Tỷ phú Elon Musk tranh luận về lạm phát khi Fed dự kiến sẽ đưa ra một đợt tăng lãi suất khác
Doanh nhân công nghệ Elon Musk tham gia vào cuộc tranh luận lạm phát khi các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chuẩn bị triệu tập một cuộc họp kéo dài hai ngày, tại đó các thị trường dự đoán ngân hàng trung ương sẽ đưa ra một đợt tăng lãi suất lớn khác để hạ nhiệt giá cả leo thang.
Ông Musk đã lên Twitter hôm 19/09 để lập luận rằng cựu Bộ trưởng Ngân khố Larry Summers đã mắc một “lỗi căn bản” khi coi đợt lạm phát hiện tại tương tự như những năm 1970 và sẽ cố định trong thời gian dài.
“Đúng vậy, lỗi căn bản là lý luận bằng phép loại suy, chứ không phải các nguyên tắc đầu tiên,” ông Musk viết để đáp lại một bình luận của Giám đốc điều hành Ark Invest và CIO Cathie Wood, người cho rằng ông Summers “dường như đang dẫn dắt chính phủ Biden đi chệch hướng với niềm tin của mình rằng khó khắc phục tình trạng lạm phát này, với những năm 1970 là kim chỉ nam của ông ấy.”
Bà Wood nói thêm trong một bình luận tiếp theo rằng đợt lạm phát hiện nay bắt đầu từ đại dịch và sự bất ổn của chuỗi cung ứng, và càng trở nên tồi tệ hơn khi Nga xâm lược Ukraine.
Bà lập luận: “Fed đang giải quyết các vấn đề chuỗi cung ứng bằng cách làm giảm nhu cầu và theo quan điểm của tôi, tạo ra giảm phát, chuẩn bị cho việc xoay trục đáng kể.” Ông Musk đồng tình với quan điểm này.
Nhận xét của ông Musk thúc đẩy cuộc tranh luận hiện tại xung quanh việc liệu Fed đang tăng lãi suất quá nhiều hay quá ít, và liệu lạm phát nhiều hơn — hay giảm phát — sẽ diễn ra khi nền kinh tế nguội đi.
Lạm phát hay giảm phát?
Ông Summers nói với chương trình “Wall Street Week” của Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng Fed đã hành động quá chậm trước tình trạng lạm phát tăng vọt và ngân hàng trung ương hiện cần tiếp tục tăng mạnh lãi suất để giảm áp lực giá.
Ông Summers cho biết: “Lịch sử ghi lại rất nhiều trường hợp khi việc điều chỉnh chính sách đối với lạm phát bị trì hoãn quá mức và dẫn đến những tổn thất rất lớn.” Ông lưu ý rằng ví dụ quan trọng nhất về tổn thất đó là lạm phát cao kéo dài trong những năm 1970.
Ông Summers nói thêm rằng ông đã thấy bằng chứng cho thấy lạm phát đã trở nên cố định. Ông dẫn chứng rằng lạm phát cơ bản đã tăng hơn 6% trong tháng Tám, cũng như việc tăng lương mạnh mẽ cho những người chuyển việc và chi phí đầu vào tăng trong lĩnh vực nhà ở.
Cựu Bộ trưởng Ngân khố cũng cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu Fed tăng lãi suất lên trên 5% để giảm lạm phát.
Nhưng bà Wood lập luận rằng giảm phát — chứ không phải lạm phát hơn — đang đến rất nhanh, khi nhiều dữ liệu kinh tế xuất hiện cho thấy sự chậm lại.
“Giảm phát sắp diễn ra, chỉ số giảm phát PPI, CPI, PCE: từ đỉnh giá hậu COVID, gỗ xẻ -60%, đồng -35%, dầu -35%, quặng sắt -60%, DRAM -46%, bắp -17%, giá cước vận tải Baltic -79%, vàng -17% và bạc -39%,” bà Wood viết trong một bài đăng trước đó trên Twitter, đáp lại tuyên bố của ông Musk rằng “một đợt tăng lãi suất lớn của Fed có nguy cơ gây giảm phát.” (PPI là Chỉ số Giá của Nhà sản xuất và PCE là Chỉ số Giá của Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân.)
Cuộc thảo luận về lạm phát này diễn ra khi bộ phận hoạch định chính sách của Fed, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang, bắt đầu cuộc họp hai ngày vào ngày 20-21/09. Một quyết định về lãi suất sẽ được công bố vào thứ Tư (21/09).
Cái giá ‘đau đớn’ của việc kéo lạm phát xuống
Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất chuẩn của mình lên 75 điểm cơ bản hôm 21/09 trong cuộc họp thứ ba liên tiếp, theo các hợp đồng tương lai của quỹ liên bang, cho thấy khả năng 80% cho mức tăng như vậy và 20% khả năng cho việc tăng cao hơn ở 100 điểm cơ bản.
Ông Andrew Ticehurst, một chiến lược gia tỷ giá tại Nomura, nói với Bloomberg: “Chúng tôi đang thấy những dấu hiệu rõ ràng rằng các ngân hàng trung ương sẽ không ‘bỏ cuộc’ và sẵn sàng chấp nhận suy thoái, nếu đó là cái giá họ cần phải trả để kiểm soát lạm phát và điều này có nghĩa là lợi suất ngắn hạn cao hơn trên toàn cầu.”
Các thị trường tương lai hiện chứng kiến lãi suất quỹ liên bang chuẩn lên tới 4.30% vào cuối năm nay, cao nhất khoảng 2% trên với mức hiện tại 4.43% vào tháng Ba và không giảm trở lại dưới 4% cho đến năm 2024.
Với việc nhiều nhà phân tích cho rằng Fed đã chậm trễ trong cuộc chiến lạm phát, Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây đã đưa ra những nhận xét nhấn mạnh quyết tâm của ngân hàng trung ương trong việc giảm áp lực giá cả, ngay cả với cái giá là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và “một số thiệt hại” đối với các hộ gia đình Mỹ.
Ông Powell nói trong một bài diễn văn hôm 26/08: “Làm giảm lạm phát có khả năng đòi hỏi một thời gian dài tăng trưởng dưới xu hướng. Hơn nữa, rất có thể sẽ có một số điều kiện thị trường lao động suy yếu.”