·
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Manila,
Philippines, ngày 18.11.2015.
Simone Orendain (VOA)
MANILA— Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho rằng cần có “những bước táo bạo”
để giảm thiểu những mối căng thẳng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc và 5 nước khác,
trong đó có Việt Nam và Philippines, có những yêu sách chủ quyền chồng lấn
nhau. Thông tín viên Simone Orendain của đài VOA tường thuật từ địa điểm hội
nghị thượng đỉnh APEC ở Manila.
Sau cuộc họp song phương với Tổng thống Phi Luật Tân Benigno Aquino bên lề
hội nghị thượng đỉnh APEC ở Manila, Tổng thống Obama hôm nay đề cập tới những
hành động của Trung cộng ở Biển Đông đã gây ra những mối lo ngại trong khu vực
và ở Washington.
"Chúng tôi đã thảo luận về ảnh hưởng của
những hoạt động lấp biển lấy đất và những hoạt động xây dựng của Trung cộng đối
với sự ổn định của khu vực. Chúng tôi đồng ý với nhau là cần có những bước táo
bạo để giảm thiểu căng thẳng, trong đó có cam kết ngưng cải tạo đất, không xây
dựng thêm, và không quân sự hoá những khu vực có tranh chấp ở Biển Đông."
Những hoạt động lấp biển lấy đất mà Trung cộng thực hiện trong gần 2 năm
qua tại 7 bãi cạn và bãi đá trong vùng biển này đã tạo ra những hòn đảo nhân
tạo, làm cho các nước láng giềng cảm thấy lo lắng. Trong số 7 hòn đảo nhân tạo
đó có ít nhất hai hòn đảo có sân bay và hải cảng mà máy bay và tàu bè quân sự
có thể sử dụng.
Các giới chức Phi đã bày tỏ lo ngại về việc Trung cộng không cho biết rõ ý
đồ của họ là gì.
Trung cộng lâu nay vẫn cho rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối
với hầu như toàn bộ Biển Đông và bác bỏ sự can dự của những nước bên ngoài khu
vực vào vụ tranh chấp này. Phi Luật Tân đã kiện Trung cộng ra toà trọng tài để
chống lại yêu sách của Bắc Kinh, nhưng Trung cộng bác bỏ vụ kiện và không tham
gia.
Tổng
thống Obama phát biểu sau khi thăm chiến hạm BRP Gregorio del Pilar, soái hạm
của hải quân Philippines, ngày 17/11/2015. Tòa Bạch Ốc vừa loan báo một gói
viện trợ mới trong vòng hai năm trị giá 259 triệu đô la, trong đó có 79 triệu
cho Philippines, 40 triệu cho Việt Nam, 21 triệu cho Indonesia và 2 triệu rưỡi
cho Malaysia. Hoa Kỳ cũng chuyển giao cho Philippines một chiếc tàu tuần duyên
và một chiếc tàu khảo cứu.
Brunei, Mã Lai, Đài Loan và Việt Nam cũng có những yêu sách chủ quyền ở
vùng biển chiến lược này.
Tổng thống Obama, một lần nữa, khẳng định sự trung lập của Mỹ đối với vụ
tranh chấp, nhưng ông cũng tuyên bố Hoa Kỳ có cam kết vô cùng vững chắc đối với
Phi Luật Tân.
Hoa Kỳ là đồng minh có hiệp ước duy nhất của Phi Luật Tân, và năm ngoái hai
nước đã ký kết một hiệp định để cho phép có thêm binh sĩ Mỹ luân phiên trú đóng
ở Phi và các khí tài quân sự Mỹ được bố trí sẵn tại các địa điểm chiến lược
trên khắp nước. Tuy nhiên, một số tổ chức ở Phi đã nêu lên nghi vấn về tính
chất hợp hiến của hiệp định này và vụ việc đang bị bế tắc tại Tối cao Pháp
viện.
Mặc dầu vậy, Tổng thống Aquino đã đề cập tới những lợi ích mà thoả thuận
này mang lại. Ông nói quân đội Phi sẽ tiếp cận được với “những kỹ thuật hiện
đại” để tăng cường khả năng của mình. Ông cũng tái khẳng định sự hậu thuẫn đối
với chiến dịch tự do hàng hải mà quân đội Mỹ thực hiện ở Biển Đông.
"Hoa Kỳ có thể sử dụng các căn cứ của chúng
tôi để phát huy sức mạnh trong khu vực nhằm góp phần duy trì ổn định, bảo vệ
trật tự và giải toả những mối căng thẳng trong khu vực."
Hôm qua, Việt Nam và Phi Luật Tân chính thức nâng quan hệ song phương thành
quan hệ đối tác chiến lược sau khi đôi bên ký kết một thông cáo chung để cam
kết tăng cường sự hợp tác hải dương.
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, hôm nay tuyên bố Hà Nội muốn có
những quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh nhưng cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
ở Biển Đông.