Chu Tất Tiến
A. SỰ
HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM
1- Di tản, tị nạn, vượt biên, và định cư
Biến cố năm 1975 tại Việt Nam cũng
là một biến cố cho Hoa Kỳ, vì trước và ngay khi miền Nam bị rơi vào tay Cộng Sản,
môt làn sóng dân Việt tị nạn chính trị đã đổ ào ạt vào nước Mỹ, làm xáo trộn
nhiều sinh hoạt của đất nước này. Những năm đó, có rất ít người Việt đến Mỹ và
thường đến theo diện hôn nhân với người Mỹ, và một số nhỏ đi du học rồi ở lại
luôn. Theo tài liệu của cơ quan Di Trú và Quốc Tịch Mỹ, thì từ 1950 đến 1974 chỉ
có 650 người. Nhưng từ tháng 4 năm 1975, với sự cứu vớt nhân đạo của người Mỹ,
hàng triệu người Việt đã đến qua nhiều phương tiện di chuyển. Ngay trong những
tháng mùa Xuân 1975, đã có 125,000 người được phi cơ hay tầu thủy của Mỹ đưa
sang các trại tạm cư tại Philippines và Guam. Từ các trại tạm cư này, người Việt
di tản đã được định cư tại nhiều nơi trên đất Mỹ, đăc biệt là tại California và
Texas. Trong đợt di tản này, đa số là những người có học vấn cao, từng giữ những
chức vụ quan trọng trong chính quyền miền Nam, hay những người có liên hệ trực
tiếp với người Mỹ, nhân viên của Sứ Quán Mỹ hoăc các công ty Mỹ tại Việt Nam.
Sau đợt di tản chính thức do chính
phủ Mỹ thực hiện đó, vì hãi sợ chế độ hà khắc của Cộng Sản, người miền Nam đã tự
túc rời bỏ quê hương mình bằng các phương tiện tự túc và tự chế. Đa số vượt
biên trong những chiếc tầu đánh cá, hoặc dùng các máy chạy dầu “2 block” hoặc
“3 block” đầu bạc gắn vào các ghe dài từ 10 đến 15 mét. Những con tầu vượt đại
dương này có thể chứa 50 người thoải mái, nhưng cũng có nhiều trường hợp chất đến
hơn 100 người nằm xếp như cá hộp trên tầu, không có phương tiện ăn uống hoặc vệ
sinh. Nếu không có tầu đánh cá lớn như thế, nhiều người phải vượt biển bằng bè,
bằng ghe nhỏ, có gắn “đuôi tôm” hay máy xay nước mía, chạy chậm rì và dễ lật.
Có một trường hợp đi biển bằng bốn thùng “phuy”, trước đựng xăng, gắn lại thành
môt cái bè đơn sơ cũng ra tới biển và được tầu lớn đón đi. Vì không có sự bảo vệ
nào cả, nên những người đi ghe thường bị hải tặc tấn công, hãm hiếp, và bị giết
chết dưới những hình thức tàn bạo. Một số khác chết vì đói, bệnh, hoặc tấp thuyền
vào những cồn san hô, không có thực phẩm. Theo ước tính của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc,
dựa trên tỷ lệ số người đến được các trại tị nạn và số người mất trên biển,
cùng với sự ước tính những người thân trong gia đình đã vượt biên và bị giết chết,
có đến vài trăm ngàn người bị chết trên biển trước khi đến bờ Tự Do. Một số
không nhỏ đã bị hãm hiếp hay bị giết chết ngay trên đất liền của Thái Lan và Mã
Lai hoặc tại những đảo nhỏ trong vùng Đông Nam Á. Vài trường hợp, người vượt
biên được tầu cá Thái Lan đưa vào đất liền để hãm hiếp xong, thì kéo ghe ra xa,
rồi đâm tầu cá Thái Lan vào tầu vượt biên, cho chìm. Một số trường hợp khác bị
Công An Cộng Sản Việt Nam bắt, và cũng bị hãm hiếp, sau khi công an đã thu hết
vàng bạc trong người. Một người mới được thả ra từ tay Công An Cà Mâu cho biết,
sau khi Công An đã lột hết tiền bạc dấu trong người vượt biên, đã cho người vượt
biên trở lại tầu của mình và đi tiếp, nhưng giữ lại ba cô gái đẹp nhất. Sau đó,
thì không ai nghe thấy tin tức gì của ba người bất hạnh đó cả.
Hầu như gia đình nào ở các tỉnh
thành lớn miền Nam đều có thân nhân vượt biên. Những năm đầu sau 1975, đa số
người vượt biên là những người có phục vụ trong chính quyền cũ, hoặc có liên hệ
đến các viên chức, quân sự cũng như dân sự. Họ đã phải rời quê hương để tránh bị
tắm máu, bị giết dần mòn trong các trại tù khổ sai được gọi là “Trại Học Tập Cải
Tạo”. Vì thế, số người vượt biên vì kinh tế thì rất ít. Nhưng đến khoảng 1978,
sau các đợt “đánh tư sản”, đổi tiền, chống người Hoa Kiều ở Viêt Nam, thì số vượt
biên tăng dần với các người dân thường, không dính dáng gì đến chế độ cũ. Nhận
thấy đây là cơ hội làm giầu, một số nhà cầm quyền Cộng Sản địa phương cho tổ chức
các cuộc vượt biên “bán chính thức” để các người Việt gốc Hoa được ra đi, sau
khi nộp cho giới cầm quyền ở địa phương nhiều lạng vàng (được gọi là “cây”).
Nhiều chuyến tầu lớn ra khơi với năm, sáu trăm người và đã đổ bến Tự Do an
toàn, ít bị hải tặc tấn công vì có máy mạnh và đã có đề phòng sẵn. Các cuộc vượt
biên này rầm rầm rộ rộ tại các bãi đáp, tưởng như không bao giờ dứt. Nhưng đến
khi thấy lấy tiền và vàng quá dễ dàng, lòng tham của công an, bộ đội bùng lên tới
cao độ khiến họ tổ chức những cuộc vượt biên giả, để giết người, thu vàng. Bao
nhiêu người chết chìm trên sông, khi chưa ra tới biến. Cách thức giết người của
Công An thì đơn giản: cho tầu ra giữa dòng sông, đợi đến đêm, thì công an gọi lần
lượt từng người bước ra ngoài, nói là chuyển lên tầu lớn, nhưng khi vừa chui ra
khỏi mui thì bị đập một cây gỗ có gắn đinh vào đầu, rồi bị đá xuống sông. Sau
khi số người chết chìm trên sông tăng lên một cách kinh hoàng, một phụ nữ thoát
thân được sang đến Mỹ, thì gửi thư đến tất cả các cơ quan cầm quyền Hà Nội, tố
cáo hành vi dã man này ròng rã hai năm, thì Hà Nội mới đánh hơi thấy đây là
chuyện lớn, nên bắt đầu thanh trừng nội bộ, xử tử những tay công an tham lam tổ
chức vượt biên giả để cướp của, giết người, trong số này có cả Giám Đốc Công An
Tỉnh, khiến cho các cuộc vượt biên sau này trở nên khó khăn hơn. Nhưng bất chấp
tất cả nguy hiểm, bị công an bắt tù, bị hải tặc hãm hiếp và giết chết, các tầu
chở người vượt biên vẫn tiếp tục lên đường, trong số này có nhiều trẻ em, phụ nữ,
nông dân, và thợ thuyền. Những người sống sót được cứu vớt đem vào các trại tị
nạn tại Thái Lan, Singapore, Mã Lai, Philippine, và Hồng Kông. Từ các trại này,
người di tản được đi các quốc gia nào đã cứu vớt họ. Nếu không có người thân
nào ở các nước đó, hay nếu được thân nhân bảo lãnh, người tị nạn sẽ được đưa
vào Mỹ.
Nói đến trại tị nạn Hồng Kông, người
ta không quên một vấn đề đặc biệt: sự phân biệt giữa người tị nạn từ miền Nam
và miền Bắc. Khi tin tức về các người tị nạn được sinh sống ở Mỹ và các nước
khác lan đến miền Bắc Việt Nam, thì một số dân chúng ở đây cũng tìm cách ra đi,
tuy không phải là đối tượng bị theo dõi, và bị bắt. Người vượt biên từ miền Bắc,
vì gần với Hồng Kông nên cho tầu đến thẳng nơi đây. Từ đó, nẩy sinh ra sự phân
biệt, kình chống giữa hai thành phần, người vượt biên từ miền Nam và người vượt
biên từ miền Bắc, trong đó, có một số lớn là “dân đầu gấu”, tức là du đãng Hải
Phòng. Với tiếng nói khác nhau, lý tưởng khác nhau, nên xẩy ra nhiều cuộc xung
đột tay chân, cả hai bên dàn quân ra đánh nhau, khiến cho cơ quan cứu trợ phải
chia ra hai lằn ranh, dân miền Bắc và dân miền Nam. Vì những người vượt biên từ
miền Bắc không được Mỹ nhận, nên đa phần họ đã được chở sang Anh và định cư ở
đây.
Do hoàn cảnh như trên, đơt người đến
Mỹ sau này đã thành một trở ngại lớn cho các nước phương Tây và nhất là Mỹ. Họ
không biết nói tiếng ngoại quốc cũng như chẳng có học vấn hay khả năng chuyên
môn để thích ứng với môi trường mới. Phải mất nhiều năm, với sự giúp đỡ của
chính quyền sở tại, những người đến sau này mới hội nhập được vào cuộc sống mới.
Tại Mỹ, vì tính cần cù, chịu khó, và được sự bảo trợ của người bản xứ, nên khoảng
10 năm sau, một số lớn đã có thu nhập cao, đặc biệt là những người quen nghề đi
biển đánh cá, tụ tập nhiều ở tiểu bang Louisiana và Texas. Nhiều người di tản
đã trở thành triệu phú.
2- Bảo
Lãnh và Chương trình H.O.
