Kính
Hòa (RFA)
Hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh được đưa
lên truyền hình Việt Nam, nói rằng ông đầu thú. AFP
Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức đã dẫn
đến việc trục xuất một nhân viên của tòa đại sứ Việt Nam tại Đức, được cho là
nhân viên của cơ quan an ninh Việt Nam.
Hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam trong các
phái bộ ngoại giao ở nước ngoài như thế nào?
Nhân viên an ninh trong vỏ bọc ngoại giao
Ông Đặng Xương Hùng, một cựu viên chức Bộ
ngoại giao Việt Nam từng làm việc trong các cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Thụy
Sĩ, nói với chúng tôi về vị trí của nhân viên an ninh Việt Nam bên trong các
tòa đại sứ:
“Thông thường thì các tòa đại sứ Việt Nam tại nước ngoài bao
giờ cũng có một nhân viên an ninh của Bộ Công an chuyển sang, núp dưới danh
nghĩa có hàm ngoại giao, thường giữ chức Bí thư thứ nhất, thường làm nhiệm vụ
báo chí, cũng như là làm cái nhiệm vụ quản lý cộng đồng người Việt, tức là cái
gọi là “người Việt yêu nước”, hay là những tổ chức mà Việt Nam gọi là phản động
chống lại chính quyền. Ở các sứ quán đều có một suất như vậy, và lần lượt
người phía an ninh đưa người sang Bộ ngoại giao, làm thủ tục như một cán bộ ngoại
giao, đi như một cán bộ ngoại giao.”
Ông Hùng cho rằng
việc có mặt một nhân viên an ninh trong sứ quán cũng là một thông lệ trong
ngành ngoại giao trên thế giới, miễn là nhân viên đó hoạt động trong khuôn khổ
pháp luật của nước sở tại.
Vào năm 2014,
ông Đặng Xương Hùng nộp đơn cho chính phủ Thụy sĩ xin tị nạn chính trị, và ông
sống ở đất nước này cho đến nay.
Ông Hùng cho biết
là các nhân viên an ninh có hai nguồn thu nhập, thứ nhất là từ các chi phí visa
của các cơ quan lãnh sự Việt Nam, vì những người này thường phụ trách cả việc cấp
phát visa vào Việt Nam, và nguồn thu nhập thứ hai của họ là từ Bộ Công an:
“Họ có một
khoản tài chính do chính phía Bộ Công an cấp cho những nghiệp vụ của họ, và tiền
đó không phải là của Bộ ngoại giao, của Bộ Tài chính cấp cho Bộ Ngoại giao, mà
đó là tiền của phía Bộ Công an gọi là chi phí nghiệp vụ. Tôi cũng thường nghe họ
nói đó là một chi phí đặc biệt dùng cho những hoạt động ví dụ như mua chuộc,
cho những người nào có thông tin tốt cho phía an ninh Việt Nam.”
Sau khi vụ bắt
cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức được tiết lộ, một viên chức của tòa đại sứ
Việt Nam phụ trách báo chí là ông Nguyễn Đức Thoa bị phía Đức yêu cầu rời khỏi
đất Đức, vì được cho rằng dinh líu tới vụ bắt cóc. Theo ông Hùng thì ông Thoa
có hàm Đại tá công an.
Khi chúng tôi đặt
câu hỏi là liệu các viên chức ngoại giao cao cấp của Việt Nam có biết tới kế hoạch
bắt cóc hay không, ông Hùng nói:
“Theo tôi
thì 50/50, cũng không loại trừ khả năng là các ông ấy không biết. Cũng có thể
đó là một chuyên án đặc biệt chỉ có Bộ Công an biết, hoặc là một cái chuỗi
thông tin chỉ đi qua một số người thôi, đi thẳng đến nơi hành động.”
