10.08.2017

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 10.08.2017)

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng 
(ngày 10.08.2017)

Trung cộng dựa vào Singapore để giữ ASEAN đồng thuận về biển Đông
Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị trả lời báo chí bên lề hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hôm 6/8. Trung cộng đang muốn gây ảnh hưởng lên ASEAN về vấn đề biển Đông khi Singapore làm chủ tịch luân phiên.

Trung cộng lo ngại sẽ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mới về những hành động của nước này trên biển Đông khi Singapore trở thành chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới.
Reuters dẫn nguồn tin thân cận với vấn đề này nói Trung cộng đang gây áp lực với Singapore để đảm bảo điều này sẽ không xảy ra.


Nguồn tin của Reuters cho biết trong những tháng gần đây, các đại diện của Trung cộng nói với những người đồng cấp phía Singapore trong các cuộc họp kín rằng họ không muốn có rắc rối cho Bắc Kinh khi Singapore nắm ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2018.

Các nhà ngoại giao nói họ tin rằng Bắc Kinh đã dùng ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia nắm chức chủ tịch ASEAN trong quá khứ để xoa dịu lập trường của khối 10 nước Đông Nam Á về vấn đề biển Đông, một trong những vụ tranh chấp gây bất ổn nhất ở châu Á.

Chủ tịch hiện tại của ASEAN là Phi Luật Tân, nơi cuộc họp quy tụ các nhà ngoại giao của nhóm được tổ chức cuối tuần qua. ASEAN không thể đưa ra tuyên bố chung vào ngày 5/8 vì các nhà ngoại giao không thể đồng thuận về liệu có nên nhắc tới việc Trung cộng nhanh chóng nâng cao khả năng quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ xây trên vùng biển có tranh chấp hay không. Tuyên bố này cuối cùng được đưa ra hôm 6/8.

Một nhà ngoại giao châu Á ở Bắc Kinh cho Reuters biết có những lo ngại rằng Singapore có thể sử dụng chức chủ tịch luân phiên ASEAN để tìm cách “quốc tế hóa” vấn đề biển Đông, trong khi Trung cộng chỉ muốn giới hạn nó giữa các nước có liên quan trực tiếp.

Singapore sẽ là chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm sau và Trung cộng đang muốn gây áp lực để Singapore "lèo lái" ASEAN đồng thuận với nước này trong các vấn đề về biển Đông.

“Trung cộng nghĩ rằng Singapore, một quốc gia có phần đông người gốc Hoa, sẽ lắng nghe Bắc Kinh nhiều hơn,” một nguồn tin không cho biết danh tính nói với Reuters.


“Bắc Kinh đã nói rõ với Singapore về những gì họ mong muốn trong vấn đề biển Đông,” một nhà ngoại giao châu Á khác ở Hong Kong cho biết.
Bộ Ngoại giao Singapore từ chối bình luận về vấn đề này.

Trong một tuyên bố gửi cho Reuters, Bộ Ngoại giao Trung cộng nói nước này ủng hộ Singapore đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN, và “tin rằng Singapore sẽ lèo lái ASEAN cùng làm việc với Trung cộng để tăng cường và nâng cao sự hợp tác trên thực tế và thậm chí, xây dựng một cộng đồng ASEAN-Trung cộng gắn bó hơn cho một mục đích chung.”

Singapore không tuyên bố chủ quyền trên biển Đông nhưng có cảng biển lớn nhất ở Đông Nam Á. Singapore nêu rõ rằng nền kinh tế mở của nước này phụ thuộc vào sự lưu thông tự do của hàng hóa trong khu vực.

Nói chuyện với Ngoại Trưởng Singapore Vivian Balakrishnan trong một cuộc gặp tại Manila hôm 6/8, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung cộng nói rằng mối quan hệ 2 nước gần đây đã tốt trở lại.

“Các mối quan hệ giữa Trung cộng và Singapore đã có những thăng trầm. Nhưng các cuộc tiếp xúc thân mật giữa lãnh đạo 2 nước gần đây đã nuôi dưỡng được lòng tin chung – là điều cần thiết cho các mối quan hệ song phương lành mạnh”.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan (trái) và Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị tại cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN và Trung cộng ở Vientiane, Lào, tháng 6/2016. Ngoại trưởng Singapore nói cuộc gặp của ông với ngoại trưởng Trung cộng ở Manila cuối tuần qua mang tính "tích cực".

Truyền thông Singapore dẫn lời Ngoại trưởng Balakrishnan cho biết đã có một cuộc gặp tích cực với ngoại trưởng Trung cộng.


Trung cộng lo ngại Singapore có một mối quan hệ quốc phòng lâu đời với Mỹ và các đồng minh, mặc dù Singapore cho biết họ cũng có mối quan hệ hữu hảo tương tự với Bắc Kinh. Trung cộng là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore và Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung cộng.

Hoa Kỳ và Singapore loan báo quan hệ quốc phòng tăng cường vào cuối năm 2015, bao gồm việc triển khai máy bay do thám tầm xa P-8 từ Singapore – loại máy bay thường xuyên theo dõi hoạt động của các tàu ngầm Trung cộng.

Singapore cũng có quan hệ với Đài Loan mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai thuộc Trung cộng.

Căng thẳng giữa Singapore và Trung cộng bùng ra vào tháng 11 năm ngoái khi các giới chức cảng Hong Kong giữ lại 9 quân xa có trang bị vũ khí của Singapore đang được vận chuyển về nước từ khu diễn tập ở Đài Loan.