Những người đến Mỹ trước, sau khi
nhận được thẻ xanh, thì bắt đầu lo bảo lãnh để đưa thân nhân qua. Tuy biết rằng
những người sang Mỹ theo diện bảo lãnh thì không được trợ cấp về ý tế hay tài
chánh, nhưng những đơn xin bảo lãnh cứ tăng dần, và số người Việt trên đất Mỹ bắt
đầu đông đảo. Người trước hướng dẫn người sau rồi tụ họp thành nhiều trung tâm
Việt Nam lớn với những điều kiện sinh hoạt giống như ở Việt Nam. Thực phẩm Việt
Nam bắt đầu xuất hiện đầy dẫy trong các chợ Việt với đa số chủ nhân là người Việt
gốc Hoa, chỉ có một số ít là do người Việt làm chủ. Các tiệm ăn, bán trang phục
và các văn phòng dịch vụ, tiện nghi khác cũng mọc lên như nấm.
Đến đầu năm 1990, chương trình H.O.
bắt đầu được thực hiện để đưa những quân nhân và viên chức hành chánh từng đi
tù Cộng Sản đến Mỹ một cách chính thức với gia đình. Danh xưng H.O. này, thật
ra, đã bị hiểu nhầm. Chính phủ Mỹ đã cho từng đợt người di tản dưới số hiệu từ
A, B, C. Đến chữ H, thì vào đúng lúc dành cho những người từng ở tù cải tạo, và
đợt đầu tiên là H.0 tức là H.Zero. Rồi H.01, H.02, H.03…Vì không hiểu ý nghĩa của
danh xưng này, nên một số người diễn giải là: Human Organization, Humantarian
Organization.. rồi dần dần biến thành H.Ô. Những người đến nước Mỹ dưới
diện H.O này, được trợ cấp trong 2 năm, rồi phải tự tìm cách hội nhập vào đời sống
mới. Vì đã từng là cấp chỉ huy quân sự hoặc dân sự, nên các đợt H.O sau này đều
nhanh nhẹn thích hợp ngay với quê hương thứ hai này. Chỉ sau 5,7 năm, cùng với
những người đi trước, số người Việt đi theo diện H.O. đã thành công trên nhiều
lãnh vực, do chính bản thân hay từ con cái, thuộc thế hệ thứ 2. Nhận thấy rằng,
mình là người đến sau, không thể cạnh tranh với người đến trước, nếu không có học
vấn. Do đó, các bậc cha mẹ đã hết sức khuyến khích con cái đi học ngay. Vì thế,
đa số thế hệ thứ hai tốt nghiệp từ các trường chuyên môn như Y Khoa, Dược Khoa,
Nha Khoa, Tài Chánh, Thương Mại. Có gia đình có đến 10 y sĩ, vừa dâu vừa rể, vừa
con ruột, là Bác Sỹ Y Khoa, Dược Sĩ, hay Nha Sĩ. Một số lớn có thế hệ thứ hai
toàn là Kỹ Sư, Cử Nhân.
Theo thống kê năm 2010, kể cả những
người con Lai Mỹ được sang Hoa Kỳ, có 1,548,449 người Việt trên đất Mỹ, hoặc
1,737,433 người Việt hòa nhập với các quốc tịch khác qua hôn nhân, tạo thành một
khối Á Châu đứng hàng thứ tư trong toàn khối người Á Châu gốc Mỹ. Người
Việt được phân phối (1) như sau:
- California:
581,946
-
Texas: 210,913
- Washington:
66,575
-
Florida: 58,470
-
Virginia: 53,529
-
Georgia: 45,263
-
Massachusetts: 42,915
-
Pennsylvania: 39,008
- New
York: 28,764
-
Louisiana: 28,350
Trên đây là những con số có tính cách khái quát. Thực tế, người Việt di chuyển
và đổi chỗ ở nhiều lần qua nhiều tiểu bang để tìm nơi có công ăn, việc làm
thích hợp. Thực tế cho thấy, người Việt đổ dồn về California vì khí hậu ở đây ấm
áp, ít lụt và không có bão mạnh, chỉ có động đất, nhưng với lý luận, “Trời kêu
ai, người nấy dạ”, họ chấp nhận động đất như là môt phần trong sinh hoạt, không
có gì đáng lo ngại. Đến năm 2010, đã có 183,766 người ở Quận Cam, miền Nam
California. Tập trung nhiều nhất là vùng Westminster, nơi đây được đặt tên chính
thức là Little Saigon. Bên cạnh đó, là các thành phố đầy người Việt Nam như
Garden Grove và Santa Ana. Miền Bắc California, với San Jose là nơi tập trung
nhiều người Việt di tản nhất, sau đó mới đến những thành phố xa như Sacramento,
Monterey..
Về việc
nhập tịch, người Việt cũng là thành phần nhận được quốc tịch Mỹ nhiều nhất và
nhanh nhất so với một số sắc dân khác. Theo American Community Survey năm 2006,
72% người Việt sinh ở nước ngoài trở thành công dân, cộng với 36% sinh tại Mỹ,
làm cho số người được Việt được nhận quốc tịch Mỹ là 82%.
B. SỰ PHÁT
TRIỂN
1-Tín ngưỡng và lập trường chính trị.
Về tín
ngưỡng, đa số theo đạo Thiên Chúa gồm Công Giáo và Tin Lành. Người theo Công
Giáo nhiều nhất. So với 6% người theo Công Giáo khi còn ở trong nước, họ đã
nâng tổng số người Việt Công Giáo là 23% của toàn thể người Mỹ gốc Việt. Sau
khi đã ổn định đời sống vật chất, người Việt bắt đầu nghĩ đến việc tham gia vào
dòng chính, qua các sinh hoạt chính trị như ghi tên gia nhập Đảng. Vì một số
người có sự hiểu lầm là Đảng Cộng Hòa thế nào cũng phải ủng hộ người thuộc Việt
Nam Cộng Hòa, nên đã gia nhập Đảng Cộng Hòa. Một số người còn tin rằng Đảng Cộng
Hòa thế nào cũng giúp người Việt tị nạn đánh lại Cộng Sản. Họ đã không hiểu rằng,
đảng nào cũng vì quyền lợi của đất nước Hoa Kỳ mà thay đổi chính sách. Không có
đảng nào thương yêu người Việt cách riêng cũng như không có Đảng nào ghét bỏ
người Việt. Vì vậy, thực tế cho thấy có 29% theo Cộng Hòa, trong khi chỉ có 22%
theo Dân Chủ. Riêng tại Orange County, California, vì số người định cư ở đây đa
phần là người thuộc chế độ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam nên có 55% ghi danh theo
Cộng Hòa và 22% theo Dân Chủ. Theo National Asian American Survey, năm 2004 có
72% bỏ phiếu cho George Bush, trong khi có 28% bỏ cho John Kerry. Năm 2008, có
tới 2/3 dân Việt bỏ phiếu cho John Mccain. Tuy nhiên, số người trẻ thuộc thế hệ
thứ 2 lại ưa đảng Dân Chủ. Trong kỳ bầu cử năm 2008, có tới 60% người trẻ bỏ
phiếu cho Barack Obama.
Trong sinh hoạt chính trị nước Mỹ, cộng đồng người Mỹ gốc Việt tỏ ra ồn ào nhất
với rất nhiều cuộc biểu tình, mít tinh chống Cộng. Vụ Trần Trường nổ ra tai miền
Nam California, lôi kéo tới hơn 22,000 lượt người tham gia biểu tình mỗi đêm
trong suốt gần 1 tháng. Hầu như tối nào cũng có biểu tình. Cờ vàng rực trời California.
Âm thanh của nhạc khí và tiếng ca chống Cộng vang động cả một góc trời. Trong
khi biểu dương khí thế chống Cộng mạnh mẽ như thế, thì người Việt cũng âm thầm
tham gia ứng cử vào các chức vụ chính quyền. Khởi đầu là ông Tony Lâm, một người
làm thương mại, ứng cử mà không có đối thủ người Việt nên được bầu làm Nghị
viên thành phố Westminster với đa số phiếu từ người Mỹ gốc Việt. Sau đó, đến Luật
Sư Trần Thái Văn cũng dành được một ghế trong Quốc Hội California một cách vẻ
vang. Rồi đến Janet Nguyễn, mới đầu đắc cử nghị viên thành phố Garden Grove,
sau vươn lên, đắc cử Giám Sát Viên Quận Cam, chi phối ảnh hưởng của mấy tỉnh miền
Nam. Trong lần tranh cử này Janet Nguyễn chỉ thắng đối thủ là Luật Sư Nguyễn
Quang Trung có 3 phiếu.
Sự tham dự đông đảo vào dòng chính làm cho người Mỹ sở tại quan tâm đến cộng đồng
Việt nhiều hơn trước, nhất là sau khi thành phố có 3 nghị viên là người Mỹ gốc
Việt: Tạ Đức Trí, Andy Quách, và Diệp văn Trường. Bên thành phố Garden Grove,
Luât Sư Dina Nguyễn tại vị trí Nghị Viên được mấy nhiệm kỳ rồi. Dựa vào sức mạnh
của các vị trí chính trị, Trần Thái Văn, Tạ đức Trí, Andy Quách đã tạo được một
kỳ tích đáng kể: Làm luật cấm không cho Cộng Sản Viêt Nam được đi qua thành phố,
và quyết định cho phép tôn vinh lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa được
treo chính thức trước thềm sảnh thành phố và các địa điểm công cộng khác, mà
không cho treo cờ của Cộng Sản Việt Nam. Từ chiến dịch phát động khởi đi từ
Westminster, California, cho tới nay, đã có 13 Tiểu Bang, 7 Quận hạt và 85 thành
phố chấp nhận lá cờ Việt Nam Cộng Hòa là đại diện chính thức của nước Việt Nam.
Tại Houston, Texas, theo gương miền Nam California, Dân Biểu Hubert Võ cũng được
đắc cử vẻ vang. Tại Houston, người Việt đầu tiên được bầu làm Nghị Viên thành
phố: Luật Sư Hoàng Duy Hùng. Người Việt ở Texas lấy làm hãnh diện về việc này.
Tuy nhiên, niềm hãnh diện của người Việt không kéo dài, vì Nghị Viên Hoàng Duy
Hùng, sau khi đắc cử, lại thay đổi lập trường chống Cộng, để thiên về khuynh hướng
hòa hợp, hòa giải với Cộng Sản Việt Nam. Cùng với Thị trưởng Houston, ông thu xếp
một cuộc nói chuyện với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn và dàn xếp buổi đối
thoại giữa thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ năm
2013, rồi sau đó theo lời mời của Nguyễn Thanh Sơn, ông chính thức về Việt Nam
bàn thảo việc hòa hợp, hòa giải, nhưng không thành công. Ngược lại, ông còn bị
cộng đồng chống đối một cách tích cực khiến ông thất cử trước Richard Nguyễn,một
nhân vật ít được cộng đồng biết đến. Còn ở Louisiana, Luật Sư Cao Quang Ánh,
thuộc đảng Cộng Hòa được đắc cử vào chức vụ Dân Biểu Liên Bang, nhưng chỉ được
một nhiệm kỳ và phải nhường lại cho người địa phương, Cedric Richmond thuộc Dân
Chủ, vì đại đa số dân ở đây là người theo đảng Dân Chủ. Sau khi bất ngờ bị Cao
Quang Ánh, một đảng viên Công Hòa thắng thế, đảng Dân Chủ dồn hết sức mạnh lại
và đánh bật Cộng Hòa ra khỏi chức vụ này.
Hiện nay, năm 2014, trên nước Mỹ, có hai viên Thị Trưởng người Mỹ gốc Việt tại
miền Nam California: Thị Trưởng Tạ Đức Trí, thành phố Westminster và Thị
Trưởng Michael Võ, thành phố Fountain Valley. Ông Tạ Đức Trí, nguyên Chủ Tịch Tổng
Hội Sinh Viên Miền Nam California, đắc cử vẻ vang chức Thị Trưởng qua một cuộc
bầu cử sôi động, còn ông Michael Võ, một chuyên viên về Bảo Hiểm, và là chủ môt
trường dậy lái xe, đã được hội đồng thành phố chọn, không qua thể thức bầu cử
công khai. Với thành phố Garden Grove, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân đang đảm nhiệm
chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Giáo Dục, điều hành gần 100 trường trung học
và tiểu học trong khu vực. Miền Bắc California, có nghị viên Madison Nguyễn, đắc
cử trong sự phân rẽ của người Việt tị nạn. Nhiều cuộc biểu tình chống Nghị Viên
này khi bà chống lại các đề nghị đặt tên “Little Saigon” cho khu phố Việt
Nam tai San Jose. Tại Texas, Luật Sư Hoàng Duy Hùng, môt người từng tranh đấu
cho Dân Chủ tại Việt Nam, cũng đắc cử Nghị Viên dựa trên lá phiếu của cộng đồng
tị nạn, nhưng sau khi đắc cử, ông đã có những hành động làm mất lòng đồng
hương, như về Việt Nam, tạo cây cầu nối kết liên lạc giữa Việt Nam Cộng Sản và
Texas, và tuyên bố nhiều điều tạo cơn phẫn nộ giữa cộng đồng, gây nên nhiều cuộc
biểu tình chống đối, nên sau khi hết nhiệm kỳ, ông đã không được đồng hương bỏ
phiếu cho ông nữa. Một nhân vật ít được nhắc đến trên báo chí nhưng cũng là môt
tiêu biểu cho người Việt thành công: Nghị viên thành phố Haltom: Trương Minh Ẩn.
2- Thành Tựu
Sau hơn
15 năm định cư tại xứ Mỹ, người Việt đã chứng tỏ rằng, với sự cần cù và ý chí
tiến thủ, sẽ vượt lên ngang tầm với những cộng đồng khác đến nước Mỹ từ trước cả
trăm năm. Một số nhân vật tiêu biểu đã làm rạng danh người Việt:
- Tiến Sĩ
Nguyễn Văn Hạnh, Nguyên Tổng Giám Đốc Định Cư và Tị Nạn, chức vụ cao nhất của
người Mỹ gốc Việt trong hệ thống hành chánh. Ông cũng từng là Phụ Tá Thống Đốc
Tiểu Bang California.
- Bà Mary
Chi, người Việt Nam đầu tiên được bổ nhậm vào một chức vụ khá quan trọng trong
chính quyền: Phó Tổng Giám Đốc Định Cư và Tị Nạn.
- Quách
Nhứt Danh, Dược Sĩ, cùng với Triệu Phát, là những người khai phá Little Saigon ở
Quận Cam, California. Hai triệu phú này, hiện nay, làm chủ đa số các văn phòng
thương mại, dịch vụ tại Little Saigon. Trung Tâm Phúc Lộc Thọ với gần 200 cửa
hàng đã mang lại cho khu vực Thủ Đô Tị Nạn này một sinh hoạt linh động, nhất là
vào dịp Tết. Số khách đến thăm Chợ Tết ở đây có thể lên đến vài chục ngàn lượt
người.
- Trần
Đình Trường, Chủ nhân khách sạn lớn tại New York, người luôn hào hiệp mời tất cả
những đồng hương đi biểu tình hay tham dự các cuộc diễn hành tại New York đến
ngụ tại khách sạn của ông miễn phí.
- Kỹ Sư
Trung Dũng, bán sản phẩm của anh: OnDisplay cho Vignette Corporation vào năm
2000 với giá 1 tỷ 800 triệu.
- Châu
Nguyễn, xướng ngôn viên Truyền Hình, người Việt đầu tiên nhận giải Regional
Emmy Award.
- Lệ Lý
Hayslip, tác giả cuốn “Khi Trời và Đất thay ngôi”, sau đã được chuyển thành
phim “Trời và Đất” (Heaven and Earth) bởi Oliver Stone.
- John Quốc
Dương là Giám Đốc Cơ Quan Châu Á Thái Bình Dương, chuyên cố vấn cho Tổng Thống
về những vấn đề thuộc châu Á.
- Stephanie
Trọng, Tổng Biên Tập tờ báo Jane Magazine.
- Huỳnh
Công Út, tự Nick Ut, nhiếp ảnh gia, người Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer và
giải Báo Chí Thế Giới.
- Mina
Nguyễn - Deputy Assistant Secretary cho Business Affairs và là Public Liaison tại
Bộ Tài Chánh.
- Phi Hành Gia, Tiến Sĩ Eugene H. Trinh – người Việt đầu tiên vào không
gian.
- Tiến Sĩ
Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Bộ Trưởng Kế Hoạch Việt Nam Cộng Hòa, Giáo Sư tại
Howard University.
- Tiến Sĩ
Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, Giáo Sư về Kỹ Sư Không Gian, University of Michigan,
người Việt đầu tiên nhận giải Dirk Brouwer
- Khoa Học
Gia Dương Nguyệt Ánh, người lãnh đạo toán Kỹ Sư và Khoa Học Gia chế tạo ra Bom
Áp Nhiệt dùng trong trận chiến Afghanistan.
- Trịnh
Xuân Thuận - author,
- Võ Đình
Tuấn, nhà sáng tạo, giáo sư và Giám Đốc Fitzpatrick Institute về Photonics của
Duke University
- Nguyễn
Hữu Xương, giáo sư Sinh Học, University of California, người khai thác việc
nghiên cứu về bệnh Aids, sáng tạo ra X-ray Multiwire Area Detector -
- Tiến sĩ
Nguyễn Định, nghiên cứu hỏa tiễn chống hỏa tiễn. Trưởng công trình nghiên cứu
chế tạo loại vũ khí mới mang tên Free Electron Laser (FEL)
- Sinh
viên gốc Việt 22 tuổi tên Kevin Lương, sinh viên năm cuối khoa Vô tuyến và Viễn
thông. Cùng một nhóm bạn chế tạo ra hệ thống liên lạc với Vệ Tinh một cách hoàn
hảo.
- Nhiều
Bác Sĩ Mỹ gốc Việt được vinh danh vì những nghiên cứu y khoa đặc sắc hoặc vì
tài năng hiếm có. Một Giáo Sư Y Khoa UCLA, khi mất, cả trường treo cờ rũ. Việc
treo cờ rũ này chỉ được thực hiện với các vị Hiệu Trưởng hay Hiệu Phó của trường
Đại Học. Một số lớn các Bác Sĩ Việt Nam đã được bổ nhậm làm Trưởng Khoa trong
các bệnh viện lớn, hay Giáo Sư Chính Thức của các trường Đại Học Y Khoa. Bác Sĩ
Giáo Sư Lương Vinh Quốc Khanh, Chủ Tịch Cơ Quan Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ
(Vietnamese-American Medical Research Foundation) ở Nam California, thành viên
của 7 Viện Y Khoa Hoa Kỳ, là người được Quốc Hội Hoa Kỳ tuyên dương và ghi vào
hồ sơ Quốc Hội (Record of The United States House of Representatives) về những
thành tích đặc biệt của ông. Thượng Viện California cũng tặng ông một bản Vinh
danh về sự nghiên cứu thâm sâu của Bác Sĩ Giáo Sư Y Khoa Lương Vinh Quốc Khanh.
Ông là “người ngoài” (outsider) duy nhất được mời làm Editor cho Tập San Y Khoa
của Hoàng Gia Anh là một cơ quan cổ kính và bảo thủ qua nhiều thế kỷ.
- Thành
công trong Quân Đội Hoa Kỳ:
Hiện
nay có 13 vị Đại Tá Hải Quân người Mỹ gốc Việt: Lê Bá Hùng, Dương Ngạn Hữu, Đỗ
H Thủy, Trần Quốc Bảo, Phạm Tùng Xuân, Thiện Douglas, Doan William Ray II,
Huynh Thanh T, Lac Tri H, Nguyen Mark Minh Duy, Tran Jim T, Liebig Tina
Tran, Duong Thanh X. Trong số này, có Đại Tá Lê Bá Hùng, là người gốc Việt
đầu tiên giữ chức vụ Hạm trưởng của một chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ. Những Đại Tá
này, trong tương lai, sẽ được vinh thăng cấp Phó Đề Đốc, tương đương với cấp Tướng
trong Bộ Binh. HQ Đại tá Dương Hữu Ngạn, Chỉ huy trướng Phi đoàn 116, trang bị
phi cơ E-2 Hawkeye Radar tiền thám Carrier Airborne Early Warning Squadron
116. Ngoài các vị Đại Tá, còn Trung Tá Tuyên uý Linh mục Đặng Văn Chín, Tuyên
uý trưởng, Bộ chỉ huy yểm trợ tiếp vận Hài quân Hoa Kỳ tại Brahan, nguyên Trung
uý Hải Quân VNCH. Trung tá Bác sĩ Hòang Ngọc Tuấn, nguyên Y sĩ trưởng
trên Chiến hạm yểm trợ thuỷ bộ USS Peleliu LHA-5, hiện là hiện là Y sỉ trưởng tại
Căn cứ Thuỷ quân lục chiến - Camp Penleton, San Diego.
