23.12.2014

Đi tìm chữ viết của người Việt cổ - Bằng Tường

Đi tìm chữ viết của người Việt cổ
  




 


         Hơn nửa thế kỷ qua, tuy không phải là một nhà khoa học thực thụ, không được hưởng lương "chuyên môn", nhưng ông sẵn sàng đem cả sổ hưu đi thế chấp để vay tiền và hễ nghe tin ở đâu phát hiện, khai quật ra cổ vật có khắc chữ là ông lại vội vã lên đường. Cho đến nay, ông đã sưu tầm và tìm ra hơn 1 vạn chữ Việt cổ và tập hợp thành 5 công trình nghiên cứu theo từng thời kỳ lịch sử.   
Nhà giáo Đỗ Văn Xuyền, người hết lòng vì chữ Việt cổ.
 Tìm lại quá khứ…   

         Đó là nhà giáo Đỗ Văn Xuyền, sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, nhưng lập nghiệp ở Việt Trì từ những năm 60 của thế kỷ XX (Hiệu trưởng trường cấp II khu công nghiệp Việt Trì). Trong quá trình giảng dạy và quản lý giáo dục, ông đã nhiều lần chứng kiến học trò của mình vô tình đào lên hàng rổ những rìu, dao, búa… bằng đá. Những lúc ấy, ông không khỏi trăn trở về một "kho tàng" văn hóa của người Việt giai đoạn Hùng Vương đã bị thời gian vùi lấp và đang có nguy cơ mai một.

         Và rồi, trái tim mách bảo ông cần phải góp nhặt, lưu giữ những thứ văn tự cổ của người xưa.

Khi phát hiện ra thứ văn tự lạ, ông mò mẫm đi tìm những tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước về các di tích khảo cổ ở vùng đất này nhằm đối chiếu, so sánh. Năm 1989, khi đến xóm Quế thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, ông thấy một ngôi miếu đổ nát mà người dân gọi là Thiên cổ miếu, cửa miếu có hai cây táo lớn.

Điều đặc biệt ở chỗ, tuy có 2 cây nhưng lại hai màu hoa khác biệt, một cây nở hoa màu vàng và một cây nở hoa màu bạc. Trong quá trình nghiên cứu, ông còn biết thêm nhiều thông tin về Thiên cổ miếu và biết được tin người dân còn đào được ở đây một thanh kiếm đồng, một cái bát đồng có ghi chữ lạ.
 
         Trong tâm trí ông đã ấp ủ những dự định rằng sau này có điều kiện sẽ giải mã nó.

Lần khác, đến Đồi Giàm, ông cũng tìm thấy nhiều đồ đá, trong đó có cây rìu đá cũng chạm kiểu chữ ở Thiên cổ miếu. Về nhà, ông đi tìm cuốn “Ngọc phả” soạn từ thế kỷ XVI có đoạn viết: Miếu thờ thầy giáo Vũ Thê Lang (quê huyện Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương) và vợ là Nguyễn Thị Thục (quê ở huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc cũ) lên đây dạy học từ thời vua Hùng thứ XVIII.

Hai người cùng mất ngày 2-2 năm 288 TCN, được táng trong miếu. Qua nghiên cứu sách sử, ông ghép nối những câu chuyện cổ tích, dân gian và đến tận nơi tìm hiểu. Ông còn được biết thêm nhiều thầy giáo khác từ thời vua Hùng, An Dương Vương, Hai Bà Trưng như: thầy Nguyễn Cần Công, Nguyễn Công Ứng từ chùa Hương về Việt Trì dạy học; Hoàng Trụ làng Bồng Lai, huyện Từ Liêm, con công chúa Mỵ Châu theo học thầy Lỗ Công… Ở thời Hai Bà Trưng các tướng lĩnh đều được học hành đến nơi đến chốn như: Lê Anh Tuấn, Lê Ả Lan ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây; tả tướng Phật Nguyệt, nữ tướng Lê Chân, nữ tướng Thiều Hoa…

         Cho đến nay, ông đã tìm thấy hàng vạn con chữ. Trong đó, đáng chú ý là bộ chữ 17 ký tự gọi là hỏa tự (giống ngọn lửa cháy) của Vương Duy Trinh viết trong "Thanh Hóa quan phong" in năm 1903, cho rằng đây là chữ Việt cổ còn sót lại ở Tây Bắc. Vương Duy Trinh viết: "Vì thập châu (vùng Tây Bắc) là nơi biên viễn (biên giới xa) nên dân ta còn lưu giữ được thức chữ ấy. Các nơi khác, Sĩ Nhiếp bắt bỏ hết để học Hán tự". Ông Xuyền đã tìm thấy bộ chữ Thái thổ tự của Phạm Thận Duật phát hiện năm 1855 cũng ở vùng Tây Bắc và khẳng định sự ghi chép, suy luận đầy vô lý khi học giả này gọi đó là chữ của người Thái. Ông phân tích: Chữ người Thái nhưng lại không ghi được những từ về gia đình, nhân luận của họ… Như vậy không phải là chữ Thái. Ông giải thích, dân tộc ta có nhiều đời bị đô hộ, chữ viết luôn bị xóa bỏ, dân ta đã lưu giữ truyền đời bằng những tín hiệu bí mật, ngụy trang. Và Phạm Thận Duật đã dùng cách nói khéo đó để gửi gắm, cất giấu tinh hoa của tổ tiên mình.

         Theo sách “Thông giám cương mục” của Chu Hi đời Tống nói: "Đời Đường Nghiêu thứ 5 (tức 2352 TCN) người Nam Di Việt đến chầu, hiến con rùa lớn…". Sách “Thông chí” thời này nói tiếp: Lưng rùa rộng ba thước có chép chữ khoa đẩu (con nòng nọc), ghi chép việc từ khai thiên lập địa đến nay…

Sách “Lĩnh Nam Chích Quái” của ta cũng ghi rõ điều này. Mặt khác, nhà nghiên cứu Lê Trọng Khánh cũng nhắc đến chữ khoa đẩu thời tiền sử của dân tộc ta. Bên cạnh đó, ông còn căn cứ vào kết quả khai quật của nhà nghiên cứu người Pháp Cô-la-ni năm 1923 khi nghiên cứu về nền văn hóa Hòa Bình đã tìm được hai chiếc đĩa gốm nhỏ ở chân núi Lam Gan khắc hai chữ có hình dáng như chữ Sĩ, chữ Thượng của Trung Quốc nhưng lại có tuổi 8.000 năm TCN, khi chưa có chữ Hán.


Ông Xuyền luôn mong ước “phổ cập” chữ Việt cổ cho mọi người. Ảnh: Bằng Tường

Khẳng định chữ của tổ tiên  

         Công việc đầu tiên ông làm là chứng minh bằng tấm bản đồ Việt Nam tự tay ông vẽ với những ký hiệu đánh dấu sơ đồ các ngôi đền thờ thầy giáo, học sinh và địa điểm trường lớp qua các thời vua Hùng, An Dương Vương - Triệu Đà, Hai Bà Trưng. Tấm bản đồ đánh dấu cả những ký hiệu về dấu tích chữ Việt cổ còn sót mà ông đã tìm thấy trên bãi đá cổ, trên những hiện vật và tài liệu cũ. Tất cả hơn 60 địa điểm từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc được ông phác họa bằng bản đồ vẽ tay rất công phu và tỉ mỉ.

         Đáng chú ý trong "thư viện" sách của ông là hai hàng ký tự La-tinh và Việt cổ viết song song. Sách có tổng số 16 trang ghi các phần nguyên âm đơn, nguyên âm ghép, các phụ âm và một số ví dụ ứng dụng ghi các từ, ngữ Việt Nam bằng chữ Việt cổ. Ngoài ra, ông còn phân biệt chữ Việt cổ với chữ Thái đen, Thái trắng, đông bắc Thái Lan, Khăn tì Ấn Độ, Khoen Myanma, Lào xổng, Lự mới Vân Nam… Toàn bộ những cuốn sổ đó đều được viết tay, đánh số trang, đóng gáy và pho to thành nhiều bản. Bất cứ ai là con cháu Lạc Hồng có chút tâm linh với cội nguồn, ông đều tặng không cuốn sổ với lòng mong ước "phổ cập chữ Việt cổ" cho mọi người.

