Trung Cộng ra mắt kế hoạch mới để vượt qua Hoa Kỳ về công nghệ
Trong cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Cộng hồi đầu tháng 03/2021, Trung Cộng đã đệ trình các kế hoạch mới liên quan đến thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ then chốt nhằm “vượt mặt” Hoa Kỳ và thống lĩnh toàn cầu.
Trong khi đó, các viện nghiên cứu chính sách và các nhà lập pháp của Hoa Kỳ đã đề nghị các chiến lược để đáp lại mối đe dọa về tham vọng công nghệ của Trung Cộng.
Theo Kế hoạch 5 năm (2021–2025) được xem xét hôm 05/03 tại Đại hội toàn quốc Trung Quốc, Trung Cộng cam kết đưa “khoa học và công nghệ trở thành trụ cột chiến lược cho sự phát triển của quốc gia” nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nước khác trong các công nghệ chủ đạo.
Theo cổng thông tin Sina của Trung Quốc, tài liệu đó đã nêu ra bảy lĩnh vực khoa học và công nghệ được coi là thiết yếu đối với “an ninh quốc gia và sự phát triển tổng thể”. Các lĩnh vực này bao gồm: 1) trí tuệ nhân tạo (AI); 2) thông tin lượng tử; 3) mạch tích hợp hoặc chất bán dẫn; 4) khoa học thần kinh; 5) nghiên cứu bộ gen và công nghệ sinh học; 6) y học lâm sàng và sức khỏe; 7) nghiên cứu về Trái Đất và không gian.
Bắc Kinh cũng có kế hoạch thành lập các phòng thí nghiệm quốc gia và tăng cường các dự án học thuật để phát triển và hỗ trợ một số trong những công nghệ này. “Các loại vaccine mới” và “an ninh sinh học” là một trong những trọng tâm nghiên cứu chính. “Nhận diện giọng nói” cũng được liệt kê là một trong những mục tiêu phát triển.
Trung Cộng sẽ tăng ngân sách nghiên cứu và phát triển cho các công nghệ then chốt.
Theo tin tức từ cổng thông tin Trung Quốc Sohu, hôm 05/03, tại lễ khai mạc “lưỡng hội”, cuộc họp thường niên quan trọng nhất của Trung Cộng, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng mức chi tiêu của nhà cầm quyền này cho hoạt động nghiên cứu và phát triển năm nay sẽ tăng 10.6%, và hiện kế hoạch hành động 10 năm đang được soạn thảo.
Báo cáo tin tức nói trên cho biết ông Lý cũng nói rằng Trung Quốc sẽ sửa đổi các quy định và chính sách để hỗ trợ dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp, tăng các khoản vay ngân hàng, và mở rộng các ưu đãi thuế để khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Sohu đưa tin, liên quan đến Kế hoạch 5 năm, ông Lý cho biết Trung Cộng sẽ tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển hơn 7% mỗi năm từ 2021 đến 2025, mưu cầu đạt được “những bước đột phá lớn” về công nghệ.
Mối đe dọa từ Trung Quốc
Ông Alex Capri, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói với Wall Street Journal trong một cuộc phỏng vấn hôm 07/03 rằng đằng sau cuộc chiến công nghệ Hoa Kỳ–Trung Quốc là một trận chiến “an ninh quốc gia”.
Ông nói: “Việc dẫn đầu trong lĩnh vực AI và điện toán cho phép Trung Cộng gặt hái được những lợi ích khổng lồ trong chiến tranh hỗn hợp và thu thập thông tin tình báo.”
Ông Capri cũng tuyên bố rằng các công nghệ tân tiến khác sẽ cho phép Trung Cộng mở rộng năng lực quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương và đóng vai trò dẫn đầu trong hoạt động quân sự hóa không gian, thương mại điện tử, và tiền kỹ thuật số.
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã đang thức tỉnh trước mối đe dọa từ tham vọng của Trung Cộng trong việc giành được vị trí thống trị toàn cầu thông qua công nghệ. Chính phủ cựu TT Trump đã áp đặt các lệnh cấm và các lệnh trừng phạt đối với việc xuất cảng công nghệ và các sản phẩm sang Trung Quốc, bao gồm cả vi mạch bán dẫn, để ngăn nhà cầm quyền này ăn cắp tài sản trí tuệ.
