Chuyên gia: Lý do khí cầu do thám Trung Quốc có thể xâm phạm không phận Hoa Kỳ mà không bị kiểm soát
Một chuyên gia đã giải thích lý do vì sao khí cầu do thám của Trung Quốc có thể xâm phạm không phận Hoa Kỳ mà không hề bị kiểm soát.
Hồi đầu tuần trước, khinh khí cầu Trung Quốc lần đầu tiên được nhìn thấy ở Montana, một tiểu bang có các hầm chứa hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Hôm 03/02, một quan chức hàng đầu của Ngũ Giác Đài cho biết rằng khinh khí cầu bay ở độ cao 60,000 feet (18,300m), có khả năng điều hướng, và thay đổi đường bay tại một số thời điểm trong hành trình bay, mặc dù ông không nói rõ khi nào.
Trong bức ảnh này do ông Chad Fish cung cấp, những tàn dư của một khí cầu lớn trôi dạt phía trên Đại Tây Dương, ngay ngoài khơi bờ biển South Carolina, với một chiếc chiến đấu cơ cùng vệt trắng đằng sau, hôm 04/02/2023. (Ảnh: Chad Fish qua AP)
Các quan chức Hoa Kỳ đã cho biết rằng ít nhất ba lần dưới thời chính phủ TT Trump và ít nhất một lần khác dưới thời ông Biden làm tổng thống, các khí cầu đã bay qua không phận Hoa Kỳ, nhưng không lâu như lần này.
Hôm 06/02, Tướng Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Hoa Kỳ cho biết, trong những trường hợp đó, Hoa Kỳ chỉ xác định được những khí cầu này là thuộc về Trung Quốc sau khi các vật thể này đã rời khỏi không phận Hoa Kỳ.
“Tôi muốn nói với quý vị rằng chúng tôi không phát hiện ra những mối đe dọa đó,” ông VanHerck nói về bộ tư lệnh quân sự của mình. “Và đó là một lỗ hổng về khả năng giám sát khu vực mà chúng ta phải tìm ra.” Ông cho biết thêm cộng đồng tình báo Hoa Kỳ “sau khi có thông tin đó” đã thông báo cho bộ tư lệnh của ông về những khí cầu trên.
“Vị tướng này đang mượn lời của Ngũ Giác Đài để nói rằng, ‘chúng tôi không có vùng phủ sóng radar trong khu vực bầu trời mà người Trung Quốc đã thuận tiện chọn để tận dụng gửi khinh khí cầu của họ nhằm tránh bị phát hiện càng lâu càng tốt,’” ông Rick Fisher, thành viên cấp cao của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, cho biết trong chương trình “Trung Quốc Tiêu Điểm” (China in Focus) trên đài truyền hình NTD.
Ông cho biết thêm, “Hoa Kỳ thực sự đang duy trì một mạng lưới các vệ tinh Giám sát Không gian Sâu (Deep Space Surveillance), các vệ tinh cảnh báo sớm với mục đích phát hiện hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa hoặc hỏa tiễn đạn đạo phóng từ tàu ngầm, nhưng các vật thể này phát ra một tín hiệu nhiệt rất sáng. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, chúng dễ bị phát hiện hơn một chút so với khí cầu, vốn không phát ra bất kỳ tín hiệu nhiệt nào.”
Ông Fisher còn cho biết vụ khinh khí cầu này cũng “cho thấy sự đầu tư của Trung Quốc vào hoạt động chiến đấu ở vùng không gian gần Trái Đất,” là khu vực ngay bên dưới quỹ đạo Trái đất tầm thấp.
Ông cho hay, “Trung Quốc và Hoa Kỳ đã và đang đầu tư một lượng lớn các nguồn lực vào việc chế tạo phi cơ không người lái, những quả bóng lớn có hình dạng giống khí cầu, và cả phi cơ siêu thanh để khai thác vùng khí quyển này.”
Ông Fisher đã đề cập một số lợi thế quân sự liên quan đến vùng không gian này.
“Radar không hoạt động hiệu quả trong [quỹ đạo] gần Trái Đất. Quý vị không cần phải di chuyển với tốc độ rất cao để đi vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Việc đặt thiết bị ở độ cao rất lớn để giám sát hoặc thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ tấn công sẽ trở nên ít tốn kém hơn một chút,” ông cho hay.
Một khí cầu thời tiết
Hôm 07/02, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố khí cầu đó là một khí cầu dự báo thời tiết dân sự vốn đã bị thổi lệch hướng và không gây ra mối đe dọa nào đối với an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, ông Fisher gọi vật thể này “rõ ràng là một vũ khí ngụy trang.”
Theo ông, một khí cầu thời tiết sẽ cung cấp cho ĐCSTQ “sự hiểu biết sâu sắc về thời tiết ở các khu vực mục tiêu đó,” vốn là điều cần thiết cho việc phát động một cuộc tấn công hạt nhân vào nước Mỹ.
“Tùy thuộc vào thiết kế đầu đạn hỏa tiễn của quý vị, điều thực sự quan trọng là quý vị sẽ phóng đầu đạn đó vào loại thời tiết nào. Nếu trời có tuyết hoặc mưa, thì đầu đạn của quý vị sẽ kém chính xác hơn nhiều. Quý vị sẽ không phá hủy tất cả các hỏa tiễn hạt nhân của Mỹ mà quý vị muốn. Vì vậy, một vài trong số này sẽ còn sót lại để bắn trả lại quý vị,” ông cho hay.
Khi khinh khí cầu đó lơ lửng trong bầu khí quyển, “vật thể này có thể thu thập một bộ dữ liệu chi tiết hơn nhiều về mật độ khí quyển, độ che phủ của mây, nhiệt độ, gió, và đường đi của gió theo các hướng khác nhau ở các độ cao khác nhau,” ông nói.
Chuyên gia này tin rằng vụ việc này rõ ràng là nhằm mục đích “kiểm tra năng lực của chúng tôi để ứng phó với mối đe dọa trắng trợn này.”
Ông cho hay: “Một bức tranh lớn hơn là khí cầu này đánh dấu sự khởi đầu của những gì tôi nghĩ sẽ là một chiến dịch quấy rối quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ.”
“Chúng ta đang tới một thời điểm mà cuộc đối đầu của chúng ta có thể không còn diễn ra trong hòa bình hoặc ít nhất là không có đối đầu, và chiến đấu, nhưng sẽ có những vụ rắc rối xảy ra. … Đó là nơi mà tôi cho rằng họ sẽ tấn công tiếp theo, sự quấy rối của một phi cơ Mỹ hoặc một tàu Hải quân đang đi trong vùng lân cận của họ, sẽ nhận được một sự phản ứng dữ dội, và người dân có thể phải gánh chịu,” ông nói thêm.
Mở rộng năng lượng hạt nhân
Để khắc phục lỗ hổng trong hệ thống phát hiện của Hoa Kỳ, ông Fisher yêu cầu nâng cấp bộ chỉ huy mạng lưới radar, đồng thời cùng duy trì và chia sẻ chi phí với Canada cho “các khả năng mới, các cảm biến mới, các cảm biến siêu âm hồng ngoại vốn cũng có thể phát hiện khí cầu không tỏa nhiệt.”
Ông tiếp tục thúc giục Hoa Kỳ mở rộng năng lượng hạt nhân của mình ra khu vực Đông Á.
“Ngay bây giờ, bước quan trọng nhất mà Hoa Kỳ có thể thực hiện, và chúng ta có thể thực hiện điều này vào ngày mai, nếu chúng ta muốn, là khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật đến khu vực Đông Á, đặt căn cứ ở đảo Guam. Hàn Quốc rất muốn những vũ khí này. Có thể thuyết phục được Nhật Bản để làm điều tương tự,” ông nói.
Ông tin rằng một hành động như vậy sẽ ngăn cản ĐCSTQ hành động chống lại Đài Loan hoặc các đồng minh khác của Hoa Kỳ.
“Và vì vậy, đây là điều mà chúng ta đang rất cần ở châu Á ngay bây giờ, để ngăn chặn những điều này ngăn chặn Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, vốn có thể dẫn đến sự phục hồi chế độ quân dịch ở Hoa Kỳ,” ông nói.
Ông Fisher cho rằng Hoa Kỳ và các đồng minh nên nỗ lực phối hợp để đẩy lùi chế độ cộng sản.
“Tôi sẽ bắt đầu bằng việc khiến Hoa Kỳ thu thập càng nhiều đồng minh càng tốt để yêu cầu chính quyền Trung Quốc bồi thường những thiệt hại cho tất cả những người đã tử vong vì loại virus Trung Quốc đó. Đó là gần 7 triệu người,” ông nói.