Nhà văn Hoàng Lại Giang
Trong bài thơ “Bến sông”,
thi hào Đỗ Phủ đời Đường có viết:
Nhân sinh thất thập cổ lai hy.
Có nghĩa là người ở tuổi
70 hiếm.
Thi nhân Tản Đà của ta
thì nói:
Sống 70 đã mấy người?
Khi tôi tròn 70, các con
tôi tổ chức sinh nhật cho tôi – một việc lạ – bởi cả đời
tôi có tổ chức sinh nhật bao giờ đâu!
Trong bữa sinh nhật ấy,
tôi nói với vợ con tôi:
“Ở tuổi này ông không biết mình lú lẫn
đâu. Đôi khi lú lẫn mà cứ nghĩ mình anh minh, sáng suốt, bắt vợ con phải nghe
theo. . . Đấy cũng là căn bệnh của người già, khi tuổi đã thất thập!”.
Mười năm đã qua, tôi vào
tuổi 80, vẫn tính cách bề trên, luôn cho mình là đúng, là chân lý, coi chủ
nghĩa xã hội là xã hội đẹp đẽ nhất mà loài người hướng tới!
Tôi và ông nay đã ngoài
thất thập, thuộc loại người xưa nay hiếm rồi. Sự lú lẫn
của tôi dù sao cũng chỉ vợ, con tôi chịu. Còn sự lú lẫn của những người đầy quyền
lực như ông thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự còn mất của cả dân tộc! Quốc
phòng ông nắm, công an ông chui vào, luật pháp ông giữ, ông thay đổi hiến pháp
của cụ Hồ khi ông đưa điều 4 vào hiến pháp!!!Trong khi giặc Tàu xâm lược Hoàng
Sa, Trường Sa bao nhiêu chiến sĩ của ta đã hy sinh ông không cho ai tưởng niệm. Ai
tưởng niệm chui, ông cho công an và côn đồ theo dõi để sẵn sàng… đàn
áp dã man!
Vì vậy tôi đưa đăng lại
bài: “CẢNH GIÁC KHÔNG BAO GIỜ CŨ”
để những bậc cao niên mà vẫn còn giữ trọng trách trước vận mệnh của dân tộc
trong đó có ông suy ngẫm hãy CẢNH GIÁC với chính tuổi
tác của mình, sau là cảnh giác trước những việc trọng đại của dân tộc khikẻ
thù truyền kiếp lại mưu sâu, kế cao, thâm hiểm, gian manh, nói một đằng
làm một nẻo!
CẢNH GIÁC KHÔNG BAO GIỜ CŨ
Ngày xưa còn lưu lại chuyện “Mỵ Châu – Trọng Thủy”.
Câu chuyện tình đẹp đẽ có một không hai trong lịch sử dân tộc, đã từng để lại tấn
bi kịch cho cả một dân tộc: MẤT NƯỚC!
Thời hiện đại, cái gọi là “Công hàm Phạm Văn Đồng”
năm 1958, tưởng ta giúp “bạn” tránh “môi hở răng lạnh”, hóa ra nó lại là chứng
tích cho sự đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa “hợp pháp”! Nhưng thời ấy Hoa Kỳ còn
là đồng minh tin cậy của Miền Nam Việt Nam. Phải chờ gần 20 năm sau, khi hiệp định
Paris được ký kết, Hoa Kỳ rút ra khỏi vòng tham chiến ở Đông Dương, năm 1974
người Tàu mới mang quân ra quyết lấy cho bằng được Hoàng Sa! Một trận chiến
không cân sức, mặc dù tinh thần chiến đấu của hải quân Việt Nam Cộng Hòa là
đáng được nhân dân và Tổ quốc Việt Nam tôn vinh. (74 chiến binh Việt Nam Cộng
Hòa đã hy sinh)
Thế mà có nhà lãnh đạo lại nói: “Hãy yên
tâm, Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền
tay sai của đế quốc Mỹ!” (Theo nhà báo quân đội lúc bấy giờ, đăng
trên mạng Ba Sàm ngày 10/11/2014, nhân 40 năm hải chiến Hoàng Sa).
Sau 40 năm nhìn lại, tôi, vâng chính tôi là người
trong cuộc cùng với cánh nhà văn được Đảng trau dồi tinh thần quốc tế vô sản,
đã là người có tội với dân tộc, với ông cha một thời xả thân dựng nước và giữ
nước!
Sau năm 1975 khi đất nước giải phóng những tưởng
nhân dân ta được hưởng trọn vẹn độc lập và hoà bình… Không ai ngờ biên giới Tây
Nam lại dậy sóng bởi bè lũ Khmer Đỏ! Ai chống lưng cho Khmer Đỏ? Câu trả lời đã
được lịch sử xác nhận: Trung Quốc, người anh em môi răng, người đồng chí tin cậy!!!
Và tháng 2 năm 1979 Trung Quốc chính thức mang quân
xâm lược nước ta! Chúng đưa vào cuộc chiến tranh biên giới ở Việt Nam 9 quân
đoàn chủ lực, một số sư đoàn bộ binh độc lập, xe tăng là 6 sư, phòng không là 4
sư… (nguồn tin từ Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ) tràn qua 6 tỉnh biên giới
phía Bắc: Lạng Sơn – Cao Bằng – Lào Cai – Lai Châu- Quảng Ninh – Hà Tuyên!
Không khác gì ông cha chúng trong quá khứ, chúng tàn sát không từ người già, trẻ
con, phụ nữ có thai!!! Nhà cửa, ruộng nương chúng đốt phá.
Con gái chúng thay
nhau hãm hiếp (1). Cho đến nay không có bản cáo trạng nào sâu sắc hơn bản “Bình
Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi:
Độc ác thay trúc rừng không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay! nước bể khôn rửa sạch mùi,
Lẽ nào trời đất tha cho,
Ai bảo thần nhân nhịn được
Bản dịch cụ Bùi
Kỷ
Hậu quả để lại
cho chúng ta là hàng nghìn ngôi nhà bị đốt cháy, gần 25.000 binh lính và dân
thường hy sinh (theo nhà sử học Gilles Ferier)
Khi chúng ta đặt
tinh thần quốc tế vô sản lên trên quyền lợi dân tộc thì đấy chính là lúc chúng
ta “gởi trứng cho ác!“.
Năm 1988 chúng
đem quân ra chiếm Trường Sa gồm 1/ bãi đá Gacma, 2/ Bãi đá Colin, 3/ Bãi đá Xen
Đao! 64 chiến sĩ và cán bộ của hải quân ta đã nằm lại với biển đảo trong trận
chiến này!
Vết thương này
cho đến hôm nay vẫn còn đang rỉ máu. Bao nhiêu người mẹ mất con? Bao nhiêu người
vợ mất chồng, phải quần quật dầm mưa dãi nắng cáng đáng cho cả một gia đình, mẹ
già, con dại!
Một cuộc chiến
tranh không ai hiểu nổi! Bởi nó không hẳn là cuộc chiến cướp nước, cũng không hẳn
là cuộc chiến tranh ý thức hệ. Nó là cuộc chiến tranh trả thù –
nước lớn trả thù nước nhỏ (đàn em) đang muốn tự chủ.
Đúng là Đặng Tiểu
Bình đã dạy cho chúng ta BÀI HỌC nhớ đời, đời nọ nối đời kia. BÀI HỌC cả tin
“cái gọi là đồng chí, cái gọi là “16 chữ vàng”, cái gọi là “4 tốt!” Cả tin dẫn đến mất CẢNH GIÁC để bị động trước một cuộc xâm
lăng… dẫn đến những mất mát, hy sinh không đáng có, tạo nên một vết hằn sâu đậm
về hai dân tộc vốn có hàng ngàn năm đã từng là kẻ thù của nhau! Kẻ thù truyền
kiếp!
Người Việt Nam
mình đâu đến nỗi nhẹ dạ, cả tin đến như thế! Chỉ vì ý thức hệ, vì mấy cái chữ
vàng, chữ bạc, chữ tốt… mà mất CẢNH GIÁC! Nên mới ra nông nỗi này! Ai đã nhẹ dạ, cả tin? Ai đã tuyên truyền cái tình đồng chí,
anh em, môi răng? Chính những người cộng sản phải trả lời những câu hỏi trên
trước lịch sử. Phải chịu tội trước nhân dân!
Gần đây Ukraina
với bán đảo Crimê là một bài học đáng để chúng ta suy nghĩ. Đất nước chúng ta từng
có vụ “nạn kiều” vào những năm 70 của thế kỷ 20. Lúc ấy giữa ta và Tàu rất căng
thẳng. Nhiều người Hoa, dù đã sống lâu đời ở ta cũng được Tàu vận động treo cờ
Trung Quốc và ảnh Mao Trạch Đông, vận động khai mình là người Tàu, mặc dù họ đã
chuyển sang quốc tịch Việt Nam từ năm 1956… và vận động người Hoa biểu tình, vận
động người Hoa trở về nước. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ bàn với nhau cho tàu Trung Quốc
cập cảng Sài Gòn chở người Hoa về nước. Lê Đức Thọ điện cho Bí thư Thành ủy TP.
HCM Võ Văn Kiệt.
Võ Văn Kiệt trả
lời dứt khoát: “Không thể!!!”
- Không được.
Lê Đức Thọ:
- Đây là mệnh lệnh của anh Ba [Lê Duẩn].
Võ Văn Kiệt:
- Nếu đây là mệnh lệnh của anh Ba thì nhờ anh Sáu [Thọ]
về báo cáo lại với anh Ba, tôi xin chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào cũng được,
nhưng chấp hành mệnh lệnh anh Ba cho tàu Trung Quốc cập cảng Sài Gòn thì tôi
không thể…
Dừng lại một
lúc, ông tiếp:
-Tôi đã cho rải mìn dày đặc dưới lòng sông rồi. Ngay cả
cập cảng Cần Giờ cũng không thể huống hồ cập cảng Sài Gòn…
Thế hệ tôi, trên
tôi hiểu sức mạnh siêu quyền lực của Lê Đức Thọ là như thế nào. Nhưng Võ Văn Kiệt
đã thẳng thừng… không chấp hành.
Lê Đức Thọ im lặng…
Võ Văn Kiệt tư lự,
phân vân.
Lê Đức Thọ sốt
ruột:
-Có gì Sáu Dân [Võ Văn Kiệt] cứ nói, tớ nghe.
Võ Văn Kiệt nói:
- Tôi hỏi anh Sáu, nếu cho nó vào đây, rồi nó ở lại,
không chịu đi nữa, anh Sáu làm cách nào?
Lúc bấy giờ Lê Đức
Thọ như mới tỉnh ra…
Về Hà Nội, Lê Đức
Thọ báo cáo lại với Lê Duẩn. Lê Duẩn im lặng nhìn Lê Đức Thọ một lúc rồi nói:
- Sáu Dân có cái lý của nó. Nếu như thằng Tàu vào cảng
Sài Gòn, nó ở lại, không chịu ra, chẳng lẽ ta đánh, ta bắt … nó. Lúc ấy nó lu
loa lên… Thế là ta tạo cớ cho nó mang quân sang xâm lược nước ta… (2)
Câu chuyện “CẢNH
GIÁC” của Bí thư Thành ủy TP. HCM hồi ấy vẫn là bài học vô giá cho nhiều thế hệ
sau này.
Nhưng tôi thấy
hình như nhiều nhà lãnh đạo hôm nay ít chú ý đến những bài học vô giá về CẢNH
GIÁC của thời cổ đại cũng như thời hiện đại…
Bây
giờ ra ngõ… là gặp Tàu. Rất
nhiều trường hợp Tàu vào ta bất hợp pháp, nhưng… ta vẫn không dễ đẩy họ ra. Đó
là chưa nói nhiều vùng đất đắc địa, liên quan đến an ninh quốc gia cũng đem bán
cho họ dưới dạng “thuê” 50 năm, 70 năm! Họ rào lại và làm gì trong ấy không ai
biết, công an ta vẫn không được vào!
Và sâu xa hơn,
chúng trở lại thời kỳ “nạn kiều” những năm 70 của thế kỷ 20, hay theo cách “bảo
vệ Hoa kiều”… kiểu như Nga bảo vệ dân Nga và dân nói tiếng Nga… ở Crimê! Cũng đừng
trách người Việt có thành kiến với Trung Quốc. Hàng ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ,
dân ta hiểu quá rõ bản chất độc ác, nham hiểm… của giặc phương Bắc.
(Ai chưa tin, hãy xem clip trên trang mạng Ba
Sàm 19/3/2014, khi một đất nước độc lập và chủ quyền mà chúng ngang nhiên vác
xà beng, gậy gộc đuổi đánh dân một làng ở Thanh Hóa thì rõ).
Vậy mà hôm nay,
ngày 26 tháng 8 năm 2017 trên báo Thanh Niên lại đăng bài của Mai Hà: “Đề xuất hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc
xây dựng sân bay Long Thành”. Cái tin đăng trên báo lề phải như dọn đường
cho Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta vào nắm yết hầu của đất nước
ta, còn hơn cả cho chúng đưa tàu vào chở người Hoa về nước thời Võ Văn Kiệt làm
Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh. Mai Hà có phải là nội gián? Còn báo Thanh Niên
đưa tin này là có ý đồ gì? Sự thật tôi đã gởi bài Cảnh giác không bao
giờ cũ cho tờ báo này, nhưng họ… im hơi lặng tiếng!
