4 năm: Bộ Công An ‘làm luật’
biểu tình như thế nào?0
Tắc trách
công vụ
Những ngày
mùa Đông giá rét cuối năm 2015, khi nhóm dân oan ba miền liên tục biểu tình
trước trụ sở tiếp công dân ở Hà Nội, Bộ Công An lại thập thò một đề xuất với
Quốc Hội về việc cho hoãn luật biểu tình với lý do “dự luật biểu tình đã được xây dựng xong, đã xin ý kiến các bộ ngành
liên quan, nhưng một số vấn đề có tính chất nhạy cảm thì các bộ liên quan như
Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư Pháp chưa cho ý kiến.”
Đây là lần thứ hai liên tiếp trong năm 2015, cơ quan “công an nhân dân” đề xuất hoãn luật biểu tình. Vào lần trước – Tháng Ba, Bộ Công An cũng nại ra lý do: “Trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình,” “quyền tự do biểu tình,” “nơi công cộng,” “tụ tập đông người”…; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mít-tinh, biểu tình do Đảng, Nhà Nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình…”
Một luật gia
cho rằng đã có đủ căn cứ để thấy rằng việc cố tình kéo dài thời gian soạn thảo
dự luật biểu tình của Bộ Công an là hành vi tắc trách công vụ, vi phạm vào Điều
4 của nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 do
chủ tịch Quốc Hội ký ban hành tại kỳ họp thứ 7, Tháng Sáu, 2014.
Lấp lửng và
mất điểm
Bất chấp
dòng đời cùng tình người sôi sục, thời gian soạn thảo dự luật biểu tình đã bị
“câu giờ” quá lâu. Bốn năm biền biệt từ thời điểm cuối năm 2011 khi Thủ Tướng
Nguyễn Tấn Dũng là nhân vật lãnh đạo cao cấp bị coi là “diễn xuất” vào lúc ông
“gợi ý” về luật biểu tình trước diễn đàn Quốc Hội, đến nay vẫn vắng bóng chim
câu.
Quá nhiều cơ
hội chính trị đã đến với Thủ Tướng Dũng trong bốn năm qua. Song chỉ thuần túy
lấp lửng, ông ta đã không làm gì hơn cho thứ quyền căn bản của người dân đã bị
treo từ Hiến Pháp năm 1992.
Dư luận cho
rằng lẽ ra bằng quyền hạn của mình, Thủ Tướng Dũng hoàn toàn có thể chuyển
nhiệm vụ dự thảo Luật Biểu Tình cho một tổ chức hội chuyên ngành, thay vì giao
cho cơ quan chuyên nhiệm vụ trấn áp biểu tình. Đơn cử, dự Luật Trưng Cầu Ý Dân
được Chính phủ giao cho Hội Luật Gia Việt Nam là cơ quan chủ trì soạn thảo chứ
không phải Bộ Công An.
Một khi
không làm nhiều hơn nói, Thủ Tướng Dũng
đã bị mất điểm nặng nề trước dân chúng, dù ông ta vẫn lặp đi lặp lại truyền
thuyết “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc
về nhân dân” trong những tình thế khó khăn của phía chính phủ, đặc biệt vào
thời điểm này – khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra việc “chung
quyết” số phận từng lãnh đạo tại đại hội 12 mà hoàn toàn có thể thêm từ
“nguyên” phía trước.
Còn Ủy Ban
Thường Vụ Quốc Hội thì sao? Ngay khi Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng đồng ý
với đề nghị “hoãn trình” dự thảo luật biểu tình của Bộ Công An, có nghĩa ông
Hùng đã thừa nhận tính lỏng lẻo của nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng
luật, pháp lệnh năm 2015 mà chính tay ông ta đã ký.
Tất cả đều
mất điểm trước dân chúng. Cả Tướng Trần Đại Quang cũng vậy…
Quốc Hội
đứng ở đâu?
Nhiều năm
qua, trên mảnh đất Việt đương đại và dồn dập tang thương bởi các nhóm lợi ích
từ kinh tế đến chính trị, có quá nhiều lý do để người dân và trí thức tụ tập,
cùng biểu thị nỗi uất ức về quốc nạn tham nhũng vô bờ bến và trạng thái hèn yếu
khó có thể tồi tệ hơn của chính quyền trước bóng ma phương Bắc.
