05.09.2017

Ước vọng quá trán - Nguyễn Tuấn

Ước vọng quá trán

Nguyễn Tuấn

Hôm nọ đọc báo thấy tập đoàn Vingroup khởi công xây dựng nhà máy làm xe hơi theo "tiêu chuẩn Châu Âu và Mỹ".
Vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì VN có tập đoàn dám nghĩ xa và tạo công ăn việc làm cho người dân. Lo là vì không biết cái tiêu chuẩn Âu Mỹ đó nó ra sao. Kinh nghiệm tôi thấy ở ngoài này, dù người Việt đã sống và làm việc ở đây non nửa thế kỷ nhưng cái tư duy của họ trong xây dựng và sản xuất thì vẫn còn rất … Việt Nam.

Nghĩ lại thấy Việt Nam chúng ta là nước có quá nhiều tham vọng. Thấy láng giềng tiến lên nền kinh tế tri thức, VN cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 để trở thành một nền kinh tế tri thức.

Thấy các nước có giải Nobel khoa học, Việt Nam cũng nóng lòng đặt mục tiêu và ký kết với tập đoàn dầu khí để giành cho được một giải Nobel.

Thấy người ta làm giải mã gen, Việt Nam cũng tự tin nói rằng "chúng tôi làm được".

Thấy người ta thực hiện thành công những ca phẫu thuật lớn, Việt Nam cũng tự tin nói "chúng tôi sẽ làm".

Thấy người ta có dịch vụ khách sạn 5 sao ở quê hương mình, Việt Nam cũng bắt chước xây khách sạn 5 sao.

Thấy Tàu có chương trình thu hút kiều bào của họ về xây dựng nền khoa học, Việt Nam cũng đặt mục tiêu thu hút vài ngàn Việt kiều về nước.

Người ta có tỉ phú mình cũng có tỉ phú. 

Nay thấy bên Miên người ta làm xe hơi rẻ tiền, Việt Nam chơi trội hơn là sản xuất xe hơi theo tiêu chuẩn Âu Mỹ.

Nói chung, hễ cái gì ở ngoài làm và có thì Việt Nam cũng muốn làm như vậy và có như vậy.

Đọc những tin tức như thế, nghe những viễn cảnh như vậy, ai cũng thấy mừng cho sự phát triển của đất nước. Ừ, thì phải phát triển, chứ chẳng lẽ đứng một chỗ trong cái thế giới đầy năng động và cạnh tranh. Nhưng mừng đó rồi cũng lo đó. Lo không biết VN sẽ làm được hay không, hay chỉ là kiểu "đánh trống bỏ dùi," vốn đã thấy nhiều lần trong quá khứ.

Kinh tế tri thức đâu chẳng thấy, chỉ thấy VN càng ngày càng tụt hậu và nợ nần ở mức đáng ngại.

Nobel đâu chưa thấy mà chỉ thấy nghiên cứu khoa học còn èo uột, nguy cơ lệ thuộc vào nước ngoài.

Giả mã gen đâu chẳng thấy mà chỉ thấy vài ba bài báo trên những tập san ở biên giới dỏm – thật.

Dịch vụ người ta là 5 sao thứ thiệt, còn dịch vụ VN là 5 sao do mình tự gắn lên.

Tàu họ thu hút kiều bào của họ, còn VN thì kiều bào có khi kiện lại nhà cầm quyền.

Tỉ phú người ta làm giàu từ công nghệ, còn tỉ phú VN làm giàu chủ yếu từ đầu cơ đất.

Nói chung, ý muốn thì rất nhiều, ý chí thì rất phong phú, nhưng thành tựu thì còn quá nhiều hạn chế và bất cập.

