Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2017: Những kết quả nhãn tiền
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Muốn đoàn kết, phải đúng công thức
Muốn có đoàn kết, thì phải bắt tay thực hiện chứ
không thể chỉ kêu gọi suông. Thực hiện đoàn kết đòi hỏi 2 điều kiện: Cùng mục
tiêu và cùng cách làm. Thiếu một thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng rã rời,
hỗn độn mà người tạ gọi là thiếu đoàn kết.Ngày Vận Động Cho Việt Nam do BPSOS tổ
chức hàng năm, và năm nay là ngày 29 tháng 6 vừa qua, là một ví dụ về thực hiện
đoàn kết.
Mục tiêu chung là vận động, càng đông càng tốt, các
dân biểu Hạ Viện và nghị sĩ Thượng Viện áp lực Hành Pháp áp dụng các biện pháp
chế tài đối với các hành vi vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, hay cướp đoạt
tài sản của công dân Hoa Kỳ.
Cách làm chung được soạn thành công thức dễ cho mọi
người tuân thủ: Các người cùng tiểu bang thì chung một phái đoàn; mỗi phái đoàn
có 1 người trưởng và 1 người phụ để liên lạc với ban tổ chức và phối hợp mọi
thành viên trong phái đoàn. Phái đoàn ít người được ban tổ chức bổ sung nhân sự
từ phái đoàn khác. Các phái đoàn tự quyết định những ai sẽ trình bày, nhưng nội
dung phải nằm trong khung sườn do ban tổ chức soạn sẵn. Mỗi điểm trình bày đều
có dẫn chứng bằng hồ sơ, bao gồm: danh sách các tù nhân tôn giáo, 7 danh sách gồm
180 giới chức chính quyền để đề nghị chế tài, và bức thư ngỏ gửi Tổng Thống
Trump của các cựu giáo dân Giáo Xứ Cồn Dầu. Công thức đơn giản này giúp cho hơn
100 người đến từ 15 tiểu bang, phần lớn chưa hề quen biết nhau trước đó, góp sức
mình cho để đạt mục tiêu chung.
Hai ngày vận động
Trong ngày 29 tháng 6, 15 phái đoàn đã tiếp xúc tổng
cộng 40 văn phòng dân biểu Hạ Viện và 30 văn phòng nghị sĩ Thượng Viện. Buổi
sáng cùng ngày là buổi họp khoáng đại với sự tham dự của các dân biểu Ted Poe
(Cộng Hoà, TX), chủ tịch tiểu ban về mậu dịch; Christopher Smith (Cộng Hoà,
NJ), chủ tịch tiểu ban về nhân quyền; và Alan Lowenthal (Dân Chủ, CA), đồng chủ
tịch khối dân biểu quan tâm đến Việt Nam (Vietnam Caucus); quyền Trợ Lý Ngoại
Trưởng về Dân Chủ Nhân Quyền Lao Động Virginia Bennett, trưởng phái đoàn Hoa Kỳ
tại buổi đối thoại nhân quyền Hoa Kỹ-Việt Nam lần 21 ở Hà Nội vừa rồi; cựu Đại
Sứ Jackie Wolcott, uỷ viên của Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF);
và các đại diện của tổ chức luật sư nhân quyền Freedom Now và của Bàn Tròn Đa
Tôn Giáo Hoa Kỳ.
Bà Virginia Bennett, quyền Trợ Lý Ngoại
Trưởng, phát biểu tại buổi họp khoáng đại, 29/06/2017 (ảnh NQK)
Ngày hôm sau, 30 tháng 6, một phái đoàn khoảng 20
người họp với Uỷ Hội USCIRF và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Tại buổi họp với Uỷ Hội
USCIRF, 7 trên 8 uỷ viên đã tham gia, cho thấy sự quan tâm và niềm ưu ái đối với
phái đoàn người Việt. Tại buổi họp ở Bộ Ngoại Giao, Phó Trợ Lý Ngoại Trưởng đặc
trách Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động Scott Busby và các phụ tá cũng quan tâm
không kém về tình trạng đàn áp tôn giáo ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam.
Năm nay lẽ ra có buổi điều trần ngày 28 tháng 6. Tuy
nhiên chúng tôi đã dời nó sớm hơn một tháng, ngày 25 tháng 5 vì muốn khai thác
sự kiện Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
ở Toà Bạch Ốc ngày 31 tháng 5. Rất nhiều người Việt ở trong và ngoài nước theo
dõi và đã xúc động về buổi điều trần này vì sự lên tiếng của Cô Nguyễn Thị
Mỹ-Phượng, chị ruột của tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Nguyễn Hữu Tấn, người bị chết
trong đồn công an Vĩnh Long đầu tháng 5 vừa qua.