Mặc dù không có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông nhưng Singapore có cảng biển lớn nhất châu Á. Cảng này kết nối với hơn 600 cảng của khoảng 120 nước trên thế giới.

Hong Kong đã trả lại những quân xa này hồi đầu năm nay giữa lúc các cuộc tranh luận mở hiếm thấy ở cả Singapore và Trung cộng về mối quan hệ đang xấu đi.


Hoàn Cầu Thời Báo của Nhà nước Trung cộng, nói hồi tháng 6 rằng mối quan hệ từng có thời “đặc biệt” giữa 2 quốc gia đang xấu đi trong bối cảnh hai bên mất tin cậy với nhau về vấn đề biển Đông.

Eugene Tan, một giáo sư luật của Đại học Quản Trị Singapore, nói có thể có những khác biệt quan điểm giữa hai nước khi Singapore trở thành chủ tịch luân phiên ASEAN, và khi điều đó xảy ra, “Trung cộng khó có thể ép buộc Singapore làm theo ý mình về quan hệ Trung cộng-ASEAN,” theo giáo sư Tan, người từng là một nhà ngoại giao Singapore.

Singapore không ở trong vị thế để nói với các nước khác phải làm gì về chủ quyền của họ, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể trông đợi Singapore sẽ áp dụng một lối tiếp cận mạnh mẽ để đối phó với Trung cộng trong cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN.”

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở biển Đông bất chấp Trung cộng gạt bỏ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Haye.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở biển Đông bất chấp Trung cộng gạt bỏ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Haye, phán rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông là không có cơ sở.


Trương Bạc Hối, một chuyên gia về an ninh của Hoa Lục ở Hong Kong, nói Trung cộng nghi ngờ sự thành thực của Singapore khi tuyên bố nước này không muốn phải chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung cộng.

Chuyên gia này nói: “Có quan điểm ở Bắc Kinh cho rằng Singapore là kẻ chủ mưu đằng sau các chính sách nhằm kiềm hãm Trung cộng, không chỉ trong nội bộ ASEAN, mà còn muốn Trung cộng bị bao vây bởi một vòng đai gồm các đối tác thân Mỹ, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ và nước Úc”.

VOA


Mỹ cam kết hợp tác với Việt Nam bảo vệ Biển Đông

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis (T) tiếp đồng nhiệm Việt Nam tướng Ngô Xuân Lịch, tại Lầu Năm Góc, Arlington, Virginia, ngày 08/08/2017REUTERS

Ngày 08/08/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis tiếp đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại NGũ Giác Đài, Virginia. Trong bối cảnh Trung cộng gia tăng sức ép tại Biển Đông, Hoa Kỳ cam kết củng cố hợp tác quân sự với Việt Nam và sẽ gửi một hàng không mẫu hạm đến thăm vào năm tới.
Theo Reuters, trong cuộc gặp gỡ tại bộ Quốc Phòng Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis và đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch đồng ý là hai nước sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng bị Trung cộng lấn áp, quan hệ Hà Nội và Bắc Kinh có dấu hiệu xấu đi.
Tại Biển Đông, ngư dân Việt Nam liên tục bị tấn công và gần đây nhất, hồi tháng 7, Việt Nam phải hủy bỏ một số dự án thăm do dầu hỏa do áp lực của Bắc Kinh.
Tại hội nghị ASEAN, cuối tuần qua ở Manila, Phi Luật Tân, Việt Nam đòi phải đưa lời lẽ cứng rắn chỉ trích Bắc Kinh «quân sự hóa Biển Đông» vào bản thông cáo chung. Trung cộng biểu lộ giận dữ hủy bỏ cuộc gặp cấp ngoại trưởng hai nước.
Trong bối cảnh này, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tuyên bố với đồng nhiệm Việt Nam là «mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam đặt trên nền tảng (bảo vệ) quyền lợi chung kể của quyền tự do lưu thông tại Biển Đông ».
Bộ trưởng Jim Mattis hoan nghênh vai trò «lãnh đạo đang lên » của Việt Nam trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Một trong những cử chỉ tiêu biểu cho xu hướng quan hệ ngày càng được củng cố giữa Mỹ và Việt Nam là chủ nhân Lầu Năm Góc thông báo một hàng không mẫu hạm sẽ đến Việt Nam vào năm 2018.
Dự án này đã được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thảo luận với tổng thống Donald Trump hồi tháng 5.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam 1975, một hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ thăm Việt Nam.
Tú Anh (RFI)


Mỹ, Nhật, Úc lên tiếng chống Trung cộng quân sự hóa Biển Đông
Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị (trái) và ngoại trưởng Nhật Taro Kono (giữa) và tổng thứ ký ASEAN Lê Lương Minh tại diễn đàn ASEAN, Manila, Phi Luật Tân ngày 7/8/2017.REUTERS/Mohd Rasfan/Pool

Trái với ngôn từ thận trọng của ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc vào hôm nay 07/08/2017, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông trong một thông điệp nhắm vào Trung cộng. Thông cáo chung của ba nước đã phụ họa thêm cho lời kêu gọi của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á trong bản Thông Cáo Chung ASEAN công bố khuya hôm qua, yêu cầu các bên tranh chấp ở Biển Đông « tự kềm chế và không quân sự hóa » vùng biển này.

Sau cuộc họp bên lề các hội nghị của ASEAN tại Manila, ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc đã không ngần ngại tố cáo các hành vi « bồi đắp đảo, xây dựng tiền đồn, quân sự hóa các thực thể đang bị tranh chấp » tại Biển Đông.