Về Bộ
Binh và Không Quân, người Mỹ gốc Việt cũng mang lại niềm hãnh diện lớn lao cho
toàn thể dân tộc Việt Nam:
- Chuẩn
tướng Lương Xuân Việt binh chủng Nhảy Dù, Đại Tá Hùng Cao thuộc Bộ Binh.
- Đại tá
Bác sĩ Không quân Huỳnh Trần Mylene, Giám đốc chương trình Y khoa Quốc tế Không
quânHoa Kỳ - Director of The Air Force International Specialist Program.
- Đại Tá
Nguyễn Mạnh Hùng, Lực lượng duyên phòng, được giao trọng trách điều tra về vụ
dàn khoan Deepwater Hirizon bị chìm làm tràn dầu vùng vịnh năm 2010.
- Trung
Tá Thomas Nguyen, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 44, Lữ đoàn 108
Phòng không Lục quân, giúp huấn luyện và phát triễn Quân đội A Phú Hản.
- Trung
tá Không quân Nhat Thomas Tran, thuộc Không đoàn viễn chinh 438 (438 Air
Expeditionary Wing), giúp huấn luyện và phát triễn Không lực A Phú Hản.
- Đại tá
Bác sĩ Không quân Paul Đoàn nguyên là Chỉ huy trưởng các Liên đoàn 332, 379 và
435 Quân y Không quân Viễn chinh, được thăng cấp Đại tá năm 2009. Hiện nay là
Chỉ huy trưởng Personnel Reliability Program Quân y, Bộ tư lệnh Không quân Hoa
Kỳ. Đại tá Paul Doan là một trong những Đại tá gốc Việt Xuất sắc, có thể được
chọn thăng cấp Chuẩn Tướng Quân y Không quân.
Về Nha
Khoa, có Nữ Hải Quân Đại Tá Nha sĩ Trần Ngọc Nhung, gia nhập ngành Nha khoa Hái
quân Hoa Kỳ năm 1989 trước khi hoàn tất văn bằng Bác sì Nha khoa năm 1990. Được
thăng cấp Thiếu tá năm 1996, Trung tá năm 2003, Đại tá năm 2009.
Hiện nay Đại tá Nhung đang phuc vụ tại Denbn Naval Dental Center Camp Pendleton, CA. Cùng làm việc với Đại Tá Nhung là Đại tá Nha sĩ Thu Phan Getka.
Nhưng
có lẽ nhân vật đặc biệt nhất được báo chí Mỹ ca ngợi lạ lùng là Thiếu tá
Elizabeth Phạm, người phụ nữ đầu tiên lái chiến đấu cơ F-18D Hornet của Quân chủng
Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, là một loại phi cơ có động cơ đôi “supersonic”, được
chế tạo để thi hành cả hai nhiệm vụ Xung Kích và Tấn Công (Fighter/Attack), bay
tới vận tốc Mach 1.8 (1,190 mph hoặc 1,915 km/h ở độ cao 40,000 ft hoặc 12,190
m). Chiếc phi cơ này có thể mang nhiều loại bom và hỏa tiễn, kể cả “không đối
không” và “không đối địa”, hỗ trợ bằng đại bác 20mm M61 Vulcan. Với số vũ khí
khủng khiếp đó, từ khi được chế tạo đến nay, chưa có phi công nữ nào được chấp
thuận cho điều khiển, trừ Thiếu Tá Elizabeth Phạm.
Những cấp
dưới như Thiếu Tá, Đại Úy, chuyên viên Việt nam thì nhiều, không kể hết. Có những
Luật Sư tình nguyện vào quân đội với cấp bậc Đại Úy hoặc Thiếu tá. Ngược lại,
có những Đại Úy, sau khi giải ngũ, thì đi học Luật.
Hải Quân Thiếu tá Luật sư Phan Thanh Chinh
Christopher, ngành Quân pháp Hải quân Hoa Kỳ - United States Navy Judge
Advocate General's Corps, Hội trưởng Quân nhân người Mỹ gốc Việt – VAAFA,hiện
nay là Nghị Viên thành phố Garden Grove, California, đồng thời là Phụ Tá Biện
Lý Quận Cam
-Thể Thao và Giải Trí:
Những
thể tháo gia sau đây đã làm rạng danh người Việt hải ngoại trên đất Mỹ;
- Cung Lê
(Lê Cung) sinh 1972, từng là Sanshou Kickboxer, hạng Trung Nặng, tại Ultimate
Fighting Championship. Anh đã chiếm giải quốc tế, với 16-0, nghĩa là anh thắng
cả 16 trận, không thua trận nào. Sau này anh đổi sang Mixed Martial Arts, đánh
đủ kiểu. Trong trận đấu với Shamrock, đương kim vô địch Mixed Martial Arts, anh
đã hạ Shamrock để chiếm giải vô địch Strikeforce Middle Weight Champion.
- Nam
Phan-vô địch hạng lông đấu giải trong lồng MMA. Có nhiều trận thắng chỉ trong
18 giây đầu tiên. Điều đặc biệt, cũng như Cung Lê, anh luôn thủ trong người lá
cờ Vàng Ba Xọc Đỏ trong người, để khi vừa thắng giải, anh bung lá cờ ra lồng lộng.
Ngoài
ra còn những thể tháo gia khác cũng từng làm dư luận Mỹ chấn động:
- Amy
Tran - hockey player.
- Catherine Mai Lan Fox – đoạt 2 huy chương vàng về bơi lội tại Olympic
- Catherine Mai Lan Fox – đoạt 2 huy chương vàng về bơi lội tại Olympic
- Danny
Graves – cầu thủ football MLB
- Dat Nguyen – cầu thủ football NFL, huấn luyện viên đội Dallas Cowboys
- Dat Nguyen – cầu thủ football NFL, huấn luyện viên đội Dallas Cowboys
- Howard
Bạch, giải quốc tế về Cầu Lông.
- Jim
Parque – Năm 1996, người nhặt banh bằng tay trái trong giải dã cầu tại Olympic
và đã đoạt giải huy chương đồng tại Atlanta.
- Lee
Nguyen, ngôi sao bóng đá.
- Văn
Hóa, Văn Nghệ:
Sinh hoạt
văn hóa, văn nghệ của người Việt hải ngoại có phần rầm rộ. Hàng năm, vào dịp Tết
ta, tại các thành phố đông người Việt cư ngụ đều có Hội Chợ Tết, lớn hay nhỏ,
tùy số dân Việt cư ngụ tại đó. Nhưng có lẽ, chỉ tại miền Nam California, Hội Chợ
Tết do Tổng Hội Sinh Viên tổ chức là hội chợ lớn nhất cho người Viêt tại Hoa Kỳ
với hàng trăm ngàn lượt người tham dự. Các chương trình vui Tết được giới trẻ
sinh viên dàn dựng được mọi người yêu thích, từ thi Thả Thơ, đến hát Quan Họ,
hát nhạc dân ca. Ngay tại trung tâm, luôn luôn có thiết trí Đền Vua Hùng với
các quan, lính trang phục cổ xưa là công trình hấp dẫn không những cho người Việt
mà còn cho những người ngoại quốc đến tìm hiểu về văn hóa Việt. Những nghi thức
cúng, chầu được lặp lại với hàng trăm sinh viên, học sinh trẻ khiến cho người
ngoại quốc rất khâm phục. Điều làm cho cộng đồng đến với Hội Chợ Tết Sinh Viên
nhiều là vì mục tiêu của Hội Chợ: Chia xẻ tiền lời với các hội đoàn, đoàn thể
Quốc Gia. Mỗi năm, số tiền tặng lại cho cộng đồng lên đến gần $100,000,00.
Bên cạnh
sinh hoạt hội chợ Tết, còn lễ giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, đã cuốn hút hàng ngàn
người thuộc hai thế hệ đến dự. Tuy chưa có một ngôi đền thờ Tổ nào xứng đáng
trên đất Mỹ, nhưng những buổi lễ giỗ Tổ Hùng Vương đã làm cho người Mỹ và các
dân tộc khác cảm phục với tinh thần duy trì truyền thống và bảo vệ văn hóa Dân
Tộc.
Về văn nghệ, ngay từ những năm sau 1975, trung tâm băng nhạc Thúy Nga Paris đã
được hình thành để trình diễn những ca khúc quê hương, với các chủ đề đặc sắc
như Vượt Biên, Saigon Huế Hà Nội, và các ca khúc về lính. Băng nhạc Thúy Nga được
yêu chuộng trên khắp thế giới cho đến khi Thúy Nga Paris làm chủ đề “Mẹ” thì bị
đồng hương phản đối bởi vì trong đó, có những nhạc cảnh có tính cách bôi lọ
danh dự Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
Trong vài bản nhạc, đạo diễn đã cho chiếu cảnh trực thăng miền Nam thả hỏa tiễn,
bắn phá dân chúng đang chạy trốn chiến tranh, ngoài ra, còn hình tượng chim bồ
câu đỏ gợi cho người tị nạn nhớ lại lá cờ máu của Cộng Sản. Khi cuộc biểu tình
trước cửa tiệm Thúy Nga Paris tại Bolsa lên đến cao điểm, chủ nhân lúc đó của
trung tâm băng nhạc này, ông Tô Văn Lai, đã phải lên tiếng xin lỗi đồng hương
và cho sửa lại những đoạn xúc phạm đến tinh thần chống Cộng của người Việt hải
ngoại.Vì lòng khoan dung và hay quên, nên sau đó, người Việt vẫn tiếp tục tìm đến
các buổi trình diễn văn nghệ Thúy Nga rất đông, dù giá vé khá cao. Nhưng đến thập
niên 2000, giá trị của băng Thúy Nga có phần giảm thiểu, không còn mang những
chủ đề giá trị nữa, mà chỉ thuần túy là băng nhạc giải trí tầm thường với những
bản nhạc và hình thức ca múa cũng tầm thường, trong khi trang phục của các diễn
viên càng ngày càng thiếu kín đáo. Khán giả từ từ bỏ rơi băng Thúy Nga nhất là
sau này, khi Trung tâm băng nhạc Thúy Nga âm thầm đổi chủ cho các chủ nhân là
các đại gia ở Việt Nam. Một Youtube từ Việt Nam, (không rõ thành phố nào), phát
năm 2014, cho thấy hình ảnh của một dinh thự nguy nga mới được xây dựng với cổng
chào lớn đề chữ “Thúy Nga Paris”, và bên trong, một nhà hội cũng có bảng hiệu:
“Paris By Night”, và cuối cùng là hình hai vợ chồng trẻ, chủ nhân của ngôi biệt
thự đó.
