Trần Trung Đạo
Những vui, buồn, hy
vọng, tuyệt vọng đã đến và đi trong đời sống nhiều đến nỗi tôi không thể nào
nhớ hết. Thế nhưng, tôi sẽ không bao giờ quên được những tháng ngày đầu tiên
của tôi trên đất Mỹ.
Trong trí nhớ của tôi
vẫn còn in đậm hình ảnh chiếc Boeing của hãng Northeast bay ngược chiều kim
đồng hồ đưa chúng tôi từ Manila đến phi trường Chicago vào một ngày cuối tháng
11 năm 1981. Giọng người nữ tiếp viên hàng không êm ái cất lên lời tạm biệt.
Tôi không hiểu hết nhưng đại khái biết rằng cô ta vừa chào mừng chúng tôi sắp đặt
chân lên đất Mỹ. Tôi tự nhủ, “quãng đời lưu vong thật sự sắp bắt đầu”. Bên
ngoài trời đẹp nhưng xa lạ.
Như lời bà hướng dẫn
viên người Phi dặn dò trước khi lên máy bay, chúng tôi, tay cầm chặt chiếc túi
đựng hồ sơ tỵ nạn có chữ ICM thật lớn, sắp một hàng dài dọc theo hành lang
phòng đợi để khỏi bị lạc.
Người đầu tiên ra đón
chúng tôi ở phi trường Chicago là một cô gái Việt trẻ đẹp, có lẽ còn là sinh
viên và đang làm việc cho cơ quan thiện nguyện. Một ông Mỹ già đẩy đến cho cô
ta một thùng áo quần và lặng lẽ bỏ đi. Theo lịch trình đã được ấn định trước,
tại Chicago chúng tôi sẽ được cấp phát áo ấm mùa đông trước khi chuyển máy bay
về địa điểm định cư cuối cùng trong hành trình tỵ nạn. Trạm cuối của tôi là
Boston.Tôi biết và kính trọng thành phố Boston văn hóa lịch sử, qua nhiều môn
học, nhưng chưa bao giờ nghĩ có một ngày sẽ là nơi tôi gửi gắm phần đời còn lại
của mình.
Người con gái đẹp mà tôi
không dám hỏi tên, phát cho mỗi người trong đoàn chúng tôi một chiếc áo ấm. Tất
cả đều cùng một cỡ như nhau. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn chiếc áo ấm dày cộm rộng
thùng thình hoàn toàn tương phản với bầu trời nắng chang chang bên ngoài.
Hiểu ý, với giọng Huế
nhẹ nhàng, người đẹp dạy cho chúng tôi, những lưu dân đến từ vùng nhiệt đới,
bài học đầu tiên về thời tiết nước Mỹ: “Ngó vậy mà không phải vậy đâu. Trời
gạt mấy anh đấy. Ra ngoài không áo ấm vài phút là chết cóng”. Ngừng một
chút, nàng cười tinh nghịch: “Ai không tin bước ra thử thì biết”. Nghe
cô ta nói vui vui, tôi cũng định đáp lại bằng vài lời tán tỉnh nhưng chợt nhớ
ra đây không phải là quán cà-phê trên đường Duy Tân cây dài bóng mát mà là thân
phận hẩm hiu của một người tỵ nạn chân vừa chạm đất quê người, nên đành im
lặng.
Đúng như lời cô gái Việt
ở Chicago cảnh cáo, Boston chào đón tôi bằng những cơn bão tuyết triền miên
suốt mùa đông dài rét buốt.
Đêm giao thừa của ngày
Tết Việt Nam đầu tiên trên nước Mỹ, không có bánh chưng xanh, không có rượu
nồng pháo nổ, không một lời chúc tụng ngoại trừ âm hưởng của những bông tuyết
trắng bị gió đùa vào cửa sổ.
Người anh lớn tuổi nhất
trong nhà đang cặm cụi sửa soạn một bàn thờ nhỏ trong phòng khách để cúng ông
bà. Bàn thờ đơn giản, chỉ một lon hương, hai cây đèn, một nải chuối và một bình
hoa. Tôi và những người ở cùng nhà ra khỏi phòng, nghiêm trang đứng sau lưng
anh. Anh khấn vái xong, chúng tôi, những kẻ không họ hàng, thân thuộc gì với
nhau, cũng lần lượt mỗi người thắp một cây hương, cúi đầu vái ba vái. Không
biết vái về đâu và cũng không biết từ phương Đông xa xôi, tổ tiên ông bà có
nghe được lời cầu nguyện của những đứa con đang lạc loài trên đất khách.
Tôi thường gọi đất Mỹ
nầy là đất tạm dung, trạm dừng chân của tôi và hàng triệu đồng bào tôi, trên
quãng đường dài lưu lạc. Tôi trả thuế cho nước Mỹ căn cứ vào những lợi tức mà
tôi thu nhập được. Đó không phải là một nghĩa vụ thiêng liêng theo kiểu “Đừng
hỏi đất nước đã làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn đã đóng góp được gì cho đất nước”
(Ask not what your country can do for you; ask what you can do for your
country) của cố TT Kennedy. Nước Mỹ không phải là “country” của tôi. Tôi trả
thuế nhưng đó không thể gọi là đóng góp. Đóng góp hàm ý nghĩa thiêng liêng, tự
nguyện trong lúc trả thuế là một điều luật pháp bắt buộc tôi phải làm nhằm
trang trải cho các khoản chi dùng công cộng.
Ngày tôi đưa tay
tuyên thệ làm một người Mỹ vừa được công dân hóa sau năm năm thường trú, tôi
cảm thấy buồn nhiều hơn vui, tủi thẹn nhiều hơn tự hào. Một tên Mỹ da vàng
không quê hương, không tổ quốc, ngơ ngơ ngác ngác giữa quê người, có gì đáng để
mừng vui.
Viên thư ký sở nhập tịch
hỏi tôi theo thủ tục có muốn thay cái tên cúng cơm của tôi bằng tên Mỹ. Tôi lắc
đầu. Nhiều người đã chọn đổi tên. Một số người làm như thế chỉ để dễ kiếm công
ăn việc làm nhưng cũng một số khác để chứng tỏ mình biết hội nhập vào đời sống
Mỹ. Việt Nam, với nhóm người sau, đã đồng nghĩa với một thời quá vãng.
Tự do, vâng, tôi may mắn
tìm được tự do nhưng đó chỉ là tự do cho chính bản thân mình. Ngồi
trên thềm tòa nhà lịch sử Fanueil Hall ở Boston sau giờ tuyên thệ tôi làm bốn
câu thơ lục bát để kỷ niệm ngày thành công dân Mỹ:
Mặt mày hớn hở vui tươi
Sao lòng nghe thẹn làm
người tự do
Của nầy là của trời cho
Của ta đánh mất không lo
đi tìm.
Năm 1999, vợ chồng tôi
quyết định dời sang một tiểu bang khác nếu công ăn việc làm thuận tiện hơn. Tôi
được một công ty chuyên về Internet ở miền Tây Nam phỏng vấn bằng điện thoại.
Kết quả rất khả quan. Họ hứa hẹn rất nhiều, từ việc giúp chúng tôi di chuyển
cho đến việc tạm cư trong thời gian đầu. Quyết định rời khỏi tiểu bang
Massachusetts, về mọi phương diện, vật chất cũng như tinh thần, là một quyết
định lớn của gia đình tôi. Sau này tôi không rời tiểu bang mà chỉ dời sang
thành phố khác cũng thuộc Massachusetts. Dù sao chúng tôi cũng quyết định bán
căn nhà ở Dorchester cho một người quen.
Đêm cuối trong căn nhà
cũ, lần đầu tiên tôi khám phá ra rằng nước Mỹ với tôi không phải là đất tạm
dung. Cảm giác đêm cuối cùng, cách đây gần 20 năm khi tôi xa Sài Gòn, đã trở
lại với tôi lần nữa. Tôi sắp sửa rời xa một căn nhà, một nơi chốn thân thương.
Căn nhà trên đường Thornley Street là nhà của tôi, Dorchester là thôn xóm của
tôi và Boston là thành phố của tôi. Nước Mỹ đã cho tôi nhiều hơn tôi trả lại
cho nước Mỹ.
Ân huệ mà đất nước nầy
đã cho tôi không phải chỉ là tự do nhưng còn là cơ hội và hy vọng, những điều
tôi đã không tìm thấy trên quê hương ruột thịt của mình. Hy vọng không phải là
giấc mơ huyền ảo mà là một điều có thực và là chất sống cần thiết để nuôi dưỡng
một con người phải không ngừng tranh đấu để sống còn như tôi. Nước Mỹ gắn bó
với cuộc đời tôi nhiều hơn tôi gắn bó với nước Mỹ.
Đêm cuối trong căn nhà
cũ, lần đầu tiên, tôi nghĩ về đất nước đã cưu mang tôi trong suốt gần 20 năm
nhiều thay đổi của đời tôi với một tấm lòng biết ơn và trân trọng chân thành.
