07.03.2018

VỪA MỪNG VỪA BÙI NGÙI TÂM TÌNH NGƯỜI CAO NIÊN, KHI TĂNG THỌ Ở TUỔI VỀ GIÀ Đàm văn Tiếu

VỪA MỪNG VỪA BÙI NGÙI
TÂM TÌNH NGƯỜI CAO NIÊN, KHI TĂNG THỌ Ở TUỔI VỀ GIÀ
Đàm văn Tiếu

Trên BTCN tháng trước, khi nhắc tới câu chúc Tết “Thiên Tăng Tuế Nguyệt Nhân Tăng Thọ - Xuân mãn càn khôn, phúc mãn môn“ chúng tôi nói ra cảm xúc của mình, khi coi lại những tấm hình kỷ niệm của các lão niên trong HCN München chụp chung, trong suốt thời gian 31 năm chúng tôi đồng hành với Hội, đã khiến lòng thật bùi ngùi về cái Nhân tăng thọnó khiến con người bị tàn phai lúc tuổi về già của các Niên Trưởng và thương cảm với những mất mát của không ít người, trong những tấm hình đó đã vĩnh viễn xa Hội.
Thế rồi từ việc bày tỏ cái cảm ấy, vào  buổi Hội mừng xuân Mậu Tuất 2018 tôi được Hội chúc mừng sinh nhật thứ 76, một Cụ Hội Viên đã tặng quà và bầy tỏ sự bùi ngùi về chính cá nhân tôi:
“Chú em à, may là chị vẫn còn sức để cố gắng đến ăn tết với Hội, em biết không cũng từ cảm xúc mà em bầy tỏ trên báo Cao Niên vừa rồi, hôm nay chị nhìn kỹ lại em, mà lòng chị vừa mừng, nhưng cũng vừa bùi ngùi.
Chị mừng vì thấy chú em còn khỏe, dẫu không thể so sánh được với khi Chị gia nhập Hội, lúc đó đã có em và tuy là thành viên sáng lập, nhưng em vẫn chưa đủ 50 tuổi để làm Hội Viên Chính thức của Hội...
Chị bùi ngùi vì thấy cái tàn phá của tuổi đời nó chẳng chừa ai, kể cả chú em mày cũng vậy, 76 tuổi rồi ráng mà giữ sức khỏe để lo cho Hội. Đừng bỏ chị già ở lại nha…!
Thưa Chị,
Cảm ơn sự quan tâm của Chị. Thoáng cái đã trải qua hơn ba thập niên, em thật vui vẻ được sinh hoạt với Hội, để chia sẻ cùng các Anh các Chị về những tâm tình của thân phận lưu vong, với hai bàn tay trắng vào lúc cuối đời và đồng hành cùng các Anh Chị trên nhiều nẻo đường nơi xứ người dưới trời Âu này. Cùng Anh Chị đến nghỉ ngơi trên những vùng đồng bằng, thung lũng hay trên những ngọn đồi đầy hoa trái và gia súc, để thấy cảnh trù phú và thanh bình ở nông thôn xứ người mà ngưỡng mộ.

Hình trái:ô. Đàm văn Tiếu cùng Lm Cố vấn Hội CN thiếu tá Vũ Đức, tuyên úy quân đội HK tại Đức, ô. HT Đỗ Khương
Hình phải:ô. Đàm Văn Tiếu tại phòng du lịch ở Barcelona, để sắp xếp chương trình du ngoạn cho 33 Tham dự Viên của HCN đến du lịch tại thành phố biển Calella, Tây Ban Nha trong 2 tuần lễ.

