22.12.2015

Công lý ở Việt Nam và lá thư 127

Công lý ở Việt Nam và lá thư 127

Kính Hòa (RFA)

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại Tòa án Long An hôm 16/5/2013. AFP photo 

Pháp luật nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt giữ theo điều luật 88 bộ luật hình sự của Việt Nam, phạt tù những người được cho là tuyên truyền chống phá nhà nước. Vậy là người luật sư vốn nổi tiếng với những vụ án chính trị, bước vào nhà tù lần thứ hai.


Báo chí chính thống của nhà nước đồng loạt đưa tin này.
Luật sư Lê Công Định, người từng là tù nhân chính trị nhận xét:

Trong tất cả bản tin được báo lề phải đưa về vụ bắt giam và khởi tố anh Nguyễn Văn Đài hôm nay, đều có đoạn: “Bản thân Nguyễn Văn Đài đã nhận 60.000 USD của các Tổ chức “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”, “Họp mặt dân chủ”, “Ủy ban cứu trợ thuyền nhân Việt Nam” ở Mỹ.”
Mục đích của lối đưa tin như vậy là nhằm định hướng dư luận (ngây thơ) rằng anh Đài đã cấu kết và dùng tiền của “nước ngoài” để chống phá nhà nước.

Về phương diện pháp lý, việc nhận tiền như vậy (nếu có) hoàn toàn không vi phạm pháp luật Việt Nam hiện hành. Hành vi nhận tiền duy nhất bất hợp pháp và bị xem là tội phạm hình sự theo luật định, chính là tham nhũng.

Điều luật 88 của bộ luật hình sự vốn bị nhiều chỉ trích là không rõ ràng nhằm mục đích trấn áp các tiếng nói đối lập, những người bất đồng chính kiến với đảng cộng sản. Điều 88 cùng với nhiều điều luật khác được cho là đặt ra để tạo điều kiện cho sự lạm dụng quyền lực. Bình luận về cụm từ chống phá nhà nước trong điều luật này, blogger Nguyến Đình Ấm viết rằng nhà nước của đảng cộng sản hiện nay vốn chịu nhiều trách nhiệm về sự mất mát lãnh thổ của dân tộc, và làm hại dân, do vậy nếu căn cứ theo chính những lời nói của ông Hồ Chí Minh, người thành lập đảng, rằng dân có quyền đuổi nhà nước, thì việc chống đối lại nhà nước này là một điều chính đáng.

Trên nhiều trang mạng xã hội, các trang blog đã bắt đầu xuất hiện cuộc vận động đòi thả luật sư Đài.

Blogger Nguyễn Lân Thắng viết:

Quyền lực chỉ có giá trị khi có sự đồng ý…
Im lặng là sự đồng ý…
Nếu mỗi người không tự nói lên chính kiến của mình thì tức là bạn đã chấp nhận thứ quyền lực độc tôn, độc tài mà đảng cộng sản Việt Nam đang áp đặt lên đầu chúng ta thông qua nhà tù và còng số 8…
Càng nhiều người phản đối, chúng ta càng mạnh lên, kẻ độc tài sẽ đến lúc phải bỏ chạy…

Phản đối điều luật 88 bộ luật hình sự
Phản đối tất cả những điều luật hòng lấy đi quyền con người của chúng ta
Đảng cộng sản Việt Nam phải trả lại quyền lực cho nhân dân !

Trước khi luật sư Đài bị bắt một vài hôm, một vụ án khác cũng lôi kéo được sự chú ý của các blogger, đó là vụ án Nguyễn Viết Dũng. Anh Dũng tham gia cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh tại Hà nội vào tháng tư năm nay, và trong cuộc tuần hành đó anh có đeo trên người huy hiệu của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Người ta cho rằng việc đeo huy hiệu đó là lý do chính khiến anh bị bắt và truy tố. Nhưng trớ trêu một nỗi là trong pháp luật Việt Nam lại không có điều luật nào liên quan đến những huy hiệu này, vì thế tại phiên toàn anh bị xử tội gây rối trật tự công cộng.

Tại phiên tòa xử anh Dũng một luật sư của anh bị đuổi ra ngoài vì những yêu cầu trưng bằng chứng, ba luật sư còn lại bỏ ra khỏi tòa để phản đối. Người bị tòa án đuổi ra là luật sư Lê Văn Luân, ông viết rằng:

Phiên tòa không một nhân chứng, không vật chứng. Luật sư cũng không thể bào chữa, bị cáo thì đã báo không đủ sức khỏe tại phần đầu phiên tòa, dù được đo huyết áp ngay tại phiên tòa nhưng bác sỹ lại “báo kín” với chủ tọa mà không ra công khai tình trạng sức khỏe của bị cáo tại phiên tòa cho bị cáo và các luật sư được biết.

Luật sư Lê Công Định nhận định về tòa án và các quan tòa Việt Nam hiện nay:

Nghe tường thuật về phiên toà xử Nguyễn Viết Dũng hôm qua và qua kinh nghiệm đã có trong các phiên toà chính trị khác, thấy thật thương cho thân phận con rối của các thẩm phán Việt Nam.
Não thiếu kiến thức luật pháp, đôi mắt mù loà ánh sáng công lý, chân tay bị trói chặt vào định hướng hoang đường, thì có khác gì con lừa bị kéo lê đi giữa đêm tối?

