20.11.2017

Đoạn Trường Tuyết Nga có thua gì Đoạn Trường Tân Thanh? - Nam Lộc

Đoạn Trường Tuyết Nga có thua gì 
Đoạn Trường Tân Thanh?

Nam Lộc

Trong Đoạn Trường Tân Thanh, thi hào Nguyễn Du đã mô tả hoàn cảnh nhục nhằn của Thúy Kiều khi bị Mã Giám Sinh và Tú Bà ép nàng vào Lầu Xanh trong suốt 15 năm trời, khiến ai cũng phải xót xa cho thân phận của một kiếp hồng nhan, đa truân! Thế nhưng nếu đem so với “đoạn trường” của chị Nguyễn Thị Tuyết Nga thì nỗi oan khiên của nàng Kiều chắc cũng chỉ bằng một nửa!

Mồ côi cha từ khi hai tuổi, thân phụ Tuyết Nga là một sĩ quan  thuộc binh chủng nhẩy dù, ông đã đền nợ nước vào mùa Hè đỏ lửa 1972. Sau 30 tháng Tư, 1975, gia đình cô đã bị “quân giải phóng” ép đi vùng kinh tế mới, Tuyết Nga phải theo mẹ và người anh trai vào Mộc Hóa, Long An để sinh tồn. Nhưng chỉ được 1 năm thì cả mẹ lẫn anh trai đều chết đuối trong một tai nạn thảm khốc khiến cho cô bé 6 tuổi bơ vơ không còn người thân hay nơi nương tựa. Cũng may Tuyết Nga được gia đình người hàng xóm tội nghiệp đem về nuôi. Rồi vào năm 1980, vì không chịu nổi gian truân, lao lực trong vùng kinh tế mới, gia đình nuôi cô đã quyết định vượt biên nhưng vì không sang được đất Thái, họ đành đem cô qua sống ở một ngôi làng gần cảng Bôn Son, Cam Bốt. Nhưng vào năm 1987 thì họ đã âm thầm ra đi, bỏ lại Tuyết Nga bơ vơ, lạc lõng một mình khi vừa 17 tuổi.


Thế rồi những oan khiên, bất hạnh và cạm bẫy của cuộc đời bắt đầu ập xuống thân phận của “nàng Kiều” thời đại như một cơn ác mộng dài. Vào một buổi chiều cuối năm 1987 trong lúc lang thang, cô đơn và sợ hãi đi tìm gia đình bố mẹ nuôi, Tuyết Nga đã bị cả một đại đội lính Khờ Me Đỏ bắt giữ, chúng đưa cô thiếu nữ chưa được 18 xuân xanh về nhốt trong một hòn đảo nhỏ với một vài phụ nữ khác như những kẻ nô lệ tình dục, để mỗi ngày họ thay nhau thỏa mãn thú tính trên thân phận của người con gái tỵ nạn bất hạnh này. Chúng giữ Tuyết Nga suốt 5 năm trời trên đảo! Trong thời gian đó cô cũng đã phải mang thai và sinh ra đời một đứa con gái. Khi cháu được 2 tuổi thì Tuyết Nga quyết định bỏ trốn, cô bế con qua đất Thái, và đó là năm 1992. Đánh dấu 12 năm trôi dạt trên xứ người.

Tưởng được yên thân để làm người tỵ nạn qua sự giúp đỡ của một nhóm “ân nhân” tốt bụng khi cô hỏi thăm đường để xin vào sống trong các trại tập trung có người Việt ở Thái Lan hầu mong được nhận đi định cư. Nhưng có ngờ đâu, mẹ con Tuyết Nga đã vừa vướng chân vào cạm bẫy của một tổ chức “hành khất”. Chúng bắt cóc đứa con gái của Tuyết Nga để có thể làm cho những đứa bé trở thành tàn tật và đêm đêm đem các trẻ em bất hạnh đó ra ngồi ở đầu đường xin ăn hầu thu lợi nhuận về cho bọn chúng!

