„Điều may mắn là trên quê hương Việt Nam ngày nay, vẫn còn
những con Mockingbird cất tiếng hót lảnh lót tuyệt vời, ca ngợi tự do
công lý như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,
Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu, Trần Hoàng Phúc
v.v... và còn bao người nữa.“
Mockingbird - Con Chim Nhại
Trần Thảo
Bộ
phim "Giết con chim nhại" từng giành ba giải Oscar vào năm 1963 cho
"Nam diễn viên chính xuất sắc" (Gregory Peck), "Chỉ đạo nghệ thuật
xuất sắc" và "Kịch bản chuyển thể xuất sắc".
Sáng sớm tôi hay đưa vợ và con trai đi bộ trong
khoảng một tiếng đồng hồ. Không khí trong lành buổi sáng khiến cho
tôi có cảm giác như buồng phổi của mình cũng reo hò mừng rỡ. Và
hầu như mỗi ngày, nơi góc đường, trên một trụ điện cao, tôi luôn thấy
bóng dáng một chim nhỏ, cất tiếng hót lảnh lót thật hay. Cứ khoảng
nửa phút đồng hồ, chú chim lại nhảy tung lên, cánh xòe ra để lộ hai
vạch trắng thật đẹp. Trông bộ dạng của chú chim, tôi nghĩ đó là một
con chim trống đang ra sức gợi tình. Tiếng hót cao vút của nó nghe như
tiếng gọi người tình: "Em ở đâu thế, tới với anh đi nào!".
Thưa các bạn, con chim nhỏ ở trên chính là con
Mockingbird. Tôi không rõ bên Việt Nam có giống chim này hay không, nhưng
trong từ điển Anh-Việt, Mockingbird được dịch là con chim Nhại.
Tôi bắt đầu để ý tới con mocking bird khi
đọc To Kill A Mockingbird, một tác phẩm văn xuôi đoạt giải
Putlizer của nhà văn nữ Harper Lee.
Nhà văn Harper Lee được sinh ra và lớn lên trong
thời kỳ Đại Suy Thoái (The Great Depression). Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin
Delano Roosevelt, với tài lãnh đạo tuyệt vời, đã đưa Hoa Kỳ thoát
khỏi đại nạn suy thoái và sau đó phát triển vượt bực. Nhưng cũng từ
thời kỳ Đại Suy Thoái kéo dài cho đến thập niên 1960, vấn đề nổi
cộm của xã hội Hoa Kỳ chính là kỳ thị chủng tộc, màu da. Chính vì
vấn đề này mà trong thập niên 1960 đã nổ ra những phong trào tranh
đấu cho nhân quyền, cho sự bình đẳng của con người một cách rộng lớn
tại Hoa Kỳ mà Martin Luther King là ngọn cờ đầu.
Trong To Kill A Mockingbird,
nhà văn Harper Lee đã chọn con chim Mockingbird làm một biểu tượng vô
hại, trong sáng của con người, và bà đặt vấn đề
tại sao con người lại để thành kiến về màu da làm cho họ quay mặt
với lương tri, áp đặt tội lỗi lên những người vô tội, cũng giống như
con chim Mockingbird, nó chỉ dâng hiến cho đời giọng hót thanh thót,
tuyệt vời, thế nên giết con Mockingbird chính là một tội ác.
Phim nói về thời kỳ đen tối của nước Mỹ khi sự phân biệt giàu nghèo, giai cấp và màu da còn quá lớn.
Trong tác phẩm đoạt giải Pulitzer của mình,
Harper Lee đã miêu tả nhân vật luật sư Atticus Finch như một người của
lương tri, đấu tranh cho công lý mà không màng để ý tới những chỉ
trích đầy thành kiến của đám đông khi đứng ra biện hộ cho Tom
Robinson, một người đàn ông da đen vô tội nhưng bị vướng hàm oan trong
một vụ án hãm hiếp người con gái da trắng nghèo nàn tên là Mayella
Ewell. Tom Robinson chính là nạn nhân của tình trạng kỳ thị sắc tộc
đã có từ lâu đời trong xã hội Hoa Kỳ.
