12.07.2017

Nhóm lợi ích quân đội sẽ phải ‘nhả’ sân golf TSN? Thiền Lâm

Nhóm lợi ích quân đội sẽ phải ‘nhả’ sân golf TSN?

Thiền Lâm (NVTB)

Cuộc kháng chiến của nhu cầu xã hội và người dân với nhóm lợi ích “sân golf trong sân bay” có vẻ đang vào hồi kết.

Rốt cuộc, “người phát ngôn của Bộ Quốc phòng” - Thượng tướng, thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng xuất hiện trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) với một khẳng định: “Quân đội sẵn sàng thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất để đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội”.

   Rốt cuộc, “người phát ngôn của Bộ Quốc phòng” đã xuất hiện...


Liệu có thể tin được phát ngôn của ông Vịnh, nhất là trong khung cảnh giới quan chức Việt “bạ đâu ăn đó” và ngữ cảnh “nói dối như rươi”, khi mà mới đây một quan chức cao cấp như Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung còn trơ mặt nuốt lời cam kết “sẽ không truy tố toàn thể nhân dân Đồng Tâm”?

Thực ra, sau kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017 với một làn sóng phản bác bất ngờ dồn dập đối với quốc nạn “sân golf trong sân bay”, đã có vài quan chức cấp trung của quân đội ra “điều trần” cùng vài lời hứa hẹn “quân đội sẵn sàng thu hồi sân golf TSN để phục vụ cho sân bay dân sự”. Tuy nhiên, đó chỉ là lời nói gió thoảng mà chẳng để lại một văn bản đóng dấu ký tên nào.

Mà có ký tên cũng còn chưa chắc. Lăn tay như Chung mà còn phản tố “tôi phải ký vì người dân ép tôi ký” kia mà…

Nhưng vào thời điểm này, bầu không khí lại có vẻ bất lợi hẳn cho nhóm lợi ích quân đội, để vì thế xã hội nhen nhóm hy vọng đòi lại đất sân golf cho sân bay.

Cơ sở quan trọng nhất cho hy vọng trên không phải liên quan trực tiếp đến sân golf TSN, mà là vấn đề “quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà chỉ làm kinh tế quốc phòng” đã trở thành “chủ trương miệng” do Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch mà dàn chuyên gia của ông Lịch nêu ra. Theo đó, đang có một đề án rút từ 88 doanh nghiệp xuống chỉ còn 17 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.

17 doanh nghiệp còn lại, về cơ bản, sẽ mang đặc thù phục vụ cho kinh tế quân đội.

Còn loại hình “kinh tế đơn thuần” như công trình sân golf TSN sẽ đương nhiên không được xem là “kinh tế quốc phòng” mà nhiều khả năng hơn sẽ bị chuyển trả cho sân bay dân dụng.

Hơn nữa, không trả cũng không được.

Trước đây, nhóm lợi ích quân đội và khối giao thông đã mưu tính sẽ dùng dự án sân bay Long Thành để thay sân bay TSN, do đó sẽ được lợi đôi đường: dự án sân bay Long Thành được “tố” đến 18 tỷ USD với chủ yếu là vốn ODA rất dễ “nuốt”, còn sân golf TSN sẽ không bị suy xuyển gì, thậm chí sau khi sân bay TSN chuyển hết về sân bay Long Thành, 800 ha đất của sân bay TSN sẽ bị “xẻ thịt”…

Nhưng người tính không bằng trời tình. “Trời” ở đây lại theo nghĩa đen, khi từ đầu năm 2016 đến nay, máy bay kẹt cả dưới đất lẫn trên trời ở sân bay TSN. Trong khi đó, nguồn vốn ODA muốn vay để xây sân bay Long Thành lại hoàn toàn bế tắc. Thậm chí “chỉ có” 18 ngàn tỷ đồng dùng cho giải tỏa bồi thường khu dân cư quanh dân bay Long Thành mà cả Quốc hội lẫn chính phủ còn tìm không ra… 

Trong tình thể chẳng đặng đừng ấy và khi cả sân bay TSN sắp trở thành một “điểm đen chết chóc”, có lẽ “Quân ủy trung ương” không còn cách nào khác đã phải chỉ đạo các cơ quan quản lý kinh tế của Bộ Quốc phòng “nhả” sân golf TSN cho sân bay dân dụng. 


(Việt Nam Thời Báo)