Ngược lại, bên cạnh đó, trung tâm băng nhạc Asia vẫn luôn duy trì tinh thần chống
Cộng cao độ với các băng thuần túy về quân đội, về quê hương. Tuy thành phần
ca, nhạc sĩ của Asia đa phần là giới trẻ và không nổi tiếng như các ca sĩ bên
Thúy Nga, nhưng công đồng vẫn luôn yêu thích vì lập trường chính trị dứt khoát
này. Hợp tác với trung tâm Asia từ những ngày đầu, có Nhạc Sĩ, Ca Sĩ Việt Dũng,
một thiên tài âm nhạc có tâm hồn yêu nước cao độ và nghệ sĩ Nam Lộc cùng với
Leyna Nguyễn, xướng ngôn viên của đài truyền hình Mỹ, đã đem lại cho đồng hương
những cảm tình đặc biệt, không thay đổi.
Ngoài
ra, còn có Trung Tâm Băng Nhạc Vân Sơn và một số trung tâm khác không nổi tiếng,
chuyên trình diễn loại nhạc thu hút giới khán giả bình dân. Những loại băng nhạc
này không đạt được tầm cỡ như Thúy Nga Paris hay Asia nhưng cũng là những nét
chấm phá đặc biệt của người Việt hải ngoại.
- Báo
chí, truyền thanh, truyền hình.
Sinh hoạt báo chí của người Việt trên đất Mỹ khá rầm rộ. Những năm mới di tản,
hai tờ báo tuần đầu tiên bằng tiếng Việt trên đất Mỹ là Hồn Việt và Thời Báo.
Sau đó, môt loạt báo khác ra đời: Văn Nghệ Tiền Phong, Tay Phải, Vì Dân, Mai, Mới,
Saigon Nhỏ…Tờ Người Việt ở California, mới đầu ra 1 tuần 1 lần, sau tăng lên
thành Nhật Báo, ra hằng ngày. Tờ nhật báo đi tiếp theo là tờ Việt Báo Kinh Tế,
và Viễn Đông, tổng cộng có 3 tờ báo hằng ngày, đều ở California, chiếm một số độc
giả khá lớn. Mỗi tờ có từ 10,000 đến 15,000 số. Từ những năm sau, với số người
đến Mỹ trong các đợt 1979, rồi 1990, rất đông đảo, nhiều báo tuần, báo tháng
(nguyệt san) thi nhau ra đời, trong số đó có tờ Thế Giới Mới ở Texas có số lượng
độc giả đông đảo.
Hiện nay, hầu hết các báo đều phổ biến trên Internet, nếu tính cả các báo vừa
điện tử vừa báo giấy, người Việt trên đất Mỹ đã ra rất nhiều báo:
Báo Cali
Today, Saigon Nhỏ, Sóng Biển, Trẻ Online, Cánh Én, Chân Lý, Chính Luận, Chúa Cứu
Thế, Công Giáo Việt Nam, Dân Việt Dallas, Dân Việt Houston, Diễn đàn Thế Kỷ, Hải
Ngoại Phiến Đàm, Mạch Sống, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, Lên Đường, Ngày Nay,
Người Việt Boston, Saigon Times, Việt Dallas, Viêt Tribune, Việt Vùng Vinh, Việt
Nam Human Rights, Tiểu Thuyết Tuần San…
Bên cạnh những tờ báo này, còn nhiều tờ báo không có phẩm chất cao. Có những
báo chỉ chuyên đăng quảng cáo và các tin nhảm, mà đồng hương gọi là báo “lá cải”
hay “báo chợ”, nghĩa là in xong, thì đem đến các chợ, vất ở dưới đất, tặng
không cho người đi chợ. Năm 2000 trở đi, hầu như ở Tiểu Bang nào có người Việt
nhiều là có báo tuần. Điều đáng nói là có nhiều chủ báo không hề học qua một
chương trình làm báo nào, cũng như không từng có kinh nghiệm làm báo, nên thiếu
tư cách đạo đức báo chí. Có báo chỉ lấy chuyện chửi bới, mạ lị người khác hoặc
tung tin vịt để câu khách. Có những tờ báo viết sai văn phạm be bét, hình ảnh tục
tĩu. Rồi báo nọ chửi báo kia, dành độc giả với văn phong hạ cấp, chụp mũ linh
tinh, khiến cho đồng hương mất phương hướng, không còn biết tin ai nữa. Nhiều
người nhặt báo về để gói hàng hay để nhồi nhét vào các thùng quà gửi về Viêt
Nam. Nhưng theo luật đào thải, những tờ báo lá cải, nội dung kém cỏi, từ từ tàn
đi. Cùng thời gian ấy, lợi dụng sự Tự Do của nước chủ nhà, một vài tờ báo bắt đầu
tuyên truyền cho Cộng Sản. Tờ Việt Weekly ở thành phố Garden Grove, Quận Cam, mới
đầu còn chủ trương chuyên viết “scandal” của đồng hương, gợi sự tò mò của người
Việt để lấy độc giả nhưng dần dần đã lộ bộ mặt thật là quảng cáo cho Cộng Sản với
những bài phỏng vấn Chủ Tịch nước, Thủ Tướng, Bộ Trưởng, Lãnh Sự Cộng Sản, rồi
công khai vinh danh những hoạt động của Cộng Sản ở nước Mỹ. Nổi giận với việc
phản bội cộng đồng này, hàng loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra trước nơi làm
báo Việt Weekly. Các tổ chức chống Công lên đài phát thanh, viết thông cáo trên
báo chí, yêu cầu đồng hương không mua và không phổ biến báo Việt Weekly nữa. Từ
đó, tờ báo này chìm dần, rồi biến mất trên thị trường. Nhưng không chịu thất bại,
tờ báo Việt Cộng Việt Weekly này chuyển sang làm truyền hình trên Net: Phố
Bolsa Tivi, chỉ chiếu những chương trình lăng nhăng, ghi chép lại các lần phái
đoàn Việt Weekly về Việt Nam, liên lạc với giới chức Cộng Sản. Môt cây viết nhảm
trong băng đảng này, Nguyễn Phương Hùng, đã quỳ xuống đất, khóc lóc, năn nỉ Cộng
Sản xin tha tội. Các khúc phim này được đưa lên Youtube làm đồng bào phẫn nộ vô
cùng.
Về sinh hoat Radio cũng nở rộ tại nhiều tiểu bang. Hầu như mỗi tiểu bang cũng
có vài đài phát thanh. Cũng như sinh hoạt báo chí, nhiều đài phát thanh kém phẩm
chất, chỉ chuyên phê phán cộng đồng, chụp mũ, và chửi bới lẫn nhau. Vì trình độ
làm đài phát thanh kém cỏi, nên các đài lôm côm như thế này không tồn tại lâu.
Hiện nay, ở California, chỉ có đài Little Saigon, lâu đời nhất, phát thanh mỗi
ngày 14 tiếng, là quảng bá rộng nhất và được tin tưởng nhất vì nhiều chương
trình rất trí thức, có nội dung tốt, và chống Cộng rất khoa học. Đài Little
Saigon có cơ sở thứ hai ở San Jose, với nữ danh ca Mai Hân đảm trách được rất
nhiều người yêu mến. Được đánh giá cao thứ hai là đài Radio Bolsa do ca, nhạc
sĩ Việt Dũng và Minh Phượng điều khiển, phát sóng 6 tiếng một ngày, cũng có các
tiết mục chính trị cũng như giải trí sôi nổi. Thứ ba là đài Saigon Radio Hải
ngoại phát mỗi ngày từ 5 tiếng đồng hồ, được nhiều người theo dõi với chương
trình giải đáp thắc mắc về gia đình và xã hội. Ở Dallas, Texas, đài
Saigon Viêt Nam cũng phát triển khá lớn, đặc biệt là có chương trình Từ Cánh Đồng
Mây do một cựu phi công, nghệ sĩ Phan Đình Minh, chủ trương, chuyên nói chuyện
với Dân Oan ở Việt Nam, được phát sóng đi Houston, Dallas và các vùng phụ cận,
và được đồng hương yêu mến vì tính chất chống Cộng rất khoa học và trí thức của
đài.
Về truyền hình, từ trước thập niên 2000, có những chương trình ngắn trung bình
một tiếng đồng hồ, như đài của Họa Sĩ Lương Văn Tỷ và một đài của Mỹ, nhưng do
bà Nam Trân điều hành. Đến đầu thập niên 2000, đài phát hình đầu tiên liên quốc
gia SBTN (Saigon Broadcasting Television Network) 24 giờ mỗi ngày, là bạn đồng
hành với trung tâm Asia, đột nhiên ra đời, làm thay đổi nhiều sinh hoạt cộng đồng.
