Tổng thống Putin giải tán chính phủ, đề xuất sửa đổi hiến pháp
Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Tư (15/1) đã tiến hành một chuyển động chính trị lớn tại Nga, thay thế Thủ tướng Dmitry Medvedev và đề xuất hàng loạt các sửa đổi Hiến pháp. Ngoại giới đánh giá đây là nỗ lực của ông Putin nhằm tạo ra những lựa chọn khả thi cho việc tiếp tục duy trì quyền lực sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2024.
Trong bài phát biểu quốc gia năm nay tại Moscow, Tổng thống Putin đã thông báo nhiều đề xuất sửa đổi Hiến pháp, trong đó nhấn mạnh việc chuyển giao quyền lực lớn hơn cho quốc hội Nga.
Vài giờ sau phát biểu của ông Putin, Thủ tướng Medvedev đã thông báo ông và toàn bộ nội các từ chức theo yêu cầu của tổng thống. Ông Putin cho biết ông Medvedev bây giờ sẽ giữ chức phó chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia Nga.
Trong bài phát biểu của mình, ông Putin đã đóng khung các thay đổi cần thiết được đề xuất là để trao cho quốc hội trách nhiệm cao hơn trong việc hoạch định chính sách, nhưng ngoại giới nhận định rằng những đề xuất thay đổi này dường như được thiết kế nhằm mở ra nhiều cơ hội cho phép tổng thống đương nhiệm duy trì quyền lực sau khi hết nhiệm kỳ vào năm 2024 và làm suy yếu quyền lực của bất kỳ tổng thống kế nhiệm nào.
Những sửa đổi hiến pháp mà ông Putin đề xuất sẽ giảm bớt quyền lực của tổng thống và tăng vai trò của Duma – tương đương Hạ viện, cũng như Hội đồng Liên bang – tương đương Thượng viện, và Tòa án Tối cao.
Một thay đổi quan trọng là sẽ chuyển quyền lựa chọn nội các từ tổng thống sang quốc hội. Hiện tại, thủ tướng và các bộ trưởng do tổng thống chỉ định. Nhưng theo đề xuất của ông Putin, quốc hội sẽ lựa chọn thủ tướng và người này sẽ đề cử các thành viên nội các để quốc hội phê chuẩn. Một thay đổi khác là trao cho Hội đồng Liên bang quyền xác nhận việc chỉ định người đứng đầu các cơ quan an ninh quan trọng của Nga.
Phó chủ tịch Duma quốc gia Nga Alexander Zhukov nói với báo giới sau bài phát biểu của ông Putin rằng cuộc bỏ phiếu toàn quốc về sửa đổi Hiến pháp có thể diễn ra trong năm nay, có thể vào tháng Chín.
Ông Putin từ lâu đã tránh đề cập tới việc liệu ông có tiếp tục duy trì quyền lực sau năm 2024 hay không, nhưng ngoại giới cho rằng những đề xuất sửa đổi hiến pháp của ông chỉ dấu rằng Điện Kremlin đã đang cân nhắc giải quyết vấn đề chuyển giao quyền lực. Ông Putin đã từng sử dụng thủ thuật nhượng lại một nhiệm kỳ tổng thống cho ông Medvedev (2008 – 2012) để vượt qua điều khoản Hiến pháp quy định không được giữ vị trí tổng thống hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tuy nhiên, trong phát biểu vừa qua, Tổng thống Putin cho thấy rằng ông sẽ không sử dụng lại thủ thuật cũ này nữa và sẽ bỏ thuật ngữ “liên tiếp” về giới hạn nhiệm kỳ trong Hiến pháp.
Chuyên gia phân tích Alexei Makarkin tại Trung tâm Công nghệ Chính trị có trụ sở tại Moscow nói với ABC News rằng đề xuất của ông Putin chỉ ra rằng ông ta đã quyết định không tiếp tục làm tổng thống nhưng rõ ràng đang chuẩn bị để duy trì quyền lực ở một vị trí khác trong bộ máy quyền lực nhà nước Nga. Điều đó có nghĩa rằng, ông Putin cũng không có kế hoạch chỉ định một người kế nhiệm thay thế ông đứng đầu Điện Kremlin.
Ông Makarkin cho biết những sửa đổi Hiến pháp đề xuất là nhằm đảm bảo bất kỳ tổng thống nào kế nhiệm ông Putin đều bị suy yếu quyền lực để ông Putin có thể duy trì quyền lực ở một vị trí mới.
“Họ cần loại bỏ vấn đề của chính họ về lựa chọn người kế nhiệm. Chính bản thân ông Putin cũng không thích có một Putin đệ nhị,” ông Makarkin nói với ABC News.
Nhiều người nói rằng trong phát biểu vừa qua, ông Putin đã đề xuất tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước trong Hiến pháp. Có đồn đoán rằng ông Putin có thể lựa chọn trở thành lãnh đạo của Hội đồng Nhà nước đã được cải cách để trở thành người lãnh đạo tối cao của nước Nga, học theo mô hình mà ông Đặng Tiểu Bình đã từng áp dụng ở Trung Quốc. Cũng có ý kiến cho rằng ông Putin sẽ lặp lại động thái năm 2008, trở thành thủ tướng nhưng có nhiều quyền lực hơn trước đây.
Ngay sau khi ông Medvedev từ chức, Tổng thống Putin đã chỉ định ông Mikhail Mishustin giữ chức thủ tướng. Ông Mishustin, 53 tuổi, là chính trị gia không mấy nổi bật, đang lãnh đạo Cơ quan Thuế vụ Liên bang Nga.
Với việc phải từ chức thủ tướng, ông Medvedev được cho là sẽ không còn nằm trong kế hoạch trở thành người kế nhiệm của ông Putin sau năm 2024.
Như Ngọc