13.04.2020

Người Mỹ tham gia vụ kiện đòi Trung Quốc bồi thường về virus corona-VOA

Người Mỹ tham gia vụ kiện đòi Trung Quốc bồi thường về virus corona


Trong vòng chưa đầy một tháng, hơn 5.000 người Mỹ đã tham gia một vụ kiện tại Florida đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường vì những thiệt hại do COVID-19 gây ra. Các nguyên đơn cho rằng họ bị thiệt hại to lớn vì sự lơ là của Trung Quốc trong việc chế ngự virus. Những vụ kiện nhưng vậy cũng được tiến hành tại Nevada và Texas.
“Vụ kiện của chúng tôi liên hệ đến những người bị thiệt hại về thể xác vì bị lây nhiễm virus… Vụ kiện cũng liên hệ đến những hoạt động thương mại mà Trung Quốc đã tiến hành trong “những chợ buôn bán đồ tươi sống,” công ty luật Berman đệ đơn kiện ở Florida nói với Đài VOA.

Công ty nêu ra những trường hợp đặc biệt về ‘hoạt động thương mại’ và ‘tổn hại cá nhân, dùng Đạo luật Đặc miễn Chủ quyền Nước ngoài (FSIA) làm căn bản pháp lý để kiện Trung Quốc.
Giáo sư Chimene Keitner, trường Luật, Đại học Hastings California tại San Francisco, không đồng ý.
“Nếu bạn đọc bất cứ ca nào theo luật FSIA viết rất rõ về tổn hại cá nhân, thì việc hành xử của các giới chức Trung Quốc cần phải xảy ra trên đất Mỹ để luật được áp dụng. Và không có cáo buộc về hoạt động thương mại tại đây,” bà Chimene nói.
Bà nói thêm, “bạn không thể kiện nước ngoài về những quyết định chính sách của họ.”
Các tòa án quốc tế
Một vụ kiện của Mỹ chống Trung Quốc để đòi bồi thường 1.200 tỉ đô la có thể được khởi động, theo tổ chức nghiên cứu bảo thủ Anh mang tên Hiệp hội Henry Jackson. Trong phúc trình mới, tổ chức này nói Trung Quốc có thể chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra vì đã xử lý không đúng cách từ đầu về dịch bệnh này. Đặc biệt là có ý định che giấu thông tin mà Tổ chức Y tế Thế giới xem như là vi phạm những Qui định Y tế Quốc tế.
Cơ quan nghiên cứu này thúc đẩy các nước kiện Trung Quốc, đưa ra 10 tổ chức pháp lý khác nhau để kiện, trong đó có WHO, Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa Trọng tài Thường trực, những tòa án tại Hong Kong và tại Mỹ.
“Không chỉ dùng một nhưng phối hợp nhiều cơ quan tài phán có thể chứng tỏ là hữu hiệu,” ông Andrew Foxall, giám đốc nghiên cứu tại Hiệp hội Henry Jackson và đồng tác giả phúc trình nói trong một cuộc phỏng vấn với VOA.
Các nước, trong đó có Mỹ, dường như không muốn tiến tới, và chính thức thách thức pháp lý chống Trung Quốc về virus corona, theo ông David Fidler, giáo sư thỉnh giảng tại trường Luật Đại học Washington ở St. Louis và cựu cố vấn pháp lý của WHO.
“Dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ nơi nào..,” ông Fedler nói. “Đáng chú ý là nhiều nước có quan tâm chung rằng chớ áp dụng luật quốc tế theo cách máy móc liên hệ đến bệnh truyền nhiễm bùng phát.”
Tổn hại xuyên biên giới
Luật không chính thức về ‘Trách nhiệm Quốc tế’ về những thiệt hại do một nước khác gây ra được công nhận lần đầu tiên trong vụ trọng tài Trail Smelter trong những năm 1920.
Một công ty nung chảy kim loại tại British Columbia, Canada, phát thải khí độc làm thiệt hại rừng và mùa màng chung quanh khu vực và xuyên qua biên giới Mỹ-Canada tại tiểu bang Washington. Một tòa án được thành lập tại Canada và Mỹ để giải quyết tranh chấp và chính phủ Canada đồng ý bồi thường.
Các học giả về luật có kết luận tương tự về trách nhiệm của Trung Quốc trong việc làm lây lan virus corona.
“Nếu Canada có luật môi trường tốt, công ty nung chảy kim loại sẽ không làm ô nhiễm môi trường và sẽ không gây thiệt hại tại Mỹ. Có vẻ như có liên hệ ở đây. Nếu Trung Quốc giữ một chế độ qui định an toàn thực phẩm thích hợp thì thiệt hại sẽ không lan rộng,” ông Russel Miller, giáo sư luật tại Đại học Washington and Lee, nói.
Ông William Starshak, luật sư tài chánh tại Chicago, nêu rõ là tốt hơn hết Trung Quốc nên nhận trách nhiệm như Canada đã làm.

VOA (BTV Eunjung Cho)