VN hay lấy Âu Mỹ ra làm chuẩn mực, và điều này cũng hợp lý thôi. Nhưng chưa nói đến chuyện lớn lao, chỉ cần nhìn vào những chuyện/việc nhỏ cũng có thế đoán rằng cách VN làm không hẳn là theo tiêu chuẩn Âu Mỹ. Nếu đọc những thông tin về những khách sạn loại "coi được" của VN (quốc doanh và tư nhân) thì thấy cái gì khách sạn Âu Mỹ có thì khách sạn VN đều có.
Business room? Có. Wifi? Có. Hồ bơi. Có. Nơi tập thể dục? Có. Cái gì Tây có thì Ta cũng có. Nhưng nếu bạn thử ở qua một vài ngày ở một khách sạn "cái gì cũng có" của VN thì các bạn sẽ thấy hỡi ơi, và chữ "có" nó rất khác với chữ "có" của Âu Mỹ. Wifi có đó, nhưng nó làm việc hay không làm việc thì ý của nó. Business room có đó, nhưng chỉ đủ cho 1-2 người và không xoay xở vào đâu được. Hồ bơi cũng có đó, nhưng là hồ bơi dành cho trẻ em. Nơi tập thể dục cũng có đó, nhưng chỉ lèo tèo vài máy và nóng kinh khủng. Hội trường cũng có đó nhưng là thứ để làm đám cưới. Tất cả đều có theo nghĩ Việt Nam (tức là "có") nhưng không có theo nghĩa Tây (tức là "có và dùng được").

Mà, những cái "có" đó nó còn lan sang các lĩnh vực khác, từ chính trị đến xã hội và khoa học. Bầu cử? Có. Quốc hội? Có. Bộ trưởng có bằng tiến sĩ? Có (thậm chí còn nhiều hơn Âu Mỹ). Trong khoa học, hầu như bất cứ lĩnh vực gì đang "nóng" và tiên tiến nhất mà các nước Âu Mỹ đang làm (thậm chí đang nghĩ đến) thì VN cũng làm được hay đã làm được. Stem cell research? Làm được. Whole genome sequencing? Làm được. Heart transplanation? Làm được. Sản xuất biệt dược? Làm được. Nếu nghe các quan chức khoa học nói về khoa học Việt Nam thì người bên Âu Mỹ sẽ nghĩ Việt Nam đâu có cần hỗ trợ từ nước ngoài, vì cái gì VN cũng làm được. Nhưng cái "làm được" của VN rất khác với "làm được" ở các nước Âu Mỹ. Ở các nước Âu Mỹ, cái làm được của họ xuất phát từ những nền tảng đã được xây dựng trước đó khá lâu. Trước khi làm stem cell research, họ đã có rất nhiều nghiên cứu và đã được công bố trên những diễn đàn khoa học có uy tín cao. Cái họ làm được là một bước tất yếu trong chu trình phát triển. Cái VN làm được chỉ là cái phần ngọn, chứ không phải xuất phát từ những nền tảng làm cơ sở vững vàng. Cái VN làm được cũng giông giống như xây lâu đài trên cát.

Rất dễ hiểu sự thiếu kiên nhẫn của các nước đang phát triển muốn "đuổi kịp" các nước Âu Mỹ. Có dịp đi nhiều nơi ở các nước đang phát triển tôi thấy hình như nước nào cũng có những chương trình qui mô và mục tiêu đầy tham vọng để được công nhận là một nước tiên tiến. Thậm chí có người còn thấy khó chịu, không chịu nhận chữ "developing countries" hay "third world" vì họ cho đó là cách nói miệt thị của các nước Âu Mỹ. Họ lập những labo nghiên cứu khoa học và cũng có công bố quốc tế, nhưng phần lớn là trên những diễn đàn " predatory journals ". Dù công bố trên predatory journals nhưng họ lại tự hào nói rằng "Chúng tôi đã làm được." Hình như cách suy nghĩ và cách làm như thế nó có nguồn gốc từ sự tự ti, chứ chưa chắc là vì mục tiêu xây dựng nội lực (capacity).

Thật ra, nội lực mới là yếu tố định hình đẳng cấp của một quốc gia. Cái khác biệt giữa các nước đang phát triển và các nước Âu Mỹ không hẳn là "làm được" hay "có", mà là nội lực để làm được và có được. Mua phụ tùng, linh kiện về để lắp ráp thành một chiếc xe hơi hay một cái điện thoại là "làm được" ở cái ngọn, nhưng không tạo ra được những phụ tùng và linh kiện đó thì chưa thể xem là có nội lực được. Đó là chưa nói đến lượng tri thức đầu tư cho sản phẩm. Các nước Âu Mỹ họ phải bỏ ra một thời gian rất lâu để xây dựng nội lực, nền móng khoa học và công nghệ mới đạt được như ngày nay. Những trường đại học của họ thường có một lịch sử rất lâu đời và truyền thống khoa học rất đáng nể. 

