23.08.2017

SỰ TỒN TẠI CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA - Thẩm phán Phạm Đình Hưng

“Mất độc lập và chủ quyền từ ngày 30-4-1975, Việt Nam Cộng Hòa hiện nay vẫn là một thực thể chánh trị (political entity) còn hiện hữu ở trong nước Việt Nam, tại Đông Nam Á và trên thế giới mặc dầu đã bị một quốc gia khác (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) xâm lăng, thôn tính và đô hộ.”

SỰ TỒN TẠI CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA

Thẩm phán Phạm Đình Hưng

Chánh thể và Quốc gia

Trong thời gian lưu vong ở hải ngoại, một số ít người Việt tị nạn cộng sản đã đơn giản nghĩ rằng Việt Nam Cộng Hòa đã chết sau ngày các sư đoàn của Bắc Việt cộng sản (nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) đánh chiếm một quốc gia láng giềng là miền Nam Việt Nam, quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa. Họ muốn nói đến chánh thể Cộng Hòa (Republic) của miền Nam Việt Nam đã bị kẻ xâm lăng Bắc Việt, môt nước cộng sản ở trên vĩ tuyến 17, xóa bỏ và thay thế bằng một chế độ độc tài toàn trị do đảng Cộng Sản lãnh đạo từ 42 năm nay. Họ đã không phân biệt chánh thể (political regime) với quốc gia (state).


Về mặt địa lý, Việt Nam Cộng Hòa là miền Nam Việt Nam có lãnh thổ trải dài từ mũi Cà Mau đến vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải). Về mặt chánh trị, Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập đã được quốc tế công pháp minh thị công nhận: Hiệp định Genève ký kết ngày 20-7-1954 và Hiệp định Paris ký kết ngày 27-1-1973 trước sự chứng kiến của Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc Kurt Josef Waldheim, môt nhà ngoại giao của nước Áo. Đến ngày nay, không có quốc gia nào đã ký kết hai hiệp định nầy, kể cả nước Việt Nam cộng sản, cáo bãi (revoke) hiệp ước. Thời gian không làm mất hiệu lực của các hiệp ước, hiệp định và công ước quốc tế. 

Ngoài ra, Việt Nam Cộng Hòa còn là Quan sát viên thường trực Liên Hiệp Quốc, thành viên của một số Tổ chức Quốc tế và có quan hệ ngoại giao với trên 50 quốc gia trong Thế Giới Tự Do (Free World). Sự xâm lăng, chiếm đóng và thôn tính miền Nam Việt Nam của quân đội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt cộng sản) không thể tước bỏ quyền độc lập tự chủ của một nước láng giềng. Trong hoàn cảnh của một nước nhỏ bị xâm lăng và chiếm đóng bằng bạo lực của súng đạn cộng sản, Việt Nam Cộng Hòa tức Nam Việt Nam sẽ tiếp tục mất độc lập và chủ quyền sau khi toàn bộ đất nước Việt Nam từ Bắc chí Nam, trên đất liền và ngoài Biển Đông (South China Sea), bị sát nhập vào Trung cộng năm 2020 căn cứ theo mật ước Thành Đô do hai đảng Cộng sản và Nhà nước Trung cộng và Việt Nam lén lút ký kết năm 1990 để biến cải nước Việt Nam thành một phần lãnh thổ của nước Tàu. Hai cuộc Chiến Tranh Đông Dương do đảng Cộng Sản Việt Nam gây ra dưới sự chỉ đạo của Thiếu tá Tình báo Tàu Hồ Quang đã có hậu quả hạ thấp cương vị của quốc gia Việt Nam từ một nước độc lập trở thành một tỉnh của Trung cộng, một khu Tự trị như khu Tự Trị của dân tộc Choang trong tỉnh Quảng Tây hoặc môt quận trực thuộc tỉnh Quảng Đông.