Trong công cuộc
giải phóng dân tộc, chúng ta đã chứng tỏ đức hy sinh vì dân vì nước một thời,
nhưng chúng ta cũng mắc không ít sai lầm. Một trong những sai lầm đó là tội mất
CẢNH GIÁC với kẻ thù truyền kiếp phương Bắc.
Tôi nghĩ (có thể
cực đoan) đất đai, biển đảo nào thuộc chủ quyền mình, mình phải đòi lại cho bằng
được, đừng đùn đẩy cho thế hệ sau mà mắc tội. Trách nhiệm của những nhà lãnh đạo
cộng sản hôm nay không phải là đàn áp, khủng bố nhân dân căm thù giặc Tàu mà là
phải đòi lại Hoàng Sa và những đảo ở Trường Sa của ta đã bị quân Tàu dùng sức mạnh
đánh cướp!
Không thể lúc
nào cũng “Chúng ta có đầy đủ bằng chứng
không thể tranh cãi được!!!”. Và cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy!
Khi nào chưa đòi
lại được thì chúng ta còn phải CẢNH GIÁC. Tốt nhất nên giữ một khoảng cách an
toàn với “người bạn, người đồng chí môi răng”, dù có thiệt thòi trước mắt
về kinh tế, nhưng giữ được đất và nước, biển và đảo của tiền nhân để lại.
Kết thúc bài này
tôi xin trích di chúc của vua Trần Nhân
Tông với muôn dân người Việt về việc CẢNH GIÁC với kẻ thù truyền kiếp:
“Các ngươi chớ quên chính nước lớn, mới làm những
điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đằng, làm một
nẻo. Cho nên cái họa lâu dài của ta là họa Trung Hoa. Chớ có coi thường chuyện
vụn vặt trên biên ải. Các việc trên khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn.
Tức là họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những
cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gặm nhấm ta. Họ gặm
nhấm đất của ta, lâu dần họ sẽ biến giang sơn của ta từ cái tổ đại
bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các ngươi phải nhớ lời ta dặn:
“Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được
để lọt vào tay kẻ khác.
Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời
di chúc cho muôn đời con cháu”
Đã 7 thế kỷ trôi
qua, lời căn dặn của Đức vua Trần Nhân Tông vẫn còn nguyên vẹn giá trị như lời
của một nhà tiên trị: CẢNH GIÁC để giữ nước không bao
giờ thừa.
Và đây là cảnh
báo của cố Thủ tướng Anh Winston
Churchill: “Một
dân tộc mà tránh né chiến tranh bằng cách chịu nhục, thì rồi dân tộc ấy sẽ phải
lãnh đủ cả hai thứ: cả chiến tranh và sự nhục nhã!”.
Vị thủ tướng Anh
đã đọc được nỗi lòng của một người Việt Nam như tôi.
Chúng ta trên thực
tế đã không tránh né được chiến tranh – cuộc chiến tranh giữ Hoàng Sa, cuộc chiến
tranh biên giới Tây Nam sau năm 1975, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm
1979, cuộc chiến tranh bảo vệ các đảo ở Trường Sa năm 1988!!!
Ngư dân ta đánh
cá ở ngư trường truyền thống của ta thì Trung Quốc cho tàu, thuyền của chúng
bao vây, đuổi bắt, lấy hết cá, xăng dầu, nước uống và lương thực, hoặc chúng
đâm thủng tàu, hoặc chúng kéo tàu ta đi!!!
Vậy mà lãnh đạo
Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo báo chí lề phải hoặc im lặng hoặc nói tàu
lạ đâm tàu cá của ta!
Đúng là dân tộc
chúng ta đã “ lãnh đủ cả hai: Cả chiến tranh và sự nhục nhã!”.
Chính những nhà lãnh đạo cộng sản hôm qua và hôm nay
phải chịu trách nhiệm về những cuộc chiến tranh và sự nhục nhã mà cả dân tộc ta
phải chịu!
TP. HCM ngày 24/3/2014
Sửa lại ngày 26/8/2017
Hoàng Lại Giang
(1) Theo Bách Khoa toàn thư mở Wikipedia.
(2) Câu chuyện trên tôi trực tiếp nghe cố vấn
Ban Chấp hành Trung ương Võ Văn Kiệt kể lại tại nhà riêng 16 Tú Xương, TP.
HCM.
Nguồn:
Văn Việt