21.07.2017

Hoa Kỳ: Người Mỹ gốc Á vẫn thua sút trong vai trò lãnh đạo ngành luật

„…Và người Mỹ da trắng họ quen nhìn người Á Châu là cam chịu và ít khi đấu tranh cho lắm.”

(Phan Quang Tuệ, thẩm phán Tòa Án Di Trú California)

Hoa Kỳ: Người Mỹ gốc Á vẫn thua sút trong vai trò lãnh đạo ngành luật
Tổng chưởng lý bang Hawaii Douglas Chin phát biểu trong một cuộc họp báo vào ngày 9 tháng 3, 2017. Ông là một người gốc Hoa.

Dù người Mỹ gốc Á là nhóm dân thiểu số tăng trưởng nhanh nhất trong ngành luật và hiện diện đông đảo trong những trường luật hàng đầu cũng như những công ty luật lớn ở Mỹ, song họ thua kém tất cả những nhóm sắc dân khác trong việc vươn tới những vị trí lãnh đạo của ngành dù là hành nghề tư nhân, làm việc cho chính phủ hay hoạt động trong lĩnh vực học thuật.


Đó là kết quả của một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Luật Yale và Hiệp hội Luật sư Người gốc Á Thái Bình Dương Quốc gia vừa công bố hôm thứ Ba. Báo cáo này - dựa trên một cuộc khảo sát, những cuộc trò chuyện với những nhóm nhỏ biểu trưng, và phân tích thông tin có sẵn - được mô tả là cái nhìn toàn diện đầu tiên về người Mỹ gốc Á trong ngành luật.

Tăng trưởng của người Mỹ gốc Á trong ngành luật vẫn gây ấn tượng nhưng sự thâm nhập hàng ngũ lãnh đạo của họ vẫn còn chậm,” Goodwin Liu, Thẩm phán Tòa án Tối cao Bang California và là đồng tác giả của nghiên cứu này, nói với báo The Washington Post.

Cụ thể, người Mỹ gốc Á chiếm 10 phần trăm số sinh viên tốt nghiệp tại các trường luật hàng đầu của đất nước mặc dù họ chỉ chiếm 6 phần trăm dân số Mỹ. Nhưng chỉ có 3 phần trăm ngành tư pháp liên bang và 2 phần trăm thẩm phán cấp bang là người Mỹ gốc Á, nghiên cứu cho thấy.

Trong số 94 công tố viên liên bang Hoa Kỳ chỉ có ba người là người Mỹ gốc Á. Và chỉ có bốn trong số 2.437 công tố viên được bầu chọn là người Mỹ gốc Á.

Trong lĩnh vực tư nhân, người Mỹ gốc Á vẫn là nhóm dân thiểu số lớn nhất làm việc trong các công ty luật lớn trong gần hai thập niên, chiếm 7 phần trăm tổng số luật sư. Nhưng họ có tỉ lệ rời bỏ công ty cao nhất và tỉ số đối tác-cộng sự thấp nhất so với bất kỳ nhóm chủng tộc nào.

"Người Mỹ gốc Á có thành tích cao khi cạnh tranh và tuyển chọn với những thước đo khách quan" như điểm thi LSAT (kỳ thi chuẩn hóa tuyển sinh trường luật ở Mỹ) và điểm số. "Nhưng khi tuyển chọn bắt đầu bao gồm những yếu tố vô hình như thăng chức thì họ rơi rụng khỏi tầm ngắm."

Ông Phan Quang Tuệ, một trong số rất ít những thẩm phán người gốc Á phục vụ tại Tòa án Di trú San Francisco ở bang California, nói ông không ngạc nhiên về kết quả nghiên cứu này.

Lớp thứ hai và lớp Á Châu học ở những trường lớn ra, họ đi theo một con đường đã vạch sẵn rồi,” vị thẩm phán đã hồi hưu đưa ra nhận định cá nhân với VOA về thế hệ người gốc Á sinh trưởng tại Mỹ. Thường là họ không quyết liệt và không sáng tạo, tức là họ đi tìm sự ổn định chứ không dám liều lĩnh.”

Ông Tuệ nói tư tưởng “người mở đường” là động lực thôi thúc ông rời bỏ chức vụ trợ lý tổng chưởng lý cấp bang, một công việc mà ông mô tả là ổn định, ở thành phố Des Moines bang Iowa thuộc vùng trung tây vào năm 1988 để chuyển sang thành phố San Francisco, nơi ông sau này vươn lên làm thẩm phán di trú cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.

Eric Chung, sinh viên 24 tuổi tốt nghiệp Trường Luật Yale và là đồng tác giả của nghiên cứu, lưu ý một đặc điểm khác nữa của người Mỹ gốc Á khiến họ tụt khỏi những vị trí lãnh đạo.

“Đối với nhiều người Mỹ gốc Á, cách hành xử truyền thống là cứ lẳng lặng làm việc thật chăm chỉ, không coi trọng sự quen biết bằng nỗ lực của bản thân,” anh Chung nói với The Washington Post. “Nhưng trong một xã hội mà rất nhiều thứ lệ thuộc vào những mối quan hệ xã giao này, điều đó có lẽ chưa đủ.”

Từ kinh nghiệm bản thân, ông Tuệ nói rằng ông thấy rõ những mối quan hệ quen biết rất quan trọng để giúp ông vươn lên vị trí mà ông từng nắm giữ, một phần vì bộ máy quan liêu khổng lồ ở Washington.

Ông nói thêm:

Những công chức quan liêu đi trước, thường khi ở trường luật ra, những trường Ivy League [nhóm những trường đại học danh giá nhất của Mỹ] xong rồi ra làm luật sư cho các công ty. Sau một thời gian họ tham gia một đoàn thể nào đó có những mối quan hệ quen biết thì làm cho Bộ Tư pháp hoặc làm thư ký cho tòa án. Những quan hệ như vậy người mình, sinh viên mình không có. Mình không [theo đuổi] quyết liệt. Và người Mỹ da trắng họ quen nhìn người Á Châu là cam chịu và ít khi đấu tranh cho lắm.

Ông Liu, một trong những tác giả của nghiên cứu, nói những kết quả đảo ngược nhận thức về “thiểu số gương mẫu” gắn liền với người gốc Á. 
Người ta cứ nghĩ người Mỹ gốc Á giỏi quá. Nhưng khi bạn nhìn vào hàng ngũ chóp bu, người Mỹ gốc Á không giỏi tí nào.”


VOA Tiếng Việt