09.10.2017

Chuyện một bức ảnh - Tuấn Khanh

„…tôi muốn bày tỏ suy nghĩ của mình với những con người mà mình từng được nhìn thấy qua ảnh - những bức ảnh chứa đằng sau đó vô số câu chuyện dài - mà họ trải qua biết bao khốn khó và bị chà đạp, vẫn chân nguyên và đi tới…

Đất nước này cần họ, dẫu có vô danh,…“

Chuyện một bức ảnh

Tuấn Khanh
Cô Nguyễn Thanh Loan trong ngày cưới  Courtesy of Tuấn Khanh

Những bức ảnh luôn ẩn sau đó là những câu chuyện dài. Bức ảnh hôn lễ đơn giản được nhìn thấy vào tháng 10/2017 của cô gái Nguyễn Thanh Loan cũng vậy.


Ít ai biết rằng trước một đám cưới ấm áp và đơn sơ này tại một khuôn viên nhà thờ nhỏ ở Quận 11, Saigon, Loan đã trải qua biết bao sự kiện nhọc nhằn đến khó tin.

Vốn là thành viên của nhóm Vì môi trường, Loan luôn bị chính quyền địa phương gây khó khi trở thành người lên tiếng về các vụ ô nhiễm sông nước, chặt cây xanh... cuộc sống của cô giáo trẻ này không còn bình yên nữa. Cô không thể dạy trẻ được nữa nên quay về mở lớp kèm thêm ở nhà cho một vài gia đình quen biết.

Tháng 3/2017, sự kiện ấu dâm đầy tai tiếng và nhiều tình tiết mờ ám ở trường Lương Thế Vinh, Thủ Đức diễn ra. Ấu dâm cũng là một loại ô nhiễm của đời sống xã hội mà, nên Loan cùng vài người mẹ cùng đến giơ khẩu hiệu yêu cầu bảo vệ trẻ em trước cổng trường. Những người phụ nữ này bị công an Thủ Đức ập đến giải tán. Người thì bị bắt, người thì bị đánh và xé khẩu hiệu. Riêng Loan thì bị quẳng lên một chiếc xe tải nhỏ, bắt về đồn. Cú xô đẩy và ném thô bạo đến mức Loan bị đập đầu vào thành xe, hôn mê.

Ở đồn CA, khi lục túi, người ta tìm thấy một khẩu hiệu bằng giấy A4, in chữ Stop Formosa, công an đã thẩm vấn Loan trong nhiều giờ giữa tình trạng cô không còn đủ ý thức. Điều mà cô nhớ được và có lẽ mãi mãi không hiểu là hình ảnh viên công an giơ tờ khẩu hiệu trước mặt cô, nghiến răng quát “đm, mày phản bội tổ quốc à?”

Loan chưa bao giờ tự vấn đủ về loại lý thuyết bảo vệ tổ quốc hay phản bội tổ quốc. Cô chỉ biết mình hành động như một người dân bình thường có đủ lương tri và tấm lòng cho cuộc đời chung quanh. Cô thương con cá chết oan ức do bị đầu độc, và cũng sợ con cá vào bữa ăn của gia đình nào đó. Cô thương hàng cây xanh và cuộc sống hiền lành như ước mơ của một cô giáo nhỏ muốn truyền dạy yêu thương đến bọn trẻ quanh mình. Vì vậy, cụm từ kinh khủng “đm mày, mày phản bội tổ quốc à?” Là một điều cô không thể tưởng tượng nổi.

Loan phải nằm bệnh viện nhiều ngày sau cú quẳng thô bạo đó. Vì cô bị buồn nôn và hoa mắt liên tục nên bệnh viện giữ lại, theo dõi cú chấn thường đầu để xem có nguy hiểm đến tính mạnh không. Cô giáo trẻ vốn gầy guộc, lúc đó mỗi lúc lại càng tiều tuỵ đến xót xa.

