12.12.2022

Tường trình về ngày QTNQ tại Frankfurt - Đức Quốc -Phan Nguyen

 Tường trình về ngày QTNQ tại Frankfurt - Đức Quốc

-------------
NGÀY QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN TẠI ĐỨC – PHẦN 1

Chương trình lễ kỷ niệm 74 năm ngày ra đời bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ở Đức năm nay được tổ chức chính xác vào ngày 10 tháng 12, 2022 gồm hai phần: Biểu tình trước nhà hát lớn thành phố ngân hàng Frankfurt (Opernplatz) từ 12g15 và trong nhà thờ Christus gần đó từ 15 đến 20 giờ.
Sau nghi thức chào cờ Đức – Việt và phút mặc niệm, bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Người Việt tị nạn cộng sản tại CHLB Đức đã đọc lời khai mạc. Bà sơ lược về bản Tuyên Ngôn lịch sử của loài người vào năm 1948, 3 năm sau khi trải qua cuộc thế chiến II tàn khốc, và ý nghĩa của nó.
Ông Frank Boungard, đại diện Tổ Chức Công Giáo Chống Tra Tấn ACAT, người sinh trưởng ở Đông Đức và đã có những trải nghiệm về chế độ độc tài cộng sản DDR nhấn mạnh về những giá trị dân chủ vốn là thể chế tốt đẹp nhất cho con người. Thể chế này cần được bảo vệ tốt trước những đe dọa như từ nhóm Reichsbürger chủ trương dùng bạo lực vừa bị cảnh sát Đức phá vỡ vài hôm trước đã gây chú ý cho công luận quốc tế.
ACAT ủng hộ những nỗ lực hướng tới dân chủ của người Việt Nam.
Bà Gabi Uhl, ca nhạc sĩ và là chủ tịch Sáng Kiến Chống Án Tử Hình Đức nhắc nhở những giá trị về nhân quyền, dân chủ và phản đối các hình thức tra tấn con người của những chế độ độc tài chuyên chế.
Đại diện Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, ông Vũ Hoàng Hải xiển dương những tù nhân lương tâm đã và đang góp phần đấu tranh cho một Việt Nam tự do.
Ông Nguyễn Đình Phúc, chủ tịch Hội Người Việt tị nạn cộng sản tại Hamburg chia sẻ về ý nghĩa ngày QTNQ bằng tiếng Đức. Ông kêu gọi mọi người quan tâm hơn nữa đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Bảo, chủ tịch Hội NV TNCS tại Nürnberg khuyến cáo về việc thiếu vắng các quyền cơ bản của con người, dù ĐCSVN đã ký kết vào các văn bản quốc tế cam kết tôn trọng nhân quyền. Ông đòi nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do ngay cho tất cả TNLT Việt Nam.
Anh Dylan Trần Phi, một người trẻ chia sẻ về tình trạng mất nhân quyền ở Việt Nam bằng tiếng Đức. Dù CSVN sắp ngồi vào ghế Hội Đồng Nhân Quyền tại Liên Hiệp Quốc, tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng không khá hơn. Anh đưa ra sáu cụ thể cho ĐCSVN, trong đó có những yêu sách như trả tự do ngay lập tức cho tất cả TNLT, chấm dứt công ước chống tra tấn mà CSVN ký kết vào năm 2013 và mọi hình thức tra tấn trong đồn công an, tôn trọng mọi quyền tự do căn bản, chính thức lên án hành động xâm lăng nước Ukraine có chủ quyền ...
Xen kẽ giữa những phát biểu là các bản nhạc đấu tranh như „Việt Nam quê hương ngạo nghễ“, „Trả lại cho dân“ và các khẩu hiệu „Tự do, nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam“ được đoàn biểu tình hô to vang nơi đông đảo khác qua đường.
Nhiều truyền đơn bằng Đức ngữ liên quan đến ngày QTNQ cũng đã được ban tổ chức trao tay cho người đi đường. Nhiều người Đức đứng lại hỏi thăm về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Phan Nguyen