Lý do khiến người Việt ở Mỹ không hòa nhập với cộng đồng ở
Westminster, Quận Cam
PHƯỢNG
VŨ
Ai đã từng ở Mỹ, hay có sang Mỹ du lịch
chắc hẳn đều biết đến thành phố Westminster, Nam California, vì nơi đó có khu
Little Saigon, thủ phủ của người Việt Nam ở hải ngoại. Nước
Mỹ có nhiều Little Saigon, vì gần như các thành phố nào đông người Việt cư ngụ,
ở Mỹ và ngay ở các nước khác cũng đều muốn nhắc lại tên "Saigon" thân
thương ngày xưa. Nhưng Little Saigon ở Nam Cali là nơi
ra đời trước nhất và đông người Việt cư ngụ nhất ngoài Việt Nam.
Càng về sau này thì Little Saigon càng rõ nét tiêu biểu cho một Saigon ngoài Việt Nam. Nơi đó có con đường mang tên Trần Hưng Đạo, với tượng Đức Thánh Trần đứng uy nghi ngay cửa ngỏ vào khu phố Little Saigon, như trấn giữ một vùng đất riêng của người Việt Nam. Đó cũng là cách người Việt Nam ghi nhớ công ơn Đức Thánh Trần, người được ghi nhận là “một trong mười danh tướng giỏi nhất thế giới” nhờ tài đánh đuổi được quân Trung Hoa xâm lược dù họ mạnh hơn quân ta gấp bội lần. Khu phố này thường có những sinh hoạt mang đậm tính chất Việt Nam. Mỗi năm nơi đây có chợ Tết bán đủ loại từ các thứ trái cây, bánh mứt, tới bánh chưng bánh tét và các loại giò chả không thiếu món gì kể cả pháo Tết. Tất nhiên là không thiếu các loại hoa Tết như mai, đào, cúc, lan.
Ngoài ra đến nơi đây đều có cuộc diễn hành Tết lớn với rất nhiều đoàn thể tham dự, gây ấn tượng tốt đẹp nơi người bản xứ. Đi xa nhưng vẫn thương dân Việt còn ở lại, nên đây cũng là nơi xuất phát nhiều cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung cộng xâm lăng Biển Đông, chống Formosa gây ô nhiễm môi trường sống, và những đêm thắp nến đòi nhân quyền cho người Việt Nam, đồng hành với dân oan trong nước đang còn mắc nạn "Cộng Sản."
Bên cạnh những nét tiêu biểu đó khu Little Saigon còn là nơi sinh hoạt sầm uất với các chợ và các tiệm ăn với đầy đủ món ăn Việt Nam, có người còn cho là món ăn Việt Nam ở Little Saigon ngon hơn ở Saigon (Việt Nam) vì thức ăn vừa ngon vừa rẻ, vừa đảm bảo vệ sinh. Do đó có nhiều người thay vì về Việt Nam du lịch, lại chọn về Little Saigon-Westminster để tìm lại cảm giác thân thương của quê nhà. Đi đến đâu bạn cũng đều có thể dùng tiếng Việt thoải mái, nhưng nếu bạn muốn dùng tiếng Mỹ thì cũng OK, không có gì trở ngại.
Ngoài ra về món ăn tinh thần thì khu Little Saigon có rất nhiều tòa báo Việt Ngữ, báo ngày, báo tuần, báo tháng. Đặc biệt là có cả phố báo chí nằm trên đường Moran (khu trung tâm của little Saigon) gồm những tờ báo kỳ cựu lâu đời như: Người Việt, Viễn Đông, Việt Báo. Ngoài ra Lillte Saigon còn là nơi có nhiều trụ sở của các đài phát thanh tiếng Việt như Little Saigon Radio, Radio Bolsa. Nhiều sinh hoạt văn nghệ, những chương trình ca nhạc Việt Nam, những buổi ra mắt sách... đều diễn ra ở Lillte Saigon, trái tim tinh thần của người Việt Hải ngoại. Đó là chưa kể thành phố Westminster còn là nơi có nhiều nhà thờ, đền chùa lớn của người Việt Nam.
Và Little Saigon được xem như là khu phố chính của thành phố Westminster. Hội Đồng Thành Phố Westminster gồm năm người, thì ba trong số đó là người Việt Nam (do dân bầu ra trong một cuộc phổ thông đầu phiếu). Thị Trưởng Tạ Đức Trí đã là thị trưởng Westminster qua nhiệm kỳ thứ hai, và tôi cũng là một cư dân của Westminster. Vậy mà tôi không hề hay biết có một sự kiện lớn của thành phố mình đang cư ngụ. Mãi cho đến một hôm tình cờ sau khi tập thể dục ra về, đi ngang quầy tiếp tân của Westminster Senior Center, chị bạn cùng đi chung níu tay tôi lại để chỉ vào tờ flyer "Dinner And A Concert" with "No Cost" và hỏi tôi "Cái gì vậy?.” Mới đọc tôi hơi ngạc nhiên vì nghe nói ở Mỹ đâu có cái gi Free! Nhưng thôi để tôi hỏi lại nhân viên ở quầy tiếp tân xem sao?
