08.09.2017

Những nhà thơ chỉ có một bài thơ - Phan Thành Khương

Những nhà thơ chỉ có một bài thơ 

Phan Thành Khương
Bài hịch của Lý Thường Kiệt trước cơ sở ngoại giao Trung Quốc ở San Francisco (ảnh Bùi Văn Phú)

Trong lịch sử văn học Việt nam và thế giới, chúng ta biết có những nhà thơ chỉ có một bài thơ. Thế mà, tác phẩm của họ, bài thơ duy nhất ấy, sống mãi với thời gian, sống mãi với người đọc. Tác phẩm của họ, bài thơ duy nhất ấy, vẫn mãi làm xúc động người đọc, vẫn mãi tiếp thêm năng lượng sống cho các thế hệ.

1. Bài thơ thần – bài thơ “Nam quốc sơn hà” - của Lý Thường Kiệt:

Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) là nhà quân sự, nhà chính trị nổi tiếng, một thái giám đời nhà Lý, có công to lớn trong việc đánh bại hoàn toàn quân xâm lược Tàu-Tống vào năm 1075-1077. Ông được cho là người đã viết ra tác phẩm “Nam quốc sơn hà” (Sông núi nước Nam).

Tài năng quân sự và chiến công trước quân xâm lược Tàu-Tống trong Chiến trận Như Nguyệt vào năm 1077 đã làm nên tên tuổi của ông. Ngày nay, người Việt thường liệt ông vào danh sách 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.

Nam quốc sơn hà

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan (khán) thủ bại hư!

南國山河
南國山河南帝居,
截然定分在天書。
如何逆虜來侵犯?
汝等行看取敗虛!

Dịch nghĩa:

Sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam thì Vua nước Nam ở,
Điều đó đã được phân định rõ ràng ở sách Trời.
Cớ sao lũ giặc ngang ngược lại đến xâm phạm?
Tất cả bọn bay sẽ thấy sự thất bại hoàn toàn!
(Phan Thành Khương dịch)

Dịch thơ:

Sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
(Trần Trọng Kim dịch)

Hiện nay, có nhiều bản dịch thơ khác nhau. Nhưng, bản dịch thơ của học giả Trần Trọng Kim là bản dịch được nhiều người chấp nhận.

Bài thơ chỉ gồm (7 chữ) x (4 dòng), chỉ vỏn vẹn có 28 chữ, đã khẳng định quyền độc lập tự chủ của Dân tộc, vạch trần sự phi nghĩa, phi pháp của bọn xâm lược Tàu-Tống và sự thất bại triệt để, không thể tránh khỏi của chúng. Bởi thế, bài thơ đã được đánh giá là “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Dân tộc ta”.

2. Bài thơ “Cảm hoài” của Đặng Dung:

Đặng Dung (1373 - 1414), là nhà thơ và là danh tướng nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là con trai của Đặng Tất, người theo phò vua Giản Định đế của nhà Hậu Trần, sau bị Giản Định đế giết chết cùng với tướng Nguyễn Cảnh Chân. Giận vì cha mình chết oan, Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) bỏ đi, lập Trần Quý Khoáng tức vua Trùng Quang và tiếp tục khởi nghĩa.

Cảm hoài

Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

感懷
世事悠悠奈老何?
無窮天地入酣歌.
時來屠釣成功易,
運去英 雄飲恨多.
致主有懷扶地軸,
洗兵無路挽天河.
國讎未報頭先白.
幾度龍泉戴月磨.

Dịch nghĩa:

Nỗi lòng

Việc đời bồng bềnh, ta đã già, biết làm sao?
Trời đất mênh mông chìm đắm trong cuộc rượu ca hát.
Khi gặp thời, kẻ làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng thành công dễ,
Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong nâng trục đất,
Rửa vũ khí, không có lối kéo sông Ngân xuống.
Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc trước,
Bao lần đem gươm báu Long Tuyền mài dưới ánh trăng.
(Phan Thành Khương dịch)

Dịch thơ :

Nỗi lòng

Việc đời man mác, tuổi già thôi!
Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chửa trả,
Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.
(Tản Đà dịch)

Nỗi lòng

Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

(Phan Kế Bính dịch)

Bài thơ “Cảm hoài” (Nỗi lòng) chính là tiếng nói gan ruột của một bậc anh hùng thất cơ, lỡ vận. Người anh hùng đó có một hoài bão, một khát vọng to lớn là muốn giúp vua, nâng trục đất, muốn rửa sạch binh giáp, muốn đem lại thái bình cho đất nước, cho muôn dân. Nhưng, khi tuổi đã cao, sức đã kiệt, người anh hùng đó vẫn chưa thực hiện được khát vọng, hoài bão của mình. Bởi thế, tuy nói về sự thất bại, bài thơ vẫn khơi dậy ở người đọc những điều lớn lao, cao cả. Và, có lẽ vì thế, bài thơ vẫn sống mãi với các thế hệ người Việt Nam chúng ta.

3. Bài thơ «Un secret» (Một bí mật) của Félix Arvers:

Félix Arvers (1806-1850) là một nhà thơ Pháp. Ông viết tập thơ «Mes heures perdues» (Thời gian rảnh rỗi của tôi) năm 25 tuổi. Bài thơ Un secret(Một bí mật) là bài thơ trong tập thơ đó, và là bài thơ nổi tiếng duy nhất của ông. Vì vậy, trong nền văn học Pháp, Félix Arvers được xem là "Nhà thơ của một bài thơ duy nhất". Bài Un secret được viết dưới dạng một bài Sonnet (tức là một bài thơ gồm 14 câu, tuân theo cấu trúc và luật gieo vần khắt khe), do đó, nó cũng thường được gọi là Sonnet d'Arvers (Bài Sonnet của Arvers).

Félix Arvers yêu cô Marie, nhưng đó là tình yêu đơn phương, nên ông viết bài Sonnet «Un secret» để bày tỏ tình yêu câm lặng của mình.

Un secret

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère :
Un amour éternel en un moment conçu :
Le mal est sans espoir, aussi j’ai dû le taire,
Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su.
Hélas ! j’aurai passé près d’elle inaperçu,
Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire,
Et j’aurai jusqu’au bout fait mon temps sur la terre,
N’osant rien demander et n’ayant rien reçu.
Pour elle, quoique Dieu l’ait faite douce et tendre,
Elle ira son chemin, distraite, et sans entendre
Ce murmure d’amour élevé sur ses pas ;
A l’austère devoir, pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d’elle:
"Quelle est donc cette femme?" et ne comprendra pas.
(Félix Arrvers)

Dịch nghĩa:

Một bí mật

Tâm hồn tôi có một bí mật của nó, cuộc đời tôi có một bí ẩn của nó:
Một tình yêu vĩnh cửu trong một phút chốc đã được tạo ra:
Nỗi đau là vô vọng, vì vậy tôi đã phải giữ im lặng,
Và một người trong đó đã làm như chưa bao giờ biết đến bất cứ điều gì.
Than ôi! Tôi đã đi qua cạnh nàng mà không có được sự chú ý của nàng,
Luôn luôn ở bên cạnh nàng, nhưng đơn độc,
Và tôi đã làm hết thời gian của tôi trên trái đất,
Không dám hỏi bất cứ điều gì và đã không nhận được bất cứ điều gì.
Đối với nàng, mặc dù Thiên Chúa đã làm cho mềm mại và dịu dàng,
Nàng sẽ đi trên con đường của nàng, quẫn trí và không nghe thấy
Tiếng rì rầm của tình yêu được nâng cao trên những bước chân của nàng;
Trong nhiệm vụ khắc khổ, cách ngoan đạo trung thành,
Nàng sẽ nói, đọc những dòng này một cách đầy đủ:
"Vậy ai là người phụ nữ này?" và sẽ không hiểu được.
(Phan Thành Khương dịch)

Dịch thơ :

Tình Tuyệt vọng

Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay
Hỡi ơi, người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân
Dẫu ta đi trọn đường trần
Chuyện riêng đâu dám một lần hé môi
Người dù ngọc nói hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình
Một niềm tiết liệt đoan trinh
Xem thơ nào biết có mình ở trong
Lạnh lùng, lòng sẽ hỏi lòng:
"Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây".
(Khái Hưng dịch)

Bài thơ nói về tình yêu, một tình yêu đơn phương, một tình yêu tuyệt vọng. Và, vì thế, người đọc chúng ta cảm nhận được một tình yêu chân thực, mạnh mẽ, nồng nàn, thiết tha của nhà thơ - người con trai, với cô gái xinh đẹp, mềm mại và dịu dàng (« douce et tendre ») nhưng lại quá đỗi thờ ơ, lãnh đạm!

Bản dịch thơ của Khái Hưng đã góp phần biểu đạt tâm trạng ray rức, xót xa, buồn khổ, đau đớn của nhà thơ – người con trai trong mối tình đơn phương, vô vọng và tuyệt vọng ấy.

Ninh Thuận, 14-8-2017
PHAN THÀNH KHƯƠNG

(VOA)