GS Trần Ngọc Thêm: ‘Giáo dục Việt Nam là 1 trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới’
Giáo Sư Trần Ngọc Thêm: “Nói Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu.” (Hình: Tuổi Trẻ)
Thông tin “Việt Nam là một trong mười nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới” đã gây nhiều tranh cãi trong buổi tọa đàm về “Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số” giữa các giới chức giáo dục “chóp bu” ở Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm“Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số”, diễn ra tại Trường ĐH Sài Gòn hôm 2 Tháng Năm, 2019, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều trường đại học và phổ thông ở thành phố Sài Gòn, ông Phan Thanh Bình, chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi Đồng của Quốc Hội, khoe rằng “Báo cáo kinh tế xã hội của chính phủ trình Quốc Hội có nội dung Việt Nam là một trong mười nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới nằm ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.”
Theo báo Thanh Niên, trước thông tin này, hàng loạt giới chức có mặt trong tọa đàm nói ngay: “Giáo dục Việt Nam đang kém nhất thế giới chứ không phải hàng đầu thế giới.”
“Thực trạng giáo dục nước ta hiện nay đang kém nhất thế giới, nếu chúng ta không kịp thay đổi trong năm năm nữa thì mình tiếp tục thua kém thế giới cả mười lần,” một vị hiệu trưởng trường đại học nhấn mạnh.
Còn Giáo Sư Tiến Sĩ Khoa Học Trần Ngọc Thêm, chuyên gia Văn Hóa Học Và Ngôn Ngữ Học, nêu quan điểm: “Nếu nói giáo dục Việt Nam là một trong mười nền giáo dục tệ nhất thế giới thì còn có thể hiểu được, còn là một trong mười nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu.”
Giáo Sư Thêm cho rằng, giáo dục Việt Nam đang theo kiểu đối phó: “Trường học đối phó, nhờ đối phó mà chúng ta có kết quả PISA (Programme for International Student Assessment) rất cao. Hiện chúng ta kiểm định chất lượng, dù biết kết quả ra sao nhưng tất cả đều qua hết. Có những trường, người học gần như bị lừa vì khi vào học thấy rất tệ,” ông Thêm phân tích.
Cũng theo ông Thêm, nhiều trường đang phải loay hoay trong xây dựng chương trình, thay vì sắp xếp những môn học chung ở năm đầu tiên nhưng điều này sẽ khiến sinh viên bỏ học hàng loạt vì chán nản. Cuối cùng, có trường đối phó bằng cách sắp xếp những môn học chung vào học kỳ cuối cùng, đẩy những môn học hấp dẫn cho năm đầu tiên.
“Kể cả bài báo quốc tế cũng đối phó nốt, mà điều này chúng ta ngồi đây đều biết hết,” ông Thêm mỉa mai.
Ông Thêm cho rằng, vấn đề cần bắt đầu ở đây là từ con người, trong đó cần xem lại hệ giá trị hướng đến cái gì. “Giáo dục phải hướng đến chất lượng thực sự chứ không phải hướng đến tiền, thành tích, không phải đối phó,” ông Thêm nói.
Tại toạ đàm, ngoài các vấn đề ứng dụng công nghệ, môi trường giáo dục, sách giáo khoa, chương trình…, một trong những nội dung được nhiều đại biểu đưa ra là chính sách đối với giáo viên “Giáo viên không dở, chỉ có chính sách tệ.”
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở Giáo Dục và Đào Tạo ở Sài Gòn, thầy cô giáo không dở nhưng quy chế dành cho giáo viên rất thấp, chỉ bằng 10% so với mức thuê một giáo viên ngoại quốc. Điều này khiến nhiều giáo viên giỏi bỏ trường ra ngoài dạy. Sài Gòn đã nhiều lần lần đề nghị thay đổi chính sách chế độ đối với giáo viên, để giữ chân giáo viên giỏi.
Về chương trình dạy, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Kim Hồng, cựu hiệu trưởng trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn gợi ý: “Ở Úc chỉ có chương trình, các trường tự soạn tài liệu dạy, khi đi thi bình đẳng. Trường nào làm tốt nhà nước tăng tiền đầu tư.”
Cùng quan điểm này, Tiến Sĩ Phạm Thế Bảo, giảng viên Khoa Công Nghệ Thông Tin trường Đại Học Sài Gòn, cho biết đến nay, môn tin học phổ thông ở Việt Nam vẫn dạy Pascal, trong khi trên thế giới không đâu dạy như vậy. Giáo viên không dám đổi vì đó là “qui định bắt buộc của chương trình.” Điều này làm cho học sinh sợ tin học, trong khi tin học và ngoại ngữ là hai “chìa khoá” để mở cánh cửa công nghệ số./.