Image copyright EPA Image caption Di dân tại một nhà ga
xe lửa ở Munich, Đức hôm 13/9
Đức tiến hành các biện pháp kiểm soát tạm
thời ở biên giới với Áo để đối phó với dòng người di cư, Bộ trưởng Nội vụ Đức
cho biết.
Ông Thomas de Maiziere nói rằng người tỵ nạn 'không thể lựa chọn’ nước định
cư và kêu gọi các quốc gia EU khác hành động nhiều hơn.
Các tuyến xe lửa giữa Đức và Áo đã bị đình chỉ trong 12 giờ.
Phó thủ tướng Đức cho hay nước này ‘hết khả năng tiếp nhận’ khi hơn 13.000
người di cư đến Munich hôm thứ Bảy 12/9.
Đức dự kiến tiếp nhận 800.000 người di cư trong năm nay.
"Mục đích của biện pháp này là để ngăn chặn dòng người hiện đang đổ
vào Đức và quay trở lại một quy trình nhập cảnh có trật tự", ông Maiziere
nói trong một cuộc họp báo.
Ông không nói thêm chi tiết. Quyết định nói trên đi ngược lại thỏa thuận
của khu vực Schengen về di chuyển tự do giữa các nước châu Âu. Tuy nhiên, thỏa
thuận này cho phép việc đình chỉ tạm thời.
Công ty đường sắt Đức Deutsche Bahn cho biết các tuyến tàu kết nối với Áo
bị tạm dừng tới 03:00 GMT (tức 10:00 sáng thứ Hai 14/9 giờ Việt Nam).
Image copyrightEPA Image caption Bộ trưởng Nội vụ Đức
Thomas de Maiziere tuyên bố Đức kiểm soát biên giới với Áo ‘trước’
'Động thái chính trị khôn ngoan'
Damien McGuinness, phóng viên BBC News tại Berlin phân tích:
Đây là một động thái chính trị khôn ngoan của ông Maiziere. Thông báo này
được đưa ra chỉ một ngày trước khi ông đến Brussels họp với các bộ trưởng nội
vụ EU về cuộc khủng hoảng di cư.
Biện pháp này sẽ giúp ông tạo áp lực lên các nước châu Âu khác và cho thấy
Đức đang phải vất vả đối phó thế nào.
Động thái này cũng có hàm ý cảnh báo: ông Maiziere tuyên bố Đức kiểm soát
biên giới với Áo ‘trước’. Nếu những quốc gia EU không hành động, Đức có thể
tiếp tục kiểm soát biên giới với những nước khác.
Với di dân, thông báo có nghĩa là Đức không có chính sách mở cửa. Sau nhiều
tuần tin tức tù mù, Berlin đang gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Hiệp ước Dublin
vẫn còn giá trị, nghĩa là di dân phải xin tỵ nạn tại nước EU đầu tiên mà họ
đến.
Sau đó, di dân sẽ được phân bổ ở những nơi khác của châu Âu theo chính sách
hạn ngạch nghiêm ngặt mà Đức đề xuất.
Nhiều người di cư đã từ chối đăng ký tại các nước như Hy Lạp hay Hungary,
vì sợ mất cơ hội được cấp tỵ nạn ở Đức hay các quốc gia EU khác.
Thành phố Munich, Đức, đã gánh chịu áp lực của những đoàn di dân đến cuối
tuần qua.
Ông Horst Seehofer, Thống đốc bang Bavaria cho biết biện pháp kiểm soát
biên giới đã gửi ‘tín hiệu quan trọng’.
Image copyrightAFP Image caption Người tỵ nạn bò qua
hàng rào thép gai tại Hungary
'Bảo vệ giá trị của Đức và châu Âu'
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người có quan điểm cứng rắn về cuộc khủng
hoảng di dân, nói rằng ông hoan nghênh quyết định mới của Đức.
Ông cho rằng đây là biện pháp ‘cần thiết để bảo vệ giá trị của Đức và châu
Âu’.
Ông là người cứng rắn với chính sách với người di cư và Budapest cũng đang
xây dựng một hàng rào dọc biên giới với Serbia để ngăn người nhập cư tràn vào.
Hôm Chủ nhật 13/9, Cộng hòa Czech cũng cho biết sẽ tăng cường kiểm soát
biên giới với Áo.
Châu Âu đang phải vật lộn với dòng di dân lớn, chủ yếu đến từ Syria,
Afghanistan, Eritrea và các nước khác, chạy trốn bạo lực và nghèo đói.
Hôm Chủ nhật 13/9, Hy Lạp cho biết ít nhất 34 người, trong đó có 11 trẻ em,
chết đuối khi một chiếc tàu chở khoảng 100 di dân bị lật úp ngoài khơi đảo
Farmakonisi, phía nam biển Aegean.
Phóng viên BBC Lyse Doucet tại Hy Lạp nhận định rằng đây là vụ tai nạn gây
thiệt hại nhân mạng lớn nhất tại biển Aegean từ khi cuộc khủng hoảng di dân bắt
đầu.
Image copyrightAFP Image caption Cảnh sát chặn dòng
người nhập cư tại Munich, Đức
Sáng Chủ nhật 13/9, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel
cảnh báo nước này đã đạt đến giới hạn tiếp nhận người nhập cư.
"Vấn đề không chỉ là số lượng dân nhập cư mà còn là tốc độ họ tràn vào
làm cho tình hình rất khó xử lý", ông Gabriel nói.
Ông Gabriel cũng kêu gọi các nước châu Âu, các quốc gia vùng Vịnh và Mỹ
đóng góp hàng tỷ euro để xây dựng trường học, cung cấp chỗ ở và thức ăn trong
các trại tỵ nạn ở Trung Đông.
Hungary sẽ hoàn tất một hàng rào cao 4m dọc biên giới với Serbia hôm 15/9,
thời điểm các biện pháp cứng rắn hơn, gồm việc bắt giữ người nhập cư bất hợp
pháp có hiệu lực.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch hạn ngạch bắt buộc để san sẻ
120.000 người tỵ nạn giữa 25 quốc gia thành viên.
Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia và Romania đều phản đối việc này.