Đội banh quốc gia VNCH trước 1975 là
một đội banh có hạng ở Đông Nam Á, thậm chí cả Á Đông, từng thắng nhiều giải,
có nhiều cầu thủ được vinh danh ở đấu trường châu lục. Sơ lược có thể kể cúp Vô
địch Merdeka (cúp độc lập Malaysia) năm 1966; vô địch năm 1959 Giải Thể Thao
Bán Đảo Đông Nam Á (SEAP Games- tiền thân của SEA Games ngày nay), 2 lần giành
huy chương bạc, và 2 lần giật huy chương đồng; vô địch giải quân đội Thái Lan
năm 1971; 2 lần lọt vào vòng chung kết Cúp châu Á (Asian Cup) ở các giải đầu
tiên, đều giành hạng tư.
*****
Túc cầu Việt Nam từ 1950-1975
Nguyên thuỷ trò chơi du nhập vào VN nhờ người Pháp vào
cuối thế kỷ 19. Môn đá banh tiến triển mạnh tại Nam Kỳ, dần dần lan rộng ra Bắc
Kỳ và Trung Kỳ. Những người Việt đầu tiên chơi bóng đá ở Sài Gòn gồm giới công
chức, thương gia, v.v…
Thời 1930-40, Bắc Kỳ có các đội banh khét tiếng như:
Chớp Nhoáng, Trường Bưởi (Hà Nội), Voi Vàng Đất Cảng (Hải Phòng), Hồng Bàng
(Nam Định)…
Ở Sài Gòn, các sân banh thời đó còn thô sơ: ở công
viên thành phố – sau này là sân Tao Đàn; sân Citadelle – tức sân Hoa Lư về sau;
sân Renault – trở thành sân Cộng Hoà rồi sân Thống Nhất sau này… Về tổ chức, có
đội Cercle Sportif Saigonnais đầu tiên được tổ chức bài bản nhất, liên tiếp vô
địch các giải đấu giữa các câu lạc bộ vào 2 thập niên đầu thế kỷ 20. Hai đội
sớm góp mặt khác là Gia Định Sport và Ngôi Sao Xanh, sang thập niên 1920 hợp
thành đội Ngôi Sao Gia Định — từng bá chủ cầu trường Sài Gòn và cả Nam Kỳ cho
đến khi mở màn nền Đệ Nhất Cộng Hoà 1954. Từ đó, các đội AJS, đội Cảnh Sát, đội
Tổng Tham Mưu, Quan Thuế… thay phiên khuynh loát cầu trường Miền Nam đến ngày
mất nước năm 1975.
Toàn cảnh túc cầu Á Châu
Túc cầu du nhập vào Á Đông khá trễ. Việt Nam thuộc vào
hàng phát triển sớm nhất, mặc dù cầu thủ nhỏ con, song lại nổi tiếng nhanh
nhẹn, kỹ thuật khéo léo… Nền túc cầu Nam Kỳ sớm thành danh nhưng từ thập niên
1950 trở về sau, không còn giữ được thanh thế so với các nước khác phát triển
chậm hơn, nhưng bài bản quy củ, lại không bị chiến tranh cản trở, đáng kể là
trường hợp Nam Hàn (South Korea). Một trong những trận banh lớn của đội banh
quốc gia VNCH là chiến thắng Do Thái (Israel) 2-0 trong khuôn khổ vòng loại
Olympic 1964 vào tháng 3-1964. Cũng vòng loại Thế Vận Hội, năm 1968, đội bóng
VNCH hạ Philippines 10-0, là trận thắng tỉ số đậm đà nhất.
Thời đó thế lực đội banh VNCH gói gọn ở Á Châu, chưa
phải là đội banh tầm cỡ thế giới. Chỉ duy nhất một lần VNCH dự vòng loại World
Cup 1974 nhưng phải ra về sớm ngay từ vòng loại. Trên đấu trường World Cup,
ngay từ kỳ thứ hai năm 1938, Indonesia đã là quốc gia Á Đông đầu tiên từng
tranh tài chung kết (lúc đó còn mang danh nghĩa thuộc địa của Hoà Lan “Dutch
East Indies”). Từ giữa thế kỷ 20, Nam Hàn (South Korea) nổi lên là đệ nhất anh
hào Á Đông, đi World Cup cả thảy 8 lần: đầu tiên năm 1954, và liên tục từ World
Cup 1986 đến nay.
Riêng Nhật Bản (Japan) góp mặt đều đặn từ World Cup
1998.
Trong các giải tranh tài cấp châu lục, giải Cúp Á Đông
“Asian Cup” thiết lập năm 1956 có lẽ uy tín nhất. Và VNCH là một trong những
nước tiên khởi gởi đội banh quốc gia góp mặt từ những ngày đầu. Tại Cúp Á Đông
lần thứ nhất “Asian Cup Hong Kong 1956″, đội banh VNCH được vào chung kết sau khi
đứng đầu vòng loại nhóm “Central Zone”. Kết quả chung kết 4 đội: VNCH hoà Hong
Kong 2 – 2; thua Do Thái 1-2; và thua Nam Hàn 3-5. Đội Nam Hàn vô địch, nhưng
VNCH lần đó có chân sút Lê Hữu Đức tung lưới 3 lần, kém vua phá lưới của giải
chỉ 1 bàn.
