28.09.2017

Phúc trình tôn giáo của Mỹ: những vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo ở VN vẫn tiếp diễn

Phúc trình tôn giáo của Mỹ: những vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo ở VN vẫn tiếp diễn
Phúc trình về tự do tôn giáo của USCIRF Courtesy USCIRF.gov

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn giáo Quốc tế- USCIRF vào ngày 27 tháng 9 công bố phúc trình mới về tình hình tự do tôn giáo- tín ngưỡng tại khu vực các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc Gia Đông Nam Á- ASEAN.

Bản phúc trình có tên ‘Một quyền cho tất cả mọi người: quyền tự do tôn giáo & tín ngưỡng tại ASEAN. Theo thông cáo của USCIRF thì phúc trình mới nêu ra tình trạng về quyền tự do này tại 10 nước thuộc ASEAN.


USCIRF xem xét các biện pháp của khối này và từng quốc gia thuộc khối đối với quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng được nói là một quyền căn bản. Qua xem xét, USCIRF bày tỏ khen ngợi về việc ASEAN đạt được một mức độ nào đó về hợp tác trong khối đa dạng như thế; đồng thời USCIRF cũng nêu ra thực tiễn cần phải cải thiện.

Chủ tịch USCIRF, ông Daniel Mark, phát biểu rằng khối ASEAN tỏ rõ mong muốn trở thành một lực lượng kinh tế, chính trị và văn hóa trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên khối này và từng quốc gia thành viên có trách nhiệm tôn trọng các chuẩn mực về nhân quyền quốc tế, trong đó có việc bảo vệ quyền tự do- tín ngưỡng và các quyền con người liên hệ khác nữa.

Phúc trình mới nhất của USCIRF trong phần về Việt Nam đánh giá chính quyền Hà Nội có tiến hành một số bước để cải thiện điều kiện tự do tôn giáo ở trong nước. Nhiều cá nhân và cộng đồng có thể thực thi quyền này một các tự do, công khai không gặp lo sợ nào.

Theo USCIRF thì nhìn chung, tại Việt Nam, những những tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận phát triển tốt hơn những nhóm chưa được thừa nhận. Tuy vậy, những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn, đặc biệt đối với những cộng đồng sắc tộc thiểu số ở khu vực nông thôn của một số tỉnh. Chính quyền Hà Nội hoặc có chỉ thị hoặc cho phép sách nhiễu, phân biệt đối xử với những tổ chức tôn giáo độc lập, không đăng ký.

Còn có sự cách biệt giữa phát biểu của chính quyền Trung ương là cải thiện điều kiện tự do tôn giáo và hành động thực tế đang diễn ra của giới chức địa phương, an ninh, và những nhóm côn đồ có tồ chức tiến hành đe dọa, gây hại thân thể của những tín đồ, phá hoại nơi thờ tự hay tài sản tôn giáo.

USCIRF nêu trong phúc trình rằng chính quyền Việt Nam cũng thường xuyên nhắm đến những cá nhân và nhóm cụ thể bởi vì niềm tin tôn giáo, thành phần dân tộc, sự ủng hộ cho dân chủ- nhân quyền- tự do tôn giáo,  mối quan hệ lịch sử với Phương Tây, hoặc mong muốn độc lập không chịu sự kiểm soát của chính quyền cộng sản.

Số này được kể ra gồm Cao Đài Chân Truyền, Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Khmer Krom, người Thượng Tây Nguyên, người H’mong, Pháp Luân Công, đạo Dương Văn Mình.

Một số trường hợp bị sách nhiễu trong suốt năm 2016 được nêu ra như trường hợp bà Trần Thị Hồng, vợ mục sư Nguyễn Công Chính khi tiếp xúc với Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế David Saperstein. Rồi trường hợp hai người Thượng Tây Nguyên sang Đông Timor tham dự một hội nghị về tự do tôn giáo khu vực là mục sư A Dao và bà Y Bet…

USCIRF còn nêu ra là các tổ chức tôn giáo tiếp tục tường trình về những đe dọa bị trục xuất khỏi hay phá hủy cơ sở tôn giáo của họ.
Vụ việc cưỡng chế và san bằng Chùa Liên Trì tại Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh cũng được nêu ra như một điển hình.

Nhận định về Luật Tín Ngưỡng- Tôn Giáo mà Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 18 tháng 11 năm ngoái và đến đầu sang năm 2018 có hiệu lực, USCIRF cho rằng luật này có một số yếu tố tích cực. Đó là thừa nhận tư cách pháp nhân cho một số tổ chức tôn giáo; rút ngắn thời gian mà các tổ chức tôn giáo phải chờ để được đăng ký; khuyến khích thiết lập các trường học tôn giáo và những cơ sở giáo dục khác; thay đổi biện pháp chuẩn thuận của chính quyền sang biện pháp thông báo đối với một cố hoạt động tôn giáo nào đó.

Trong khi đó thì đối với những tiếng nói chỉ trích thì Luật Tín Ngưỡng- Tôn Giáo của Việt Nam sẽ giới hạn quyền tự do tôn giáo thông qua những yêu cầu đăng ký nặng nề, bó buộc; đồng thời cho phép chính quyền can thiệp quá mức vào đời sống tôn giáo. Thực tế thì những cải thiện khiêm tốn trong Luật Tín Ngưỡng- Tôn Giáo chủ yếu làm lợi cho những tổ chức tôn giáo được cho đăng lý, được nhà nước công nhận.

Trong Luật Tín Ngưỡng- Tôn Giáo của Việt Nam còn có qui định mơ hồ về an ninh quốc gia mà giới cổ xúy cho nhân quyền và những cộng đồng tôn giáo quan ngại sẽ được sử dụng để diễn giải nhằm hạn chế các quyền tự do; đặc biệt ở cấp địa phương.

USCIRF cho rằng nhìn chung chính quyền Việt Nam đàn áp bất cứ ai thách thức quyền hành của họ, trong đó có những luật sư, bloggers, các nhà hoạt động, xã hội dân sự, và các tổ chức tôn giáo.


RFA