26.12.2015

Bắt giam Nguyễn Văn Đài: Hiệu ứng ngược - Ts Nguyễn Đình Thắng

Formularbeginn
Formularende
Cơ hội thuận lợi để tổng vận động nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Tin Ls. Nguyễn Văn Đài bị công an bắt ngày 16 tháng 12 về tội “tuyên truyền chống nhà nước” quả là một bất ngờ. Tuy chẳng lạ gì về bản chất bắt người của công an, tôi không ngờ cấp lãnh đạo Việt Nam lại quyết định thất sách như vậy. Quyết định ấy đến từ Viện Kiểm Sát Tối Cao, nghĩa là phải có sự tính toán của cấp lãnh đạo trong Đảng Cộng Sản.

Nó thất sách vì không dằn mặt được các nhà đấu tranh hay đẩy lùi được phong trào xã hội dân sự. Thất sách hơn nữa, nó minh chứng cho đòi hỏi của nhiều nghị sĩ Hoa Kỳ là Việt Nam phải cải thiện nhân quyền trước đã nếu muốn tham gia Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP.

Sự thất sách ấy là yếu tố thuận lợi bất ngờ cho cuộc tổng vận động mà chúng tôi đang chuẩn bị cho năm2016, thời điểm quyết định vận mạng TPP.
Ls. Nguyễn Văn Đài, Dân Biểu Christopher Smith và Ts. Nguyễn Đình Thắng tại Quốc Hội Hoa Kỳ, tháng 2, 2006 (ảnh của DB Smith)

Hiệu ứng ngược
Khung cảnh XHDS ở Việt Nam vào cuối năm 2015 đã khác nhiều so với đầu năm 2007, khi mà Ls. Đài bị bắt lần đầu. Khi ấy, số nhà hoạt động XHDS còn hiếm và số tổ chức XHDS còn đếm được trên một bàn tay. Việc bắt giam Ls. Đài cùng với những khuôn mặt nổi thời bấy giờ như Ls. Lê Thị Công Nhân, Lm. Nguyễn Văn Lý... có tác dụng làm tê liệt phong trào XHDS.

Nhưng bây giờ thì khác, số người hoạt động XHDS đã tăng nhiều; số tổ chức XHDS đông hơn bội phần. Họ hoạt động đan kết với nhau và có nhiều nối kết với quốc tế, với cộng đồng XHDS trong vùng Đông Nam Á, với các chính quyền Tây Phương và cả với một số cơ quan LHQ. Bắt Ls. Đài lúc này không làm cho họ chùn bước. Ngược lại thì có -- nó khuyến khích họ thắt chặt hàng ngũ hơn và lên tiếng mạnh mẽ hơn.

Và, có lẽ thật bất ngờ cho cấp lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, quốc tế đã phản ứng nhanh và mạnh. Nhiều tổ chức nhân quyền lên tiếng; nhiều hãng thông tấn đưa tin; nhiều chính quyền lên án. Kể cả văn phòng Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ cũng ra tuyên bố phản đối – bẽ mặt cho chính quyền Việt Nam đang là thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Đó là một “ác mộng” cho các giới chức ngoại giao Việt Nam.

Cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng nhanh chóng yểm trợ tiếng nói của đồng bào trong nước và vận động quốc tế can thiệp. Vừa khi nhạc sĩ Việt Khang ra khỏi tù, thì lập tức Ls. Đài trở thành biểu tượng thôi thúc người Việt tị nạn khắp năm châu tiếp tục tranh đấu cho tự do và dân chủ ở quê nhà.

Nếu như cấp lãnh đạo Việt Nam muốn “nắn gân” XHDS ở trong nước và thăm dò phản ứng quốc tế, thì câu trả lời đã rõ: họ đang phải đối phó với hiệu ứng ngược.
Ls. Đài và Đại Sứ Lưu Động John Hanford, đặc trách tự do tôn giáo quốc tế ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tháng2, 2006. Đại Sứ Hanford là người đưa Việt Nam vào danh sách CPC năm 2005-2006. (ảnh BPSOS)

Sự liên đới giữa Ls. Đài và TPP
Chế độ ở Việt Nam đang cầu cạnh tham gia TPP để cứu vãn kinh tế. Thế mà vào thời điểm “nhạy cảm” nhất, họ lại bắt giam một nhân vật với nhiều liên luỵ nhất đến TPP.

Thành phần quan tâm đến nhân quyền ở Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn nhắc nhở Hành Pháp phải cẩn thận khi đàm phán TPP với Việt Nam để tránh tái diễn sự trở mặt đã xảy ra ngay sau khi Việt Nam được tham gia WTO vào đầu năm 2007 – Ls. Đài là nạn nhân của sự trở mặt ấy. Hành Pháp đổ công thuyết phục các nhà lập pháp rằng sẽ không có việc tái diễn. Trước sự kiện Ls. Đài lại bị bắt, chỉ 2 tháng sau khi đàm phán TPP hoàn tất và với cùng tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” như trước đây, Hành Pháp ở thế bị động, không biết lý giải ra sao với Quốc Hội. Càng lúng túng cho họ là Ls. Đài, người chủ trương rằng tham gia TPP sẽ khuyến khích chế độ ở Việt Nam cải thiện nhân quyền, là phản thí dụ hùng hồn cho chủ trương ấy.

Tai hại hơn nữa cho Việt Nam, các hoạt động của Ls. Đài liên quan trực tiếp đến 2 khoản chế tài mà Quốc Hội Hoa Kỳ cài vào tiến trình đàm phán TPP: chống buôn người và bảo vệ tự do tôn giáo. Khi văn phòng của Dân Biểu Christopher Smith hỏi ý kiến tôi về nội dung văn thư phản đối gởi Ông Nguyễn Tấn Dũng, tôi đề nghị nhấn mạnh 2 hoạt động này của Ls. Đài. Văn thư đề ngày 18 tháng 12 do DB Smith và 2 vị dân biểu đồng viện ký tên gửi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ điểm này, như một nhắc nhở cho chính quyền Việt Nam và cả cho  Hành Pháp Hoa Kỳ.

Cuối tháng 6 năm nay, Quốc Hội thông qua Luật về Quyền Đàm Phán Nhanh (Fast Track Authority); nó chophép Hành Pháp rộng quyền đàm phán mậu dịch nhưng phải trong khuôn khổ do Quốc Hội đề ra. Các quốc gia vi phạm có thể bị Quốc Hội chế tài vượt lên trên các điểu khoản đã ký kết trong hiệp ước mậu dịch. Hai điều kiện nhân quyền được cài vào khuôn khổ này trùng với 2 hoạt động của Ls. Đài được nêu trong văn thư của DB Smith.

Văn thư này chủ ý gắn kết việc bắt giam Ls. Đài vào khuôn khổ đàm phán TPP. Đó là phát pháo lệnh mở đầu cuộc tổng vận động năm 2016 nhằm áp lực chính quyền Việt Nam phải nhượng bộ cụ thể về nhân quyền nếu muốn hưởng các lợi ích của TPP.

Ls. Đài và Thượng Toạ Thích Hằng Đạt bên lề hội nghị ở Đài Bắc, tháng 12 năm 2005 (ảnh BPSOS)

Cuộc tổng vận động năm 2016
Cùng lúc Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao quyết định bắt giam Ls. Đài thì một diễn biến rất quan trọng đã xảy đến cho số phận của TPP, mà có lẽ chế độ ở Việt Nam không biết đến: Ngày 10 tháng 12, Chủ Tịch Thượng Viện Hoa Kỳ, TNS Mitch McConnell (Cộng Hoà, Kentucky), chính thức công bố sẽ không đưa TPP ra biểu quyết cho đến sau ngày bầu cử Tổng Thống và Quốc Hội vào đầu tháng 11 năm 2016. Vì Quốc Hội chỉ làm việc ngắn hạn sau đó, số phận của TPP sẽ phải chờ nhiệm kỳ Hành Pháp và Quốc Hội mới, bắt đầu năm2017.

Đây là một chướng ngại lớn cho kế hoạch của Tổng Thống Obama ký kết TPP nội trong tháng 2 tới đây để rồi yêu cầu Quốc Hội Hoa Kỳ biểu quyết trễ lắm là tháng 5. Trước quyết định bất ngờ của TNS McConnell, TT Obama đang vận động các nhà lập pháp Liên Bang giúp thay đổi lập trường của vị Chủ Tịch Thượng Viện.

Quyết định bắt giam Ls. Đài sẽ gây khó khăn cho TT Obama. Hiện nay một khối gồm khoảng 20 dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ tuyệt đối không thoả nhượng về điều kiện tự do tôn giáo và chống buôn người, không chỉ đối với Việt Nam mà đối với mọi quốc gia thành viên TPP. DB Smith là một thủ lãnh ở Hạ Viện của khối này. Ở Thượng Viện thì có các thượng nghị sĩ Bob Menendez (Dân Chủ, New Jersey), Ben Cardin (Dân Chủ, Maryland), James Lankford (Cộng Hoà, Oklahoma), Bill Cassidy (Cộng Hoà, Louisiana), Bob Corker (Cộng Hoà, Tennessee), Marco Rubio (Cộng Hoà, Florida)... Việc Ls. Đài bị bắt giam cho họ căn cứ mạnh hơn để vận động ngược lại với TT Obama.

Hai yếu tố bất ngờ vừa kể – việc bắt giam Ls. Đài và tuyên bố của TNS McConnell – ảnh hưởng trực tiếp và một cách thuận lợi đến kế hoạch tổng vận động năm 2016 của chúng tôi. Trước hết, chúng tôi không còn bị thúc ép về thời điểm biểu quyết TPP nên có rộng thời gian để chuẩn bị. Đồng thời, lập trường của chúng tôi là Việt Nam phải nhượng bộ nhân quyền trước khi tham gia TPP đang ở thế thượng phong.

Để chuẩn bị cho cuộc tổng vận động, ngày 18 tháng 12 chúng tôi có buổi điện đàm với TNS John Cornyn, qua sự sắp xếp của Bs. Hồ Trâm dưới danh nghĩa Liên Minh cho một Việt Nam Tự Do và Dân Chủ. Dựa vào cuộc điện đàm, chúng tôi quyết định trọng tâm tổng vận động cho năm 2016 bao gồm:

- Đòi hỏi Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm

- Thúc đẩy Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam mà DB Christopher Smith đã đưa vào Hạ Viện và TNS Bill Cassidy sẽ đưa vào Thượng Viện

- Thúc đẩy Dự Luật Chế Tài Các Vi Phạm Nhân Quyền Ở Việt Nam do TNS John Cornyn sẽ đưa vào Thượng Viện

- Kêu gọi Hạ Viện và Thượng Viện triệu tập các buổi điều trần song song về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam

- Kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp chế tài sẵn có đối với các giới chức Việt Nam liên can đến đàn áp tự do tôn giáo hay buôn người

Về thời điểm, chúng tôi dự định sẽ thực hiện cuộc tổng vận động Quốc Hội Hoa Kỳ vào tháng 6, thay vì vào đầu tháng 4 như đã thông báo trước đây.

Ls. Đài trên bàn tham luận tại hội nghị về chống buôn người ở Đài Loan, tháng 12, 2005 (ảnh BPSOS)

Lý do trùng hợp
Sự trùng hợp giữa các hoạt động của Ls. Đài và các điều kiện nhân quyền trong khuôn khổ đàm phán TPP không hề ngẫu nhiên.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Ls. Đài bị bắt, một tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở ở Luân Đôn gởi email hỏi tôi: Có phải là BPSOS “được” báo chí của nhà nước nêu đích danh khi đăng tin Bộ Công An bắt Ls. Đài? Bản tin nhắc đến “Uỷ Ban Cứu Trợ Thuyền Nhân Việt Nam”, dịch ra từ tên tiếng Anh “Boat People SOS”. Trong khi tên chính thức trong tiếng Việt lẽ ra là Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển thì mới phải.

