19.07.2017

Trần Trọng Kim: Khí Lực Văn Chương - Nhân Huân Chính Trị

Trần Trọng Kim:
Khí Lực Văn Chương - Nhân Huân Chính Trị

(Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi của cụ Trần Trọng Kim - Ngày 24.05.2015 tại Việt Báo, California.)

Nguyễn-Xuân Nghĩa

 Chúng ta có nhiều cách đánh giá một nhân vật như Trần Trọng Kim, một người sinh ra khi quốc gia vừa mất chủ quyền vào năm 1883. Nhưng cách đánh giá khách quan và trung thực nhất là phải đặt ông vào hoàn cảnh lịch sử thời đó, chứ không nên dùng những khái niệm đã trở thành phổ biến và được đa số chấp nhận vào thời nay.


Vào thời đó, cả một hệ thống văn hóa và chính trị của Việt Nam bị sụp đổ khiến cho một đất nước từng là cường quốc trong vùng Đông Nam Á lại bị Tây phương khuất phục sau 25 năm tấn công từ Nam ra Bắc. Lãnh thổ của chúng ta, từ Nam kỳ Lục tỉnh đến miền Bắc đã anh hùng đánh bại quân Mãn Thanh 60 năm trước khi giao tranh bùng nổ năm 1859, đều lần lượt rơi vào vòng thống trị của Pháp.

Nhưng dù triều đình đã phải ký “hòa ước”, nào Quý Mùi 1883 nào Giáp Thân 1884, nơi nơi vẫn còn nhiều người tranh đấu để giành lại nền độc lập. Nơi nào có Pháp thống trị, nơi đó có phong trào kháng Pháp. Ngần ấy phong trào đều thất bại. Tại sao?

Vẫn biết rằng “Việt sử là tranh đấu sử” và anh hùng hào kiệt thời nào cũng có, nhưng tại sao lại dân ta thất bại sau ngần ấy hy sinh?

Trưởng thành từ khi nhân loại bước vào Thế kỷ 20, và bắt đầu đi làm khi Á châu vừa qua một cơn chấn động khác là sự sụp đổ của nhà Mãn Thanh ở phương Bắc vào năm 1911, Trần Trọng Kim không thể không tự hỏi “vì sao dân ta thất bại”? Nhất là khi thân phụ của người là cụ Trần Bá Huân cũng từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp.

Câu trả lời của ông được thấy trong cái cách Trần Trọng Kim chọn nghiệp. Là nhà giáo dục.

*

Ông là nhà giáo với ước nguyện mở mang dân trí. Trong ba chục năm liền, từ 1911 đến 1941, ông tận tụy đảm nhiệm rất nhiều công việc, mà ngần ấy việc đều tập trung vào một hướng là nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí.

Bài “Bình Ngô Đại Cáo”, tác phẩm được coi là “thiên cổ hùng văn” của dân tộc do Nguyễn Trãi thảo ra năm 1427 đã lần đầu tiên được dịch từ Hán ngữ sang quốc ngữ cách nay gần trăm năm, vào năm 1916 trong cuốn “Sơ học An Nam Sử lược” cho cấp sơ học. Và được dịch lại hoàn chỉnh vào năm 1919 trong cuốn “Việt Nam Sử lược” dành cho cấp trung học. Trần Trọng Kim là tác giả của hai bản dịch đó. Cho tới nay, bản dịch này vẫn được đánh giá là hay nhất, vì ngôn ngữ có thần, với phần đóng góp của học giả Bùi Kỷ.

Tức là Trần Trọng Kim muốn hun đúc tinh thần yêu nước cho giới trẻ, từ khi còn nhỏ. Tầm nhìn rất sâu và độ mở rất rộng qua mọi lãnh vực tư tưởng của các công trình biên khảo và trứ tác của một con người tân học phải được nhìn thấy từ đó, với hai chục cuốn sách đủ loại chưa kể cả trăm bài viết có khi đang thất truyền.

*

Thế kỷ 20 cũng là khi Việt Nam bước qua một cuộc cách mạng văn hóa ít được chú ý, hoặc còn bị đánh giá sai.

Trải qua ngàn năm độc lập, dân ta vẫn dùng chữ Hán để truyền đạt tư tưởng, nhưng cố giữ lấy hồn nước bằng chữ Nôm mà dân ta gọi là “quốc âm”. “Âm” và “quốc” là hai điều ta nên nhớ khi hiểu được tầm quan trọng của ngôn ngữ. Nhưng khi “quốc âm” vừa thắng thế vào thế kỷ 18 mà chưa kịp thấm vào mọi giai tầng xã hội thì cũng là lúc quốc gia bị khuất phục trong thế kỷ 19.