Blogger Nguyễn Tường Thụy viết bài Nền tư pháp Việt Nam tiếp tục nhạo báng công lý. Trong bài viết này ông đặt câu hỏi tại sao anh Dũng đi tuần hành ôn hòa cùng hàng trăm người khác mà chỉ mỗi mình anh bị truy tố! Câu trả lời của ông là nhà nước Việt Nam bỏ tù những người làm cho họ khó chịu chứ không phải vì hành động họ làm. Trong trường hợp anh Nguyễn Viết Dũng, việc đeo phù hiệu Việt Nam cộng hòa đã làm cho nhà cầm quyền khó chịu. Blogger Nguyễn Tường Thụy viết tiếp:
Vâng, nền tư pháp của Việt Nam vốn là như vậy. Truy tố hay không, kết án ở mức nào lại còn tùy thích. Cáo trạng thì gần như sao nguyên kết luận điều tra, bản án lại gần như sao nguyên cáo trạng. Thế mà cũng bày đặt ra công an, kiểm sát, tòa án. Sống trong xã hội Việt Nam đầy những bất an, chẳng biết đằng nào mà lần.

Một vụ án khác không liên quan đến chính trị là vụ tranh cãi nhau giữa một người bán quán và công ty nước giải khác Tân Hiệp Phát. Người bán quán phát hiện thấy chai nước của Tân Hiệp Phát có chứa ruồi, và muốn Tân Hiệp Phát phải mua sự im lặng của ông bằng tiền. Ông bị bắt, và trong phiên tòa người ta thấy ông bị còng tay. Đây là một vụ việc dân sự, nhưng người ta cho rằng cơ quan chấp pháp đã đứng về phía kẻ có tiền là Tân Hiệp Phát để biến người bán quán thành kẻ phạm tội.

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay blogger Mẹ Nấm nhận xét là vụ án này được đưa ra với mong mỏi báo thù hơn là niềm tin công lý.
Trở lại với điều luật 88, một người tù chính trị từng bị truy tố bởi điều luật này vừa mãn hạn tù, đó là nhạc sĩ Việt Khang. Tác giả Thanh Tôn viết rằng chuyện nhà nước Việt Nam bỏ tù nhạc sĩ Việt Khang là đỉnh cao của sự ô danh và chà đạp nhân quyền ở Việt Nam.

Lá thư 127

Một sự kiện lớn khác gây sự chú ý trên không gian mạng, tuy không được báo chí nhà nước đưa tin, là 127 nhân sĩ trí thức Việt Nam ký tên một bức thư ngỏ yêu cầu đảng cộng sản Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa cộng sản.

Nhiều người cho rằng đây là một sự kiện chưa có tiền lệ.
Những người đặt bút ký lá thư nêu rõ nguyên nhân làm họ thảo bức thư đó là:

Văn hóa xuống cấp; đạo đức xã hội bị băng hoại; nhân dân ngày càng mất lòng tin vào thể chế chính trị.

Sự phát triển của đất nước bị kìm hãm chủ yếu là do Đảng Cộng sản Việt Nam từ nhiều năm nay dẫn dắt cả dân tộc đi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô-viết dựa trên chủ nghĩa Mác – Lênin. Trên con đường đó, trong vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam bám giữ thể chế độc tài toàn trị với bộ máy cầm quyền hết sức nặng nề, thiên về dùng bạo lực và dối trá, vi phạm nhiều quyền tự do dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, tạo thuận lợi cho tệ tham nhũng, ức hiếp dân và sự thao túng của các nhóm lợi ích bất chính. Đường lối sai lầm theo ý thức hệ cùng với bộ máy cầm quyền nhiều khuyết tật cũng không dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc để có đối sách đúng đắn bảo vệ độc lập, chủ quyền chống mưu đồ và hành vi bành trướng của Trung Quốc.

Trong một bài viết khác, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một trong 127 vị nhân sĩ trí thức, giải thích rõ hơn nguyên nhân cộng sản của sự xuống cấp về đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay:

Đảng Cộng Sản cũng nói đạo đức, nhưng đó là đạo đức cách mạng dựa trên sự đấu tranh để bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng chứ không phải là đạo đức để làm người lương thiện.

Sự toàn trị của Đảng Cộng Sản, ngoài việc  tạo ra sự suy đồi đạo đức thì còn tạo ra một hệ thống luật pháp và đội ngũ  thi hành kém hiệu quả. Luật pháp thiếu trong sáng và nghiêm minh, tạo ra nhiều oan sai cho dân lành và tạo  điều kiện cho một số người lợi dụng. Không những thế ĐCS còn đặt mình cao hơn luật pháp, làm cho pháp luật mất tính thiêng liêng.