Mặc dù phải trả một lệ phí xem đài hơn $30.00 một tháng, đồng hương Việt vẫn
ghi danh để xem vì ngoài mục tin tức cập nhật mỗi 12 tiếng, còn chiếu phim Tầu,
phim Việt Nam, và các tiết mục văn nghệ và chính trị khác. Trong năm đầu
tiên, đài SBTN đã phải vất vả giữ làn sóng của mình vì có ít người chịu trả tiền
cho việc xem truyền hình nhất là phải chuyển qua hệ Cable. Nhưng chỉ sau một
năm, đài đã đổi sang hệ thống Direct TV, với sự trợ giúp của hệ thống Viet
Satelline chuyên giúp nối mạng cho khác hàng, đài đã vươn lên mạnh mẽ. Năm đầu,
chỉ có khoảng 700 người ghi danh, đến năm thứ ba, đã có hơn 70,000 khách hàng tại
Mỹ và Canada.
Tiếp đến là đài cũng 24 giờ và phát xuyên quốc gia là đài VHN do Nghệ sĩ Quốc
Thái và một chủ nhân rất trẻ, Bruce Trần điều hành. Đài VHN cũng có nhiều
chương trình giá trị, được khán giả nhiều tiểu bang trả tiền để theo dõi, nhưng
vì một “scandal” giữa Quốc Thái và Bruce Trần, hai bên đưa nhau ra tòa, kiện
đòi chủ quyền, nên khán giả cũng chán nản và bỏ bớt. Nhận thấy đây là cơ hội để
phát triển ngành truyền hình toàn quốc, một số chủ nhân của đài phát thanh
Little Saigon Radio đã thành lập ra đài Truyền Hình Hồn Việt, phát sóng trên 50
tiểu bang. Dần dần, đến những năm 2010, liên tiếp nhiều đài truyền hình phát
hình trên băng tần địa phương, 24 giờ mỗi ngày mà miễn phí thi nhau mọc lên,
khiến cho sinh hoạt báo chí và truyền thanh bị mất đi rất nhiều độc giả và
thính giả. Nhiều tờ báo phải đóng cửa. Các nhật báo bị giảm số trang. Đài phát
thanh Little Saigon Radio, trước phát sóng 24 giờ một ngày, sau giảm xuống chỉ
còn 14 tiếng một ngày.
Qua đến phương diện sách truyện, các tác
phẩm đủ loại từ văn chương, triết học, chính trị, thơ đến xem bói cũng liên tục
được phát hành. Tuy nhiên, vì thời gian rảnh rỗi ở Mỹ cũng hiếm, và vì có nhiều
điều phải giải quyết theo thời hạn ấn định, nên số độc giả đọc sách không nhiều.
Nhiều nhà văn, nhà thơ, vốn dĩ mang cái nghiệp “viết lách” nên vẫn cố gắng in
sách, bất chấp kết quả không khá về tài chánh. Có nhiều người mang nợ vì in
sách. Những buổi giới thiệu sách, mà người ta hay nói sai là “Ra Mắt Sách” thường
ít người đến dự, trừ một hai cuốn đặc biệt liên hệ đến chính sử, như cuốn “Khi
đồng minh tháo chạy” của nguyên Bộ Trưởng kế Hoạch Nguyễn Tiến Hưng, tổ chức tại
miền Nam California, có trên 300 người tham dự và cổ võ nồng nhiệt. Còn lại đa
số các cuốn khác đều nhận số phận hẩm hiu, có lần giới thiệu sách chỉ có tối đa
là 20 người. Thảng hoặc mới có tác giả được đồng hương quý mến, thì số người
tham dự là khoảng trên 200, như hai cuốn “Chuyện Tình Lá Me” và “Ngày Tận Thế”.
nhưng số sách bán được thì đôi khi chỉ đủ chi phí cho việc in sách và tổ chức
giới thiệu sách mà thôi.
Một điều rất hãnh diện cho cộng đồng
Viêt là các trường học Việt Ngữ được mở nhiều nơi, tại các Chùa, và Nhà Thờ
Công Giáo, lúc nào cũng đầy học sinh, từ mấy cháu bé mới học vỡ lòng đến các
thanh niên Nam, Nữ muốn học tiếng quê cha đát tổ để hiểu biết hơn về lịch sử nước
nhà. Các chương trình dậy Việt Ngữ này được đồng hương tán thành nồng nhiệt, vì
đã giúp cho hai thế hệ 1 và 2 được đối thoại với nhau, không như trước đây, khi
thế hệ thứ 2 ra đời, chuyên nói tiếng Mỹ, và bỏ nói tiếng Việt với gia đình, bố
mẹ, và ông bà, khiến cho việc cảm thông giữa cha mẹ và con cái bị bế tắc.
- Võ Thuật.
Sau một thời gian ổn định việc làm,
việc học chữ, nhiều Huấn Luyện Viên Võ Thuật đã cố gắng mở các lớp dậy võ để
truyền bá tinh hoa của võ thuật cho các thế hệ sau để tự vệ cũng như để tạo môt
tinh thần tráng kiện cho các thanh niên nam nữ. Các môn thịnh hành nhất là
Karate, Tae Kwon Do, Hapkido, Judo, Vô Vi Nam và nhiều môn phái võ dân tộc
khác, nhưng có lẽ môn võ thành công nhất với nhiều võ sinh nhất, cũng như mở
trường sớm nhất là Aikido do Giáo Sư Đặng Thông Phong làm Giám Đốc. Giáo Sư Đặng
Thông Phong cũng là một trong lớp người tiền phong, tạo tiếng vang quốc tế về
võ thuật Việt Nam. Ông là người Việt duy nhất được bầu vào “Hall Of Fame” của
International Martial Arts Association, có giá trị tương đương như một Hàn Lâm
Viện Võ Thuật Quốc Tế. Hiện nay, ông đại diện cho Liên Đoàn Aikido Tensinkai,
và vẫn được mời đi biểu diễn, dậy võ cho các đại võ sư quốc tế.
Tại miền Nam California, với sự tập
hợp đông đảo các chưởng môn nhân, các đại võ sư, và các võ sư khác đến từ Việt
Nam qua các đợt di tản, đinh cư và tị nạn, đã thành lập được một tổ chức lấy
tên là “Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Viêt Nam Thế Giới.” Tổng hội có nhiều sinh
hoat nóng trên các địa bàn, tổ chức Biểu Diễn, Văn Nghệ đón Xuân hay Tất Niên..
Một điều hãnh diện cho dân tộc là môn phái Vô Vi Nam, đặc biệt của Việt Nam, đã
được quốc tế chú ý và cho thi đấu cỡ quốc tế. Thường là các môn sinh Vô Vi Nam
đều thắng giải vô địch. Niềm hãnh diện lớn nhất của người Việt hải ngoại là hai
nhà vô địch Cung Lê và Nam Phan.
Cung Lê cư ngụ tại
San Jose, California. Anh là người Việt Nam nổi tiếng nhất trên thế giới với 3
lần đoạt giải Quốc Tế Wushu, Vô địch thanh niên California, Vô Địch nhiều giải
quốc gia, 3 lần vô địch Kickboxing, Vô địch Strikeforce hạng trung nặng. Ngoài
ra, Cung Lê còn đóng phim tình báo, hoạt động. Tên tuổi Cung Lê được thấy trong
tất cả các tạp chí về Võ Thuật Hoa Kỳ. Điều đặc biệt là Cung Lê luôn mặc quần đấu
có mang cờ Việt Nam Cộng Hòa.
Nam Phan, 135 lbs, từng vô địch hạng nhẹ,
cư trú tại Quận Cam, California. Anh đã thắng 18 trận Knock Out, so với 12 lần
thua điểm, có những trận anh thắng nội trong 18 giây đầu tiên. Cũng như Cung
Lê, mỗi lần thắng, anh đều phất cờ Việt Nam Cộng Hòa trên võ đài.
Hai nhân vật võ thuật này đã đem lại cho
dân Việt Nam những niềm hãnh diện lớn lao.
3-NHỮNG ĐIỂM
YẾU CẦN THAY ĐÔI
Như tất cả những sắc dân khác đã sinh sống
tại nước Mỹ cả trăm năm trước, người Việt di tản hay định cư đều vấp phải môt vấn
nạn tâm lý gây ra bởi sự va chạm văn hóa. Từ một xứ sở Việt Nam với nhiều phong
tục, tập quán Á Đông, sang một xứ sở Mỹ Châu có những phong tục, tập quán hoàn
toàn khác lạ, người Việt đã mất đi sự tự tin và phần lớn lòng tự trọng sẵn có,
để cố gắng hòa nhập vào thế giới mới. Những người có trí thức, hiểu biết cao
thì biết lựa những điều hay của thiên hạ làm của mình, và từ đó, tiến lên việc
hội nhập một cách thoải mái. Trái lại, với người thiếu sự học hỏi về quy luật
xã hội, thì trở thành một trong hai giai cấp mới: Giai cấp xấu, lợi dụng những
dễ dãi của xã hội mới mà làm bậy; giai cấp nhút nhát, luôn co mình vào trong vỏ
ốc của mình, mặc cho đời đưa đẩy, lúc nào cũng sợ hãi sự va chạm văn hóa. Nhiều
trường hợp thương tâm đã xẩy ra chỉ vì không hiểu biết quy luật xã hội của nơi
mình định cư. Thí dụ như có nhiều vị ông, bà, cha, mẹ bị tù vì tội “sexual
harassment” hay “child abuse” chỉ vì thương con, cháu quá mà hôn hít bộ phận
sinh dục của trẻ nhỏ, hoặc vì cạo gió cho con, để cho cô giáo thấy mà gọi cảnh
sát. Một người mới qua, khi quét dọn garage, đã bồng đứa bé, bỏ trong một cái
thùng giấy để tiện làm việc. Người hàng xóm Mỹ trông thấy, gọi ngay 911. Bà mẹ
bị cảnh sát phóng tới, thẩm vấn và định nhốt bà mẹ này, nếu không có người
thông dịch đúng lúc.