Tôi trả lời, đúng rồi và giải thích thêm: Chúng tôi bắt đầu hỗ trợ Ls. Đài từ năm 2005 trong các công tác pháp lý để giúp cho các tổ chức tôn giáo “đăng ký” hoạt động theo Pháp Lệnh Tín Ngưỡng Tôn Giáo, các nạn nhân buôn lao động đòi công lý, và các trường hợp “dân oan” làm đơn khiếu nại việc bị cưỡng chế đất.

Qua sắp xếp của BPSOS, cuối năm 2005 Ls. Đài tham gia hội nghị quốc tế về chống buôn người do chính quyền Đài Loan tổ chức lần đầu tiên. Nơi đó Ls. Đài đã tiếp xúc với nhiều tổ chức quốc tế và phái đoàn của bộ phận chống buôn người thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Hai tháng sau, Ls. Đài có chuyến thăm Hoa Kỳ do lời mời của Bộ Ngoại Giao. Nơi đây Ls. Đài đã họp với vị Đại Sứ Lưu Động về tự do tôn giáo quốc tế, Ông John Hanford; với DB Christopher Smith; và với một số tổ chức nhân quyền của Hoa Kỳ.

Hỗ trợ Ls. Đài trong 2 lĩnh vực tự do tôn giáo và chống buôn người phù hợp với kế hoạch vận động nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam của BPSOS trong suốt hai thập niên qua. Năm 1997 chúng tôi chọn 2 trọng tâm chiến lược cho công cuộc vận động này: tự do tôn giáo và quyền của người lao động. Về tự do tôn giáo chúng tôi vận dụng Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế mà DB Frank Wolf (Cộng Hoà, Virginia) là tác giả và được Quốc Hội thông qua năm 1998.

Về quyền của người lao động, chúng tôi chia thành hai nhánh. Một nhánh là chống buôn người trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, dựa vào Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người do DB Christopher Smith đưa ra và được Quốc Hội thông qua năm 2000. Nhánh thứ hai là quyền lập nghiệp đoàn độc lập cho công nhân ở Việt Nam, dựa vào điều kiện trong quy chế Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Quát, tức Generalized System of Preferences (GSP). Trong nhiều năm Việt Nam theo đuổi để xin quy chế này.

Cuối năm 2009, khi Việt Nam xin gia nhập TPP thì chúng tôi tập trung vận động đưa cả 3 lĩnh vực này – tự do tôn giáo, chống buôn người, và quyền lao động – vào TPP. Đến nay cả 3 đã trở thành điều kiện gắn liền với TPP.

Sự trùng hợp giữa các hoạt động của Ls. Đài và các điều kiện nhân quyền trong TPP là đương nhiên.

Ls. Đài chụp hình kỷ niệm cùng với các phái đoàn quốc tế và Nữ Phó Tổng Thống Annette Lu của Đài Loan,tháng 12, 2005 (ảnh BPSOS)

Vận động cho Ls. Đài
Vụ bắt giam Ls. Đài đang là miếng gân gà nhả không được nuốt không trôi mà thành phần lãnh đạo mới ở Việt Nam, sau Đại Hội Đảng Cộng Sản sắp tới, sẽ đương nhiên thừa hưởng. Tình trạng càng kéo dài thì càng phản tác dụng và càng tác hại.

Trong mấy ngày qua chúng tôi trong tiến trình bàn thảo với tổ chức nhân quyền quốc tế để hình thành “tổ công tác” chuyên phối hợp nỗ lực vận động đa dạng, trải rộng và dài lâu với 3 mục tiêu song hành: đòi tự do vô điều kiện cho Ls. Đài và đồng sự Lê Thu Hà, ngăn ngừa sự bắt bớ các nhà đấu tranh khác, và đặt điều kiện nhân quyền làm tiền đề cho Việt Nam tham gia TPP.

Chế độ cộng sản vừa “tự bắn vào chân mình” khi bắt giam Ls. Đài. Họ cung cấp cho chúng ta một yếu tố thuận lợi bất ngờ để đẩy mạnh hơn công cuộc đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.