Ba nước cũng cho rằng mọi quy tắc ứng xử trên Biển Đông phải « mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý, có thực chất và hiệu quả ».

Các ngoại trưởng Mỹ, Úc và Nhật còn kêu gọi Trung cộng và Phi Luật Tân tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vào năm ngoái 2016 phủ nhận đại bộ phận các yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Theo hãng tin Pháp AFP, lời lẽ trong bản thông cáo chung Mỹ-Nhật-Úc cứng rắn hơn nhiều so với bản Thông Cáo Chung của Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN được công bố khuya hôm qua. Văn bản của ASEAN đã không dám chỉ trích Trung cộng, không nói gì về sự cần thiết của một bộ quy tắc ứng xử mang tính chất ràng buộc về pháp lý, cũng như hầu như hoàn toàn im lặng về phán quyết của tòa La Haye về Biển Đông.

Tuy nhiên, bản Thông Cáo Chung của các ngoại trưởng ASEAN cũng được một số nhà quan sát đánh giá là cứng rắn hơn với Trung cộng so với dự thảo đầu tiên mà Phi Luật Tân nước chủ nhà đưa ra. Ngôn từ cứng rắn hơn là do Việt Nam kiên quyết muốn đưa vào văn kiện chung của toàn khối một số câu chữ gợi đến hành vi bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông của Trung cộng, điều mà Bắc Kinh không hề muốn.

Tranh cãi đặc biệt gay gắt giữa Việt Nam và Cam Bốt, mà nhiều nguồn tin cho là kiên quyết bảo vệ lập trường Trung cộng, đã ngăn chặn việc đúc kết bản Thông Cáo Chung ASEAN, và phải mất thêm 24 tiếng đồng hồ thì các nước mới tìm được đồng thuận.

Theo hãng tin Mỹ AP, Thông Cáo Chung Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN AMM-50 đã gián tiếp chỉ trích các hành động đắp đảo, xây đồn của Trung cộng trên Biển Đông, cũng như gợi lên một cách mơ hồ phán quyết quốc tế về Biển Đông. Cả hai điểm này đều thiếu vắng trong dự thảo ban đầu của bản thông cáo chung.

Một cách cụ thể, phần nói về Biển Đông đã « ghi nhận những lo ngại của một số bộ trưởng ASEAN về vấn đề bồi đắp đảo và những hoạt động trong khu vực có thể làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực ».

Bản thông cáo cũng « nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và tự kềm chế » không có các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Văn kiện này có lời lẽ mạnh mẽ hơn so với bản thông cáo chung Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN hồi tháng Tư, bị cho là đã xóa bỏ toàn bộ những yếu tố có thể làm Trung cộng phật

Trọng Nghĩa (RFI)


Trung cộng lớn tiếng công kích VN vì chống Bắc Kinh tại ASEAN 
Trung cộng đã lớn tiếng công kích Việt Nam với những lời lẽ rất nặng nề, vì Hà Nội đã vận động đưa từ ngữ vào bản thông cáo trong nhóm ASEAN bày tỏ quan ngại về "bồi đắp lấn biển" và "các hoạt động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực." .
Việc Trung cộng bồi đắp quy mô nhiều đảo nhân tạo, và xây dựng nhiều công trình quân sự lớn khiến quốc tế lo ngại. Trong ảnh, nhà chứa máy bay được Trung cộng xây trên đá Vành Khăn (Mischief Reef), quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 22/07/2016. REUTERS/CSIS
Một bài viết trên ấn bản Anh Ngữ của tờ China Daily chạy tựa « Việt Nam lạc điệu so với phần còn lại ASEAN », trước hết ghi nhận sự kiện ngoại trưởng Trung cộng và các đồng nhiệm ASEAN họp tại Manila đã đánh giá cao thành tựu trong quan hệ ASEAN-Trung cộng, hai bên đều biểu thị thái độ hài lòng về việc thông qua Khuôn Khổ Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông và đồng ý nỗ lực để các cuộc đàm phán về bộ quy tắc này có thể được bắt đầu trong năm.

Tờ báo đã nhấn mạnh toàn cảnh trên để tố cáo vai trò bị gọi là « phá đám » của Việt Nam, khi cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự của chính mình trong cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN. Theo China Daily, các thông tin báo chí cho biết là Hà Nội đã cố đưa ngôn từ cứng rắn (vào bản thông cáo chung của ASEAN) để chỉ trích việc Trung cộng xây dựng đảo ở Biển Đông. Tờ báo gọi đây là một hành động đạo đức giả, vì Việt Nam là nước đã đi trước trong việc xây dựng đảo.

Tuy nhiên, theo China Daily, « không có thành viên ASEAN nào khác đồng quan điểm với Việt Nam và các cụm từ đề xuất không được đưa vào thông cáo công bố vào Chủ Nhật ».

Trong một bài thứ hai lấy tựa đề « Việt Nam che giấu sai trái của mình bằng cách thổi phòng việc cải tạo đảo đá », tờ China Daily đã quay sang thóa mạ Việt Nam. Tờ báo đã trích dẫn « một số nguồn tin xin ẩn danh » khẳng định rằng chính Việt Nam là nước đã thúc đẩy khối ASEAN đưa từ ngữ « quan ngại » trước các hành động bồi đắp đảo đá vào bản thông cáo chung của các ngoại trưởng Đông Nam Á.