Mất độc lập và chủ quyền từ ngày 30-4-1975, Việt Nam Cộng Hòa hiện nay vẫn là một thực thể chánh trị (political entity) còn hiện hữu ở trong nước Việt Nam, tại Đông Nam Á và trên thế giới mặc dầu đã bị một quốc gia khác (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) xâm lăng, thôn tính và đô hộ. Nói tóm lại, Việt Nam Cộng Hòa, nạn nhân của một cuộc xâm lăng do người đồng chủng chủ động theo chỉ thị của Nga-Hoa trong cuộc Chiến Tranh Lạnh (1948-1989), chỉ mất độc lập và chủ quyền nhưng vẫn còn tồn tại trên bình diện quốc tế công pháp và trong thực tại ngày nay. Khi cần, tôi sẽ đưa ra các dẫn chứng và chi tiết để hậu thuẫn quan niệm của tôi.

Thành lập thể chế Cộng Hòa

Tại miền Nam Việt Nam bao gồm Nam Phần (thủ đô Sài Gòn và 21 tỉnh) và Trung Phần (các tỉnh duyên hải và trên cao nguyên), thể chế Cộng Hòa đã được thiết lập lần đầu tiên từ năm 1955 dưới thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người khai sáng nền Đệ Nhứt Cộng Hòa xây dựng trên cơ sở Hiến pháp ngày 26-10-1956 do Quốc Hội Lập Hiến dân cử soạn thảo và biểu quyết. Trong khi quốc sách Ấp Chiến Lược và Khu Trù Mật đang ngăn chận hữu hiệu sự xâm nhập ban đêm của cán binh cộng sản vào các thôn xóm hẻo lánh, cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 đã giựt sập nền Đệ Nhứt Cộng Hòa và giết hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ Ngô Đình Nhu, một chiến lược gia có kiến thức uyên bác. 

Sau gần 3 năm xáo trộn chánh trị, nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã được thành lập trên cơ sở Hiến pháp ngày 1-4-1967 do Quốc Hội Lập Hiến bầu cử ngày 11-9-1966 soạn thảo và chung quyết. Tôi đã được vinh dự tham gia công tác đúc kết và thuyết trình trước Quốc hội khoáng đại để 117 Dân biểu thảo luận và biểu quyết trong tinh thần hoàn toàn tự do. Một hiến pháp tôn trọng nguyên tắc quân bình và kiểm soát hỗ tương giữa ba cơ quan Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp đã được ban hành trong tình trạng chiến tranh để đảm bảo nhân quyền và các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, Hiến pháp còn thành lập Giám Sát Viện, một định chế đặc biệt độc lập có thẩm quyền bài trừ tham nhũng, thẩm tra kế toán của tất cả các cơ quan công quyền và kiểm kê tài sản của tất cả viên chức, kể cả Tổng Thống.

Nhằm mục đích thuộc địa hóa miền Nam Việt Nam vô cùng trù phú, sự xâm lược của Bắc Việt cộng sản đã có hậu quả cướp đoạt tài sản dồi dào của nhân dân miền Nam, đình chỉ thi hành Hiến pháp Đệ Nhị Cộng Hòa, chấm dứt hoạt động của Nhà nước, Quân lực và các cơ chế hiến định, hủy bỏ tất cả các quyền tư do dân chủ, gián đoạn công vụ của toàn thể quân, cán, chánh Việt Nam Cộng Hòa. 

Sự cưỡng chiếm miền Nam của 13 sư đoàn cộng sản Bắc Việt đã xóa bỏ thể chế Cộng Hòa của một quốc gia bị chiếm đóng. Từ ngày thất thủ do thiếu hụt phương tiện chiến tranh, miền Nam Việt Nam không còn là một quốc gia độc lập sau khi bị cưỡng bách sát nhập vào nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, hậu thân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt cộng sản), dưới ngụy danh “thống nhứt” đất nước Việt Nam. 

Từ ngày 30-4-1975, dưới bạo lực của lưỡi lê và súng đạn, một chánh thể tự do dân chủ với tam quyền phân lập tại miền Nam Việt Nam đã bị thay thế bởi một chế độ độc tài công an trị tập trung mọi quyền bính vào trong tay của đảng Cộng sản Việt Nam, tay sai của Trung cộng và đệ tử của Liên Xô.

Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại hay không?

Bất chấp quốc tế công pháp, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt cộng sản) đã cố tình vi phạm hai Hiệp định Genève 1954 và Paris 1973 khi công khai xua quân vượt vĩ tuyến 17 đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa, một nước độc lập và có chủ quyền. Khinh thường dư luận quốc tế, Bắc Việt cộng sản năm 1975 đã gấp rút đặt cả thế giới trước chuyện đã rồi (fait accompli) khi vận dụng tất cả sư đoàn vượt khu phi quân sự (DMZ) đánh chiếm toàn bộ miền Nam Việt Nam. Trong quan hệ quốc tế, Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam không bao giờ tôn trọng các hiệp ước, hiệp định, hợp đồng đã ký kết và các định ước, công ước quốc tế đã gia nhập. 

Mới đây, ngày 23-7-2017, nước Việt Nam cộng sản lại dám sai mật vụ đến nước Đức bắt cóc tại Berlin cán bộ cộng sản Trịnh Xuân Thanh đang tại đào và xin tị nạn chánh trị tại nước nầy. Hành động phi pháp trắng trợn của mật vụ cộng sản Việt Nam tại nước Đức đã tố cáo quán tính khinh thường luật pháp quốc tế của Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam mặc dầu nước nầy đã tham gia Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế và công ước quốc tế.

42 năm đã trôi qua từ ngày Bắc Việt cộng sản đánh chiếm miền Nam tự do. Mặc dầu đã tiếp thâu được nhiều thông tin chính xác từ các mạng xã hội (social media), một số người tị nạn cộng sản tại hải ngoại vẫn phụ họa theo luận điệu tuyên truyền của Cộng sản Việt Nam: Việt Nam Cộng Hòa đã bị khai tử sau khi Quân lực miền Nam Việt Nam sụp đổ trước sự tấn công của quân xâm lăng cộng sản Bắc Việt. Họ còn nông cạn nghĩ rằng sự đầu hàng của Đại tướng Dương văn Minh, Tổng Thống bất hợp hiến do Quốc Hội hấp tấp đưa lên trong ba ngày cuối cùng (từ 28-4 đến 30-4-1975) đã chánh thức xóa bỏ Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia độc lập đã được Hiệp định Genève 1954 minh thị công nhận và là một trong 12 nước đã ký kết Hiệp định Paris 1973 trước sự chứng kiến của Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc. 

Lập luận của họ hoàn toàn sai trái về cả hai mặt pháp lý và thực tại.

Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết nầy, tôi muốn căn cứ vào lịch sử của một số nước ở Âu châu đã có hoàn cảnh giống như miền Nam Việt Nam để khẳng định Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn tồn tại và sẽ có nhiều triển vọng thâu hồi quyền độc lập tự chủ trong tương lai không xa.

Lịch sử của một số nước Âu châu đã bị xâm lăng và mất độc lập

1. Nước Ba Lan (Poland, Pologne)

Thành lập trong thế kỷ 10 do Đại Công tước (Grand Duc) Mieszko, Ba Lan là một nước nhỏ ở Đông Âu đã bị 3 Vương quốc lớn bao quanh (Nga, Phổ và Áo) qua phân lãnh thổ năm 1795 và mất độc lập trong một thời gian dài trên một thế kỷ. Tuy nhiên, nước Ba Lan không mất mà vẫn tồn tại nhờ dân tộc Ba Lan có lòng yêu nước mãnh liệt và tinh thần kiên trì hy sinh tranh đấu để khôi phục độc lập của Ba Lan.

Sau Thế Chiến I, nước Ba Lan độc lập hồi sinh năm 1918.Nhưng đến năm 1939, hai cường quốc láng giềng (Đức và Liên Xô) lại xâm lăng nước Ba Lan để phân chia lãnh thổ của nước nầy. Dân tộc Ba Lan đã dũng cảm tiếp tục tranh đấu chống ngoại xâm và đã phải hy sinh rất nhiều cho độc lập tự chủ của nước nhà.