Giờ đây,
không chỉ người dân mất đất đã hình thành một giai tầng dân oan lên đến hàng
triệu người, mà cả nạn nhân môi trường, công nhân và tiểu thương cũng trở thành
chứng nhân lịch sử cho một tâm can khao khát quyền biểu tình hướng đến một xã
hội công dân đúng nghĩa.
Trong thực
tế và chẳng cần đến luật biểu tình chưa biết khi nào mới được 500 đại biểu Quốc
Hội đồng gật, từ năm 2007 đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành và tọa kháng của dân
oan đất đai. Năm 2011 đã làm nên dấu mốc lịch sử bởi hàng ngàn trí thức, nhân
sĩ và người dân đã tổ chức hàng chục cuộc xuống đường để phản đối Trung cộng,
cùng truy vấn thái độ im lặng đầy khuất tất của đảng cầm quyền và chính phủ
trước một bí mật bắt đầu bị hé lộ: Hội Nghị Thành Đô năm 1990.
Chỉ mới đây,
Ninh Hiệp ở Gia Lâm, Hà Nội đã trở thành địa phương đầu tiên nổ ra phong trào
học sinh biểu tình phản đối chính sách nhà nước về xây dựng trung tâm thương
mại.
Quyền biểu tình lại đáng được xem là một trong những tiêu chí đầu tiên cho
sự nghiệp dân chủ hóa ở Việt Nam, căn cứ vào quyền tự do biểu đạt (Điều 19, Điều 20);
quyền tự do hội họp và lập hội (Điều 21, Điều 22) của Công Ước Quốc Tế Về Các
Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR, 1966); Nghị Quyết 24 của Hội Đồng Nhân Quyền
Liên Hiệp Quốc 24 về cổ xúy và bảo vệ nhân quyền trong bối cảnh biểu tình ôn
hòa ngày ngày 21 Tháng Ba, 2013.
Nhưng kể từ
năm 1992 khi Hiến Pháp quốc gia này quy định về quyền biểu tình tự do của người
dân, và sau cả Hiến Pháp năm 2013, sau quá nhiều lần các quan chức Quốc Hội lẫn
chính quyền thi nhau hứa hẹn về thứ bánh vẽ này, đã gần một phần tư thế kỷ lặng
ngắt mà không trôi dạt một âm hưởng thiện tâm nào.
Không
chỉ sợ cái bóng của Trung cộng, giới lãnh đạo đảng, chính phủ và Bộ Công An còn
luôn bị ám ảnh bởi chính đồng bào của họ.
Dù bài học
nhãn tiền về hòa hợp và hòa giải đã có sẵn ngay ở một quốc gia trong khu vực
Đông Nam Á – Miến Điện, nhưng bài học lớn nhất của lịch sử là giới chính khách
Việt đã không rút ra được bài học lịch sử nào cho bản thân họ.
Chỉ bị ngăn
trở với Việt Nam bởi chưa đầy một trăm cây số đường biên giới Trung cộng, nền
dân chủ Miến Điện đã lột xác kỳ diệu chỉ trong vòng ba năm.
Những gì mà
Thein Sein và giai cấp thống trị của ông đã làm được, trong đó có việc ban bố
luật biểu tình, dù không tránh khỏi động cơ và động lực của tư tưởng lợi ích
nhóm và chủ nghĩa thân hữu, vẫn đã mở ra một lối thoát khả dĩ cho những chính
khách khôn ngoan, nếu so với triển vọng phải sống lưu vong hoặc mất trắng.
Làm sao để
không phải lưu vong hoặc mất trắng? Những người của chính phủ và đại đa số đại
biểu Quốc Hội Việt Nam sẽ làm thế nào để biến hứa hẹn hão huyền thành hành động
– một loại hành động vì lợi ích biểu thị và biểu tình của dân chúng chứ không
phải thiên lệch cho những nhóm lợi ích đã dày vò quá tàn nhẫn nền kinh tế và
dân sinh ở Việt Nam?
Theo Người
Việt