Kazuo Ishiguro nhận giải Nobel Văn học 2017
Kazuo Ishiguro in 2015. Andrew Testa for The New York
Times
Tiểu thuyết gia
viết bằng tiếng Anh Kazuo Ishiguro, nổi tiếng vì lối văn thanh đạm nhưng âm vang cảm xúc và lật
đổ một cách sáng tạo các thể loại văn chương.
Ông Ishiguro, 62 tuổi, lừng danh với các tiểu thuyết
“Những gì còn lại của ngày”, [“The Remains of the Day”]
viết về người quản gia của một nhà quý tộc Anh trong những năm trước Thế chiến
2, và “Đừng bao giờ để em/anh đi” [“Never Let Me
Go”] một chuyện tình buồn man
mác nhưng mang chất giả tưởng tồi tệ (dystopian) có bối cảnh là một trường học
nội trú của Anh. Ông bị ám ảnh trở lại những đề tài như thế trong các tiểu thuyết
thường viết theo ngôi thứ nhất, trong đó có sự sai lạc của ký ức, tính khả tử,
và bản chất có nhiều lỗ hổng của thời gian.
“Trộn lẫn Jane Austen và Franz Kafka, ta sẽ có Kazuo Ishiguro
trong một bản tóm tắt, nhưng phải thêm một chút Marcel Proust vào đó,” Sara Danius,
thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển nói. “Rồi quấy lên, nhưng không nhiều quá, thế là
có các văn phẩm của ông này”.
Cô Danius mô tả Ishiguro như “một nhà văn hết sức nguyên vẹn”. “Ông không
nhìn sang bên cạnh”. “Ông đã phát triển một vũ trụ thẩm mỹ hoàn toàn của riêng
mình”.
Sinh năm 1954 ở Nagasaki (Nhật) nhưng học hành ở
Anh, Kazuo Ishiguro nổi tiếng vì lối văn trữ tình, cảm nhận sắc bén về nơi chốn
và sự phân tích thấu đáo hệ thống giai tầng của Anh.
Ishigiro là con một nhà hải dương học, sinh ở Nhật
nhưng di cư sang Anh (hạt Surrey) từ lúc lên 5, và theo học trường tiểu học
Woking [Woking Grammar School], ngôi trường mà ông nói với báo The Guardian “có thể là cơ may cuối cùng để có một hương vị
của xã hội Anh đã quá vãng, đã phai nhạt rất nhanh”.
Trả lời phỏng vấn tờ The Times hai năm trước,
Ishiguro nói rằng ông đã khám phá ra văn học khi còn là cậu bé đọc các câu chuyện
của Sherlock Holmes trong thư viện địa phương. “Tôi lên 9 hay 10 gì đó, và không chỉ bị ám ảnh khi đọc Holmes và
Watson, tôi còn bắt đầu cư xử giống họ… Mọi người lúc ấy coi việc này chẳng ra
gì vì tôi là người Nhật”.
Sau khi học tiếng Anh và triết học ở University of
Kent, Canterbury, ông để ra một năm viết truyện, và cuối cùng giành được bằng
Master về ngành Viết văn với sự giảng dạy của các nhà văn như Malcolm Bardbury
và Angela Carter. Ông cũng viết lời cho ca sĩ nhạc jazz người Mỹ Stacey
Kent.
Ishiguro nổi bật khá sớm trong giới văn chương. Năm
1983, ông lọt vào danh sách các nhà văn trẻ hay nhất của Anh [Granta’s best of
young British writers], cùng với những tên tuổi như Martin Amis, Ian McEwan và
Salman Rushdie.
Hiểu biết sâu về những quy ước và màu mè xã hội của
xứ sở nuôi dưỡng mình đã được chuyển tải trong cuốn tiểu thuyết thứ ba “Những gì còn lại của ngày”, đoạt giải Booker
uy danh, sau đó trở thành bất tử nhờ bộ phim cùng tên với ngôi sao điện ảnh
Anthony Hopkins. Ishiguro nói ông viết cuốn sách trên trong bốn tuần lễ, ở tuổi
32.
Mô tả quá trình viết sách, gọi nó là “the Crash” (Miếng
vải thô), ông viết trong tờ The Guardian: “Suốt
trong the Crash, tôi viết thoải mái, không quan tâm tới văn phong hay nếu như
những gì viết buổi chiều lại ngược với cái đã viết buổi sáng. Ưu tiên là chỉ
đơn giản để cho các ý tưởng đâm chồi và mọc lên. Những câu dễ sợ, đối thoại gớm
guốc, các cảnh không dẫn tới đâu – tôi để cho chúng cứ như thế và rẽ sóng mà
đi”.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên, “Cảnh đồi
xanh xám” [A Pale View of Hills],
năm 1982, viết về một phụ nữ Nhật trung tuổi sống ở Anh, và sau đó là “Một họa sĩ của thế giới trôi nổi” [An Artist
of the Floating World] kể chuyện một họa sĩ già người Nhật sau Thế chiến 2.
Khi viết “The Remains of the Day,”
Ishiguro có lo lắng là mình tự lặp lại khi lại viết một nhân vật ở ngôi thứ nhất
qua lời người kể chuyện không đáng tin cậy, nhưng các nhà phê bình thấy cuốn
sách là một sự khởi đầu hoàn toàn mới.
Ishiguro đã chơi với các thể loại như truyện trinh
thám, truyện viễn tây, khoa học giả tưởng và phóng tưởng. Các nhà phê bình thấy
“Kẻ không được an ủi” [The Unconsoled] là một
tiểu thuyết siêu thực, giống như giấc mơ, khi nó ra đời năm 1995. “Khi chúng tôi/chúng ta là trẻ mồ côi” [When We Were Orphans]
được coi là tiểu thuyết trinh thám. Tiểu thuyết “Never
Let Me Go” năm 2005 được coi như một bước nhảy vọt khác về văn
phong, vào loại khoa học giả tưởng vị lai, mặc dù bối cảnh của nó là thập niên
1990.
Tiểu thuyết mới nhất của ông, “Người
khổng lồ bị chôn” [The Buried Giant], lại lần nữa thách thức mọi
trông đợi. Một câu chuyện phóng tưởng có bối cảnh nước Anh thời Vua Arthur, tập
trung nói về hai ông bà già Axl and Beatrice bỏ làng đi tìm đứa con trai mất
tích và gặp một hiệp sĩ già. Dù là chuyện phóng tưởng, có các loại khổng lồ ăn
thịt người và một con rồng, nhưng đó cũng là chuyện ngụ ngôn khai thác nhiều đề
tài mà Ishiguro đã bận tâm suốt đời, trong đó có bản chất mong manh của ký ức
cá nhân và tập thể.
Chọn Ishiguro, Viện Hàn lâm Thụy Điển, vốn
đã bị phê phán vì sử dụng giải Nobel Văn học để tuyên ngôn chính trị, dường như
tập chú vào giá trị thuần túy văn chương.
Bản dịch của Văn Việt
Nguồn: