18.12.2015

Bắc Kinh dùng kinh tế để bóp nghẹt bản sắc văn hóa Tây Tạng

Bắc Kinh dùng kinh tế để bóp nghẹt bản sắc văn hóa Tây Tạng
Biểu tình ủng hộ người Tây Tạng trước trụ sở Ủy ban Châu Âu, nhân thượng đỉnh Âu - Trung, Bruxelles, 29.06.2015.          REUTERS/Yves Herman
Vùng tự trị Tây Tạng (Tibet), nằm ở phía tây nam Trung Hoa lục địa, giáp ranh với các nước Nepal và Butan, từ lâu được coi là nóc nhà của thế giới. Dưới danh nghĩa tiến hành chương trình hiện đại hóa vùng tự trị này, Bắc Kinh lại đang bóp nghẹt mọi hành động bảo vệ bản sắc địa phương.
Theo nhận xét trong bài « Tây Tạng, hành trình tiến tới hiện đại » của đặc phái viên báo Le Figaro, có thể coi các công trình xây dựng quy mô nở rộ tại Lhassa, thủ phủ của vùng tự trị Tây Tạng, là dấu hiệu thành công cho chính sách đồng hóa của Bắc Kinh.
Trái ngược với lời khẳng định Tây Tạng đang được hưởng « nền tự trị », Bắc Kinh vẫn kiểm soát khu vực này với chính sách bàn tay thép, đồng thời hạn chế số lượng lượt ra/vào khu vực, đặc biệt là với giới báo chí và ngoại giao. Năm mươi năm sau khi khu vực tự trị Tây Tạng (TAR) được thành lập, cuộc sống của người dân Tây Tạng tiếp tục chìm trong sợ hãi trước một cơ quan cảnh sát đầy quyền lực.
Nghịch lý là Trung cộng lại muốn phát triển ngành du lịch tại Tây Tạng để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Bắc Kinh đặt mục tiêu hàng đầu là hiện đại hóa khu vực này, đồng thời cải thiện hình ảnh của chính quyền. Theo lời một quan chức Tây Tạng, từ khi vùng này được « giải phóng một cách ôn hòa », đã có rất nhiều thành tựu kinh tế và xã hội : như tỷ lệ người mù chữ trong giới trẻ giảm từ 95% trong thập niên 1950 xuống còn 0,5% hiện nay, tỷ lệ tăng trưởng là 12,5%, một trong những kỉ lục cao nhất nước.
Thế nhưng, một trí thức Tây Tạng lại tỏ ra nghi ngờ những con số thống kê chính thức do trung ương công bố. Ông cũng cáo buộc chính sách đô thị hóa với những khu dân cư mới hiện đại để thu hút người Hán đã làm đảo lộn cuộc sống của người nông dân Tây Tạng và tác động xấu tới hệ sinh thái. Bắc Kinh khao khát các nguồn tài nguyên trong vùng. Chỉ cần phát hiện ra một khu vực giầu tài nguyên và thưa dân cư, chính quyền bắt tay ngay vào khai thác.
Người dân bất bình vì những hạn chế đối với việc bảo tồn truyền thống Phật giáo đặc trưng của khu vực, hay việc họ bị phân biệt đối xử về mặt kinh tế so với người Hán xuất hiện ngày càng đông từ nhiều thập kỷ gần đây.
Năm 2008, giới sư sãi đã xuống biểu tình tại khu phố cổ Barkhor để phản đối chính sách cai trị của Bắc Kinh. Từ đó, chính quyền đã cho lắp một hệ thống camera theo dõi và thiết lập nhiều trạm kiểm soát bên ngoài các sân đền nổi tiếng hay các cửa hàng lưu niệm ở Barkhor, nhằm bóp nát ngay trong trứng nước mọi ý định mưu phản. Cũng tại Tây Tạng, có ít nhất 140 người đã tự thiêu từ năm 2009 để đòi các quyền tự do, trong khi đó, Bắc Kinh lại quy kết là những hành động khủng bố.
Hình ảnh người dân Tây Tạng hằn sâu trong trí tưởng tượng của người Hán. Các phương tiện truyền thông nhà nước và các công ty lữ hành giới thiệu 6 triệu người dân địa phương, chiếm 0,5% dân số Trung Hoa lục địa, như tộc người đặc biệt trong trang phục rực rỡ cùng với những thung lũng và thảo nguyên mênh mông.
Bắc Kinh nhấn mạnh tới sự thống nhất của một nước Trung Hoa cộng sản và tránh mọi đòi hỏi một bản sắc tôn giáo hay văn hóa tách biệt của Tây Tạng.
Nhà trí thức Tây Tạng kết luận : «Lhassa là một thành phố mở rộng cửa đối với người Hán, nhưng gần như cấm cửa đối với người Tây Tạng. Hành hương tới những thánh địa trở thành cả một quá trình đấu tranh của người dân. Chính quyền muốn truyền bá ra bên ngoài hình ảnh cuộc sống tươi đẹp tại Tây Tạng, vậy tại sao lại có nhiều cảnh sát và phải lắp nhiều camera theo dõi đến như vậy ? Người dân Tây Tạng vô cùng chán nản và mệt mỏi phải sống trong sự kiểm duyệt và theo dõi khắt khe ».