Theo nhận định của các nguồn tin này, thì « Việt Nam giống như một kẻ đi ăn trộm nhưng lại hô « bắt trộm » vì Việt Nam cũng bồi đắp đảo đá tại Biển Đông trong những năm gần đây, đồng thời tăng cường quân đội trong khu vực ».

Và các nguồn tin trên cũng cho rằng tiếng nói của Việt Nam đơn độc trong ASEAN, vì đa số còn lại trong khối Đông Nam Á không thấy quan ngại về tình hình Biển Đông. Phần về Biển Đông trong thông cáo chung năm nay ngắn hơn so với những năm trước, và lời lẽ nhìn chung tích cực hơn, vấn đề cải tạo đảo đá chỉ là mối quan ngại « của một số bộ trưởng », còn từ ngữ « quan ngại nghiêm trọng » đã hoàn toàn biến mất.


Vương Nghị hủy cuộc gặp đã lên lịch với Phạm Bình Minh

Ông Vương Nghị đang tham dự các hội nghị của Asean tại Manila
Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị đã hoãn vào phút chót một cuộc gặp đã được lên lịch trước với người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh hôm thứ Hai ngày 7/8 do tranh cãi về Biển Đông, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận với vấn đề cho biết.
Thông tin này cũng được tờ South China Morning Post xác nhận. Tuy nhiên tờ báo này cho biết hiện chưa rõ cuộc gặp bị hủy vì lý do gì nhưng nhấn mạnh là nó diễn ra sau khi Asean ra thông cáo chung.
Theo Bloomberg, Trung cộng được cho là bất bình với ngôn từ trong thông cáo chung của ngoại trưởng các nước Asean được đưa ra hôm tối Chủ nhật ngày 6/8 mà trong đó bày tỏ quan ngại trước việc Trung cộng bồi đắp các đảo tranh chấp và quân sự hóa Biển Đông. Trung cộng đã đổ lỗi cho phía Việt Nam đã vận động để thông cáo chung của Asean đề cập đến việc này.
Thông cáo nói rằng “một số ngoại trưởng của 10 nước Asean đã bày tỏ quan ngại “về việc bồi đắp đảo và các hoạt động trong khu vực vốn làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm tổn hại hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.”
Tuy nhiên Hà Nội đã gặp khó khăn khi vận động các quốc gia Asean khác đồng ý với nội dung này trong thông cáo chung do các nước này có quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với Trung cộng.
Ngoại trưởng Vương được South China Morning Post dẫn lời nói rằng “chỉ có một hay hai ngoại trưởng trong khối Asean bày tỏ quan ngại về việc bồi đắp đảo”.
Tôi muốn nói rằng Trung cộng đã dừng hoặc đã hoàn tất việc bồi đắp hai năm trước. Nếu có ai đó còn nói về bồi đắp đảo thì đó không phải là Trung cộng. Có lẽ nước nào đưa ra vấn đề này mới là nước đang bồi đắp đảo,” ông Vương nói.
Người phát ngôn của phái đoàn Trung cộng được Bloomberg dẫn lời nói rằng việc gặp nhau giữa ngoại trưởng hai nước không phải là cơ hội duy nhất để cho các bộ trưởng thảo luận. Trước đó, quan chức hai nước đã tham gia vào các cuộc gặp đa phương khác ở Manila, trong số đó có cuộc gặp giữa Trung cộng và 10 nước Asean.
“Hai bên đã gặp nhau rồi,” người phát ngôn này nói nhưng không cho biết gì thêm. Hội nghị ngoại trưởng Asean thường niên và các hội nghị liên quan khác hiện đang diễn ra ở thủ đô Manila của Phi Luật Tân nhân kỷ niệm 60 năm ngày khối này ra đời.
Bản cuối cùng của thông cáo chung được lựa chọn từ ngữ cẩn thận để không làm mất lòng Trung cộng. Thông cáo kêu gọi phi quân sự hóa Biển Đông và tái cam kết sự sẵn sàng của Asean để bắt đầu các cuộc đàm phán thực chất về bộ quy tắc ứng xử với Bắc Kinh. Tuy nhiên văn bản này không đề cập rằng bộ quy tắc ứng xử phải có tính ràng buộc về pháp lý.
Ông Hứa Lợi Bình, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Khoa học Xã hội Trung cộng nói với South China Morning Post rằng Bắc Kinh “bất bình với lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề trên biển” và rằng việc hủy gặp này có thể được xem như là “lời cảnh báo đối với Việt Nam”.
Trong một bài xã luận, hãng tin Tân Hoa Xã cho rằng nỗ lực của Việt Nam muốn có ngôn từ mạnh mẽ trong thông cáo chung đã “đầu độc” tình hình trên Biển Đông và “gieo rắc bất đồng giữa Trung cộng và Asean”.
Theo bản tin được đưa ra vào khoảng nửa đêm ngày 7/8 giờ Việt Nam trên báo Tuổi Trẻ thì ông Phạm Bình Minh cuối cùng cũng có cuộc gặp với ông Nghị theo hình thức ‘pull aside’, tức là hai vị bộ trưởng kéo nhau ra một bên bên lề một phiên họp và ‘trao đổi nội dung’, tờ báo này dẫn nguồn tin riêng của họ từ Bộ Ngoại giao cho biết. Tuy nhiên tờ báo này không cho biết hai vị ngoại trưởng gặp nhau trong thời gian bao lâu và thảo luận những nội dung gì.
Hồi tháng Sáu năm 2017 đã có tin Việt Nam đã dừng khoan tìm khí đốt ở bãi Vanguard mà Việt Nam gọi là bãi Tư Chính do có lời đe dọa dùng sức mạnh quân sự từ Trung cộng.
VOA


Việt Nam không hoàn toàn cô độc ở biển Đông
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (trái) và Ngoại trưởng Phi Luật Tân Cayetano, tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50.  AFP

Hội nghị ngoại trưởng lần thứ 50 của các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra được một thông cáo chung, trong đó có lời lẽ khá mạnh mẽ của Việt Nam kêu gọi không quân sự hóa biển Đông

ASEAN và Trung cộng cũng đạt được một thỏa thuận khung về soạn thảo qui tắc ứng xử (COC) trên biển Đông, tuy nhiên không có nói đến tính ràng buộc pháp lý của COC trong tương lai, như Việt Nam mong muốn.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia quan hệ quốc tế, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore có những nhận định về kết quả của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN 50 lần này. Đầu tiên ông đưa ra lý do tại sau một năm trước đây tại Lào, trong cuộc họp ngoại trưởng ASEAN 49 lại không có những lời lẽ khá mạnh mẽ như trong ASEAN 50 lần này.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Sau phán quyết của tòa trọng tài vào năm 2016, Trung cộng có những hành động ngoại giao có thể gọi là lôi kéo các nước ASEAN về phía họ. Trong bối cảnh đấy thì không khí chung của ASEAN cũng không muốn tạo ra căng thẳng đối đầu với Trung cộng. Những yếu tố ấy tạo ra cái môi trường bất lợi cho Việt Nam, và có lợi cho Trung cộng.
Trong Hội nghị lần này thì theo tôi có những yếu tố thay đổi, ví dụ như là chính sách của chính quyền Trump của Hoa Kỳ dường như rõ ràng hơn, thể hiện nhiều sự tiếp nối hơn là thay đổi so với chính quyền tiền nhiệm của ông Obama, việc Trung cộng đe doạ Việt Nam ở lô 136-3,… cho thấy nếu Việt nam cứ tiếp tục mềm mỏng thì khó có thể lật ngược được tình thế trong thời gian tới. Và Việt Nam cần có tiếng nói cương quyết hơn. Nếu Việt Nam muốn đạt một hay hai điểm thì Việt Nam phải cương quyết trên 3, 4 điểm, để từ đó có thể có thế mặc cả với các nước ASEAN khác để đạt được một cái ngưỡng thỏa hiệp.

Việt Nam là một thành viên ASEAN và có quyền phủ quyết. Trong khi các nước như Cam Pu Chia hay Lào muốn có một ngôn ngữ mềm mỏng hơn với Trung cộng, thì Việt Nam cũng có quyền yêu cầu có một ngôn ngữ mạnh mẽ hơn đối với Trung cộng về vấn đề biển Đông, nếu không thì Việt Nam có quyền phủ quyết, sẽ dẫn đến đổ vỡ về mặt ngoại giao, những bế tắc trong các cuộc họp ASEAN, một điều mà không ai mong muốn. Nếu Việt Nam cứng rắn, mạnh mẽ hơn, thì nếu không đạt được toàn bộ ý nguyện của mình, thì ít nhất cũng bảo vệ được một phần. Còn nếu như Việt Nam không lên tiếng, không đưa ra các lập trường cứng rắn thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị thiệt thòi.

Kính Hòa RFA: Theo một số nhà quan sát thì Việt Nam và một số quốc gia ASEAN mong muốn COC mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng Trung cộng sẽ không để chuyện đó xảy ra. Theo ông tại sao Trung cộng không muốn điều này?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Rất dễ hiểu vì Trung cộng là quốc gia chiếm ưu thế trên biển Đông, và họ muốn mở rộng sức mạnh hải quân, sức mạnh trên biển Đông, chính vì vậy họ không muốn ràng buộc hành động, bởi các văn kiện pháp lý. Họ muốn có quyền tự do hành động lớn hơn. Chính vì vậy Trung cộng sẽ tìm mọi cách để làm cho COC, nếu như được thông qua, sẽ ít có giá trị, ràng buộc pháp lý, để họ có thể có quyền tự do hành động một cách tự do trên biển Đông.

Kính Hòa RFA: Gần đây có một số nhà quan sát cho rằng việc đấu tranh của Việt Nam, cũng như một số quốc gia phương Tây có quyền lợi ở biển Đông, là làm sao ở biển Đông có những ràng buộc về pháp lý, chứ không phải là yêu cầu giữ nguyên trạng như trước đây. Nhận xét đó có đúng không, và có vẻ như là Trung cộng thích sự thỏa thuận nguyên trạng?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Có lẽ là do Trung cộng, trong thời gian vừa rồi đã có những hành động thay đổi nguyên trạng trên biển Đông như việc họ xây các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Điều đấy có nghĩa là các nước đấu tranh để duy trì nguyên trạng làm điều vô ích vì không ai có thể ngăn cản được Trung cộng tiến hành thay đổi nguyên trạng trên biển Đông, nếu như họ không sẳn sàng đối đầu quân sự, vũ trang với Trung cộng trên biển Đông.

Chính điều đó chỉ ra một lổ hổng là mặt dù các nước này muốn duy trì nguyên trạng nhưng họ lại không có các cơ chế, các công cụ để duy trì nguyên trạng đấy. Đố là lổ hổng về mặt pháp lý, không có các ràng buộc, không có các hiệp định để mà ngăn cản hành động thay đổi nguyên trạng của Trung cộng, từ đó có các cơ sở để lên án hay đưa ra các biện pháp trừng phạt Trung cộng chẳng hạn.

Xuất phát từ thực tiễn đấy, không có các công cụ để ngăn cản Trung cộng thay đổi nguyên trạng, thì bước đầu tiên để thay đổi tình trạng đó là tạo ra các công cụ pháp lý, mang tính chất ràng buộc cao để có thể ngăn cản Trung cộng thay đổi nguyên trạng.

Có lẽ đây là lý do tại sao Việt Nam nhấn mạnh tính chất pháp lý ràng buộc, trong bản COC mà hai bên sẽ tiến hành đàm phán trong tương lai.

Kính Hòa RFA: Trong bản tin mới của Reuters, có nói một vài quốc gia ASEAN, không nêu tên, ủng hộ Việt Nam đưa COC trở thành một ràng buộc pháp lý. Theo ông quốc gia nào có khả năng ủng hộ Việt Nam trong chuyện đó?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Theo tôi thì hiện tại có một số quốc gia ASEAN, trong bảng tuyên bố chung, họ không muốn đưa vào ngay cái cụm từ là phấn đấu đưa COC thành ràng buộc pháp lý, tại vì nó có mang tính ràng buộc pháp lý hay không thì nó vẫn còn là một câu hỏi mở để thảo luận, đàm phán giữa các nước ASEAN và Trung cộng, sau khi mà hai bên tiến hành đàm phán về thực chất của nội dung COC này. Cho nên bây giờ nếu nói phấn đấu đưa COC có tính ràng buộc pháp lý hay không thì nó vẫn chưa có ý nghĩa thực sự bằng việc tiến hành đàm phán trên thực tế.

Vì vậy có những bất ngờ, chẳng hạn có thông tin nói Singapore chẳng hạn, không ủng hộ việc đưa vào tuyên bố chung rằng COC mang tính ràng buộc pháp lý, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Singapore và những nước liên quan không ủng hộ một bản COC mang tính ràng buộc pháp lý.

Còn trả lời câu hỏi của ông, dựa trên suy luận và quan sát của tôi thì có thể có các nước như Singapore, Indonesia, ủng hộ quan điểm của Việt Nam là có một COC mang tính ràng buộc pháp lý. Một số nước khác thì không có quan điểm rõ ràng, còn Cam Pu Chia thì chúng ta biết rằng họ nghiêng về quan điểm của Trung cộng là COC không mang tính ràng buộc pháp lý.
Những quan điểm lập trường như chúng ta vừa nêu vẫn có thể thay đổi trong tương lai, tùy thuộc vào tính toán lợi ích của các bên, nhưng tôi tin rằng Việt Nam không hoàn toàn đơn độc trong cuộc chiến về COC, vì có những quốc gia trong khu vực chia sẻ lợi ích của Việt Nam, trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực biển Đông.

Kính Hòa (RFA)



Diễn đàn ASEAN có lợi cho Trung cộng?
Bản quyền hình ảnh AFP/GETTY IMAGES Image caption Hậu Diễn đàn ASEAN, Trung cộng nắm lợi thế?
Các bộ trưởng Ngoại giao của Đông Nam Á và Trung cộng đã thông qua khuôn khổ đàm phán cho một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, một động thái mà họ đánh giá là tiến bộ nhưng các nhà phê bình cho là chiến thuật mua thời gian để Trung cộng củng cố quyền lực trên biển, theo Reuters.
Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung cộng, Bộ trưởng Vương Nghị cho biết việc thông qua khuôn khổ này đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho các cuộc đàm phán có thể bắt đầu trong năm nay, nếu "tình hình ở Nam Hải (Biển Đông) nhìn chung ổn định và giả thuyết rằng không có sự can thiệp lớn từ bên ngoài".
Tờ Diplomat phân tích rằng dựa vào câu trả lời của ông Vương Nghị, có vẻ như Trung cộng đã xem Diễn đàn Khu vực ASEAN năm nay là một phi vụ ngoại giao thành công.
Trả lời báo chí, ông Vương nhấn mạnh "thực sự chỉ có một hoặc hai bộ trưởng bày tỏ mối quan ngại".
Ông cũng chỉ ra rằng "Trung cộng đã hoàn thành việc bồi đắp cách đây hai năm. Vì vậy, nếu có bất kỳ quốc gia nào tiến hành bồi đắp, chắc chắn không phải là Trung cộng - có lẽ đó là chính quốc gia sẽ đưa ra vấn đề mới đang làm việc đó," ông nói thêm.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đã thực hiện hoạt động bồi đắp ở hai khu vực trong vùng biển đang tranh chấp trong những năm gần đây, theo Reuters.
Trong khi đó Trung cộng đã xây dựng bảy đảo nhân tạo trong vùng biển đang tranh chấp, ba trong số đó được trang bị đường băng, tên lửa đất-đối-không và radar.
Ngôn ngữ khuôn khổ bộ quy tắc 'bất đồng'
Thỏa thuận khung bộ quy tắc ứng xử chưa được công bố nhưng một bản kế hoạch hai trang mà Reuters có được cho thấy có nhiều bất đồng.

Bản quyền hình ảnh REUTERS Image caption Phó thủ tướng Phạm Bình Minh (áo xanh) đã nỗ lực vận động các nước ASEAN thay đổi lập trường về Biển Đông và Trung cộng
Tài liệu kêu gọi cam kết "các mục tiêu và nguyên tắc" của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng không nêu rõ về việc tuân thủ. .
Một văn kiện riêng của ASEAN, được ghi từ tháng Năm và Reuters thu thập cho thấy Việt Nam thúc đẩy ngôn ngữ mạnh mẽ, cụ thể hơn, đề cập tới cơ chế giải quyết tranh chấp và tôn trọng "chủ quyền, các quyền chủ quyền và thẩm quyền".
Quyền chủ quyền bao gồm các quyền được đánh bắt và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và Phi Luật Tân, cho biết họ vẫn ủng hộ việc ràng buộc pháp lý cho bộ quy tắc, tuy nhiên một số chuyên gia cho biết Trung cộng không có vẻ sẽ đồng ý.
Theo Reuters, các nhà phê bình nói việc không xác định một mục tiêu ban đầu để bộ quy tắc có tính chất ràng buộc pháp lý và thi hành được hoặc có một cơ chế giải quyết tranh chấp, đã gây nghi ngờ về tính hiệu quả của nó.
Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ yêu cầu 'ràng buộc pháp lý'
Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ kêu gọi Đông Nam Á và Trung cộng có một bộ quy tắc có ràng buộc pháp lý và mạnh mẽ phản đối "hành động cưỡng chế đơn phương".

Trung cộng ‘vững vàng giữ chủ quyền’ ở Biển Đông
Trung cộng đồng thời cũng phản đối mạnh mẽ cái mà họ gọi là can thiệp của các nước ngoài khu vực trong vấn đề Biển Đông.
Trong một cuộc gặp bên lề với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono Manila hôm 7/8, ông Vương kêu gọi Nhật Bản tôn trọng những nỗ lực của Trung cộng và các nước ASEAN và đóng vai trò xây dựng cho hòa bình và ổn định khu vực.
"Đừng luôn gây rắc rối sau lưng các nước khác và gây ra những mâu thuẫn," Bộ Ngoại giao Trung cộng dẫn lời ông Vương.
Trước đó, ông Vương Nghị vào phút chót đã hủy một cuộc họp với Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh.
Các quan chức Đại sứ quán Trung cộng không đưa ra lý do gì về việc hủy cuộc họp. Trong khi đó báo Tuổi Trẻ cho biết hai bộ trưởng đã có một cuộc gặp "kéo qua một bên" và trao đổi quan điểm. Báo này cũng cho thấy hình ảnh ông Nghị và ông Minh bắt tay.

BBC

Mỹ, Nhật, Úc kêu gọi COC có tính ràng buộc pháp lý
Ngoại trưởng các nước chụp ảnh trước Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á ở Phi Luật Tân, 7/8/2017

Mỹ, Nhật và Úc hôm 7/8 thúc giục các nước Đông Nam Á và Trung cộng bảo đảm rằng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà họ cam kết soạn ra sẽ có tính ràng buộc pháp lý, theo tin của Reuters phát đi từ Manila.
Tin cho hay ba cường quốc cũng nói họ mạnh mẽ phản đối những hành động cưỡng ép đơn phương.Mỹ, Nhật và Úc không phải là những bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nơi có tranh chấp giữa 5 bên gồm Việt Nam, Trung cộng, Phi Luật Tân, Đài Loan, Mã Lai và Brunei.Tuy nhiên, Mỹ, Nhật và Úc lâu nay vẫn có nhiều tuyên bố về vùng biển với lập luận rằng họ có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở đó.
Ngoại trưởng 3 nước kể trên đã ra tuyên bố sau một cuộc họp ở Manila nói rằng khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung cộng cần thiết lập một bộ quy định “có tính ràng buộc pháp lý, có ý nghĩa, có hiệu lực, và nhất quán với luật quốc tế”.
Hôm 6/8, các ngoại trưởng của ASEAN và Trung cộng đã thông qua văn kiện khung liên quan đến việc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử (COC).
Văn kiện khung này nêu khái quát về cách thức Trung cộng và ASEAN đàm phán về một thỏa thuận chính thức. Việc đàm phán có thể bắt đầu trong phần còn lại của năm nay.
Chuyên gia về Biển Đông Hoàng Việt nói với VOA từ Sài Gòn về ý nghĩa của việc 3 cường quốc đề nghị COC phải có tính pháp lý:
“Ba quốc gia mà họ lên tiếng thể hiện cái điều là muốn hay không muốn các cường quốc vẫn phải quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Việc phát biểu đó cho thấy, một là Hoa Kỳ cũng phải quan tâm bởi vì nó gắn liền lợi ích Hoa Kỳ ở đó. Thứ hai là kể cả Úc Đại Lợi, mặc dù không phải là một bên tranh chấp Biển Đông, nhưng Úc  cũng là một quốc gia quan tâm vì nó cũng ảnh hưởng rất nhiều lợi ích của Úc  trong đó. Đối với Nhật Bản thì đương nhiên. Nhật Bản có những lo lắng đặc biệt, bởi vì căng thẳng trên Biển Đông sẽ tác động rất nhiều đến Biển Hoa Đông cũng như mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung cộng”.
Thạc sỹ Hoàng Việt nhận định khi các cường quốc lên tiếng và nếu đi kèm theo đó là những hành động gây sức ép, điều đó sẽ giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán COC nhanh hơn.
Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý rằng việc chính quyền của Tổng thống Trump đang có những xáo trộn nội bộ, và việc chính quyền Mỹ chưa đưa ra chính sách đối ngoại rõ ràng làm cho khó dự báo về tiến trình đàm phán COC.
Trong khối ASEAN, một số nước trong đó có Việt Nam cũng muốn COC có tính ràng buộc pháp lý, khả dĩ thực thi và có một cơ chế giải quyết tranh chấp.
Một số chuyên gia nước ngoài nói Trung cộng có thể không chấp nhận điều đó. Họ cũng nhận xét rằng việc Trung cộng đồng ý đàm phán về COC có thể là một chiến thuật câu giờ để họ tiếp tục xây đảo và quân sự hóa ở Biển Đông.
Tuy nhiên, chuyên gia Hoàng Việt đưa ra ý kiến ngược lại:
“Tôi nghĩ Trung cộng không câu giờ. Bởi vì Trung cộng trước đây ở thế yếu, nhưng bây giờ Trung cộng đã chuyển sang thế mạnh. Nghiên cứu về hành vi của Trung cộng cho chúng ta thấy là sau khi Trung cộng có một thế tương đối vững thì Trung cộng sẽ xuống nước để Trung cộng sẽ ký kết. Để làm gì? Một mặt, Trung cộng tỏ ra rằng Trung cộng luôn luôn có thiện chí. Thứ hai, Trung cộng muốn dựa vào đấy để ngăn cản các quốc gia khác bồi lấp, xây đảo nhân tạo như của mình”.
Bản tin Reuters ngày 7/8 tường thuật rằng Jay Batongbacal, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Tổng hợp Phi Luật Tân, nói với kênh tin ANC rằng việc các bên thông qua văn kiện khung đã trao cho Trung cộng lợi thế chiến lược vô cùng to lớn, đó là họ sẽ có thể quyết định khi nào tiến trình đàm phán có thể bắt đầu.
Lúc này, cùng với lời kêu gọi COC phải có tính ràng buộc pháp lý, ba nước Mỹ, Nhật và Úc cũng thúc giục các bên kiềm chế, không bồi lấp, xây dựng các tiền đồn và quân sự hóa các thực thế có tranh chấp, ý nói đến việc Trung cộng đã mở rộng khả năng phòng thủ ở Đá Vành Khăn, Chữ Thập và Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa.
Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị hôm 6/8 nói điều đó phụ thuộc vào tình hình có ổn định hay không, và có sự can thiệp lớn từ bên ngoài vào hay không.
VOA



