Nhân viên ICE bắt giữ một nghi phạm hôm
11/2/2017 ở Los Angeles, California AFP
Kể từ lúc tổng thống Donald Trump chính thức bước
vào Nhà Trắng vào tháng 1 năm nay với chính sách nhập cư và di trú nghiêm
nhặt hơn trước, không chỉ tập thể người Mỹ La Tinh mà cả Châu Á, trong đó
có người Việt Nam không được nhập quốc tịch Mỹ vì phạm luật và từng ở tù, là đối
tượng của lệnh trục xuất từ Cơ Quan Di Trú Và Hải Quan Hoa Kỳ, gọi tắt là ICE.
Bị trả về vì phạm tội
Huy Trần là một trong những trường hợp bị chính phủ
Mỹ trục xuất mới đây vào ngày 1 tháng Sáu 2017 vì những vi phạm pháp luật của mình
bất chấp thực tế là anh đã sống ở Mỹ gần 30 năm và nói thạo tiếng Anh hơn tiếng
Việt.
Năm 1989, Huy Trần theo mẹ sang Mỹ định cư lúc anh
được 8 tuổi. Tại Hoa Kỳ, Huy bắt đầu hút cần sa những năm cuối trung học, khi
lên đại học cộng đồng Alabama, là tiểu bang mà gia đình anh cư ngụ, Huy quay
sang dùng và nghiện thuốc giảm đau. Năm 2012, Huy bị bắt vì tội trộm cắp, bị
kêu án tù 3 năm tại Trung Tâm Chỉnh Huấn Alabama. Mãn hạn tù năm 2015, Huy Trần
bị đưa ra tòa di trú với phán quyết trục xuất. Huy Trần đã đậu quốc tịch Mỹ từ
năm 2010 nhưng anh đã không bao giờ có quốc tịch Mỹ. Giải thích với đài Á châu
Tự do lý do mình không có quốc tịch Mỹ, Huy Trần cho biết:
Tôi đã đậu và được dặn trở lại 90 ngày
sau. Tôi đã không bao giờ trở lại, nghiện ngập làm tôi trở thành bất cần đời.
Đó là tại sao tôi không có chứng chỉ nhập tịch vì tôi không bao giờ trở lại để
làm lễ tuyên thệ.
Vì nằm trong diện trục xuất, Huy Trần bị giữ lại
trong trại giam. Ngày 1 tháng Sáu 2017, anh được chuyển từ nhà tù bang
Louisiana về nhà tù bang New Jersey, trước khi được đưa ra phi trường New
York:
Hiện tôi đang ở Sài Gòn, ngày 1 tháng
Sáu sau khi trục xuất tôi thì họ đưa tôi về đây. Bây giờ tôi đang ở với
anh chị họ, tôi phải kiếm việc làm, cái gì cũng lạ ở đây.
Được hỏi anh có gặp khó khăn gì lúc đến phi trường
không, Huy Trần trả lời:
Không, thực sự không có gì. Khi tôi đến
phi trường thì một người đưa tôi vào một căn phòng, một người khác hỏi lý lịch
của tôi, hỏi lý do vì sao tôi đến Mỹ. Ông này tiếp tục hỏi đi hỏi lại là
tôi sẽ ở đâu, sẽ làm việc gì. Tôi trả lời là tôi không biết, tôi sẽ đến ở nhờ
nhà bà con và hy vọng họ sẽ giúp tôi. Tôi nói gia đình tôi ở Hoa Kỳ, tôi có mẹ ở
bên đó.
Từ Alabama, mẹ của Huy Trần,bà Nguyễn, chỉ hay tin
con mình bị trục xuất từ nhà tù về lại Việt Nam trong một phút ngắn ngủi
anh Huy Trần được phép gọi mẹ từ phi trường:
Khoảng gần 2 giờ trưa giờ New York
thì cháu gọi về, nói cháu đang ở phi trường New York, người ta sẽ đưa
cháu về Việt Nam. Cháu chỉ gọi được có một phút thôi, tới đó người ta đưa cho
cháu một giấy thông hành có chữ ký của người Việt Nam.