Phái đoàn người Việt tại Uỷ Hội USCIRF,
ngày 30/06/2017 (ảnh của phái đoàn)
Những thành phần đặc biệt
Năm nay ban tổ chức mời 5 nhà hoạt động nhân quyền ở
trong nước phát biểu, qua phương tiện trực tuyến, tại buổi họp khoáng đại: Cô
Trang Nhung đại diện Hội Hỗ Trợ Nạn Nhân Bạo Hành, Ông Vũ Quốc Ngữ đại diện tổ
chức Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền, Cô Huỳnh Thục Vy đại diện Hội Phụ Nữ Nhân
Quyền Việt Nam, Ông Nguyễn Bắc Truyển đại diện khối tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Độc
Lập Miền Tây, và Ông Nguyễn Phục đại diện Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài. Họ cập nhật
tình hình nhân quyền và giới thiệu hoạt động của tổ chức hay cộng đồng của
mình. Điều này châm thêm “lửa” và cung cấp thông tin cho các phái đoàn
chia sẻ khi tiếp xúc các văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ trong ngày.
Trong số người tham gia cuộc vận động, có không ít
các nhân chứng sống. Sáu cựu giáo dân Cồn Dầu, trong đó 2 người là nạn nhân tra
tấn và một người bị án tù, đến từ North Carolina, Tennessee, Texas và Virginia.
Đồng thời, có anh ruột của anh Nguyễn Hữu Năm, giáo dân Cồn Dầu đã bị tra tấn đến
chết tháng 7 năm 2010, đến từ Texas, và chị ruột của anh Nguyễn Hữu Tấn, tín đồ
Phật Giáo Hoà Hảo bị chết trong đồn công an Vĩnh Long đầu tháng 5 vừa rồi, đến
từ Georgia. Ông Dương Xuân Lương thuộc Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài đến từ Thái
Lan; Ông vừa đến Hoa Kỳ được 3 tháng, sau 30 tháng ở tù, 8 năm lẩn tránh lệnh
truy nã ở Việt Nam và hơn 1 năm lánh nạn ở Thái Lan.
Phó Trợ Lý Ngoại Trưởng Scott Busby trao
đổi với phái đoàn người Việt, ngày 30/06/2017 (ảnh của BPSOS)
Kết quả
Vận động chính sách thường mất thời gian dài mới đạt
được mục tiêu. Chẳng hạn, chúng tôi đã phải mất 6 năm vận động cho 2 luật chế
tài mà Quốc Hội thông qua cuối năm ngoái. Tuy nhiên, mỗi cuộc vận động đều có một
số kết quả nhãn tiền cần thu hoạch để khai thác cho những bước kế tiếp. Những kết
quả của cuộc vận động vừa rồi gồm có:
(1) Cú sốc Mẹ Nấm: Dù không sắp xếp trước, hồ sơ blogger Mẹ Nấm Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh đã trở thành điểm nóng của cuộc vận động, vì cùng ngày toà án đã
ra bản án 10 năm tù, rất nặng cho một phụ nữ đã được Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ
vinh danh là Phụ Nữ Can Đảm hồi tháng 3 vừa rồi. Chúng tôi đã dùng sự kiện này
thay cho ngàn lời nói. Nhiều dân biểu và vị đại diện Bộ Ngoại Giao phát biểu tại
buổi họp khoáng đại đều nói đến sự kiện này. Tại buổi họp ngày hôm sau với
chúng tôi, Bộ Ngoại Giao cho biết họ đã chính thức lên tiếng với Việt Nam để phản
đối.
(2) Nhận thức đúng về hiện trạng của các tôn
giáo: Nhiều giới chức, sau
khi tiếp xúc các phái đoàn của chúng tôi, cho biết là họ thật ngỡ ngàng. Trước
đó, họ cho rằng Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo của Việt Nam, sẽ hiệu lực đầu năm
2018, là một tiến bộ. Lời chia sẻ của vị Phó Chủ Tịch USCIRF, Bà Kristina
Arriaga de Bucholz, là điển hình: “Tôi xin lỗi quý vị. Những tiến bộ mà chúng
tôi nghĩ là Việt Nam đạt được trong thời gian qua hoá ra chỉ là bé li ti
(minuscule). Chúng tôi sẽ phải làm việc nhiều hơn nữa trong thời gian tới.”
Phái đoàn hỗn hợp Michigan và Georgia,
Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 29/06/2017 (ảnh của Benny)
(3) Tình trạng đàn áp các tín đồ Tin Lành Tây
Nguyên được chú ý: Trong danh sách gần 100 tù nhân tôn
giáo do BPSOS soạn, có đến 60% là các tín đồ Tin Lành người Tây Nguyên. Trong số
180 giới chức chính quyền Việt Nam bị BPSOS đề nghị chế tài thì đến trên 100
liên quan đến các vụ đàn áp tôn giáo ở Tây Nguyên. Đặc biệt, hồ sơ của Mục Sư
Nguyễn Công Chính và vợ là Bà Trần Thị Hồng, cả 2 bị đàn áp do phục vụ các tín
hữu Tin Lành người Tây Nguyên, là một trọng tâm được nhắc đến liên tục trong suốt
2 ngày vận động.