ASEAN, Trung cộng thông qua khung quy tắc ứng xử trên Biển Đông 
Ngoaị trưởng Trung cộng Vương Nghị gặp báo chí khi dự hội nghị với khối ASEAN, 6/8/2017
Các ngoại trưởng Đông Nam Á và Trung cộng hôm 6/8 thông qua văn kiện khung về đàm phán một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Họ ca ngợi động thái này là một tiến bộ, nhưng những người chỉ trích cho rằng đây là một chiến thuật câu giờ của Trung cộng để nước này củng cố sức mạnh trên biển của mình.
Văn kiện khung nhắm đến việc thúc đẩy Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, gọi tắc là DOC, đã được đưa ra hồi năm 2002.
Hầu như các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều lờ đi DOC, nhất là Trung cộng. Nước này đã xây 7 đảo nhân tạo ở vùng biển có tranh chấp.
Các bên nói văn kiện khung chỉ là một bản khái quát về cách thức bộ quy tắc ứng xử sẽ được thiết lập. Nhưng những người chỉ trích nói việc không nêu khái quát về mục tiêu ban đầu, sự cần thiết phải làm cho bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý và có thể cưỡng hành, hay có một cơ chế giải quyết tranh chấp là những điều gây nghi ngờ về mức độ hiệu lực của bộ quy tắc.
Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị nói việc thông qua văn kiện khung tạo ra cơ sở vững chắc để đàm phán có thể bắt đầu trong năm nay.
Việt Nam, Trung cộng, Phi Luật Tân, Đài Loan, Mã Lai và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền về toàn bộ hoặc từng phần Biển Đông.
Một số nhà ngoại giao và những người chỉ trích tin rằng việc Trung cộng đột nhiên quan tâm đến bộ quy tắc sau 15 năm trì hoãn là có mục đích kéo dài quá trình đàm phán để câu giờ cho việc hoàn thành những mục tiêu chiến lược của họ ở Biển Đông.
Một số người cho rằng bộ quy tắc được thúc đẩy vào lúc Mỹ, nước lâu nay được coi là có vai trò quan trọng trong việc ngăn cản những đòi hỏi hàng hải của Trung cộng, đang bị phân tán vì các vấn đề khác và không đưa ra quan điểm rõ ràng về chiến lược an ninh của Mỹ ở châu Á, vì vậy làm suy yếu vị thế đàm phán của ASEAN.
Văn kiện khung chưa được công bố, nhưng một văn bản dài 2 trang mà Reuters tiếp cận được cho thấy nó khá khái quát và có nhiều điểm dẫn đến bất đồng.
Ví dụ, nó kêu gọi các bên cam kết với “các mục đích và nguyên tắc” của Công ước LHQ về Luật Biển, nhưng không quy định việc tuân thủ.
Một số nước ASEAN, kể cả Việt Nam và Phi Luật Tân, lâu nay nói họ vẫn muốn làm cho bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý, điều mà theo các chuyên gia sẽ ít có cơ hội được Trung cộng chấp nhận.
Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị nói ông không cố tiên liệu về nội dung bộ quy tắc, nhưng ông cũng nói bất cứ điều gì được ký kết cũng phải được tuân theo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Phi Luật Tân Robespierre Bolivar nói việc thông qua văn kiện khung là biểu tượng của cam kết tạo ra một bộ quy tắc “thực chất và có hiệu lực”.
(theo Reuters)
VOA