Chống lại các tham vọng công nghệ của Trung Quốc
Năm 2020, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đưa ra một dự luật lưỡng đảng, mang tên Đạo luật Biên giới Vô tận, dự định sẽ cung cấp 100 tỷ USD để xây dựng lại Quỹ Khoa học Quốc gia với mục đích thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ then chốt.
Theo một bài báo bình luận của ông John R. Allen, chủ tịch Viện Brookings đồng thời là tướng bốn sao đã nghỉ hưu của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, “Cạnh tranh công nghệ là cốt lõi của cạnh tranh quyền lực lớn và cạnh tranh về ý thức hệ trong thế kỷ 21 và hơn thế nữa… Và với việc Hoa Kỳ cùng các đồng minh dân chủ của mình đang tìm cách vượt lên các chế độ độc tài như các chế độ ở Bắc Kinh và Moscow, thì cải tiến công nghệ sẽ là một yếu tố then chốt quyết định đến sức mạnh và khả năng phục hồi không ngừng của trật tự tự do quốc tế.”
Ông Allen tuyên bố trong bài báo đăng trên The Hill hôm 01/03 rằng, “Chìa khóa để theo đuổi một chiến lược công nghệ đó là nhất quán trên mọi lớp của ‘tầng công nghệ’ hiện đại, hay một bộ đầy đủ các công nghệ tương trợ lẫn nhau.”
Chiến lược “tầng công nghệ” mà ông Allen đề cập đến có bốn lớp – sản xuất, cơ sở hạ tầng, ứng dụng, và niềm tin.
Ông Allen chỉ ra rằng mặc dù Trung Quốc thống trị trong lĩnh vực sản xuất hầu hết các thiết bị điện tử trên thế giới nhưng họ không thể thiết kế và sản xuất các vi mạch bán dẫn cần thiết cho công nghệ tân tiến và phụ thuộc vào việc nhập cảng từ Đài Loan và phương Tây.
Về cơ sở hạ tầng, ông Allen nói, “Các nước dân chủ trong lịch sử đã nắm giữ một lợi thế rõ ràng.” Ông nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc thu hút công ty viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng trên phạm vi quốc tế, và gợi ý rằng, “Trong thập kỷ tới, các quốc gia xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông thế hệ tiếp theo sẽ cần phải hợp tác cùng nhau để bảo đảm rằng phần cứng của Trung Quốc không trở thành lớp cơ sở hạ tầng mặc định. Đây là vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế.”
Về mặt ứng dụng, ông Allen cho biết, “Các công ty Hoa Kỳ thống trị tầng này, riêng Facebook và Instagram chiếm giữ hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới.” Tuy nhiên, ông đã cảnh báo về mối đe dọa từ công ty truyền thông mạng xã hội Trung Quốc TikTok. Sau đó, ông gợi ý rằng để giành chiến thắng trong cuộc chiến thu hút người dùng này, “các nền tảng có trụ sở tại Hoa Kỳ sẽ cần phải tuân thủ các mô hình quản trị mạnh mẽ và hấp dẫn để giành được sự tin tưởng.”
Để có được sự tin tưởng, ông Allen nhấn mạnh, “Các nền dân chủ trên khắp thế giới phải tìm cách chống lại việc Trung Cộng thúc ép các tiêu chuẩn bằng cách ủng hộ các tiêu chuẩn mà bảo vệ quyền tự do cá nhân và các lợi ích dân chủ.”
Ông Allen nhấn mạnh rằng “chính phủ TT Biden có một cơ hội duy nhất để khôi phục lại vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ thông qua một cam kết rõ ràng về nhân quyền, chủ nghĩa đa phương và hơn thế nữa, cũng như một chính sách nhất quán về Trung Quốc nhằm tập hợp cộng đồng dân chủ toàn cầu để vượt lên trên Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh quyết định này của thế kỷ 21: các công nghệ mới nổi.”