(4) Tình trạng tra tấn ở Việt Nam tạo sửng sốt: Lời kể của các nhân chứng sống đã làm cho nhiều giới
chức xúc động. Mọi người, kể cả các giới chức, đã khóc khi nghe người con trai
12 tuổi của Cô Mỹ-Phượng nức nở, “con không hiểu tại sao người ta lại cắt cổ cậu
của con; con không muốn thêm người thân của con bị giết chết.” Các nhân chúng sống
này đã giúp tạo sự chú ý đến danh sách 180 giới chức chính quyền bị đề nghị chế
tài; phần lớn họ liên can đến các vụ tra tấn.
(5) Ngạc nhiên về tình trạng cướp đất: Khá nhiều văn phòng dân biểu và thượng
nghị sĩ tỏ sự ngạc nhiên khi được giải thích rằng chính sách cướp đất của chính
quyền Việt Nam đã và đang xâm phạm trực tiếp tài sản của nhiều công dân Hoa Kỳ.
Hồ sơ Giáo Xứ Cồn Dầu được dùng làm điển hình: Khi cướp đất của giáo xứ toàn
tòng Công Giáo này, chính quyền Đà Nẵng đã xâm phạm tài sản của hàng chục gia
đình đã là công dân Mỹ từ lâu. Thư Ngỏ mà các gia đình này gửi cho Tổng Thống
Trump được được trao tận tay các giới chức ở Quốc Hội, Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội
USCIRF.
(6) Thành phần tham gia mới: Năm nay có sự tham gia của nhiều Facebookers. Tuy là
lần “vận động hành lang,” họ học rất nhanh, hành xử chững chạc và trình bày gãy
gọn và có lửa. Vì quen chơi Facebook, họ đã trực tiếp tường trình các sinh hoạt
trong cả ngày. Cuối ngày họ thức khuya để chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ vậy rất nhiều
người Việt ở trong và ngoài nước đã có dịp theo dõi một hình thức sinh hoạt dân
chủ của những người Mỹ gốc Việt, tương phản với môi trường ở trong nước. Nhiều
Facebookers khác ngỏ ý sẽ tham gia cuộc tổng vận động sang năm.
Trên đây là những kết quả bước đầu, mở đường cho
công cuộc vận động trong 2 năm 2017-2018 của BPSOS. Bắt đầu tuần tới, khi Quốc
Hội trở lại làm việc sau Lễ Độc Lập, chúng tôi sẽ phối hợp với từng phái đoàn để
tiếp tục vận động từng văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ đã tiếp xúc.
Phái đoàn Minnesota, Quốc Hội Hoa Kỳ,
ngày 29/06/2017 (ảnh Minnesota Việt Báo)
Kết luận
Năm 2014 BPSOS mở chương trình huấn luyện 12 tháng về
phát huy tổ chức xã hội dân sự. Một trong những bài giảng đầu tiên là phân biệt
hiện tượng với căn nguyên khi muốn giải quyết một vấn nạn. Tôi thường lấy câu
chuyện dụ ngộn về bộ lạc thổ dân trên đảo nọ, vì núi lửa sắp nổ, phải xuống ghe
ra biển tìm đất sống. Nếu vị già làng hiệu triệu, “hãy đoàn kết,” thì bảo đảm
24 tiếng đồng hồ sau các chiếc ghe sẽ tản mác trên biển mênh mông. Ngược lại, nếu
vị già làng căn dặn, “hãy nhắm hướng bắc;
ai có sức vượt lên trước còn các ghe khác theo sau để bớt lực cản và dưỡng sức;
ban đêm hãy treo đèn dầu ở mũi ghe để những ai bị lạc thì cứ nhắm quầng sáng
trên biển mà nhập đám.” Chỉ với công thức đơn giản và dễ nhớ ấy, mọi chiếc
ghe sẽ tụ lại thành đoàn cho đến khi tìm ra đảo mới. Hiện tượng đó người tạ gọi
là đoàn kết.
Nghĩa là, đồng ý về mục tiêu chung và tuân thủ một
công thức chung, rồi “hồn ai nấy giữ” thì vẫn tạo được sự đoàn kết. Còn như thiếu
1 trong 2 yếu tố này, thì dù cắt máu ăn thề, dù có yêu thương nhau thắm thiết,
vẫn không thể tránh khỏi tình trạng tản mác hay hỗn độn. Như thế, đoàn kết hay
chia rẽ chỉ là sự thể hiện ra ngoài, còn bản chất là có hội đủ 2 điều kiện kể
trên hay không.
Các cuộc tổng vận động do BPSOS phối hợp hàng năm đều
áp dụng nguyên tắc này. Nhờ vậy mà nhiều người, dù chưa quen biết nhau từ trước,
đã cùng góp sức cho những mục tiêu chung.