An ninh Việt Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại
Theo ông Đặng
Xương Hùng thì ảnh hưởng của các hoạt động của an ninh Việt Nam trong các cộng
đồng người Việt tại hải ngoại mạnh nhất là tại các quốc gia Đông Âu theo cộng sản
trước năm 1989, nơi có một cộng đồng đông đảo những du học sinh, hay người xuất
khẩu lao động ra đi từ nước Việt Nam cộng sản, còn ở các quốc gia phương Tây
như Mỹ, Canada, Tây Âu,… thì yếu hơn nhiều. Chính vì lý do đó, theo ông Hùng,
việc chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam đã được thực hiện qua ngã Cộng hòa
Séc, một nước cộng sản Đông Âu trước kia. Thông tin ông Thanh được đưa qua Cộng
hòa Séc để mang về Việt Nam được luật sư của ông Thanh là ông Victor Pfaff nói
với hãng tin Reuters vào hôm 3 tháng Tám, 2017.
Sáng 10 tháng
Tám, giờ châu Âu, tờ báo Spiegel của Đức loan tải rằng có một nhân viên người
Việt của sở di trú Đức bị tình nghi có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân
Thanh.
Nhà báo Lê Trung
Khoa của tờ Thoibao, bằng Việt ngữ tại thủ đô Berlin cho chúng tôi biết:
“Thông tin
trên tờ Spiegel đã tiết lộ rằng có một người tên là T. hiện làm nhân viên cho Sở
Di trú Đức, có điều kiện vào các ngân hàng dữ liệu, xem dữ liệu của toàn bộ những
người tị nạn, kể cả người Việt Nam. Họ nghi ngờ rằng phải chăng những thông tin
đó được ông này đưa ra ngoài và có thể là để cho người ta biết địa chỉ lưu trú
của ông Trịnh Xuân Thanh đăng ký ở Đức, để mật vụ Việt Nam có thể ập đến bắt.”
Cũng ông Lê
Trung Khoa cho chúng tôi biết rằng Sở Di trú Đức cho ông biết rằng người đàn
ông tên T. mà tờ Spiegel nêu tên, vừa bị cho nghỉ việc trong ngày 10 tháng Tám,
vì nghi vấn tiết lộ bí mật.
Chúng tôi chưa
có một nguồn tin khác để xác định việc này. Khi gọi điện tới tòa Đại sứ Việt
Nam tại Đức thì được trả lời rằng tòa Đại sứ không có thông tin gì cả.
Theo ông Lê Trung Khoa, sự việc này sẽ có ảnh hưởng
lớn đến cộng đồng người Việt tại Đức:
“Rất nhiều hội đoàn ở đây có liên quan đến Sở Di trú ngạc
nhiên là tại sao nhiều người Việt Nam ở đây biết thông tin nội bộ của họ. Qua
việc này có lẽ họ lờ mờ hiểu ra rằng có một bàn tay ở bên trong, đưa thông tin
ra, làm bất lợi cho những hội đoàn có đăng ký ở Đức.”
Trở lại quan hệ giữa Bộ ngoại giao Việt Nam và các
nhân viên an ninh Việt Nam, ông Đặng
Xương Hùng cho rằng vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân
Thanh, gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Đức, chứng
tỏ rằng Bộ Ngoại giao đã không có tiếng nói mạnh như cơ quan an ninh của Việt
Nam. Nhưng mặt khác ông Hùng cũng cho rằng ảnh hưởng của cơ quan an ninh
Việt Nam trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại nói chung ngày càng giảm, vì
hình ảnh cai trị của đảng cộng sản trong nước đã sụt giảm.
Cho đến giờ này thì trước cáo buộc bắt giữ người bất
hợp pháp của chính phủ Đức, Việt Nam chỉ có ra tuyên bố lấy làm tiếc, nói rằng
ông Thanh đã về nước đầu thú, nhưng không công nhận cũng như phủ nhận hành động
bắt cóc.
Tin cuối cùng chúng tôi nhận được từ báo Spiegel là
cơ quan Công tố của Đức tình nghi rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã bị cầm giữ trong
tòa đại sứ Việt Nam trước khi được đưa đi.
RFA