Thông điệp mà Harper Lee muốn nhắn
gửi trong tác phẩm To Kill A Mockingbird chính là bạn không nên về hùa
với đám đông đầy thành kiến mà nên giữ vững lương tri, biết phân biệt
tốt xấu, đúng sai.
Liên hệ nội dung chủ đạo của tác phẩm To
Kill A Mockingbird với những gì mà dân tộc Việt Nam phải chịu
đựng trong gần một thế kỷ qua, tôi đã nhận ra nhiều điều thật ý
nghĩa.
Đất nước Việt Nam cũng có nhiều sắc dân khác
nhau sinh sống, nhưng phần lớn những dân tộc thiểu số sống trên vùng
cao, không chung đụng với người Kinh, vì vậy việc đụng chạm sắc tộc,
kỳ thị màu da hầu như không có. Chỉ đặc biệt ở vùng biên giới phía
tây nam giữa Việt Nam và Cambodia thỉnh thoảng xảy ra đụng chạm sắc
tộc, có khi đổ máu, và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhưng tai hại do
đụng chạm sắc tộc chẳng ăn nhằm gì nếu so với tai hại long trời lở
đất mà chủ nghĩa cộng sản đã mang tới cho dân tộc Việt Nam trong gần
một thế kỷ qua.
Thật vậy, từ khi Hồ Chí Minh và đồng bọn đem
chủ nghĩa cộng sản về nhuộm đỏ Đông Dương thì tai hại ghê rợn của
nó đã gấp trăm ngàn lần những tai hại về đụng chạm sắc tộc.
Thí dụ như vụ Cải Cách Ruộng Đất ở ngoài
miền bắc Việt Nam trong thời gian 1953-1956. Hồ Chí Minh và đồng bọn
đã tuân lệnh Mao Trạch Đông tiến hành quét sạch giai cấp tư sản, địa
chủ, biến nhân dân thành đơ-zem cùi bắp, bần cùng hóa để dễ bề cai
trị.
Vì được tuyên truyền rỉ tai về một tương lai
giàu có với cơm áo gạo tiền, thủ đắc được tài sản của địa chủ, tư
sản sau khi tiêu diệt được giai cấp này, những người nông dân miền bắc
VN đã như một lớp người lên cơn động cỡn, điên cuồng. Nhảy múa trước
mắt họ là hình ảnh căn nhà ba gian sáng ngời liễn đối, gạo lúa của
cải, có khi là cái sập gụ bằng gỗ quí, cái phản gỗ lim đen bóng,
những bộ áo quần quí giá, khăn đóng áo dài, có khi chỉ là cái lu
đựng nước v.v...
Những con người chơn chất, ngày nào sống hiền
hòa lương thiện sau lũy tre làng, bỗng chốc được HCM và đồng bọn tiêm
cho mũi thuốc "hận thù giai cấp", đã lồng lên như những con
thú say máu, rống lên những câu đả đảo, giết, chôn sống theo
những tiếng loa vang của cán bộ Việt Minh. Đám đông say máu và say
mồi đó không còn biết gì đến lương tri, họ ùa theo đám đông để kết
tội chết cho gần hai trăm ngàn người dân vô tội. Những tòa án nhân dân
sơ sài dựng lên khắp nơi, với những tên chánh án mà một chữ cưa đôi
cũng không biết, chỉ biết vâng dạ tuân theo lời đảng. Sau này chính
HCM đã ký những sắc lệnh để đôn những tên chánh án ốt dột này lên
làm chánh án i tờ ở những toà án huyện hay thành phố. Người cộng
sản họ không cần biết đến kiến thức luật gì cả. Lê Duẩn từng nói
không cần luật pháp, chỉ cần phê và tự phê là đủ. Và những tên ngồi
vai chánh án gốc nông dân kia làm gì biết đặt vấn đề đúng sai, xấu
tốt, chỉ biết cúi đầu nghe lịnh đảng răm rắp. Ngành tư pháp của CSVN
qua gần một thế kỷ vẫn y như cũ, có khác gì đâu!
