ĐẠI LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG NĂM THỨ 4894 tại MÜNCHEN
Theo như thông lệ hàng năm, Hội Người Việt Cao Niên
và Cộng Đồng Người Việt Tự Do München Bayern vào năm nay 2015 cũng đã tổ chức một
buổi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào chiều ngày thứ bảy 09.05 tại hội trường
Dominikuszentrum München để tưởng nhớ công đức lập quốc của tiền nhân. Được biết,
vì bận rộn nhiều với những công tác đấu tranh, sinh hoạt cộng đồng khắp nơi trong
Tháng Tư Đen nên Ban Tổ chức đã quyết định cử hành Đại lễ Giỗ Quốc Tổ trễ hơn một
tuần so với dự định.
Tuy thời tiết không được tốt đẹp vì có mưa lác đác
nhưng ban tế lễ đã chuẩn bị từ lúc 16 giờ ngoài sân để nghinh rước bài vị Quốc
Tổ. Các vị trưởng thượng của hai hội đoàn trong những bộ y phục tế lễ truyền thống
đã cùng với các vị quan khách nam nữ trong quốc phục áo dài, khăn đóng và hai
người lính hầu lễ với cờ vàng ba sọc đỏ và cờ ngũ sắc tạo ra một bức tranh mầu
sắc rực rỡ trong chiều mây xám. Đoàn người trang nghiêm rước bài vị Quốc Tổ
Hùng Vương từ ngoài sân vào trong hội trường nơi đặt bàn thờ đã được bày biện
trọng thể biểu tượng tập tục thờ cúng tổ tiên ông bà của dân tộc Lạc Việt. Nghi thức khai mạc bắt đầu bằng việc chào quốc
kỳ, hát quốc thiều cùng một phút mặc niệm anh linh tất cả các tử sĩ đã hy sinh
trong chiến đấu để xây dựng và giữ nước trong suốt khoảng thời gian gần 5000
năm lập quốc.
Giọng đọc văn tế chậm rãi, hùng hồn của ông chánh tế
Vũ Ngọc Hải, tiếng ông thông xướng khoan thai „THƯỢNG HƯƠNG… TIẾN TỬU… PHỦ PHỤC…
TAM BÁI….“ điểm thêm nhịp trống lễ từng hồi hòa lẫn với mùi thơm của nhang trầm,
khói hương bên ánh nến lung linh đã tạo ra một khung cảnh oai linh, nghiêm cẩn trong hội
trường. Mọi người tưởng như đâu đây hiển hiện anh linh các vị tổ tiên đang về chứng
giám cho tấm lòng những người con dân Việt tuy sống trong hoàn cảnh tỵ nạn tha
hương nhưng vẫn một lòng hướng về quê cha đất tổ, cùng đổ giòng máu đỏ hào hùng
trên quê hương qua từng giai đoạn lịch sử biến động thăng trầm. Các quan khách tham dự đã lần lượt lên thắp
nhang, thì thầm khấn vái trước bàn thờ Quốc Tổ.
Sau buổi lễ đã có trình chiếu một số hình ảnh về
vùng đất Phong Châu, ngã ba bến sông Bạch Hạc, nơi hợp lưu ba dòng sông Thao, Đà
và Lô, thuở xưa các vua Hùng đã dựng nước
Văn Lang, đóng đô ở Nghĩa Lĩnh. Chân núi giờ có đền thờ các vị vua Hùng: đền Hạ,
nơi Mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng trăm con; đền Trung ở lưng chừng núi, nơi các vua
Hùng cùng các Lạc Tướng bàn việc nước; đền Thượng trên núi cao, nơi vua Hùng lập
điện thờ Trời và Thần Nông, thủy tổ của dòng Bách Việt. Nơi đó có lăng vua Hùng
do vua Tự Đức triều nhà Nguyễn dựng xây. Cũng dưới thời vua Tự Đức, lễ hội đền
Hùng được khôi phục lại, lấy lệ hàng năm giỗ Quốc Tổ vào ngày mùng 10 tháng ba
âm lịch.
Ngoài ra, còn
có thêm một số hình ảnh về đền Hùng, lễ Quốc Tổ, lễ Giỗ Hai Bà Trưng đã được cử
hành long trọng hàng năm tại Sàigòn vào những năm còn tự do trước 1975.
Để
so sánh. ban tổ chức cũng cho chiếu 1 số hình ảnh Việt Nam cộng sản ngày nay láo
lếu lập riêng một đền thờ Quốc Tổ, chưng bày tượng vua Hùng trông giống tên thảo
khấu gian ác (tướng tay trần lực lưỡng, râu dê, mắt xếch, lông mày hát bội, móng
tay sơn đỏ choét). Tên tuổi lý lịch các vị vua Hùng được ghi chép một cách vô tội
vạ, thiếu suy nghĩ: Vị vua nào sống mấy trăm tuổi, làm vua mấy trăm năm, có bao
nhiêu con trai, con gái, cháu, chắt, chi, tông…? Tưởng cũng nên nhắc lại là vào
tháng tư năm nay 2015, nhà nước cộng sản Việt Nam đã tổ chức lễ Giỗ Hai Bà
Trưng, cho người đóng vai hai vị nữ tướng ngự trên xe lăn, giả làm voi trận, có
người đẩy phía sau; Thật là hết sức bôi bác, khinh thường lễ nghĩa đối với những
bậc anh hùng tiền nhân đã xây dựng và giữ nước.
Đúng là một thể chế cộng sản hèn mạt, không còn biết
đến đạo nghĩa lý tình, tự nộp thân làm nô lệ cho giặc Tàu phương Bắc!
Buổi lễ Giỗ được tiếp nối sau đó bằng một chương trình
văn nghệ nhỏ với những bài hát hùng ca, tâm ca nói về Việt Nam: Lịch sử, đất nước
và tình yêu mến quê hương do các anh chị thành viên và thân hữu quen thuộc của Cộng
Đồng đảm trách.
Trong phần thảo luận, ban tổ chức đã phát ra một số đề tài in sẵn trên giấy để mọi người có thể
đóng góp thêm ý kiến xây dựng về những sinh hoạt có tính cách hữu ích cho cộng
đồng người Việt tại địa phương (văn hoá, xã hội, chính trị, giải trí): Mục
tiêu chung, những sinh hoạt cần thiết, cần có sự tham gia hợp tác tổ chức của
các hội đoàn, nhóm tại địa phương...
Trong giờ giải lao, mọi người lại
có dịp thưởng thức các món ăn ngon, thuần tuý quê nhà do gia đình các bà các cô
tại địa phương nấu nướng mang đến theo hình thức con cháu, thân nhân góp phần vào
lễ cúng giỗ ông bà tổ tiên. Nhang đã tàn, cỗ bàn hạ xuống, sắp dài thành bàn
buffet, mọi người quây quần bên nhau ăn uống, cười đùa náo nhiệt, không khí ấm
áp, vui vẻ của một đại gia đình trong ngày có giỗ lớn.
Phần cuối của chương trình là hát Karaoke giải trí, gần như chỉ dành cho
giới trẻ vì các ông bà lớn tuổi dần dần ra về hết, chỉ còn lại nhóm trẻ và người
trung niên. Nhóm trẻ thì ngồi trong hội trường đàn ca hát xướng, các vị trung
niên, nam thì ở ngoài sân ồn ào chuyện trò qua ly bia, cuộc rượu ; Nữ thì bàn
trên bàn dưới quây quần nhỏ to chuyện gia đình, con cái…
Buổi họp mặt sau lễ Giỗ đã kết thúc vào lúc 22 giờ cùng ngày; Như thường lệ
các anh chị trong Ban tổ chức vẫn còn ngồi nán lại với nhau tới nửa đêm để trao
đổi về sinh hoạt đã qua và chuẩn bị cho những công việc của Cộng Đồng sắp tới.
CĐNVTD-MB
Một vài hình ảnh buổi lễ :