Những người Việt đến Mỹ mà từng phạm pháp khi
chưa có quốc tịch, dù đã ra tù và trở lại cuộc sống bình thường nhưng vẫn phải
đi trình diện với ICE mỗi 6 tháng một lần hoặc mỗi năm một lần. Từ tháng
Ba năm 2017 đến nay, một số đã bị nhân viên ICE đến nhà bắt đi hoặc bị giữ lại
ngay khi trình diện với ICE. Chỉ nội hai tuần đầu
tháng Ba 2017, gần 100 người Việt bị bắt lại rồi được chuyển về trại
giam Quận York ở Pensylvania, trại giam Krome ở Florida, nhà tù Eloy ở
Arizona, trung tâm giam giữ Lumpkin ở tiểu bang Georgia.
Đây là số liệu trong thông cáo báo chí mà APIROC soạn
thảo chung với các tổ chức yểm trợ khác như Vietlead ở Philadelphia,
SEARAC ở Wahington DC hay SEAC ở North Carolina. APIROC Asian Pacific
Island Re-Entry Orange County là một tổ chức đấu tranh cho sự tái hòa nhập của
Người Châu Á Thái Bình Dương. Anh Nguyễn Thanh Tùng, người sáng lập APIROC, người
cũng từng bị cầm tù ở Quận Cam nói với đài Á Châu Tự Do về tình hình những người
Việt bị trục xuất khỏi nước Mỹ gần đây:
Em đã từng qua 18 năm tù rồi được thả ra
năm 2011. Khi về lại quận Cam, mục tiêu của em là thành lập APIROC nhằm giúp đỡ
cho những người ra tù có được một chương trình giúp đỡ để làm lại cuộc đời.Thời
gian gần đây qua tìm hiểu tụi em biết chính phủ mới của tổng thống Trump
có liên lạc với chính phủ bên Việt Nam, yêu cầu Việt Nam nhận người bị trục xuất
về. Sau đó xảy ra vấn đề là bên văn phòng Sở Di Trú bắt đầu tìm người Việt Nam
nhốt đi để chuẩn bị trục xuất. Khi trục xuất họ phải theo cái gọi là
Repatriation Agreement hay MOU Memoramdum of Understanding là chỉ những người đến
Mỹ sau 1995 thì Sở Di Trú mới có quyền trục xuất.
Đa số những người mà chính quyền Trump
coi như mục tiêu trục xuất là những người có tiền án trước khi trở thành
công dân Mỹ. Phạm án rồi thì theo luật Mỹ coi như mình mất quyền công
dân, mình bị đưa qua một chương trình coi như sẽ bị trục xuất về nước.
Khổ nỗi trong thời gian mà văn phòng Sở
Di Trú đi lùng bắt mấy người Việt Nam thì không biết vô tình hay cố ý họ bắt
luôn nhiều người đến trước 95. Hoàn cảnh đó rất là không công bằng vì những
người đến trước 95 thuộc về chương trình tị nạn, không nằm trong trường hợp của
hợp đồng Repatriation Agreement hay MOU giữa Việt Nam và nước Mỹ về vấn đề trục
xuất.
Người Thượng cũng bị trục
xuất
Và không riêng người Việt mà cả người miền
núi, tức người Thượng Tây Nguyên đang sống ở Hoa Kỳ, cũng bị trục xuất về Việt
Nam vì lý do có tiền án và từng bị tù. Từ thành phố Charlotte,
bang North Carolina, luật sư Nguyễn Thành Tín, nói về 2 người Thượng trong diện
bị trục xuất mà 1 người đến Mỹ năm 1998 và đã bị trả về Việt Nam hôm 1 tháng Bảy
vừa qua:
Tôi là luật sư chuyên về di trú, tình
nguyện cho tổ chức SEAC Liên Minh Đông Nam Á ở Charlotte, North Carolina. Hai hồ
sơ là người dân tộc miền núi, một người Xê Đăng quê ở Kontum đã bị
trục xuất thứ Ba tuần trước. Người dân tộc Ja Rai hiện bị
giam ở nhà tù Lumpkin bang Georgia và đang chờ ngày ra tòa lại để xin được ở lại
nước Mỹ đây.
Người Xê Đăng đã bị trục xuất là hồi đó
bị án về buôn bán ma túy, ở tù 35 tháng rồi sau đó Sở Di Trú chuyển đến
trại giam để bắt đầu trục xuất. Ngày ra tòa đầu tiên là 2 tháng Sáu 2016,vì
không có luật sư và không biết gì hết thì người đó đã chấp nhận lệnh trục
xuất về Việt Nam.
Trước đó chính phủ Việt Nam không cấp giấy tờ hồi
hương cho những người thuộc diện bị trục xuất được nói đến ở đây, luật sư Nguyễn
Thành Tín giải thích tiếp:
Thế nhưng sau ngày mùng 5 tháng Bảy 2017
Việt Nam và Hoa Kỳ có một buổi họp để nói về việc trục xuất, sau đó nhà nước Việt
Nam cấp cho người Sedan này một giấy hồi hương. Ngày 1 tháng Bảy 2017 người này
bị trả về Việt Nam. Đây là lần đầu tiên nhà nước Việt Nam cấp giấy hồi
hương cho người bị trục xuất cho nên đây là trường hợp đầu tiên có người dân tộc
bị trả về Việt Nam.
Người thứ hai, qua Mỹ năm 2004 mà luật sư Nguyễn
Thanh Tín đang cố giúp cho được ở lại thay vì bị trả về, là người dân tộc Ja
Rai. Năm 2013, do mâu thuẫn với hàng xóm, người này đã xô xát rồi còn dọa
đốt xe của người cùng xóm. Khi ra trước tòa, vì không thông hiểu luật lệ nên
người này đã nhận cả 2 tội hình sự mà tòa gán cho ông:
Tòa không cho đi tù mà cho hưởng án treo
12 đến 25 tháng và chỉ đi trình diện 3 năm. Tháng Chín năm ngoái người
này đi săn nai trái phép ngoài tiểu bang South Carolina, bị cảnh sát bắt và báo
cho an ninh liên bang rồi chuyển đến nhà tù ở Georgia. Khi xét thấy đã phạm
hai tội hình sự trước đó thì người Ja Rai này bị giam từ tháng Chín 2016
đến giờ để bắt đầu thủ tục trục xuất.
Điều mà luật sư Nguyễn Thành Tín hy vọng thuyết phục
được quan tòa ngưng lệnh trục xuất người Ja Rai này là nếu bị trả về Việt Nam
thì có thể bị nhà cầm quyền gây khó khăn:
Vì gia đình của ông ta theo đạo Tin Lành
Dega mà hiện tại nhà nước Việt Nam cấm. Hơn nữa gia đình ông ta hồi đó theo
Fulro, ba của ông ta bị nhốt trong tù năm 2010 sau đó bị giết chết. Tôi nghĩ
70% hồ sơ này sẽ thắng ở trong Stuart Immigration Court Tòa Di Trú Stuart
ở Georgia.
Thời Obama vì Việt Nam không cấp giấy hồi
hương cho nên họ được thả ra rồi hàng năm phải đi trình diện, nhưng bây giờ mấy
người qua sau 95 mà có lệnh trục xuất thì sợ rằng Sở Di Trú sẽ kêu đi trình diện
rồi họ sẽ bắt luôn vì Việt Nam đã cấp giấy hồi hương rồi.
Cộng đồng người Việt thấp
thỏm lo âu
Đây cũng là nỗi lo lắng từng ngày của một người tên
Kiệt ở San Jose. Anh Kiệt sợ rằng đến ngày trình diện Sở Di Trú 7 tháng Tám tới
đây anh sẽ bị bắt trở lại để trục xuất:
Tôi qua Mỹ diện ODP tháng Mười Hai năm
1993, vướng vô xì ke, bị bắt năm 2001, 2003 mới ra. Khi ra họ không cho về mà
đưa thẳng lên nhà tù Sở Di Trú ở Eloy, Arizona. Trên đó trong vòng 4 tháng họ
làm giấy tờ trục xuất tôi xong họ nói bên Việt Nam không nhận người đi trước 95
nên họ cho tôi về, kêu tôi đi trình diện mỗi 6 tháng và sau đó là mỗi
năm.
Nay thì tôi rất sợ chính phủ hiện
tại trục xuất tôi nên tôi phải nhờ luật sư. Cuộc sống tôi bây giờ rất khó khăn,
ngày nào cũng lo lắng có người gỏ cửa. Thang Tám này tôi đi trình diện không biết
họ có giữ tôi lại không, tôi nghe nhiều người nói nếu họ muốn bắt mình lại thì
họ sẽ chờ tới ngày đi trình diện thì họ giữ lại luôn. Lo giữ lắm, tinh thần hoảng
loạn luôn.
Theo số liệu của APIROC, người Việt dính
đến hệ thống xử lý hình sự của Hoa Kỳ tương đối cao so với các cộng đồng thiểu
số Đông Nam Á khác. Anh Nguyễn
Thanh Tùng cho biết:
Theo thống kê từ 1998 cho đến
2010, tổng cộng gần 120.000 người Việt Nam nằm trong hoàn cảnh chờ bị trục xuất.