Thì ra đó là chương trình chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Westminster (1957 - 2017). Chương trình diễn ra trong bốn buổi chiều thứ Năm liên tiếp (gồm một buổi ăn tối, sau đó là tham dự ca nhạc ngoài trời).
Vậy mà cộng đồng Việt Nam gần như không hề có một tin tức gì về sự kiện lớn này? kể cả báo chí lẫn tivi và radio. Hình như người Việt vẫn hay đi bên lề những sinh hoạt của dòng chính, dù là Little Saigon nằm giữa lòng thành phố Westminster?
Tôi quay qua hỏi bạn xem muốn tham dự không?
“Free thì đi chứ! Tội gì không đi bỏ uổng, nhất là nhà mình lại ở gần.”
Vậy là sau đó tôi ghi danh và lấy phiếu cho nhóm bốn người. Thực ra tôi không thích món ăn Mỹ, nhưng thôi đây cũng là cơ hội mình tham gia sinh hoạt với người Mỹ cho vui và hòa đồng với họ.
Câu trả lời của chị bạn lúc nảy khiến tôi nhớ lại thực trạng người Việt chỉ thích tham gia những chương trình có dính đến quyền lợi của mình, còn nếu không thì thôi "bỏ qua đi tám." Có lẽ vì vậy nên những chương trình lãnh thực phẩm miễn phí luôn được người Việt chiếu cố rất đông, xếp hàng dài lê thê. Còn những công việc chung hay cần thiện nguyện thì ít có sự tham gia của người Việt.
Một lần đi ngang quầy tiếp tân nhìn thấy tấm bảng "Volunteer Need," tôi kéo chị bạn tới hỏi thăm để tham gia, kẻo người Mỹ nhìn người Việt dưới con mắt "chỉ thích nhận, mà không thích cho.” Và quả là như vậy, khi tôi tham gia volunteer, trong chương trình phát thực phẩm, tôi thấy bà Mỹ phụ trách rất vui vẻ và lịch sự. Khi xong việc bà bắt tay ân cần và cám ơn nhiều lần. Thái độ này hoàn toàn khác biệt khi trước đây. Thỉnh thoảng tôi xếp hàng lãnh thực phẩm về để cho lại nhưng người neo đơn, hay không có xe để đi, bà tỏ ra khó chịu, hoạnh họe giấy tờ và trên mặt bà không hề có bóng dáng nụ cười.
Đúng là giữa văn hóa Mỹ và Việt Nam có sự khác biệt rất lớn: Trẻ em Mỹ được làm quen với khái niệm "thiện nguyện" (volunteer) từ khi còn đi học trung học. Và đó còn là điểm được tính thêm khi thi vô đại học. Quả là chương trình giáo dục của Mỹ luôn cố gắng đào tạo những con người biết nghĩ đến xả hội giống như câu hát tôi nghe lúc còn bé trong hướng đạo: "Bước vào đời gắng giúp mọi người hữu ích cho xã hội."
Đôi khi mùa hè tôi thấy nhiều phụ huynh Mỹ bày hàng ra trước nhà để con nít 4, 5 tuổi ngồi bán bánh kẹo, nước uống cho khách qua đường lấy tiền gây quỹ cho các hội đoàn Hướng Đạo hay tổ chức từ thiện. Tập cho con nít làm việc thiện từ khi tuổi đời còn rất nhỏ là một việc tốt, rất nên làm. Còn trong cộng đồng người Việt, hình như khái niệm làm việc thiện nguyện chưa được phổ biến rộng rãi. Tôi nhớ hồi mới qua Mỹ khi học ở college lúc phân chia nhóm làm việc chung cho "Presentation,” lúc đề nghị họp nhóm chiều Chủ Nhật, tôi từ chối vì bận đi dạy Việt Ngữ. Mấy chị bạn VN hỏi tôi làm được trả lương bao nhiêu? "Volunteer thì làm gì có lương." "Ủa bà có khùng không? Đi làm mà không có lương, thì ở nhà không sướng hơn sao?”