Từng đến ven những cánh rừng hay miền non cao dưỡng sức ít tuần lễ, để chiêm ngưỡng các thác ghềnh nước đổ trắng xóa, ngâm chân nơi giòng suối nước nóng, hay đứng trên đỉnh cao của núi non hùng vĩ, mà nghĩ tới cảnh tiên khi những làn mây trắng hôn lên những mái tóc bạc của Anh Chị. Hoặc run run nắm tay nhau men vào những hang động với thạch nhũ đẹp tuyệt vời…

Thường xuyên vào mùa hè cùng Anh Chị tìm đến bải biển đầy nắng ấm, để tắm hay hưởng hơi gió biển trong lành cho thêm khỏe, rồi sau cơm chiều rủ nhau đi phố, hay ra ngồi ngắm mặt trời lặn đỏ rực chân trời sau biển rộng, mà thở dài nhớ về quê hương vời vợi, với muôn vàn kỷ niệm ở một thời thanh bình an lạc trong dĩ vãng.


Và cùng dắt nhau đến những thành thị với phố xá hoa lệ Tây Âu, để chiêm ngưỡng những di tích lịch sử trân quý về nhân văn hay tôn giáo, hoặc qua những thành phố Đông Âu mà thương cảm cho cảnh điêu tàn ở các nước cộng sản cũ.


Chị từng nghe em kể về nhiều nơi phong cảnh tuyệt vời, những nơi hàng năm có hội hè tưng bừng theo văn hóa, theo mùa màng em từng đến, mà em rất muốn đưa Hội đến một lần. Chỉ mong các Anh Chị trong Hội luôn khỏe mạnh, để em có thể thực hiện được từng ước muốn, trước khi cái già lụm khụm nó cũng không tha cho em…

Thưa Chị,
Suốt trên ba thập niên Anh Chị Em mình trong Hội vẫn thường xuyên gặp nhau, nên những thay đổi vì “Nhân tăng thọ“ thực tế lúc về già, nó có bị tàn phá thế nào, chị em mình ít khi để ý, vì đối diện với cái sắc diện nó thay đổi từ từ theo từng ngày, từng tháng, khó nhận ra được cái thực tế về sức khỏe và diện mạo, nó bị tàn phai quá nhiều khi tuổi tác của các Anh Chị gia tăng, nếu nhìn ngược lại thời gian mấy chục năm trước, lúc Chị em minh mới đến với Hội.

Nhân việc lo phát hành tờ BTCN “30 NĂM NHÌN LẠI“ của Hội Cao Niên vào tháng Giêng năm 2017, để kỷ niệm 30 năm thành lập Hội (Tháng 11.1986 – 11,2016),
Em lục lại chồng hình ảnh lưu trữ, từ những tấm ảnh này làm em giựt mình, khi nhìn rõ ra sự tàn phá theo thời gian của các Anh Chị, cùng sự mất mát của một đời người nó đến nhanh không  thể ngờ.
Thưa Chị,
Chị nhắc lại khi Chi gia nhập Hội, thì đã có em, lúc đó em chưa đủ 50 tuổi để làm Hội Viên chính thức của Hội, mà chỉ là Hội Viên Dự Bị để chăm lo cho Hội.
Vâng thưa Chị,
Từ đó đến nay, mỗi lần đến sinh hoạt với Hội, em vẫn có cái cảm giác giống như nhau, khi gặp được các Anh các Chị lớn tuổi, thấy mọi người khỏe mạnh mà mừng.

Lúc còn đi học, Mẹ em dậy câu “Quý trẻ, trẻ đến nhà, quý người già, người già để tuổi cho !“, để dạy em khi ra đường phải  quý trẻ con, giúp đỡ và kính trọng người già.
Lời dạy dễ hiểu và dễ nhớ, rồi lưu lạc qua đây, em nghĩ đến tuổi già khó hội nhập, nghĩ đến tuổi già cô đơn với lối xóm hay ngay cả với con cái đang vất vả lập thân và hội nhập vào một nền văn hóa xa lạ… Rồi Hội Cao Niên được thành lập, em đến sinh hoạt và học hỏi nhiều nơi các Anh các Chị lớn tuổi.