Lợi dụng một cơ hội bọn tổ chức ăn mày không để ý, Tuyết Nga đã lén ôm con chạy trốn, thế nhưng chỉ một ngày sau cô đã bị bọn chúng bắt lại và để trừng phạt, họ đã tưới lên khuôn mặt nõn nà của người con gái tuổi thanh xuân bằng một lon acid. Từ đó Tuyết Nga bị mù cả đôi mắt, bị điếc một bên tai và mãi mãi mất đi đứa con gái mà cô từng ấp ủ. Và để khai thác khuôn dung kinh dị của người phụ nữ bất hạnh này, họ đã bán cô cho một “tổ chức cái bang” khác. Bọn mới này là người Mã Lai gốcTầu, họ đem cô sang Mã Lai vào năm 1993 và sử dụng hình ảnh thê lương của cô để đánh động lòng thương hại của những người qua đường tốt bụng. Tuyết Nga nói họ đã thu được cả hàng 5,7 chục dollars tính theo tiền Mỹ mỗi ngày, và dĩ nhiên là “người hành khất” Tuyết Mai cũng đã phải trả giá bằng hàng chục tiếng đồng hồ một ngày để lê la van xin khách thập phương!



Nguyễn Thị Tuyết Nga

Khoảng 10 năm sau đó, 2002, một biến cố lớn xẩy ra, có thể vì tranh dành quyền lực, tên đảng trưởng cầm đầu “tổ chức cái bang” này đã bị bắn chết, và trong lúc nội bộ của chúng còn đang lục đục, Tuyết Nga đã giấu tiền và nhờ người giúp đỡ để trở về Thai Lan với hy vọng tìm lại được đứa con xấu số chắc cũng đang lang thang ăn mày ở đầu đường, xó chợ. Tại đây chị đã gặp hai người phụ nữ VN tốt bụng tên là Vân và Hồng, cả hai cũng đều là thuyền nhân trốn trại, quyết không chịu bị hồi hương! Nhưng hỡi ôi, sau 22 năm “đi tìm tự do”, lúc “kiếm thấy được” thì lại đúng vào lúc “cánh cửa tự do” vừa khép lại. Tình thương mà các quốc gia định cư dành cho người tỵ nạn VN đã nhạt dần đến độ họ dửng dưng nhìn người Việt bị trói như con vật và bị khiêng vác lên những chuyến bay để cưỡng bức hồi hương! Thế là Tuyết Nga đành trở lại “nghề hành khất” để vừa tìm sinh kế, vừa tìm con, chị nói trong nước mắt: lúc đó nếu còn sống chắc con gái tôi cũng được 12 tuổi!     

Nhưng dẫu sao thì quyết định trốn về lại Thái Lan của Tuyết Nga có thể được xem là một lựa chọn khôn ngoan và “may mắn” nhất trong cuộc đời luôn chìm đắm trong bể khổ của chị, và cũng từ đó những trang cuối của tập trường thiên tiểu thuyết “Đoạn Trường Tuyết Nga” đã bắt đầu được viết xuống vào mùa Hè 2016, khi người phụ nữ bất hạnh này gặp được một quý nhân, chị Trần Thị Thu Hương, một cựu thuyền nhân “cuối mùa”, vượt biển đến Thái Lan năm 1987, hai năm sau được gọi đi phỏng vấn nhưng bị rớt thanh lọc và bị cưỡng bức về VN vào năm 1996. Nhưng 6 năm sau, 2002 chị Hương lại vượt biên và sống bất hợp pháp ở Thai Lan. Qua sự hướng dẫn bởi các thiện nguyện viên của cả hai tổ chức BPSOS cũng như của VOICE, chị Hương nộp đơn xin tỵ nạn tại Cao Ủy LHQ. Trong lúc chờ đợi chị găp người đàn bà ăn mày VN mặt đầy vết thẹo năm xưa, Nguyễn Thị Tuyết Mai.

Vào đầu năm 2016, thương xót cho hoàn cảnh của một người phụ nữ bất hạnh hơn mình, chị Thu Hương đã hướng dẫn Tuyết Mai đến văn phòng Boat People SOS ở Thái Lan để gặp các vị luật sư phục vụ tại đây mở hồ sơ cũng như can thiệp cho một trong những hoàn cảnh bi thảm nhất của tấn bi kịch “người tỵ nạn VN”!

Sau khi nộp đơn và được gọi đi phỏng vấn, thì cả hai chị cùng các nhân viên BPSOS chỉ biết khấn nguyện Thượng Đế phù hộ! Và rồi “lời cầu xin, đã có người nghe”, cả hai chị Tuyết Nga và Thu Hương đều đã được Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ chấp thuận và quan trọng hơn nữa là đã được phái đoàn Mỹ đồng ý cho cả hai được định cư tại Hoa Kỳ.