Không thấy lá thư yêu cầu một thể chế chính trị có nhiều đảng phái cạnh tranh với nhau, nhưng bức thư cũng nêu rõ là việc cải cách thể chế là từng bước, và đảng cộng sản Việt Nam phải xúc tiến ban hành Luật về các đảng phái chính trị và đảng cầm quyền.

Tuy nhiên có nhiều blogger không tin vào sự hữu hiệu của lá thư ngỏ của 127 nhân sĩ trí thức. Nhà văn Phạm Thành, hay blogger Bà Đầm Xòe viết:

Đặt hiện thực nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam qua 70 năm cộng sản cầm quyền  làm nền tảng cho bất kỳ một ý kiến hay một luận thuyết nào cho con đường phát triển của Việt Nam mới là người hiểu, người biết và người hành động. Còn cứ loay hoay với ước muốn mong đảng thay đổi, rồi góp ý chân thành, tâm huyết thì giá trị của những việc làm này còn thua xa với ước nguyện thay đổi của những dân oan ngày ngày bám trụ đòi quyền lợi trên các ngõ đường, góc phố của đất nước.

Một trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài là ông Lê Minh Nguyên cũng không tin rằng lá thư có thể đưa đến một kết quả thực tế nào:

Giai tầng trí thức trong nước, nhất là trí thức của thế hệ đi trước, có lòng và có sự cố gắng trong khả năng của sự đối lập trung thành. Tuy nhiên sự thay đổi thực sự và ôn hoà thường bắt đầu từ đường phố như ở Ba Lan hơn là từ bàn phím, nhưng CS đã tìm cách ngăn chận điều này từ trong trứng nước. Người viết vẫn hy vọng lá thư này sẽ mang đến một sự thay đổi nào đó có ý nghĩa cho dân tộc Việt Nam chứ không phải là một câu chuyện tình trong Hồn Bướm Mơ Tiên.

Điều mà ông Lê Minh Nguyên cho rằng phong trào dân chủ tại Việt Nam còn thiếu cũng chính là điều blogger Nguyễn Vũ Bình hiện sống ở Hà nội quan tâm là tổ chức của các nhóm đối lập vẫn thực sự chưa tồn tại.

Hiện vẫn chưa thấy phản hồi gì từ phía nhà nước của đảng cộng sản Việt Nam về lá thư 127, và cũng có thể là đảng cộng sản vẫn sẽ im lặng như những kiến nghị yêu cầu sửa đổi Hiếp pháp trước đây.
Để kết thúc chúng tôi xin trích dẫn ra đây hai nhận định của hai blogger. Một người nói về bộ máy chính quyền, còn người kia nói về không gian xã hội.

Blogger Người Buôn gió quan sát thấy bộ máy cồng kềnh của đảng đã tạo nên những món nợ kinh khủng mà thời gian qua nhiều cơ quan đảng đã hết sạch tiền. Trước cảnh vỡ nợ, Người Buôn Gió nhận xét viễn cảnh bộ máy quyền lực của Việt Nam như sau:

Sớm muộn gì cũng phải đến hạn trả nợ, lúc ấy sẽ là hết Đảng CSVN. Các uỷ viên trung ương Đảng ở hội nghị lần thứ 13 này, tất nhiên hiểu rõ tính chất tương lai là như vậy. Nhiệm kỳ của các trung ương uỷ viên Đảng CSVN trong 5 năm tới đây sẽ chia làm hai loại.  Một loại chú trọng tích luỹ tiền bạc để trở thành những nhà tư bản khi chế độ CNXH sụp đổ. Một loại chú trọng làm việc minh bạch, khách quan, lấy tiếng để trở thành những chính trị gia cho một chế độ tương lai. Sẽ không ngạc nhiên khi thấy ở năm tới đây hàng ngũ cộng sản VN có nhiều kẻ vội vã vơ vét nhưng cũng nhiều kẻ tỏ vẻ thanh bạch, trong sáng, có nhiệt huyết. Một bức tranh nhiều mầu sắc trái ngược nhau sẽ diễn ra trên chính trường Việt Nam sau đại hội đảng lần thứ 12 trở đi.

Blogger thứ hai là Giáo sư Jonathan London cho rằng xã hội Việt Nam đang được tự do nhất kể từ khi đảng cộng sản cầm quyền đến nay, tuy nhiên không vì thế mà bộ máy đàn áp đã biến mất. Sau đây là nhận xét về cái mà ông gọi là phạm vi không gian chính trị công cộng ở Việt Nam:

Thứ nhất, rõ ràng sự nổi lên của Internet đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nó. Thứ hai, không nên phóng đại sự phát triển của phạm vi công cộng chính trị Việt Nam. Bộ máy vẫn đang thống trị hầu như tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dù công dân ngày càng sẵn sàng chia sẻ chính kiến​ ​thì vẫn có nguy cơ phải gánh chịu áp lực của bộ máy an ninh.

Ông kết luận rằng thực trạng ấy hiện nay phản ánh những căng thẳng xã hội trong một giai đoạn lịch sử quan trọng, và thực trạng ấy sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển chính trị của đất nước là còn chưa chắc chắn.

K. H.