Sau đó, ngôn ngữ lại bị đổi một lần nữa!

Bắt đầu từ thế kỷ 20 thì người ta dùng mẫu tự Latinh để diễn tả lời nói và gọi đó là “quốc ngữ” cho cả nước. Từ “quốc âm” qua “quốc ngữ”, dân ta đã làm một cuộc cách mạng văn hóa, hoặc bị áp đặt một thứ cách mạng. Nhiều người cho rằng nhờ đó mà dân ta đã có thể canh tân.

Đấy là một sai lầm nếu ta nhớ đến hai nước đã rất sớm canh tân và đang trở thành hiện đại nhất mà vẫn dùng ngôn ngữ cũ, là Nhật Bản và Đại Hàn.

Nói theo danh từ điện toán của thế kỷ 21, dân ta vừa thay đổi “nhu liệu” hay “software”, khiến cho việc thông hiểu di sản tinh thần của tổ tiên bị cách ngỡ. Đa số không còn biết Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du, Nguyễn Huệ nói sao và viết gì. Đọc lại các bài phú của Ngô Thì Nhậm hay thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Phan Huy Ích, thậm chí Truyện Kiều hay Thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm... là phải có người thông dịch.

Trong giai đoạn giao thời đầy những khó khăn và băn khoăn giữa hai vùng cũ mới, Trần Trọng Kim là người đi tìm chìa khóa cho đời sau hiểu được đời trước mà khỏi đánh mất quốc hồn.

*

Chẳng những vậy, với sự tài hoa của người tân học mà thấm nhuần cựu học, ông đã “làm mới văn chương” trước khi khái niệm này được đời sau nói tới.

Con người Trần Trọng Kim có khí có lực và điều ấy phản ảnh qua ngôn ngữ văn chương của ông. Từ sau Trần Trọng Kim, dân ta không còn viết như trước với nhịp điệu biền ngẫu, mà dùng những chữ đơn giản, súc tích, viết ra và nói ra là ai cũng hiểu.

Trong cuộc cách mạng bất ngờ hay bất đắc dĩ, Trần Trọng Kim góp phần bảo tồn di sản và vẽ ra hướng mới trong một địa hạt quan trọng nhất của xã hội, là ngôn ngữ, là khả năng truyền đạt.

Ba chục năm đầu của nhà giáo dục đại chúng Trần Trọng Kim là những cống hiến lớn lao như vậy về lượng. Với “khí lực văn chương” là nét đặc sắc về phẩm. Chỉ nội việc đó cũng đủ để hậu thế phải tìm lại và giữ lại các công trình biên khảo và trứ tác của ông.

Trần Trọng Kim Toàn Tập” là một nhu cầu cho các thế hệ về sau.

*

Khốn nỗi vận nước lại chìm trong những xoay vần của thế giới.

Không gian hành xử của dân ta hết còn kích thước hai chiều Nam và Bắc, là nước Nam và Trung Hoa, mà cũng chẳng còn là cái tam giác Tây-Ta-Tầu nữa. Chúng ta trôi vào không gian đa chiều với việc thực dân Pháp bị đánh bại ở bên Pháp và Nhật Bản can thiệp vào Việt Nam.

Trần Trọng Kim không thể không hiểu ra điều ấy, khi ông viết:

Năm Quý Mùi (1943) là năm trăng mờ gió thảm, tiếng chiến tranh inh ỏi khắp hoàn cầu, toàn xứ Ðông Dương bị quân Nhật tràn vào, họa chiến tranh mỗi ngày một lan rộng. Dân Việt bị đói kém đau khổ đủ mọi đường, lại căm tức về nỗi nước nhà suy nhược phải bị đè nén dưới cuộc bảo hộ trong sáu bẩy mươi năm, cho nên ai cũng muốn nhân cơ hội ấy mà gây lại nền độc lập đã mong mỏi từ bao lâu.

"Trong khi Pháp đang bị cái nạn chiến tranh, người Pháp đối với người Việt Nam không đổi thái độ chút nào, mà người Nhật lại muốn lợi dụng lòng ái quốc của người Việt để quyến dụ người ta theo mình. Người Việt Nam không phải là không hiểu cái tâm địa người Nhật, song có nhiều người muốn thừa cơ hội hiện tại mà phá vỡ cái khuôn khổ bé hẹp nó ràng buộc mình đã bao lâu để gây ra cái không khí mới, rồi sau thế nào cũng tìm cách đối phó. Phần nhiều người trí thức trong nước đều có cái quan niệm ấy, nhưng vì thế lực không đủ, cho nên không ai hành động gì cả, trừ một bọn người hoặc vì lòng nóng nảy, hoặc vì lòng ham danh lợi chạy theo người Nhật.