Sau 5 ngày đi tiếp xúc và gặp gỡ để thẩm định tình hình đồng bào tỵ nạn từ VN hiện đang lưu vong ở Thái Lan và đang đối diện với chính sách bài trừ di dân sống bất hợp lệ tại quốc gia này, bao gồm cả những người bị ngược đãi về tôn giáo từ vùng Tây Nguyên, các nạn nhân Cồn Dầu, Vũng Áng, Formosa, các nhà hoạt động xã hội dân sự đang bị theo dõi, và truy nã ở trong nước hiện nay, cùng với các nhóm đồng bào thiểu số gốc H’Mong hay người Thượng v..v.., và đặc biệt nhất là danh sách gần 200 cựu thuyền nhân chống cưỡng bức hồi hương hiện vẫn đang lẩn trốn tại Thái Lan từ gần 30 năm qua mà linh mục Peter Namwong đang khẩn khoản trao lại cho BPSOS và VOICE để nhờ họ giúp đỡ! Thì vào ngày Thứ Sáu 17 tháng 11 vừa qua, trong cơn mưa nhẹ buổi sáng ở Bangkok, tôi đã được 2 cô luật sư trẻ người Thái của văn phòng BPSOS hướng dẫn đi gặp hai chị Tuyết Nga và Thu Hương, đồng thời thăm người thương phế binh VNCH duy nhất vẫn còn đang bị kẹt tại Thái Lan, đó là anh Bùi Văn Quý, một người lính Biệt Động Quân, cụt một tay và tàn tật đôi chân! Cả 3 người này đều đang bị tạm giam tại Immigration Detention Center của Sở Di Trú Thái Lan.

Anh Quý cùng vợ đang chờ được gọi đi phỏng vấn định cư. Thế nhưng trong lúc bán bong bóng để kiếm sống qua ngày, anh đã bị cảnh sát Thái bắt nhốt vào IDC! Tôi đang nôn nao đợi chờ để nói chuyện cùng anh thì cô luật sư trẻ hốt hoảng cho biết anh Quý đã vừa bị SDT Thái trục xuất về VN vào tuần trước! Tôi bàng hoàng và ngỡ ngàng đến rơi lệ khi nghe tin dữ và tự trách mình tại sao không đến với anh sớm hơn, biết đâu...! Theo chị Thu Mai, vợ anh Quý cho biết thì anh hiện vẫn đang bị nhà cầm quyền CSVN bắt giữ để điều tra từ lúc bị đưa về nước. Tôi có mạo muội hứa với chị là dù bất cứ giá nào thì hội HO Cứu Trợ TPB cùng các ân nhân tại hải ngoại sẽ cố gắng giúp đỡ anh hàng năm cho đến khi anh không còn sống nữa!     




TPB Bùi Văn Phú

Ôi, toàn là những chuyện buồn của một chuyến đi nhiều nước mắt. Nhưng trước khi từ giã Thái Lan, văn phòng BPSOS đã tặng cho tôi một món quà vô giá, đó là tin vui về chị Tuyết Nga. Vâng thưa quý vị và các bạn, vào ngày 30 tháng 11, 2017 tới đây sau 37 năm sống trong ác mộng của cuộc hành trình gian khổ đầy máu và nước mắt, chị Tuyết Nga sẽ được đặt chân đến bến bờ tự do tại thành phố Houston cùng với “người bạn kết nghĩa” tên Hương theo diện tỵ nạn “free case” mà thuyền nhân chúng ta thường gọi đùa là diện “Con Bà Phước”, tức là không có người thân thuộc. Nhưng tôi tin hai chị sẽ không cô đơn, nếu không muốn nói ngược lại là các chị sẽ có hàng ngàn người “ruột thịt”, cùng dòng họ Âu Cơ và cùng chung một người mẹ, mẹ Việt Nam, thương yêu và giúp đỡ.

Nam Lộc
Bangkok, mùa tạ ơn 2017

PS: Muốn biết thêm chi tiết về chị Tuyết Nga, xin quý vị liên lạc với văn phòng BPSOS tại Houston, Texas: 281-530-6888 hoặc vào website: bpsos.org