Nhờ được gần gũi toàn các Anh các Chi lớn tuổi trong Hội, nên em đã vượt qua được cái tâm lý “khỏe đâu có già“, quên đi cái tuổi cũng đã về già, để khỏi lo lắng và được sống  khỏe mạnh hơn lẽ thường, so với những người đồng lứa về tuổi tác…
Chắc là các Anh các Chị lớn để tuổi cho, nhờ đứng trước Anh Chị, em thấy mình vẫn là đứa em nhỏ ở mọi lúc, thấy mình trẻ hơn để cái tâm bệnhgià“ không có trong em, dẫu cái tuổi già nó vẫn xồng xộc đến…
Bây giờ nhìn lại khoảng thời gian hơn 30 năm qua, nó trôi qua nhanh quá, thoáng một cái em cũng đang ở cuối cái tuổi bẩy bó, để chẳng mấy chốc sẽ bước vào tuổi bát tuần.
Cảm ơn Hội, Cảm ơn các Anh các Chị lớn trong Hội và cảm ơn sự quan tâm của Chị,  đã bắt nguồn từ cái cảm xúc bùi ngùi thương cảm mà em viết ở BTCN tháng trước, khiến Chị nhìn kỹ lại em, rồi Chị vừa mừng vừa bùi ngùi, về cái “nhân tăng thọ“ tất nhiên nó cũng phải đến với em…

Cảm ơn lời chị khuyên là“ Em ráng giữ gìn sức khỏe để lo cho Hội…“.
Phàm là con người, thì ở cuối cuộc đời thế nào cũng đến lúc trở nên lụm khụm, chứ khỏe mãi sao được. Nhưng dẫu lụm khụm cũng vẫn có thể nghĩ đến Hội.
Mỗi bước đi của nhều Anh Chị đã phải vịn người khác hay phải chống gậy, nhưng vẫn cố gắng đến với Hội trong tâm tình quý mến đầy quan tâm và lo lắng cho Hội.
Mong rằng dù đang yếu như Chị cùng các Anh Chị lớn, vẫn mãi duy trì tinh thần yêu Hội, quý mến Đồng Hội, mà cố gắng đến sinh hoạt với Hội.

Hai hình trên: cụ bà Hoàng Thị Doãn (1936) và cụ bà Vũ Mộng Hoa (1926) - Cụ Ngyễn Kim Định (1930), cụ bà Nguyễn Khắc Cần 1917, cụ Hoàng Túy (1917), cụ Hồng Sum Ky (1915), cụ bà Mai Thị Đại (1923) ô. HT Bùi Văn Sở (1936), cụ Tăng Thiên Hội (1928)


2 Hình trên từ trái : Cụ Nguyễn Văn Huân, cô Hằng, Bà Xuân Hồng, cụ Hồ Thị Thông, cụ Trần thị Nguyên
Cụ Lê Thị Phú, cụ Hoàng Túy, cụ Trương Quí Định, cụ Nuyễn Kim Định cụ Nguyễn Thị Chất

Chính vì nhìn thấy các Anh Chị, dù đã lụm khụm mà vẫn còn cố gắng đến với Hội, chúng em thêm thán phục và càng lên tinh thần vì Hội.
Các Anh Chị còn cố gắng đến được với Hội, để cùng nhau quan tâm đến tình quý mến  giũa lớp tuổi già nơi đất khách, đó là điều chính các Anh Chị chăm lo cho Hội.
Trong các buổi sinh hoạt, hễ thiếu vắng Anh Chị thì mọi người đều lo lắng hỏi han, vì thiếu sự hiện diện của các Anh Chị lớn trong Hội, tất Hội mất đi tính cách của cái danh xưng Hội Cao Niên rồi, phải không Chị….

Riêng em thì sớm chứ chẳng chầy, cũng sẽ lụm khụm khi tuổi đời chồng chất đủ, nhưng Hội đừng lo, vì Anh Chị Em trẻ tham gia Hội ngày một nhiều, họ có điều kiện hơn chúng ta để tiếp nối công việc sinh nhoạt, trong tình quý mến và phát triển Hội…
Em tin sẽ là như thế,.. Thưa Chị !

Đàm Văn Tiếu
Tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018