Một giáo sư piano, vì quen đứng đàng sau,
ôm vai học trò, mà bị cha mẹ thưa ra tòa, bị án tù vài năm. Quen vỗ mông con
nít cũng bị nhốt. Gặp trẻ em ngoài công viên, giơ tay bẹo má làm quen cũng bị
tù. Đi chợ trời mua đồ, để túi đồ tòng teng đụng chạm vào mông một phụ nữ, bị cảnh
sát cho ticket! Lái xe quá chậm trên đường có giới hạn 45 mile, cũng bị phạt.
Đi bộ băng qua đường không ở trong lằn vạch, bị phạt $50.00. Mở máy nhạc lớn
trong khu apartment, bị đuổi…
Trong khi đó, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng
kẽ hở của các chương trình trợ cấp của chính phủ mà làm giầu:
- Nhận
Medical, trợ cấp Housing, và trợ cấp tiền mặt cho gia đình nghèo rồi đi làm tiền
mặt, làm giầu, rồi mua nhà hàng, làm chủ chợ, trong khi vẫn nhận trợ cấp chính
phủ. Dùng Medical mua thuốc trụ sinh để đổi lấy tiền mặt của các chủ Pharmacy
gian lận. Dùng Food Stamp đi mua đồ xa xỉ. Có người giả “điên” để được tiền bệnh,
tiền mặt, và medical. Vào khoảng 1995, một vụ đổ bể trong một tiểu bang miền Bắc
về Medical và Cash support làm xấu hổ cho cộng đông nhiều nhất, đó là vụ một cặp
vợ chồng lãnh tiền trợ cấp đều đặn nhưng lại làm chủ một nhà hàng lớn ngoài phố,
và sống trong một biệt thự to lớn. Khi bị bắt còng tay đưa ra khỏi cồng, người
chồng trung niên còn nhe răng cười với các ký giả chụp hình.
- Giới Luật Sư cũng
gây nên nhiều chuyện tai tiếng như chế ra các vụ đụng xe giả mạo để lấy tiền bồi
thường. Tai nạn nhỏ biến thành tai nạn lớn. Lừa gạt đồng hương qua những vụ kiện,
khai khống tiền giờ cho những việc chẳng bao giờ thực hiện. Nếu thấy thân chủ
nhà quê, nhà mùa, thì phán loạn để thân chủ “tẩu hỏa nhập ma” mà trả tiền cho
những dịch vụ dỏm. Chỉ viết một lá thư đòi tiền nợ trong 5, 7 phút, mà tính cả
vài ngàn đôla. Luật sư vô luật pháp thường có liên lạc với các Bác Sĩ Chỉnh
Xương để nhận “kich back”, khi Bác Sĩ Chỉnh Xương tạo ra hồ sơ giả mạo, làm tiền
các hãng bảo hiểm.
- Về tài chánh
cũng có rất nhiều mánh khóe để gạt đông hương. Năm 1990, tại Thủ Đô Tị Nạn, một
công ty có tên là Continental tổ chức gom tiền của các cụ già ham lợi, qua
chương trình có lãi 10% một tháng, sau đó thì bốc hơi, làm các cụ già cay đắng,
không thể báo cảnh sát được vì nếu báo cảnh sát thì lại mất tiền trợ cấp vì làm
sai pháp luật khi lấy tiền già để đầu tư. Ngoài ra, còn nhiều chương trình Kim
Tự Tháp (Pyramid Scheme hay Ponzi) do người Việt tạo ra để giật tiền đồng
hương. Chương trình này đặt tên theo Charles Ponzi, vào năm 1920, đã tổ chức lừa
gạt cả triệu người Mỹ, thu vào hàng trăm triệu đô la vào thời điểm đó. Từ việc
bán máy lọc nước, bán dao, bán đồ Make-up, đến bán chứng khoán giả (fraud
multifunded) và bán bảo hiểm nhân thọ dỏm (fake life insurance), các tổ chức
này đã lừa gạt cả chục ngàn người Việt, thu tiền của họ rồi bốc hơi, không để lại
dấu vết gì. Một số chuyên viên thuế vụ cũng tìm cách trốn thuế giùm cho thân chủ
để nhận hoa hồng. Khi bị đổ bể, người làm thuế bị phạt $250,000 và tù 6 tháng.
Người muốn trốn thuế thì bị phạt cả triệu đô.
- Về Sở
Xã Hội, nhiều cán sự hống hách với thân chủ đến xin trợ cấp và chỉ tìm cớ để
đóng hồ sơ trợ cấp của họ, để đạt chỉ tiêu của Sở là càng ít người xin tiền,
càng có lợi cho Sở.
- Trong
giới Y Khoa, có một thiểu số bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ vô lương tâm, cứ ghi bừa
bãi số người đến khám bệnh để lấy tiền Medical, có bác sĩ khai tới hơn 100 bệnh
nhân một ngày! Không khám bệnh, cũng ghi vào hồ sơ là khám bệnh để lấy tiền
chính phủ. Không chụp phổi, siêu âm, thử máu.. cũng ghi vào biên bản. Một bác
sĩ thẩm mỹ cũng ở California khuyến khích thân chủ đi làm đẹp bằng tiền
Medical,rồi biến hóa thành trị bệnh kinh niên. Có bác sĩ chứng nhận bệnh tâm thần
cho người khỏe mạnh để lấy tiền hoa hồng. Dược sĩ bất lương thì quảng cáo khuyến
dụ các thân chủ mang “toa” lại để cho quà hay tiền mặt. Mỗi một “toa” được
$10.00. Chủ dược phòng làm toa trụ sinh giả mạo, để mang thuốc về Việt Nam bán lấy
lời gấp 10. Có chủ dược phòng bán thuốc “control” tức là các loại thuốc gây
nghiện, có chất morphin cho kẻ nghiện xì-ke. Một dược sĩ ở San Diego bị phạt tù
và bị đóng cửa tiệm vì tình trạng dơ bẩn trong tiệm, dán, chuột chạy tứ tung,
thuốc để vô tổ chức. Nha sĩ chữa răng chỉ “cleaning tooth” mà tính là mổ răng,
chữa lợi. Không cần mổ lợi, cũng khuyến cáo là “cần mổ lợi, nếu không thì hư
toàn bộ răng”, rồi đẩy qua bạn bè mổ giả, để nhận tiền “kick back”. Vì thế, giới
y, nha, dược sĩ làm giầu chỉ trong vài năm, mua biệt thự, du thuyền đắt giá.
Nhưng “thiên bất dung gian”, riêng ở California đã có những lần 50 vị Bác sĩ bị
bắt một lượt, 20 tiệm thuốc tây bị đóng cửa, dược sĩ bị mất bằng. Bên nha sĩ
thì kín đáo hơn, ít bị mất bằng và ở tù, chỉ phải bồi thường tiền gian lận đến
cả Triệu đô la.Những vụ bê bối này, khi được tung ra trên diễn đàn quần chúng,
làm cho cộng đồng cảm thấy xấu hổ khi gặp người Mỹ hoặc các sắc dân thiểu số
khác. Nói chung, trong các giới trí thức, được xã hội kính trọng, thành phần
nào cũng có người tốt và người xấu. Chỉ khi Luật Pháp trừng trị thì những kẻ mê
tiền bất lương mới chịu ngưng hành động vi phạm luật pháp
- Về các cơ sở
dịch vụ, nhà hàng cũng không phém phần xấu. Thợ sửa xe thì “vẽ” chuyện để chém
đẹp bà con. Thợ điện, thợ ống nước, xây cất nhà cửa.. đa số đều vẽ hươu vẽ vượn
để móc tùi đồng hương. Có nhiều trường hợp, chủ thầu xây cất nhận tiền xây nhà
xong là trốn mất. Có người sửa dở dang rồi bỏ chạy. Cơ sở bán vé máy bay thì
đưa vé giả. Bán bảo hiểm giả. Khi nhận tiền đóng góp cho hậu sự thì nói số tiền
lớn, khi chi trả cho thân nhân người chết thì cắt xén…Việc gì cũng có thể giả,
có thể lừa gạt nhau. Cho nên, với những người Việt ở lâu năm trên đất Mỹ
thường e dè hoặc rất thận trọng khi liên lạc với các dịch vụ do người Việt làm
chủ.
- Dần dần, các tội ác do người Việt gây ra
cũng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Các băng đảng trộm cướp, giết
người đã hình thành. Nổi tiếng dữ dội nhất là băng “Born to Kill” do một số
thanh thiếu niên xa gia đình thành lập, để thanh toán băng đảng khác hầu chiếm
độc quyền buôn bán ma túy, rồi bắn giết lẫn nhau giành chức đảng trưởng. Một vụ
cưỡng hiếp tập thể gái vị thành niên đã đưa 4 thanh niên lên ghế điện, vài vụ bắt
cóc, tống tiền, một vụ bắt con tin trong chợ do 2 anh em ruột chủ trương, lôi
kéo thêm hai người nữa, đã làm dư luận cả thế giới xôn xao. Vài vụ đòi tiền “bảo
kê” nổ lớn. Rồi “sexual harassment”, cướp cạn, giết người, bắn chết người rồi tự
tử… cứ lần lượt xẩy ra, làm cho một số người Mỹ đã sẵn kỳ thị lại còn kỳ thị
thêm với người Việt Nam.
- Từ khi mạng
lưới Internet được phổ biến với những người Việt Nam, thì một hiện tượng vô
cùng xấu xa đã xẩy ra, là một số người lợi dụng quyền Tự Do Tư Tưởng, Tự Do
Phát Biểu của nước Mỹ mà viết lên mạng tất cả những gì mình nghĩ đến, không cần
biết những điều đó có đụng chạm và làm hại đến danh dự của ai. Dần dần, Email
biến thành một bãi rác cho kẻ xấu tha hồ vung vãi những điều kinh dị, bẩn thỉu,
để bôi lọ lẫn nhau, chụp mũ cho nhau… Tuy những điều bôi lọ đó không làm ảnh hưởng
đến sinh hoạt thường ngày của người bị chụp mũ, nhất là với những người công
chính, nhưng cũng khiến cho họ bực bội, tức giận, hoặc trả đòn bằng những lời lẽ
bẩn thỉu hơn, hoặc chán nản, xa lánh cộng đồng, không muốn phục vụ hay cộng tác
với các công tác của cộng đồng nữa.. Từ đó, công cuộc đấu tranh giành Tự Do cho
Việt Nam dần dần thiếu hiệu quả.
Cũng từ Email và Internet, điều thất bại lớn
liên quan đến tư tưởng của người Việt ở Mỹ: Sự mất đoàn kết.
Từ những năm đầu định cư, người Việt
ở khắp nơi trên nước Mỹ đều mong muốn có một tổ chức đại diện chính thức cho
người Việt hải ngoại, và đã cố gắng thành lập các tổ chức Cộng Đồng, cũng như
các tổ chức ái hữu, từ ái hữu đồng hương, đến ái hữu quân đội, ái hữu học đường…
Mỗi khi có một tổ chức ra đời, người Việt đều xôn xao chờ đợi một thay đổi đáng
kể trong sinh hoạt cộng đồng, hầu đại diện cho người Việt di tản mà đối phó với
Cộng Sản, giải cứu dân tộc và đất nước ra khỏi bàn tay kìm kẹp của đảng Cộng.
Tuy nhiên, một hiện tượng lạ lùng đã xẩy ra trong hầu hết các hội đoàn, ban đại
diện cộng đồng: đó là sự chia rẽ, tranh dành chức chưởng một cách kiên quyết.
Trừ các hội Ái Hữu Sinh Viên là những hội gồm các thanh niên nam nữ trẻ trung,
đầy nhiệt huyết và có trí thức cao, thì hầu như không có trục trặc gì, còn tất
cả các tổ chức khác đều vấp phải vấn nạn chia rẽ trầm trọng. Từ hội ái hữu học
sinh như Chu Văn An, Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Petrus Ký, và các hội
ái hữu các trường tỉnh, đến hội ái hữu quân, binh chủng, đến các tổ chức Cộng Đồng
hay Tôn Giáo đều trải qua những giai đoạn phân rẽ làm hai, hay làm ba. Những
người chia rẽ lợi dụng sự phát triển của Email và Internet như một phương tiện
để hạ đối phương. Lời đầu thì nhẹ, lời hai thì nặng hơn, dần dần, các tổ chức
có cùng tôn chỉ đâm ra chống đối nhau cực kỳ hung bạo còn hơn đánh Cộng Sản nữa.
Các chiến dịch chụp mũ, mạ lị được tung ra trên Email, báo chí, truyền thanh,
và thư rơi. Đôi khi căng thẳng đến nỗi có những cuộc biểu tình chống đối lẫn
nhau trước một cơ sở cộng đồng, kéo dài liên lỉ hàng tháng trời. Tại San Jose,
California, có thời gian, nhóm A biểu tình liên tuc cả tháng trời trước trụ sở
của nhóm B làm xáo trộn sinh hoạt của cả thành phố.. Cả hai bên đều phất cờ
vàng, đều có những câu châm ngôn chống Cộng, nhưng mục tiêu thì khác nhau, người
đóng vai Chủ Tịch khác nhau. Bên nào cũng coi mình là chính nghĩa. Từ đó, không
từ một phương tiện nào, thủ đoạn nào để tung ra tấn công đối phương, có khi còn
hăng say hơn là chống Cộng Sản khiến cho những cuộc thảo luận tại tư gia cũng
phải giảm thiểu tiếng nói, biến thành sầm xì, như trong những phim Gián điệp.
Ai cũng sợ bị cho lên mạng mà phỉ báng. Đáng buồn hơn nữa là tiếp theo các chiến
dịch chụp mũ đối phương là chiến dịch thưa kiện. Nhiều tổ chức cộng đồng đưa
nhau ra trước Tòa Án để đòi được minh định ai là chính danh, ai là kẻ khủng bố
cộng đồng. Nhiều vụ kiện thưa đã đem lại cho cộng đồng những nỗi đau buồn, xấu
hổ, vì cả hai bên đều chứng tỏ mình là chính danh, nhưng thực tế, cả hai bên đều
là những người hám danh, hám lợi, quên cả danh dự dân tộc. Vài vụ chụp mũ đã được
Tòa Án dành cho những bản án nặng nề: Vụ Duy Sinh Nguyễn Đức Phúc Khôi, chủ tờ
báo Việt Nam Tự Do ở California, bị tòa phạt 16 triệu đô la vì tội mạ lị một cá
nhân liên tục trong nhiều năm tháng dài. Vài vụ khác cũng bị phạt từ
$200,000,00 đến $1,000,000.00. Tuy nhiên, các bản án phạt nặng nề như thế cũng
chưa ngăn chặn được nạn người Việt chụp mũ lẫn nhau. Cho đến thời điểm hiện tại,
năm 2014, trên mạng Internet, vẫn còn những bài viết mạ lị tục tĩu, chửi bới rất
vô giáo dục, làm cho bất cứ ai đọc đến cũng phải đỏ mặt, tức giận.
Nói chuyện với một số thương gia về các hoạt
động không lành mạnh của người Việt, ai cũng biết vụ Mặt Trận. Được thành công
sớm, giới thương gia vẫn có lòng hướng về đất nước và mỗi khi có lời kêu gọi
đóng góp cho Việt Nam, họ sẵn sàng đóng góp tối đa. Nhưng rồi vì bị lừa gạt vài
lần, họ đã lơ là với công cuộc chống Cộng. Chẳng hạn như việc đóng góp cho nhóm
Mặt Trận Hoàng Cơ Minh. Số tiền đóng góp này khá lớn, nhưng không ai được biết
tổng số là bao nhiêu, chỉ biết là sau một thời gian hoạt động, nhiều tin động
trời loan ra là có sự tranh chấp những số tiền lên đến bạc triệu. Một vài người
từng gia nhập Mặt Trận đã tách ra và làm đơn kiện những người còn lại,
làm mất lòng tin của người hải ngoại vào những chiến dịch đấu tranh chống Cộng.
Lúc phong trào còn thịnh hành, mỗi sáng cuối tuần, có những người cầm hộp tiền
đứng gần chợ, gần chỗ người Việt hay tụ họp mà xin tiền đóng góp, và rất ít người
từ chối, bỏ vào hộp $5, $10…Có người góp cả $100.000 cho Mặt Trận. Và rồi, sau
những kiện cáo, tố cáo đích danh nhau trên báo chí, truyền thanh, với con số
nhiều triệu đô la các sinh hoạt cộng đồng đi vào chỗ tách ra nhỏ lẻ, không còn
mấy người tin nhau, không có một Mặt Trận, Tổ Chức nào có thể nắm được đa số cả.
Tổ chức nào mạnh nhất cũng chỉ được một, hai trăm người là tối đa. Dĩ nhiên,
các cuộc gây quỹ chính đáng cũng bị giới hạn bởi các cặp mắt nghi ngờ. Đoàn kết
giữa các cộng đông hay trong các hoạt động chống Cộng bị tan vỡ.
Ngoài ra, một điều thường xẩy ra mà ai
cũng nghe được từ tất cả các người Việt trên đất Mỹ, là chuyện khuynh hướng về
quê cưới vợ càng ngày càng nhiều, càng công khai, lộ liễu. Việt Kiều trên 70
cũng có thể lấy được vợ 25, 30.. chấp nhận chênh lệc tuổi tác cả ba thế hệ. Điều
này đã hủy diệt đi di sản Văn Hóa Việt Nam từ bao thế kỷ nay là “tôn sư, trọng
đạo”, rất nguy hiểm cho tinh thần của giới trẻ, đồng thời gây ra bao cảnh cười
ra nước mắt hoặc tang thương.
Nhưng điều làm cho những người Việt yêu nước
Việt lo ngại nhất chính là sự gửi tiền về Việt Nam ồ ạt. Hàng năm, người Việt đổ
tiền về quê từ 7,8 tỉ đô la, đủ để cho dân nghèo không phải đi làm trong cả năm
mà vẫn sống sung túc.
Nhưng,thực tế, đa số tiền khổng lồ này lại lọt vào túi của
các đảng viên Cộng Sản, còn người nghèo chỉ hưởng những số tiền lẻ mà thôi. Các
đảng viên cao cấp của Đảng, đứng làm chủ các cơ quan chuyển tiền, nhân cơ hội rửa
tiền hợp pháp, lấy tiền ăn cướp của dân giữ trong các Ngân Hàng Việt Nam,
trao lại cho dân qua việc người thân ở Mỹ gửi quà về, rồi lại nhận tiền của Việt
Kiều ở Mỹ để mở các trương mục lớn, dành cho quan chức Cộng Sản mở thương vụ ở
Mỹ, mua nhà bằng tiền mặt, và dành cho việc tạo “bãi đáp an toàn” cho cốt cán Cộng
Sản môt khi mà chế độ sụp đổ. Với số tiền hàng tỷ đô la giữ trên đất Mỹ, mai
kia, khi chế độ Công Sản không còn tồn tại thì họ tha hồ sống ung dung trong nước
Mỹ với số tiền ăn cướp của nhân dân, cho đến mãn đời con, cháu. Cũng với số tiền
này, khi chế độ độc tài chưa sụp, thì các đảng viên Công sản dễ dàng mua chuộc
các người Việt ham tiền mà quên cội nguồn, đánh phá, chia rẽ cộng đồng tan nát
làm cho không ai đoàn kết với ai được.
Tóm lại, sinh hoạt của Người Việt
Trên Đất Mỹ rất đa dạng. Song song với những thành tựu làm rạng danh dân tộc Việt,
cũng không thiếu những thái độ, hành vi, cư xử kém văn minh. Mong rằng, với sự
hiểu biết của lớp trẻ thuộc thế hệ thứ hai, dần dần, những tên tuổi Việt Nam sẽ
càng ngày càng làm cho thế giới nể phục mà quên đi những thất bại, kém cỏi
do sự va chạm văn hóa lúc đầu mới sang định cư mang lại. Hy vọng trong
tương lai, khi thế hệ Một trên đất Mỹ đã quá tuổi hưu trí và yên nghỉ đâu đó,
thì thế hệ thứ hai, với những tư tưởng trẻ trung phát triển trong một môi trường
Dân Chủ và Khoa Học, sẽ đem lại những giá trị mới cho danh dự Người Việt Trên Đất
Mỹ.