Sau khi đã hầu như làm biến dạng bộ mặt xã
hội miền bắc bằng cái gọi là CCRĐ, cái độ cong của vật cần sự uốn
nắn đã tạm đủ, nếu làm quá nó sẽ gãy, Hồ Chí Minh và đồng bọn
chuyển qua màn hai của vở kịch CCRĐ. Võ Nguyên Giáp thay mặt đảng ra
nhận lỗi trước toàn dân vì trong quá trình thực hiện CCRĐ, đảng đã
mắc "sai lầm". Hồ Chí Minh xuất hiện với cái khăn mù soa
thấm giọt nước mắt cá sấu, khóc thương cho bà Nguyễn Thị Năm và gần
hai trăm ngàn nạn nhân vô tội bị chính ông ta ra lệnh giết chết một
cách dã man như thời trung cổ.
Ôi, cái tai hại do kỳ thị chủng tộc, kỳ thị
màu da đã khiến cho xã hội Hoa Kỳ trải qua những đau thương, và mãi
cho tới ngày nay, cái tai hại đó vẫn còn di căn. Nhưng cái tai hại
đó, so với cái họa cộng sản trên đất nước Việt Nam thì cũng như một
hạt cát trong bãi sa mạc mênh mông. Chủ nghĩa cộng sản đã làm cho con
người Việt Nam hoàn toàn thay đổi. Tham vọng cá nhân, thiếu vắng kiến
thức, cuồng đảng cuồng bác, tư tưởng vọng ngoại, nô lệ, xem thường
sức mạnh đoàn kết dân tộc, tất cả gom lại đã đẩy dân tộc ta, đất
nước ta vào chổ vạn kiếp bất phục.
Điều may mắn là trên quê hương Việt
Nam ngày nay, vẫn còn những con Mockingbird cất tiếng hót lảnh lót
tuyệt vời, ca ngợi tự do công lý như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Huỳnh Duy
Thức, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu, Trần Hoàng Phúc v.v... và còn
bao người nữa.
Đó là những tâm hồn trong sáng, chỉ
mong đem lại những điều tốt đẹp cho đất nước và dân tộc,
nhưng cả một chế độ chỉ biết bảo vệ quyền lợi của đảng, của nhóm
lợi ích, của gia tộc và cá nhân, đã nhìn những biểu tượng sáng
chói của tinh thần tự trọ̣ng, yêu chuộng tự do công lý này như những
vật cản cho tham vọng của chúng. Chúng sẵn sàng dùng tất cả phương
tiện, dù tàn bạo nhất, để vùi dập, giết đi tiếng hót của những con
chim Nhại.
Người ta chỉ nhìn con chim Mockingbird như một
con vật dễ thương, mỗi buổi sáng dâng cho đời tiếng hót tuyệt mỹ,
nhưng bản thân tôi lại nhận ra một bản năng khác khá đặc biệt của con
chim này.
Chính tôi nhiều lần chứng kiến tinh thần dũng
cảm của Mockingbird. Con chim thon thả này khi gặp phải Sóc hay là
Hawk, một loại chim Ó lớn gấp đôi chim Bồ câu, xâm phạm lãnh địa, nó
tấn công kẻ địch tới tấp dù kẻ địch lớn xác hơn nó quá xa. Sóc hay
Hawk gì cũng đều chạy dài, và điều đó để lại trong tôi niềm kính
trọng con chim đáng yêu.
Sẽ rất khập khiễng khi so sánh con người với
con chim, nhưng sao khi gặp cảnh Mocking bird chiến đấu bảo vệ địa bàn,
tôi bất chợt lại nhớ tới lời phát biểu của cựu Bộ trưởng quốc
phòng Việt Nam, người mang quân hàm đại tướng của cái gọi là quân
đội nhân dân, Phùng Quang Thanh: "Nhân dân khắp nơi ghét Trung
Quốc như vậy thật là nguy hiểm!"
Tôi còn biết nói gì đây?
Trần Thảo