Mỹ giúp Châu Á tăng cường an ninh hải dương
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu sau
khi thăm chiến hạm BRP Gregorio del Pilar, soái hạm của hải quân Phi Luật Tân.
Chiếc tàu này trước đây là của lực lượng tuần duyên Mỹ và hiện giờ đang được Phi
Luật Tân dùng để thực hiện những cuộc
tuần tra trong vùng Biển Đông có tranh chấp.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack
Obama hôm nay cam kết giúp cho các đồng minh ở Châu Á Thái Bình Dương tăng
cường an ninh hải dương khi ông thảo luận với các nhà lãnh đạo tại thủ đô của Phi
Luật Tân . Theo tường thuật của thông tín viên Mary Alice Salinas của đài VOA
tại Manila, Tòa Bạch Ốc vừa loan báo một gói viện trợ mới trong vòng hai năm
trị giá 259 triệu đô la, trong đó có 79 triệu cho Phi Luật Tân , 40 triệu cho
Việt Nam, 21 triệu cho Nam Dương và 2 triệu rưỡi cho Mã Lai. Hoa Kỳ cũng chuyển
giao cho Phi Luật Tân một chiếc tàu tuần
duyên và một chiếc tàu khảo cứu.
Không lâu sau khi tới
Manila hôm nay, Tổng thống Obama đã đến thăm chiến hạm BRP Gregorio del Pilar,
soái hạm của hải quân Phi. Chiếc tàu này trước đây là của lực lượng tuần duyên
Mỹ và hiện giờ đang được Phi Luật Tân dùng
để thực hiện những cuộc tuần tra trong vùng Biển Đông có tranh chấp.
Tổng thống Obama nói “Chuyến viếng thăm của tôi tới nơi này nêu bật
quyết tâm chung của chúng ta đối với an ninh của vùng biển của khu vực này và
đối với tự do hàng hải.” Ông cũng cho rằng “Các lực lượng hải quân có nhiều năng lực hơn và quan hệ đối tác với
Hoa Kỳ là vô cùng quan trọng cho nền an ninh của khu vực này.”
Nhà lãnh đạo Mỹ đã phát
biểu như vậy khi ông tới Phi Luật Tân để
dự hội nghị thượng đỉnh APEC và tiến hành những cuộc thảo luận mà ông nói là
hết sức quan trọng đối với tương lai của nước Mỹ.
Khu vực Đông Á Thái Bình Dương được xem là khu vực năng động nhất, đông dân nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Khu vực Đông Á Thái Bình Dương được xem là khu vực năng động nhất, đông dân nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tổng thống Obama nói có
một việc vô cùng cần thiết đối với Hoa Kỳ là nối kết chặt chẽ với tiềm năng
kinh tế và bảo đảm an ninh của khu vực này.
"Nếu chúng ta muốn làm một đối tác nghiêm túc
của khu vực cực kỳ quan trọng này của thế giới, chúng ta phải làm đúng về mặt
kinh tế và chúng ta phải làm đúng về mặt an ninh quốc gia. Đó chính là lý do
tại sao tất cả chúng ta đều đồng ý rằng hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái
Bình Dương mà chúng ta đã hình thành là vô cùng quan trọng."
Hiệp định TPP là một đề
tài then chốt tại diễn đàn kinh tế có nhiều ảnh hưởng, nơi các nhà lãnh đạo của
21 nền kinh tế nhóm họp với nhau, trong đó có nhiều vị nguyên thủ quốc gia, kể
cả Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình.
Tổng thống Obama cảnh
báo rằng nếu 12 nước thành viên TPP không phê chuẩn hiệp định này như đòi hỏi,
thì những nước khác, như Trung cộng chẳng hạn, sẵn sàng để tiến vào chiếm chỗ.
"Nếu chúng ta không thực hiện TPP, nếu chúng
ta không tạo ra một cấu trúc cho những tiêu chuẩn cao về mậu dịch và thương mại
trong khu vực này, thì khoảng trống đó sẽ được lấp đầy bởi Trung Hoa lục địa.
Nó sẽ được lấp đầy bởi các đối thủ cạnh tranh kinh tế của chúng ta. Họ sẽ đặt
ra những luật lệ và những luật lệ đó sẽ không có lợi cho chúng ta."
Các nhà lãnh đạo tại hội
nghị thượng đỉnh cũng sẽ thảo luận về những cách thức để phối hợp với nhau một
cách chặt chẽ hơn để chống lại Nhà nước Hồi giáo, là nhóm hiếu chiến đã nhận
trách nhiệm thực hiện vụ tấn công khủng bố ở Paris hôm thứ sáu.
Các đề tài khác tại cuộc
họp cấp cao này là chống khủng bố, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, an ninh hải
dương, nhân quyền và sự giải quyết một cách hoà bình những vụ tranh chấp, như
vụ tranh chấp ở Biển Đông, nơi mà những yêu sách chủ quyền của Trung cộng đã
làm gia tăng những mối căng thẳng trong khu vực.
Cuối tuần này, Tổng
thống Obama sẽ đến thủ đô Kuala Lumpur của Mã Lai để dự cuộc hội nghị thượng
đỉnh hàng năm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN.