10.10.2017

Lời tâm huyết của Phó Đại sứ Đức tại Hà Nội đã bị kiểm duyệt ở Việt Nam

“Hiện nay, Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sâu sắc về lòng tin bắt nguồn từ sự vi phạm công pháp quốc tế và do đó vi phạm các giá trị căn bản của châu Âu. Chúng tôi chờ đợi, chính phủ Việt Nam – cùng với đảng CSVN- thực hiện những biện pháp cụ thể để thuyết phục chính phủ Đức rằng Việt Nam vẫn là một đối tác đáng tin cậy”.

Lời tâm huyết của Phó Đại sứ Đức tại Hà Nội đã bị kiểm duyệt ở Việt Nam

Về khủng hoảng ngoại giao Việt – Đức do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Lời tâm huyết của Phó Đại sứ Đức tại Hà Nội đã bị kiểm duyệt ở Việt Nam
Ông Wolfgang Manig (giữa), Phó đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, trả lời câu hỏi của báo chí ngày 28/9/2016: “Đến nay chưa có thông tin chi tiết về việc ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu thì câu hỏi về việc dẫn độ nhân vật này không được đặt ra”. Ảnh: internet


Báo Đầu tư (Vietnam Investment Review) là tờ báo bằng tiếng Anh, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, được coi là tờ báo lớn nhất Việt Nam chuyên ngành Kinh tế và Ngoại giao. Trong ấn bản in cho tuần lễ từ 2. đến 8.10.2017 có đăng một bài phỏng vấn Tiến sĩ Wolfgang Manig, Phó Đại sứ Đức ở Việt Nam và đồng thời là Trưởng phòng Kinh tế của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội. Ký giả Thanh Tùng đã thực hiện cuộc phỏng vấn và bài phỏng vấn mang tựa đề “EVFTA on track to bring new German investors” (Hiệp định thương mại EU-Việt Nam trên con đường sẽ mang lại các nhà đầu tư Đức mới). Nhưng có một điều đáng chú ý là bài phỏng vấn này khi đăng lên báo đã bị kiểm duyệt, cắt mất câu trả lời cuối cùng, quan trọng nhất.

Mới đây, ngày 07.10.2017 Tòa Đại sứ Đức ở Việt Nam đã phổ biến trên Facebook của mình toàn bộ cuộc phỏng vấn, trong đó có cả phần cuối bị kiểm duyệt nêu trên. Sau đây là bản dịch phần bị kiểm duyệt, cắt bỏ:

Thanh Tùng: Ông có lời khuyên gì cho chính phủ Việt Nam không, để các nhà đầu tư Đức có thể hoạt động tốt hơn ở Việt Nam?

TS Wolfgang Manig: Tôi không cần phải đưa ra lời khuyên gì cho chính phủ Việt Nam. Mỗi nước phát triển một hệ thống thích hợp với người dân ở nước đó. Bạn không thể áp đặt một mô hình nước ngoài vào. Nhưng chúng tôi, Liên minh châu Âu và các nước thành viên, trong đó có Đức, đều có một mối quan tâm lớn nhất rằng Việt Nam vẫn giữ nguyên là một một quốc gia đối tác năng động và thành công.

Hiện nay, Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sâu sắc về lòng tin bắt nguồn từ sự vi phạm công pháp quốc tế và do đó vi phạm các giá trị căn bản của châu Âu.

Chúng tôi chờ đợi, chính phủ Việt Nam – cùng với đảng CSVN- thực hiện những biện pháp cụ thể để thuyết phục chính phủ Đức rằng Việt Nam vẫn là một đối tác đáng tin cậy. Nếu một khi lòng tin được khôi phục trở lại, thì tôi tin chắc rằng sẽ có những kết quả tích cực cho hoạt động của các công ty Đức ở Việt Nam và các đối tác thương mại Việt Nam tại Đức.

Ảnh chụp câu trả lời phỏng vấn mà bị kiểm duyệt được Đại sứ quán Đức ở Việt Nam cho phổ biến trên Facebook của mình    Nguồn: German Embassy Hanoi

Như vậy, rõ ràng đường lối của Việt Nam hiện nay vẫn không thay đổi, dứt khoát bưng bít tất cả những thông tin, kể cả bằng tiếng Anh, về cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra, thậm chí đã kiểm duyệt cắt bỏ câu trả lời (bằng tiếng Anh) tâm huyết đầy thiện chí của Phó Đại sứ Đức tại Việt Nam và là Trưởng phòng Kinh tế, một nhân vật đang tại chức và trong phần hành chức vụ của ông chắc chắn có ảnh hưởng tác động đến chính sách ngoại giao của Đức đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh chụp bài phỏng vấn Phó Đại sứ Đức tại Hà Nội đăng trên tờ Vietnam investment Review (ấn bản in cho tuần lễ 2./8.10.2017)

Hiếu Bá Linh
10-10-2017


(Tiếng Dân)