Ở giải Cúp Á Đông lần thứ hai “Asian Cup Korea 1960″,
một lần nữa VNCH dễ dàng vượt qua vòng loại nhóm “Central Zone”, được vào chung
kết “tứ hùng”. Kết quả VNCH thua chủ nhà Nam Hàn 1-5; thua Đài
Loan 0-2; thua Do Thái 1-5. Tính tổng cộng thành tích tranh tài Cúp Á Châu,
VNCH đã đá 21 trận với 7 thắng, 2 hoà, 12 thua. Riêng với “Asian Cup”, từ buổi
ban đầu khiêm tốn, đến nay mỗi kỳ chung kết có đến 16 đội tham dự. Sau Nam Hàn,
khán giả còn chứng kiến sự trỗi dậy của các thế lực Nhật Bản, Iran, Saudi
Arabia, Iraq, Kuwait… “Asian Cup” ngày nay lớn và uy tín đủ để thu hút thêm Úc
Châu (Australia) gia nhập tranh tài từ năm 2007.
Trên đấu trường Á Vận Hội
(Asian Games), phái đoàn thể thao VNCH tham dự liên tục từ 1954 đến 1970, trong
đó bao gồm đội banh quốc gia. Tại “Asian Games 1958″, VNCH vào đến bán kết,
chịu thua Nam Hàn 1- 3. Tại “Asian Games 1962″, VNCH đoạt huy chương đồng. Tổng
cộng trên đấu trường Á Vận Hội, đội bóng VNCH đá 15 trận (5 thắng, 2 hoà, 8
thua). Cũng phải kể thêm giải thể thao bán đảo Đông Nam Á “SEAP Games”
(Southeast Asian Peninsular Games, ngày nay là SEA Games). Tại giải này, đội
bóng VNCH từng 1 lần vô địch (SEAP Games 1959), 2 lần về nhì (SEAP Games 1967
và SEAP Games 1973), và 2 lần giật huy chương đồng (SEAP Games 1965 và SEAP
Games 1971). Năm 1959, đội banh VNCH với thủ thành Phạm Văn Rạng, tiền vệ Đỗ
Thới Vinh… vào chung kết hạ đội Thái Lan 3-1.
Ngoài ra, còn một giải túc cầu
rất uy tín khác tên gọi “Merdeka Cup”. Giải này tổ chức dịp Lễ Độc Lập Mã Lai Á
(Malaya). Giải Merdeka thường mời nhiều anh hào Á Đông, gần như một giải Á Đông
thường niên thu nhỏ. Các đội mạnh nhất ở giải này là Malaysia và Nam Hàn. Phần
VNCH cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ tại Merdeka Cup. Giải Merdeka 1961, VNCH
thắng Nhật Bản 3-2. Giải Merdeka 1964, một lần nữa VNCH lại hạ Nhật Bản 2-0. Và
nhất là Merdeka Cup năm 1966, với 12 nước tham dự, đội banh VNCH đã giật cúp vô
địch. Trên sân cỏ Malaya năm đó, VNCH với các cầu thủ như thủ thành Lâm Hồng
Châu, Lại Văn Ngôn, Tam Lang, Nguyễn Văn Ngôn, Đỗ Thới Vinh… lần lượt hạ New
Zealand 5-0, Nhật Bản 3-0, Mã Lai Á 5-2, Đài Loan 6-1. Trận chung kết, các chân
sút VNCH khuất phục Miến Điện (Burma) 1-0.
Có thể gọi các thập niên 1940
đến đầu 1970 là thời kỳ hoàng kim của nền túc cầu Miền Nam và VNCH. Làng cầu thủ Việt từng có trung
phong Phạm Văn Mỹ đội AJS (Cảnh Sát Quốc Gia sau này), nổi danh Đông Nam Á với
biệt danh “Cọp Đồng Nai”: mau lẹ, lừa banh siêu hạng, và nhất là cú sút sấm sét
không ai bì…
Thời đó, nhiều tên tuổi cầu thủ Việt chẳng những nổi
bật tại Đông Nam Á, mà danh tiếng lan xa cả Á Đông: những Tam Lang, Đỗ Thới
Vinh, Cù Hè, Cù Sinh, Đỗ Quang Thách…
Đặc biệt, thủ thành Phạm Văn Rạng từng được báo giới
thể thao vinh danh là thủ thành số một Á Đông. Ông và 3 chân sút khác của VNCH
(Nguyễn Ngọc Thanh, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Văn Ngôn) cũng từng được chọn vào đội
banh tiêu biểu của Á Đông. Cầu thủ VNCH khi “mang chuông đi đấm xứ người”, dự
các cuộc thư hùng tại các quốc gia bạn, thường được tôn trọng, thu phục nhiều
mến chuộng từ khán giả, không chỉ bằng sự ngoan cường, giao đấu dũng mãnh trên
sân, mà còn vì tinh thần thượng võ, thái độ nhã nhặn, lịch thiệp, thượng tôn kỷ
luật, và tôn trọng đối phương. Các viên chức thể thao đá banh hàng đầu Á Châu
ngày nay, như ông Peter Velappan, cựu Tổng Thơ Ký Liên Đoàn Đá Banh Á Châu, không
ít lần nhắc về các cầu thủ thời VNCH với nhiều phần cảm phục.
T.H : Linh Nguyen
Theo FB Nhật ký yêu nước