Đó
là chưa tính từ năm 98 trở về 95 hay là từ năm 98 đi tới 2017 như ngày hôm nay.
Bản thân em lỡ phạm tội năm 17 tuổi, năm
1993. Bây giờ ra tù em sống đàng hoàng, có vợ có con và không làm lỗi nữa. Rồi
tự nhiên hôm nay chính quyền lùng bắt em vì những việc em đã làm quá xa. Là một
trong những người có thể bị bắt, em thấy mình cần phải có tiếng nói để mà chia
sẻ vận động với cộng đồng. Hiện tại chính quyền này đang lùng bắt người Việt
Nam mà như hồi nãy em chia sẻ đó là họ lùng bắt những người trước 95 luôn.
Bà Nancy Nguyễn, giám đốc tổ chức phi chính phủ
Vietlead ở Pensylvania, đang góp sức cùng APIROC cũng như SEARAC Trung
Tâm Hành Động Nguồn Lực Đông Nam Á, và SEAC Liên Minh Đông Nam Á, để trợ giúp
pháp lý cho người Việt có tiền án đã hay chưa bị bắt nhưng đều là đối tượng có
thể bị trục xuất khỏi nước Mỹ, cảnh báo:
Bây giờ ICE làm rất lẹ, bắt vô trung tâm
giam giữ này hai ba ngày là người ta chuyển qua trung tâm giam giữ khác ở tiểu
bang khác để làm thủ tục trục xuất mà người bị trả về cũng như thân nhân không
thể biết trước điều gì.
Đó là hoàn cảnh của Huy Trần đã bị trả về Việt Nam,
của một người con lai tên Tuấn đang bị giam ở Georgia để chờ trục xuất mà
không ai biết khi nào. Chính vì thế, theo bà Nancy Nguyễn cũng như luật sư di
trú Nguyễn Thành Tín, điều vô cùng cần thiết để các gia đình có người
thân bị trục xuất biết cách làm việc với Sở Di Trú cũng như tìm sự giúp đỡ
nơi các tổ chức như Vietlead, APIROC, SEARAC hoặc SEAC.
Thực sự ở Philadelphia có rất nhiều tổ
chức đang chuẩn bị vận động nhưng vì cộng đồng người Việt tại nhiều tiểu bang khác,
nhiều thành phố khác chưa biết nhiều về vấn đề này. Đó là tại sao lần này
VietLead với APIROC đưa ra thông tin cho cộng đồng biết là chuyện này đang xảy
ra và người ta cần được bảo vệ như thế nào.
Được hỏi về việc làm của APIROC tổ chức Đấu Tranh
Cho Sự Tái Hòa Nhập Của Người Châu Á Thái Bình Dương hay VietLead, bà Katrina
Dizon Mariategue, người chuyên trách chính sách di dân trong SEARAC Trung Tâm
Hành Động Nguồn Lực Đông Nam Á, trả lời:
Vietlead là tổ chức có qui cũ mà chúng
tôi đang cộng tác, Tùng Nguyễn của APIROC cũng là người từng tham dự một
khóa huấn luyện của SEARAC hồi năm ngoái. Chúng tôi làm việc rất thân cận với
nhau. Qua VietLead và APIROC mà chúng tôi biết rõ về những cá nhân người
Việt gần đây phải đối diện với nguy cơ bị truc xuất về Việt Nam. Những gì mà
Trung Tâm Hành Động Vì Nguồn Lực Đông Nam Á Searac có thể làm được cùng APIROC
cũng như VietLead là trợ giúp về mặt chuyên môn, liên lạc cũng như góp ý
kiến với luật sư biện hộ cho người có vấn đề di trú, đồng thời quảng bá mọi nguồn
thông tin cần thiết cho truyền thông giòng chính cũng như lôi kéo sự chú ý của
chính giời Mỹ về vần đề này.
Còn theo luật sư Jessica Schnider, chuyên di trú,
giám sát chương trình “Detention Watch” của tổ chức American For Immigrant
Justice ở Miami, Florida, khi đến thăm nhà tù Krome ở Florida bà nhận thấy những
người Việt mắc lỗi lầm trong quá khứ nay đã hoàn lương mà phải đối diện luật di
trú khắc nghiệt như hiện thời thì nhiều phần sẽ có những hậu quả bất công cho họ.
Thanh
Trúc (RFA)