31.07.2017

VN bắt thêm 4 người trong vụ án Nguyễn Văn Đài

VN bắt thêm 4 người trong vụ án Nguyễn Văn Đài
Bản quyền hình ảnh OTHER Image caption Bốn nhà hoạt động cùng bị bắt trong ngày 30/7 đều là thành viên Hội Anh Em Dân Chủ

Hôm 30.07.2017 , các đài truyền thông đồng loạt loan tin nhà cầm quyền cs VN vừa bắt thêm 4 người trong vụ án của luật sư Nguyễn văn Đài.
Bộ Công An Việt Nam cho biết việc bắt tạm giam thêm bốn người trong vụ án "Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".


Cùng này  30/7, Hội Anh Em Dân Chủ phát đi Bản lên tiếng phản đối việc bắt giữ bốn nhà hoạt động đều là thành viên của Hội: mục sư Nguyễn Trung Tôn, các ông Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức và Nguyễn Bắc Truyển.

"Các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự" và "nằm trong vụ án Nguyễn Văn Đài," Bộ Công An Việt Nam loan báo trên website.
Cùng thời điểm, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà.

Hôm 30/7, vlogger Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con trai của ông Nguyễn Trung Tôn nói với BBC từ Bangkok, Thái Lan: "Bố tôi bị bắt sau hai năm rưỡi hết án quản chế."

"Những việc gần đây mà bố tôi và những người cùng bị bắt hôm nay làm là trợ giúp pháp lý và lương thực cho những người dân miền Trung bị ảnh hưởng trong vụ Formosa."

"Tôi cho rằng có thể do Mỹ đã rút khỏi TPP khiến những điều khoản ràng buộc về nhân quyền của Việt Nam với quốc tế không còn nên Hà Nội bắt bớ các nhà hoạt động nhiều hơn."

"Cũng có thể do chính quyền lo sợ mất kiểm soát quyền lực của họ trong bối cảnh phong trào xã hội dân sự trong nước đang ngày càng lớn mạnh."
"Tôi nghĩ rằng những việc làm của bố tôi và các đồng sự là có hiệu quả nên chính quyền buộc phải bắt họ."

Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ ông Phạm Văn Trội, nói với BBC từ Hà Nội: "Tôi cho rằng việc bắt chồng tôi hôm nay là sai trái, vi phạm pháp luật vì ông ấy chỉ là người bất đồng chính kiến chứ không có âm mưu lật đổ chính quyền."

"Tôi tôn trọng ý kiến và mọi hoạt động của chồng tôi."

Bà Huyền Trang cũng cho hay ông Trội hết án quản chế 4 năm vào năm ngoái, trước đó là án 4 năm tù vì Điều 88."

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ ông Trương Minh Đức, nói từ Sài Gòn: "Lúc họ đọc lệnh bắt chồng tôi, ông ấy nói không đồng tình vì bị bắt theo Điều 79."

"Tôi nghĩ chồng tôi không làm gì sai, vì ông ấy chỉ làm những điều giúp nạn nhân Formosa và công nhân."

Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES Image caption Các phiên xử nhà bất đồng chính kiến tuy "công khai" nhưng thực tế hạn chế người tham dự

Khác với ông Trội, có tin ông Nguyễn Bắc Truyển đã bị đưa đi mất “như bị bắt cóc” ở Sài Gòn.

Trong một video truyền trực tiếp trên mạng xã hội hồi chiều tối ngày 30/7, giờ Việt Nam, bà Bùi Thị Phượng, vợ ông Truyển, nói bà tin rằng công an đã bắt ông đi khi ông đợi bà ở bên ngoài nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở quận 3.

Bà Phượng nói tại thời điểm video được truyền đi rằng bà vẫn chưa biết tung tích của ông ở đâu và lo lắng về tình trạng sức khỏe của ông.
Bà Trang và bà Phượng cũng mong cộng đồng trong nước và quốc tế lên tiếng ủng hộ, đòi trả tự do cho các nhà hoạt động bị bắt.

Hôm 30/7, trả lời BBC từ Hà Nội, Luật gia Nguyễn Đình Hà nói:

"Ở Việt Nam, mặc định về an ninh quốc gia là sự tồn tại và địa vị lãnh đạo của đảng cộng sản và sự tồn tại của chế độ xã hội chủ nghĩa."

"Do vậy, bất cứ ai, tổ chức nào không cùng quan điểm với đảng Cộng sản, cạnh tranh vị thế của đảng hay muốn thay đổi thể chế thì sẽ bị xem là "phản động", có âm mưu chống phá, âm mưu lật đổ chính quyền và sẽ có nhiều biện pháp khác nhau đối với họ, trong đó cao nhất là bắt, kết án và bỏ tù."

Cựu ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội nói thêm: "Chính quyền Việt Nam gọi những người bị bắt là "vi phạm pháp luật" - dĩ nhiên là pháp luật theo "xã hội chủ nghĩa", còn đối với các tổ chức nhân quyền, chính phủ phương Tây thì đó là thực thi quyền con người, quyền công dân, người bị bắt, bị kết án là tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm."

"Ở đây có sự vênh nhau trong khái niệm "an ninh quốc gia" và "pháp luật" hay "pháp quyền" giữa chế độ chính trị Việt Nam hiện nay và các nước dân chủ phương Tây."

"Nhất là khi nhánh tư pháp ở Việt Nam chưa có sự độc lập và còn chịu sự chi phối sâu sắc của đảng Cộng sản, nên khó để mà đạt được một sự công bằng đích thực trong các vụ án có hơi hướm chính trị."

Hôm 30/7, ông John Sifton, Giám đốc Vận động, Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) bình luận với BBC: "Các vụ bắt giữ mới nhất cho thấy một năm thật tồi tệ cho nhân quyền Việt Nam. Trước đó là những vụ hành hung các nhà bất đồng chính kiến, án tù nặng nề hơn cho các nhà hoạt động bị xử phạt."

"Những điều đó cho thấy cuộc trấn áp mới lớn đang được tiến hành."
"Các nhà tài trợ cho Việt Nam, nhất là EU và Nhật, cần phải lên tiếng về việc này. "

Hồi tháng 10/2016, Liên Hiệp Quốc phát đi thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam xóa bỏ Điều 88, 79, 87, 245 và 258 Bộ luật hình sự mà Cao ủy Nhân quyền nói là "vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế".

Ông Zeid Ra'ad Al Hussein kêu gọi Việt Nam trả tự do cho "toàn bộ các cá nhân bị giam giữ liên quan các điều luật này".

Tin tức về vụ chính quyền Việt Nam bắt liên tiếp 4 nhà hoạt động gây rúng động những người vận động cho tiến bộ xã hội trong nước, nhưng dường như họ không sợ hãi.

Có những người bình luận rằng chính quyền “đang gia tăng đàn áp, bắt bớ những người chính kiến” và gọi ngày 30/7 là một “ngày buồn”.

Tuy nhiên, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh viết trên trang Facebook cá nhân bằng chữ in hoa khổ to rằng “Đừng buồn vì bạn bè bị bắt. Đấu tranh là chấp nhận tù đày. Hãy buồn vì sao chúng ta chưa bị bắt. Ý kiến của ông Chênh đã nhận được sự đồng tình của nhiều bạn bè.

Một người khác, bà Huỳnh Thục Vi tỏ thái độ bình thản với dòng trạng thái trên mạng xã hội có đoạn “Chắc các nhà hoạt động của chúng ta phải dặn dò và chuẩn bị tinh thần cho người thân hết đi là vừa”.


Tin BBC, VOA Tiếng Việt