Ngay cả những nước "trẻ" hơn như Úc cũng phải bỏ ra cả trăm năm để xây dựng nội lực. Nhật đã xây dựng nội lực từ những năm cuối thế kỷ 19. Đối với những nước có nội lực cao, họ không mấy quan tâm đến việc đặt ra mục tiêu theo kiểu duy ý chí "kế hoạch 5 năm", bởi vì họ biết rõ những thành quả họ sẽ đạt được lá tất yếu. Có hay không có giải Nobel đối với họ hình như không phải là mối bận tâm để phải có một hợp đồng. Được xếp hạng thấp trong kỳ kiểm định PISA cũng chẳng làm họ mất ngủ. Tương tự, Nhật chỉ bình thản khoanh tay đứng nhìn Tàu đem hết sức bình sinh để vượt qua họ về công bố quốc tế, có lẽ họ biết rằng phát triển thần tốc kiểu Tàu chỉ là xây lâu đài trên cát. Phong độ và đẳng cấp có lẽ là ở chỗ đó: kẻ chạy theo phong độ, người xây đẳng cấp.

Đôi khi tôi nghĩ cũng là người Á châu, nhưng Đại Hàn hình như có đẳng cấp hơn mình. Đẳng cấp không chỉ về công nghệ, kỹ thuật, khoa học, và cả văn hoá. Ở Sydney, nếu bạn có dịp đến xem khu phố Đại Hàn ở những vùng như Strathfield hay Burwood và so sánh với những khu phố Việt Nam ở Cabramatta hay Bankstown thì sẽ thấy khác một trời một vực. Khu phố của người Đại Hàn sạch sẽ hơn (hầu như không có rác), hàng quán của họ "văn minh" và chỉnh chu hơn, ngay cả chỗ đậu xe trong những building của Đại Hàn cũng rộng rãi chẳng khác gì của Âu Mỹ. Còn khu phố Việt Nam và Tàu thì chẳng khác mấy so với mấy khu ở Việt Nam: rác rưới đầy đường, có khi phía sau shop là ngập ngụa rác và chất thải, hôi thối không chịu được, còn hàng quán thì cũng dơ bẩn và ồn ào. Lái xe vào chỗ carpark trong các building do người Việt làm chủ thì sẽ trải qua một cơn ác mộng vì chỗ đậu xe quá chật hẹp, sẽ rất khó ra, và khi ra được thì sẽ không bao giờ dám quay lại. Đó cũng là một kiểu "làm cho có", chứ không quan tâm đến lợi ích và tiện nghi của khách hàng. Rất tiêu biểu Việt Nam tính. Chẳng biết có phải tự ti không, nhưng tôi thấy về đẳng cấp thì dân Việt chúng ta thua rất xa dân Hàn và Nhật.

Ngày xưa, ông Soichiro Honda trước khi làm ra chiếc xe Honda nổi tiếng ngày nay, ông ấy là người thợ máy. Ông ấy bắt đầu với sản xuất xe gắn máy nổi tiếng Honda. Ông Kiichiro Toyota, cũng như Soichiro Honda, là một nhà sáng chế nổi tiếng trước khi làm xe hơi. Hãng dược Servier trước khi thành một tập đoàn toàn cầu như ngày nay khởi nghiệp từ những nghiên cứu hoá học trong nhà để xe. Có thể nói rằng những công ti, tập đoàn, nhà sản xuất lừng danh trên thế giới đều khởi nghiệp với những nội lực với tư cách là những nhà sáng chế. Nhưng sáng chế lại là một điểm yếu của Việt Nam. 

Cả trăm năm nay, số bằng sáng chế từ Việt Nam được công nhận trên thế giới chưa đầy 10 bằng, và phần lớn của con số ít ỏi này là của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Có thể nói rằng nội lực khoa học và công nghệ Việt Nam còn rất thấp so với các nước khác trong vùng. Do đó, thay vì đặt mục tiêu với những ước vọng quá trán như có giải Nobel hay chạy đuổi theo những hướng công nghệ của Âu Mỹ, tại sao không bắt đầu bằng cách học hỏi người ta và xây dựng nội lực cho mạnh và bền vững trước.

Nguyễn Tuấn