy, trong vụ xử Mẹ Nấm hôm
29-06, có thể thản nhiên viết bản cáo trạng gồm những điểm như: sử dụng
Facebook để đăng tải thông tin "tuyên truyền xuyên tạc chống phá nhà nước";
thu thập thông tin và viết báo cáo về 31 trường hợp người dân chết sau khi làm
việc với công an; nhận tiền thưởng của giải “Người bảo vệ nhân quyền”; khởi xướng
chiến dịch vận động nhân quyền năm 2015; trả lời báo chí quốc tế; lưu giữ tập
Bài thơ một vần của Bùi Chát và CD nhạc “Về ngư dân Việt” của nhạc sĩ Tuấn
Khanh… Để rồi giáng xuống cho người phụ nữ yêu nước có con thơ ấy một bản án
tàn nhẫn và hèn hạ: 10 năm tù!
Ngoài ra,
còn phải kể đến một hoạt động nô tài hóa khác, đó là biến bao con người lẽ đáng
đem trí tuệ và sức khỏe bảo vệ đất nước và nhân dân trở thành những kẻ được
phép mặc sức làm tiền… thậm chí được phép vòi tiền, cướp tiền nữa. Để họ
trở nên đám nô tài, một lòng trung với đảng. Chúng tôi muốn nói đến lực lượng quân đội và công an mà từ
ngày mở cửa kinh tế từ giữa thập niên 1980 đến nay, đã và đang tạo nên những
công ty kinh doanh đầy quyền lực và lợi nhuận, tha hồ cướp đoạt công thổ lẫn tư
điền (vụ sân golf TSN và vụ đất Đồng Tâm), tha hồ làm luật trên đường phố, thậm
chí có thể làm ăn gian lận (vụ công ty đóng tàu Nam Triệu) hay đánh đập, cướp
bóc, giết chết dân lành mà chẳng bị trừng phạt.
Cần nô tài hơn nhân
tài như thế, hèn gì mà đất nước ngày càng đến chỗ diệt vong !!!
BAN BIÊN TẬP