Loay hoay mà sắp đến ngày tham dự, văn phòng Westminster Senior Center gọi phone nhắc nhở. Đúng là người Mỹ làm việc gì cũng chu đáo, nên tôi phải gọi phone nhắc mấy bà bạn có mặt trước giờ quy định. Vì Mỹ không có giờ cao su như Việt Nam/
Khi chúng tôi đến nơi thì phòng họp đã đầy người. Mỗi người nhận được một món quà là cái túi vải để đi chợ, đi shopping vì bây giờ các chợ không còn phát bao nylon free như trước kia. Mọi người được mời vào bàn ngồi và được các nhân viên đem nước uống tới tận bàn. Thực đơn hôm nay là Pizza, một ít rau và salad sauce. Tuy là được mời ăn miễn phí, nhưng mọi người vẫn được tiếp đãi lịch sự chu đáo. Có lẽ vì thế họ yêu cầu ghi danh lấy phiếu trước để họ biết số người tham dự hầu phục vụ cho đàng hoàng. Điều này xóa đi khái niệm "miễn phí" là xô bồ giành giật như ở Việt Nam.
Phòng ăn lớn đầy người vui vẻ tưng bừng chào mừng sự kiện đặc biệt thành phố Westmister tròn 60 tuổi. Nhân viên của Senior Center làm nhiệm vụ tiếp tân và lo thức ăn cho mọi người, bà supervisor lên chào mừng mọi người đến tham dự buổi tiệc chung. Bà chúc mọi người ăn ngon miệng và nhắc nhở sau bửa tiệc mọi người nhớ ra sân để tham dự buổi văn nghệ ngoài trời.
Một điểm khác biệt nữa giữa văn hóa Mỹ và Việt là trong những buổi tiệc mừng chung, người Mỹ làm đơn giản, vui là chính, nhưng vẫn tiếp đãi lịch sự chu đáo. Có lẽ vì thế giá thành không cao, nên nhiều người dân không phân biệt già trẻ lớn bé đều có cơ hội tham gia mừng thành phố Westminster lên 60 tuổi. Nếu là Việt Nam thì chỉ có các ông bà tai to mặt lớn, có chức sắc, hoặc thân nhân quan quyền chứ làm gì tới phiên dân thường, mặc dù họ luôn kêu rao do dân, vì dân, phục vụ cho dân. Đó có lẽ cũng là một hình thức dân chủ đẹp ở Mỹ.
Khi ra sân, tôi thấy rất nhiều người Mỹ đem theo ghế ngồi có dựa lưng và họ ngồi tụ lại từng nhóm theo gia đình hay bạn bè. Có người thích đi tìm bóng mát dưới những tàn cây, ai không đem theo ghế thì tìm những bậc thềm chung quanh làm chỗ ngồi. Nói chung mọi người tự do đi tìm chỗ ngồi mà mình ưng ý nhất. Tôi thấy có lẽ người Mỹ quen những sinh hoạt ngoài trời như thế này, nên họ sinh hoạt rất thoải mái.
Phía trên có bậc thềm cao làm sân khấu và ban nhạc đang chuẩn bị để trình diễn. Có lẽ khi xây cất họ đã nghĩ đến những sinh hoạt ngoài trời như thế này. Hình như người Mỹ chú trong nhiều tới sinh hoạt tập thể. Do đó bất cứ trường học nào cũng đều có phòng họp lớn để sinh hoạt chung. Khu phố nào cũng có công viên để mọi người ra đó chơi chung.
Mọi việc chuẩn bị đã xong, một viên chức đại diện thành phố Westminster lên ngỏ lời cảm ơn mọi người đã đến đây cùng nhau họp mặt chúc mừng thành phố Westminster lên 60 tuổi. Sau phần giới thiệu ngắn gọn ban nhạc bắt đầu chơi những bản nhạc quen thuộc.
Chị bạn ngồi cạnh tôi bỏ nhỏ, “Người Mỹ họ luôn khai mạc đúng giờ với nghi lễ đơn giản, ngắn gọn, rồi đi ngay vào chương trình. Phải gặp Việt Nam thì luôn bị trễ giờ, rồi còn tới màn mời hết ông này, tới bà kia lên đọc diễn văn dài lê thê. Ai đã cầm cái micro rồi thì không muốn bỏ ra.”
“Đó là điều người Việt Nam phải học tập người Mỹ. Dân Việt Nam sống ở Mỹ lâu năm rồi, nhưng vẫn chưa học được cái hay của họ.”
Ban nhạc bắt đầu chơi những bản nhạc nổi tiếng quen thuộc, tôi thấy có bà Mỹ ngồi phía trước đang nhún nhẫy đu đưa người qua lại theo tiếng trống rập rình và điệu nhạc một cách rất thoải mái. Bà Mỹ khác ngồi gần đó cất tiếng hát theo ca sĩ, mỗi người đều tự do biểu tỏ cảm xúc của mình một cách thoải mái. Những người chung quanh cũng xem đó là điều tự nhiên, nên không ai bận tâm chú ý.
Chị bạn ngồi gần tôi nói nhỏ, “Nhìn cái bà phía trước đong đưa người qua lại, đầu lắc lư xem ra có vẻ enjoy bài hát quá.”