Sau Thế Chìến II, nước Ba Lan thâu hồi độc lấp và tồn tại đến ngày nay. Ba Lan là một thành viên của Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến tại Việt Nam từ năm 1954.

2. Nước Áo (Austria, Autriche)

Thành lập năm 996 từ lãnh địa Bavaria, một tiểu bang lớn của nước Cộng Hòa Liên Bang Đức ngày nay (có thủ phủ là thành phố Munich), nước Áo là một đế quốc hùng mạnh vào bực nhứt ở Âu châu đã giao chiến với Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte. Đế quốc Áo-Hung (Austro-Hungarian Empire) đặt dưới quyền cai trị lâu dài của Hoàng tộc Habsbourg.

Sau Thế Chiên I, đế quốc Áo-Hung tan rã và trở thành một nước Cộng Hòa (Austrian Republic) từ 1918 đến 1933. Năm 1938, Quốc trưởng của nước Đức Adolf Hitler, một người sanh tại nước Áo, sát nhập nước của mình vào nước Đức.

Sau Thế Chiến II, nước Áo giành lại độc lập năm 1955 và thành lập nền Đệ nhị Cộng Hòa.

Cả hai nước Đức và Áo đều nói tiếng Đức. Nhưng dân tộc Áo vẫn muốn có một nước nhỏ độc lập tự chủ tách rời khỏi nước Cộng Hòa Liên Bang Đức, một nước lớn hùng mạnh.

3. Estonia, Latvia và Lithuania là ba nước rất nhỏ ở vùng biển Baltic, giáp ranh với nước khổng lồ Nga.

Sau Thế Chiến I, Estonia, Latvia và Lithuania được độc lập đối với hai nước lớn Nga và Đức. Nhưng năm 1940, thi hành hiệp ước Molotov-Ribbentrop ký kết với nước Đức sau khi Thế Chiến II bùng nổ năm 1939, Liên Xô thôn tính ngay 3 nước láng giềng Estonia, Latvia và Lithuania. Mất độc lập, 3 nước nhỏ nầy bị sát nhập vào lãnh thổ Liên Xô từ năm 1940. Mãi đến năm 1991, sau sự sụp đổ của đế quốc cộng sản Liên Xô, 3 nước Estonia, Latvia và Lithuania mới thâu hồi độc lập, gia nhập Liên Âu (European Union) và Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để được bảo vệ chống lại sự xâm lấn của nước Nga.

Kết luận

Các nước Ba Lan, Áo, Estonia, Latvia và Lithuania là những nước nhỏ thâu hồi được độc lập tự chủ nhờ lòng yêu nước và tinh thần kiên trì tranh đấu của nhân dân các nước nầy cho độc lập của quê hương xứ sở.

Nhân dân miền Nam Việt Nam cần phải noi theo gương sáng của nhân dân các nước nhỏ kể trên ở Âu châu để thâu hồi độc lập và tái lập chánh thể Cộng Hòa. Sau 42 năm thống trị bạo tàn và tham nhũng bóc lột của đảng Cộng Sản, đại bộ phận quần chúng nhân dân Việt Nam từ Nam chí Bắc đã nhận thấy chánh thể Cộng Hòa có nhiều ưu điểm hơn chế độ độc tài toàn trị của đảng Cộng Sản. Vì vậy, nhân dân Việt Nam cần phải quyết tâm giải thề chế cộng sản để tránh khỏi đại họa Bắc thuộc lần thứ 5. Muốn ngăn chận âm mưu sát nhập nước Việt Nam vào Trung cộng năm 2020, cần phải nhanh chóng thi hành Hiệp định Paris 1973. Đó là một giải pháp pháp lý khả thi trong hiện tình đất nước Việt Nam.

California, ngày 15-8-2017
Thẩm phán Phạm Đình Hưng