Chuyện không dừng ở đó. Việc biểu tình chống ấu dâm của Loan khiến công an khu vực ở quê cô, tận phía Bắc xa xôi được lệnh đến nhà điều tra, khiến cả gia đình cô sợ hãi. Đã vậy, ở Sài Gòn, cô bị công an đến yêu cầu chủ nhà đuổi cô ra khỏi chỗ thuê. Thậm chí các công an thường phục còn chận đường phụ huynh chở con đến học thêm, ra lệnh không được đến nữa. Một lần rồi hai, ba lần như vậy.

Người con gái miền Bắc vào Nam lập nghiệp bị đẩy xa dần thành phố, bị bức bách để không còn cách mưu sinh. Tứ cố vô thân là sự mô tả ý nghĩa nhất đối với Loan lúc này. Loan trở nên cô đơn và lạc lõng với những gì mà nhà trường và xã hội chủ nghĩa vẫn dạy và nhắc cô truyền lại với lớp trẻ rằng hãy sống và yêu thương, bảo vệ cuộc sống chung quanh. Cô đã sống và làm đúng như vậy, nhưng sao cô lại bị viên công an nhân dân cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ mặt “đm mày”?

Điều mà tôi vùa sợ hãi và lo sợ, lại vừa kính trọng là ít lâu sau đó, trong thời gian nhắc lại một năm thảm hoạ Formosa, là tôi lại nhìn thấy Loan với khẩu hiệu Stop Formosa xuất hiện trên Facebook. Loan tươi cười nhưng gầy gò. Chiếc áo quen giờ trở nên quá rộng so với thể trạng của Loan.

Bất chấp mọi thứ trái ngang ập xuống thật tàn nhẫn, Loan vẫn vậy. Ngay khi người ta dần quên chuyện biển miền Trung chết hay vết đau bé gái bị ấu dâm ở trường Lương Thế Vinh đã thành sẹo trong tim của bé, cũng như chính cha mẹ bé, Loan - một người vô can nhưng không thể dửng dưng - vẫn tìm cách nhắc lại, vẫn muốn pháp luật, công lý là kim chỉ nam của xã hội.

Tháng 10/2017, không lâu sau đó, Loan nhắn tin vui mừng là đã vô tình tìm được người để cô có thể tựa vào, tìm được hơi ấm chia sẻ và yêu thương giữa cuộc sống mà cô bị từ chối quyền thể hiện lương tri của công dân, của một người phụ nữ muốn chia sớt khốn khó với cuộc sống quanh mình.

Nhưng Loan nói cô vẫn vậy, suy nghĩ và nhịp đập trong tim không thay đổi nên cô vẫn chân nguyên là mình. Nhưng hôm nay Loan mạnh hơn vì cô được yêu thương, vì có người chia sẻ.

Tôi ghi lại ở đây câu chuyện nhỏ này, như một cách góp chút yêu thương cho Loan, để cô mạnh hơn, tự tin hơn. Và cũng là một cách một mà tôi muốn bày tỏ suy nghĩ của mình với những con người mà mình từng được nhìn thấy qua ảnh - những bức ảnh chứa đằng sau đó vô số câu chuyện dài - mà họ trải qua biết bao khốn khó và bị chà đạp, vẫn chân nguyên và đi tới. Đó là những thanh niên cô đơn với khẩu hiệu một mình trên những con đường, những người nông dân yếu đuối đứng lên đòi đất đai bị chiếm đoạt, những người từ bỏ vị trí đắc lợi để cất tiếng nói vì lương tri kêu gọi... Đất nước này cần họ, dẫu có vô danh, nhưng hàng ngày họ vẫn lấp lánh như những vì sao nho nhỏ trong đêm tối, lúc tất cả chúng ta đều đang giữa đêm đen ngóng chờ ánh sáng bình minh tới. Và rồi khi ban mai, có thể họ sẽ bị lãng quên.

2017-10-09
Blog RFA