         Hơn nửa thế kỷ qua trong hành trình đi tìm chữ cổ, ông đã đặt chân lên nhiều vùng đất, song điều ông tâm đắc nhất là lần đến ngôi miếu trên địa bàn huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay, thờ 4 người con của Lạc Long Quân, ông tìm thấy bản “Ngọc phả” thời Trần Thái Tông, vào loại cổ nhất hiện nay. “Ngọc phả” viết: "Nghiêu thế, Việt thường thị hiến thiên tuế thần quy, bố hữu khoa đẩu…" (nghĩa là thời Vua Nghiêu, người Việt hiến rùa thần, trên lưng có chữ khoa đẩu) như tiếp thêm cho ông sức mạnh để tìm về với cội nguồn dân tộc.

         Để khẳng định rõ hơn về những chữ Việt cổ, ông Đỗ Văn Xuyền đã đi tìm cuốn từ điển “Việt Bồ La” xuất bản năm 1651 ở Rô-ma (Italia), theo lời tác giả cuốn sách: Người dạy tôi là một thiếu niên bản xứ trong 3 tuần đã đọc được các thanh và từ… để suy đoán rằng thứ chữ được dạy đó chính là chữ Việt cổ. Thông qua dữ liệu ấy, ông đã lặn lội đi đến rất nhiều miền quê để ghi lại lời nói của bản xứ rồi làm một công việc thầm lặng liệt kê, đối chiếu so sánh, suy luận, lý giải bằng ô chữ cổ.

         Ông luôn bị ám ảnh bởi một lời trong sử sách Trung Quốc và nhà nghiên cứu Lê Trọng Khánh rằng từ xa xưa Việt Nam từng có chữ khoa đẩu.

Vào một đêm, khi ngồi tra cứu những dòng chữ tiền sử bỗng nhiên mất điện, thắp ngọn nến trước bàn, ông bàng hoàng khi thấy hình ảnh những con nòng nọc đang vươn mình bơi lội. Ông tâm niệm rằng tổ tiên đã phù hộ cho ông sức mạnh về với cội nguồn.

         Mặt khác, ông cũng khẳng định: "Bây giờ chữ cổ của người Việt có thể ghi được tất cả những phát âm, tiếng nói của người Việt Nam". Ông Xuyền dẫn chứng: "Khi ta đến hỏi người già ở các địa phương khác nhau bị khu biệt về văn hóa thấy cùng một ký tự đọc là "UÔ" hoặc "UÂ" đều được.

Cho nên họ đã phát âm là "cuộn chỉ" hoặc "cuốn chỉ" đều thế. Trong một trường hợp khác, khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa vào năm 39 SCN thì chữ Hán lúc này chưa vào Việt Nam - (phải đến năm 189 chữ Hán được Sĩ Nhiếp đưa vào Việt Nam). Hay việc Lê Mạnh Thát đã phát hiện bản kinh của Khương Tăng Hội dịch một bộ kinh từ chữ Hán sang chữ khoa đẩu.

         Năm 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương về làm việc tại Phú Thọ, dành một buổi trao đổi với ông về những phát hiện chữ cổ của cha ông chúng ta. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã động viên, gửi gắm nhiều hy vọng và cung cấp thêm tài liệu giúp ông có thêm cứ liệu khẳng định về chữ của người Việt cổ. Tại đây, Chủ tịch nước đã đề nghị các cấp chính quyền, các ngành liên quan tỉnh Phú Thọ hỗ trợ kinh phí cho công tác sưu tầm, nghiên cứu chữ cổ của ông.

         Trải qua 60 năm, ông Xuyền vẫn một mình cặm cụi đi tìm và khẳng định chữ Việt cổ cho dân tộc được giới khoa học và giới nghiên cứu Hán Nôm nước nhà khẳng định. Nhưng tiếc thay, trong suốt chừng ấy thời gian, ông không nhận được bất kỳ sự trợ giúp của cơ quan hữu trách nào về tài chính. Mong rằng, các cơ quan chức năng giúp đỡ để ông chuyên tâm nghiên cứu và chứng minh rõ nguồn gốc chữ Việt cổ có từ ngàn đời nay cho con cháu mai sau.

Bằng Tường