Bốn triệu đảng
viên đang là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách quốc gia.
Lãnh
đạo Cộng sản Việt Nam thất bại trong việc kìm giữ thâm hụt ngân sách do chính
phủ quản lý kém hiệu quả và quá lãng phí.
Theo
trang Asia Times, người dân cáo buộc chính phủ tăng thuế môi trường bất hợp lý,
vì họ tin rằng ý đồ của chính phủ là giảm thâm hụt ngân sách chứ không phải
giúp bảo vệ môi trường. Điều này tăng đôi gánh nặng trên vai người nộp thuế,
khiến họ ta thán đó là "một cổ hai tròng."
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), với bốn triệu đảng viên đang là một
gánh nặng rất lớn đối với ngân sách quốc gia, vì chính phủ phải có đủ tiền chi trả cho
nhân viên, văn phòng và các hoạt động của họ, theo Asia Times.
Theo
thống kê chính thức của Bộ Tài chính, Chính phủ đã cấp
tổng cộng 11.800 tỷ đồng cho Văn phòng Trung ương ĐCSVN giai đoạn 2006-2015 (trừ
năm 2009, vì thiếu số liệu), hơn cả ngân sách cấp cho Văn phòng Quốc Hội (9.100
tỷ đồng), Văn phòng Chính phủ (6.000 tỷ đồng), và Văn phòng Chủ tịch nước
(1.000 tỷ đồng).
Ngân
sách dành cho Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản chiếm 41,8% tổng ngân sách
dành cho các tổ chức này trong thời gian 9 năm như nêu trên. Cần lưu ý rằng ngoài Văn phòng Trung ương, ĐCSVN có văn phòng ở cấp tỉnh,
thành phố, huyện và phường xã. Việt Nam có 58 tỉnh và 5 thành phố lớn
thuộc trung ương.
ĐCSVN có một số cơ quan đặc biệt ở trung ương, chẳng hạn như Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung
ương, Ban Quân ủy Trung ương, Ban Kiểm tra Trung ương và Uỷ ban Tuyên giáo
Trung Ương, tất cả đều có các chức năng giống như các bộ tương ứng trong
chính phủ.
Ngoài ra, chính phủ còn phải cấp ngân quỹ cho các tổ chức quần
chúng và các hiệp hội xã hội dân sự do chính phủ tài trợ, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên
Cộng sản, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 6 tổ chức này quan hệ mật thiết với ĐCSVN và nhận được
tổng cộng 1.500 tỷ đồng từ ngân sách quốc gia năm 2016.
Tiến
sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đã chỉ ra rằng một số
biện pháp hiệu quả nhất để giảm bớt thâm hụt ngân sách là cắt giảm chi tiêu thường
xuyên, giảm quy mô của chính phủ và sáp nhập các ủy ban trung ương đặc biệt của
ĐCSVN vào các bộ tương ứng trong chính phủ.
Các nhà tài trợ quốc tế luôn gây sức ép lên chính phủ để tách các
chức năng của ĐCSVN ra khỏi ngân sách quốc gia.
Tổng nợ công của Việt Nam tính đến giữa tháng 7 năm 2017 là 94,6 tỷ
đôla, tương đương khoảng 1.038 đôla mỗi đầu người.
Vào
tháng trước, Bộ Tài chính Việt Nam đã đưa ra một kế hoạch tăng các loại thuế
khác nhau để kiềm chế thâm hụt ngân sách và nợ công. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn
chưa rõ ràng.
Số
liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, thâm hụt ngân sách của
chính phủ đã tăng từ 22,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% GDP, vào năm 2000 lên
293 nghìn tỷ đồng ( khoảng13,1 tỷ đôla), tương đương 6,5% GDP vào năm 2016.
Kể từ năm 2000 cho đến nay, chính phủ Việt Nam liên tục thâm hụt
ngân sách. Dự
báo thâm hụt ngân sách cho năm 2017-2018 là khoảng 5,8% GDP. Doanh thu của
Chính phủ đã tăng trong 15 năm qua, một phần do tăng trưởng kinh tế bình quân
trên 6% trong giai đoạn này. Tuy nhiên, tăng trưởng này không thể theo kịp với
chi tiêu của chính phủ.
Chi tiêu thường xuyên, bao gồm chi phí quản lý, tiền lương, an sinh
xã hội, lương hưu, an ninh và quốc phòng là nguyên nhân chính gây thâm hụt ngân
sách. Theo
thống kê của Bộ Tài chính, chi thường xuyên chiếm 66,3% tổng chi của chính phủ
trong năm 2016, so với 18,7% và 15% đối với khoản thanh toán tiền lãi và đầu tư
công.
Bộ
Tài chính dự kiến tăng thuế môi trường từ 3.000 đồng lên 8.000 đồng trên một
lít xăng, mặc dù giá xăng tại Việt Nam đã quá cao so với thu nhập bình quân của
người tiêu dùng và so với giá bán tại các nước châu Á lân cận.
Việt Nam cũng nổi tiếng với các dự án đầu tư công đầy tai tiếng. Rất nhiều cây cầu
đã bị sụp đổ ngay sau khi được khánh thành. Các con đường vừa được xây vài năm
thì cần phải sửa chữa lớn. Bài viết này không thể kể hết các trường hợp như thế.
Lãng
phí nguồn lực lớn xảy ra trong các dự án đầu tư công, nhưng vẫn chưa có quan chức
nào quy trách nhiệm gây thiệt hại. Tham nhũng lan rộng trong các dự án này là
lý do chính cho sự thất bại của họ.
Việc
tăng thuế không phải là giải pháp cho sự quản lý thiếu hiệu quả và lãng phí của
chính phủ ở Việt Nam. Sử dụng vốn vay và đầu tư một cách khôn ngoan là cách tốt
nhất để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách trong thời gian dài. Những biện pháp
này rất quan trọng nếu Việt Nam muốn duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Các lãnh đạo cấp
cao của Việt Nam hiện nay.
Trong
một diễn biến liên quan, Hội nghị Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD) vừa
loan báo đã tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết nợ công thông
qua một bản ghi nhớ về hợp tác trong tương lai, sau chuyến đi “vận động” của
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vào giữa tháng 9.
Trang CafeF nói rất có nhiều
nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt nợ công ở Việt Nam, nhưng nguyên nhân
quan trọng nhất là khái niệm về nợ công của Việt Nam hiện nay “còn xa lạ với
thông lệ quốc tế.”
Tờ
báo này còn nói rằng Việt nam có khái niệm “riêng” nên
số liệu về nợ công ở Việt Nam thường thiếu thống nhất, đồng thời việc đặt ra
khái niệm riêng của Việt Nam về nợ công để có chỉ tiêu nợ công/GDP “đẹp” là
không hợp lý và không cần thiết.
Hơn
nữa, với khái niệm về nợ công “không giống ai” trong công tác quản lý nợ công,
Việt Nam sẽ là “một mình một chợ” và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng
khi thực trạng về nợ công không được đánh giá đúng.
VOA