"Nước Nhật Bản trước vốn là một nước đồng văn đồng hóa ở Á Ðông, nhưng sau đã theo Âu Hóa, dùng những phương pháp quỉ quyệt để mở rộng chủ nghĩa đế quốc của họ, trước đã thôn tính Cao Ly và Mãn Châu, sau lại muốn xâm lược nước Tàu và các nước khác ở Á Ðông đã bị người Âu Châu chiếm giữ. Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu “đồng minh cộng nhục” và lấy danh nghĩa “giải phóng các dân tộc bị hà hiếp”, nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình. Bởi vậy chính sách của họ thấy đầy những sự trái ngược, nói một đàng làm một nẻo. Cái chính sách ấy là chính sách bá đạo rất thịnh hành ở thế giới ngày nay.

Dùng lời nhân nghĩa để nhử người ta vào tròng của mình mà thống trị cho dễ, chứ sự thực thì chỉ vì lợi mà thôi, không có gì là danh nghĩa cả."

Trần Trọng Kim đã viết như vậy trong cuốn Hồi ký Một Cơn Gió Bụi mà chúng ta chào mừng hôm nay. Ông không thể nhẹ dạ về chính trị như người ta đã phê phán. Ông cũng chẳng thể là bù nhìn tay sai của Nhật của Pháp như nhiều người đã xuyên tạc.

Nhưng tại sao lại có người quy tội cho ông, thậm chí còn muốn thủ tiêu mọi công trình biên khảo và vẽ ra chân dung lệch lạc của một nhân vật yêu nước như vậy?

Bởi vì, từ rất sớm, gần như sớm hơn mọi người từ Nam chí Bắc, Trần Trọng Kim đã nhìn ra bản chất cộng sản đằng sau phong trào Việt Minh. Trong ngần ấy tác phẩm có đặc tính ôn hòa chừng mực của mình, Trần Trọng Kim viết về người cộng sản với sự nghiêm khắc hiếm hoi:

"Cộng sản đảng, theo cách tổ chức và hành động của họ, là một thứ tôn giáo mới, giống như các tôn giáo cũ cốt lấy sự mê tín mà tin, chứ không hoài nghi hay đi trệch ra ngoài. Song các tôn giáo cũ nói có cõi trời, có thiên đường là nơi cực lạc. Cộng sản giáo ngày nay thì hoàn toàn duy vật, nghĩa là ngoài vật chất ra, không có sự tin tưởng nào khác nữa, cho thiên đường không phải ở cõi trời mà chính ở cõi trần gian này. Ai tin theo đạo ấy là phải tin lý thuyết của Các Mác và Lê Nin là tuyệt đối chân chính, đem áp dụng là được sung sướng đủ mọi đường, tức thực hiện được cảnh thiên đường ở cõi đời. Còn về đường tín ngưỡng, thì đạo Cộng sản là đạo hoàn toàn duy vật, tất không ai thờ phụng thần thánh nào khác nữa, nhất thiết phải nghĩ sùng bái những người như Các Mác, Lê Nin, Stalin để thay những bậc thần thánh cũ đã bị truất bỏ.

"Ðã tin mê cái đạo ấy và đã coi lý thuyết ấy là chân lý tuyệt đối, thì ngoài cái lý thuyết ấy ra, là tà giáo, là tả đạo. Ai không tin theo và phản đối những người đứng đầu đảng, tức là những bậc giáo chủ, thì là người phản đạo, tất phải trừng trị rất nghiêm. Vì vậy mới có sự tàn sát những người trong đảng cộng sản theo Trotsky, chủ Cộng sản Ðệ Tứ Quốc tế, là một chi cộng sản phản đối Stalin, người chủ của Cộng sản Ðệ Tam Quốc tế.

"Người cộng sản, khi đã hành động, hay dùng đến chữ giải phóng. Theo việc làm của họ, tôi vẫn chưa hiểu rõ nghĩa hai chữ ấy. Có phải trước kia có cái cũi giam người, bây giờ họ đem cái cũi kiểu mới đến bên cạnh rồi bảo người ta chạy sang cái cũi mới ấy, thế gọi là giải phóng không? Nếu cái nghĩa giải phóng là thế, thì cũi cũ hay cũi mới cũng vẫn là cái cũi, chứ có hơn gì?"