“Người Mỹ luôn thoải mái khi bày tỏ cảm xúc ra ngoài, chứ không che dấu như người Việt Nam.”
Nóí tới đây tôi lại nhớ tới bà hàng xóm Mỹ, nhà cạnh bên tôi. Một buổi chiều khi dọn dẹp nhà cửa, tôi mở nhạc nhẹ không lời Việt Nam lên nghe. Tôi thích nghe nhạc trong khi làm việc vì nó giúp thư giản rất nhiều. Bỗng bà Mỹ bên cạnh sang nhà nói, “ Xin vui lòng mở âm thanh nhỏ xuống.”
Thế là tôi vội vàng xin lỗi và tắt computer, dù tôi mở âm thanh chỉ vừa đủ nghe.
Khoảng năm, sáu tháng sau tôi đã hoàn toàn quên mất chuyện cũ, lại mở nhạc êm dịu nghe trong khi dọn dẹp nhà cửa, nhưng lần này tôi mở nhạc êm dịu ngoại quốc. Bỗng nhiên tôi thấy xuất hiện ngoài cửa bà Mỹ hàng xóm, vội tự trách mình, "Khổ quá, lại quên đóng cửa khi mở nhạc.” Thế là tôi vội chạy ra, “Xin lổi bà, để tôi tắt nhạc ngay bây giờ.”
Không ngờ bà lắc đầu lia lịa và nói với tôi, “Bà hiểu lầm tôi rồi, tôi chỉ muốn nói với bà là tôi rất enjoy chương trình nhạc bà đang nghe, tôi rất thích và chỉ muốn nói thanh you so much.”
Câu trả lời của bà làm tôi ngạc nhiên quá mức! Tôi thấy trong đó có chút hồn nhiên trong sáng và chân thật của lối sống Mỹ: Thẳng thắn và thành thật. Điều này khiến tôi nhớ đến câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Phùng Quán “Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét.”
Yêu ghét rạch ròi là thái độ sống của người quân tử, của kẻ sĩ ở đời. Và tôi thích lối sống đó. Nghe thì thấy dễ nhưng người dân Việt đang sống ở Việt Nam lại không thể thực hiện được điều tưởng chừng đơn giản đó. Cụ thể như án tù 10 năm của Mẹ Nấm và 9 năm tù của bà Trần Thị Nga sau này.
Trên sân khấu ban nhạc chơi càng lúc càng hăng, mọi người hồn nhiên kéo nhau ra sân để nhảy theo điệu Rumba, Rock ... từ người già tới trẻ con. Mỗi người tự do nhảy theo kiểu của mình, ai cũng thoải mái chẳng ai lo phê bình ai. Tôi có cảm tưởng một đời sống thanh bình tự do đang bao quanh tôi. Tôi nói chuyện với các bạn ngồi chung quanh, “Tụi mình sống ở Mỹ lâu năm rồi, nên tiếp thu những cái gì tốt của họ như thành thật và thẳng thắn. Những điều gì tốt của văn hóa Việt Nam mình vẫn giữ lại như con cái phải hiếu thảo với cha mẹ lúc về già, chứ không phải giao vô nhà dưỡng lão.”
Bỗng xuất hiện trước mặt mấy ông ở đài truyền hinh địa phương tới đưa micro để nhờ tôi trả lời vài câu phỏng vấn. Theo phản xạ tư nhiên tôi lắc đầu từ chối, nhưng chị bạn cạnh bên thúc cùi chỏ vô cánh tay tôi, “Ủa sao bà mới nói, cái gì hay của Mỹ thì phải tiếp thu mà! Thành phố Westminster mời mình ăn tiệc rồi cho tham dự chương trình nhạc ngoài trời hay quá, bà biết tiếng Anh phải đại diện tụi tôi nói lời cám ơn đi chớ! Sao lại từ chối?”
Vậy là tôi bị "gậy ông đập lưng ông" nên phải thực hiện lời mình mới nói, kẻo mang tiếng "nói một đàng làm một nẻo" như Cộng Sản thì "mất mặt" hết!
"Chúng tôi những cư dân thành phố Westminster rất vui mừng được tham dự sự kiện chào mừng thành phố tròn 60 tuổi và cám ơn những người đã bỏ công tổ chức những sự kiện vui vẻ này cho nhiều cư dân thành phố cùng được tham dự với những bữa tiệc và những chương trình văn nghệ giúp vui."
Sau đó họ đề nghị cả nhóm chúng tôi cùng hô to "Westminster, Westminster, Westminster."
Sau buổi ca nhạc, chúng tôi ra về mà thấy lòng hân hoan vui vẻ. Cám ơn đời đã cho chúng tôi đến được miền đất tự do, hưởng được bầu khí tự do và hôm nay còn được tham dự những sự kiện mừng thành phố quê hương thứ hai tròn 60 tuổi.
VietBF