Đêm cuối trong
căn nhà cũ, tôi nằm nhớ lại bàn tay người lính hải quân Mỹ của chiến hạm USS
White Plains vói xuống để nhấc thân hình ốm o, đói khát của tôi lên khỏi chiếc
cầu dây đong đưa bên thành tàu. Chiếc cầu dây mong manh tôi bám để leo
lên chiến hạm trở thành chiếc cầu biên giới, không chỉ cách ngăn giữa độc tài
và tự do, của quá khứ và tương lai, mà còn giữa có quê hương và thiếu quê hương.
Đêm cuối cùng trong căn
nhà cũ, tôi mới sực nhớ ra rằng, tôi chưa bao giờ nói một tiếng cảm ơn những
thủy thủ đã cứu vớt tôi trong đêm hãi hùng trên biển Đông năm ấy. Lẽ ra, ít
nhất mỗi năm một lần, tôi nên gởi một tấm thiệp Giáng Sinh kèm theo lời cảm ơn
về địa chỉ của chiến hạm USS White Plains ở bộ Hải Quân Mỹ. Tôi tệ đến nỗi một
việc làm đơn giản như thế mà bao nhiêu năm qua tôi vẫn chưa làm được.
Đêm cuối cùng trong căn
nhà cũ tôi nằm ôn lại một khoảng đời 20 năm, từ hai bàn tay trắng đến khi có
được một gia đình êm ấm. Nỗ lực của chính tôi không thể nào thành đạt nếu không
có những cơ hội đã được mở ra từ xã hội Mỹ. Nước Mỹ là vùng đất của cơ hội và
mọi người đều có quyền có một American Dream.
Đêm cuối cùng trong căn
nhà cũ, tôi nghĩ về con đường Dorchester mà tôi mỗi ngày mấy bận đi qua. Giống
như đường Santa Clara ở San Jose, Bolsa ở Nam California, Colonial ở Orlando,
đường Dorchester là xương sống của xóm Dorchester chúng tôi. Bao nhiêu người đã
ăn nên làm ra cũng nhờ vào con đường nầy, mặc dù không phải ai cũng biết ơn nó,
không phải ai cũng nhớ tới nguồn gốc của chính mình, không phải ai cũng nhớ đến
những ngày đầu tiên đi sắp hàng mua từng vỉ cánh gà, từng gói mì ăn liền bằng
Food Stamps trong cái rét căm căm của miền Đông Bắc.
Trên
đường phố Dorchester, Boston
Trên con đường đó mỗi
buổi sáng tôi đã gặp hàng trăm em bé Việt Nam sắp hàng ở góc đường chờ xe bus
đưa đến trường. Những chiếc xe bus màu vàng nối đuôi nhau đưa các em đến tương
lai huy hoàng của nước Mỹ. Nói như cựu tổng thống Bill Clinton, các em là chiếc
cầu của tương lai hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Các em may mắn quá. May mắn lớn nhất
không phải chỉ vì các em được làm công dân của một cường quốc nhưng quan trọng
hơn, các em không phải sống trong những ngày cháo rau khoai sắn như hàng triệu
đứa trẻ cùng thế hệ các em bên kia bờ trái đất. Các em sẽ không bao giờ hiểu
thế nào là “kế hoạch nhỏ”, “trồng cây, trồng người”. Các em sẽ lớn lên, vươn
lên trong cuộc đời một cách hiên ngang, không sợ hãi.
Nhà văn Trần Hoài Thư
đến Boston nhiều lần và cũng đã yêu mến một cách say mê con đường Dorchester
như chính tôi đã và đang yêu mến. Anh Trần Hoài Thư có lần viết về thành phố
Boston: “Con đường Dorchester qua những tiệm ăn, tạp hóa Việt Nam. Và một khu
Việt. Và những gương mặt da vàng. Và những lời trao đổi bằng tiếng mẹ đẻ vang
trên bãi đậu xe. Đời sống vẫn bận rộn. Cõi lòng vẫn quay quắt. Nhớ nhung vẫn
bão bùng. Bạn hữu mấy thằng trôi thất tán. Mấy thằng đợi một chuyến đò
ngang…Cái mẫu số chung ấy là mẫu số của bất cứ người tị nạn nào trong chúng
ta…Cám ơn Boston với những con tim kỳ diệu. Nếu không có những con tim này, tôi
nghĩ, chắc chắn sẽ không có Trần Trung Đạo”.
Đêm cuối trong căn nhà
cũ, tôi biết rằng mình không chỉ có một quê hương. Ngoài quê hương Quảng Nam Đà
Nẵng ở Việt Nam, tôi còn có một quê hương khác, quê hương Boston trên nước Mỹ
này.
Trần Trung Đạo
(viết ngắn lại từ bút ký
Hai Gánh Quê Hương)