"Cái thủ đoạn của Việt Minh là dùng mọi cách bạo ngược, tàn nhẫn, giả dối, lừa đảo để cho được việc trong một lúc. Ngay như họ đối với Việt Nam Quốc dân đảng nay nói là đoàn kết, mai nói đoàn kết, nhưng họ vẫn đánh úp, vẫn bao vây cho tuyệt lương thực. Khi họ đánh được thì giết phá, đánh không được thì lại đoàn kết, rồi cách ngày lại đánh phá. Dân tình thấy thế thật là ngao ngán chán nản, nhưng chỉ ngấm ngầm trong bụng mà không dám nói ra. Nên dân gian thường có câu “nói như Vẹm”. Vẹm là do hai chữ Việt Minh viết tắt VM, đọc nhanh mà thành ra."

Ngày nay, sự thật rất căn bản ấy đều được mọi người công nhận, kể cả những người đã tham gia phong trào cộng sản vì lầm tin vào lý tưởng giải phóng dân tộc. Chính là từ trong hàng ngũ này mà chúng ta hiểu thêm về người cộng sản và những thủ đoạn lừa bịp, kể cả và nhất là hành động cướp chính quyền mà Cộng sản gọi là Cách mạng Tháng Tám, ngày 19 Tháng Tám năm 1945.

Cũng chính vì vậy mà sau Thế chiến II, Việt Nam vẫn không có độc lập. Và 70 năm sau là ngày nay còn bị mất chủ quyền sau khi đã mất mấy chục năm chinh chiến điêu linh.

*

Trong cả một kho trứ tác đồ sộ như một di sản lớn lao và quý báu cho hậu thế, cuốn “Một Cơn Gió Bụi” không chỉ là tập bút ký nói lên cái nhìn của Trần Trọng Kim về giai đoạn ngắn ngủi khi ông phải làm Thủ tướng đầu tiên của một nước Việt Nam lần đầu có độc lập kể từ khi ông ra đời. Đấy là một giai đoạn mà ông coi là “một cơn gió bụi” cho bản thân.

Cuốn Một Cơn Gió Bụi cho thấy cái “nhân huân chính trị” của Trần Trọng Kim, là những công lao chính trị của Nội các Trần Trọng Kim trên nền tảng nhân bản của một bậc chính nhân quân tử.

Cuốn sách còn là chứng sử của người viết sử lão thành về những lầm than của đất nước giữa nhiều chọn lựa đều nan giải - mà sau cùng lại chọn giải pháp tệ hại nhất. Những gì đang xảy ra cho đất nước ngày nay có những nguyên nhân sâu xa nằm trong nội dung của cuốn sách.

Lời cuối ở đây là thế hệ trẻ ngày nay cần tìm đọc tác phẩm này để hiểu ra sự thật đã bị khỏa lấp quá lâu.

Trong thế hệ trẻ ngày nay, anh chị em chủ trương tuần báo Sống và cơ sở Xuất bản Sống đã không quản ngại khó khăn mà tái bản cuốn hồi ký duy nhất của Trần Trọng Kim và cho phát hành qua hệ thống Amazon rất hiện đại. Nhờ vậy, Trần Trọng Kim đã trở lại với chúng ta trong thế kỷ 21.

Và cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ nên yêu cầu mọi thư viện bên Mỹ phải có "Một Cơn Gió Bụi" để mọi người cùng có thể tham khảo rộng rãi. Những người có khả năng thì nên tìm cách phiên dịch ra ngoại ngữ để thế giới hiểu rõ hơn về đất nước và dân tộc Việt Nam.

Sau cùng, thế hệ trẻ của người Việt tham gia sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ có thể tìm thấy trong tác phẩm nhiều chỉ dẫn thiết thực khi cần tác động vào chính trường Hoa Kỳ để phát huy chính nghĩa của người Việt và để bảo vệ quyền lợi của quê hương ngày nay vẫn chưa ra khỏi những nguy cơ của một tôn giáo vô thần.

Cái tôn giáo cộng sản không chỉ giữ độc quyền chân lý và làm thui chột dân trí. Nó giữ độc quyền diễn giải quá khứ, nắm quyền kiểm soát hiện tại và đưa tương lai vào vòng nguy nàn.

Vạch trần sự thật về quá khứ là bước đầu để gỡ bỏ ách độc tài với hiện tại, và tìm ra cho dân tộc một tương lai sáng láng hơn.

Xin cám ơn nhà Xuất bản Sống.
_____
Hai chữ này, Khí Lực Văn Chương - Nhân Huân Chính Trị, là lấy từ tác phẩm của Trần Trọng Kim.