22.12.2015

Công đoàn độc lập: Những bước đầu gian khó trên mảnh đất Việt Nam

Công đoàn độc lập: Những bước đầu gian khó trên mảnh đất Việt Nam

Không cần phải chờ “thời gian ân hạn” sau 3 năm hay 5 năm, ngay vào lúc này, các quốc gia trong TPP cần chuẩn bị cơ chế chế tài đối với chính quyền Việt Nam về việc thực hiện công đoàn độc lập và cả tự do tôn giáo.

Chưa qua cầu đã rút ván

Công đoàn độc lập đang bắt đầu những bước chân gian khó rớm máu trên mảnh đất Việt Nam đầy thô ráp và dùi cui.


Ngay cả sau khi đoàn đàm phán Việt Nam đã đặt bút ký cam kết về định chế Công đoàn độc lập trong Hiệp định TPP, chính quyền quốc gia vừa “bỏ phiếu trắng bảo vệ nhân quyền” tại Liên hiệp quốc vẫn không muốn công bố bất cứ một từ ngữ nào về quyền lợi đương nhiên dành cho công nhân này.

Tháng 11.2015, trong khi báo chí nhà nước Việt Nam ồn ào thông tin về “Công bố toàn văn Hiệp định TPP”, cùng nhiều nội dung của bản văn cực kỳ quan trọng về kinh tế này đã được Bộ Công Thương – cơ quan chủ trì đàm phán TPP – công bố, đã không có bất cứ thông tin nào về công đoàn độc lập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cho đến nay Bộ Công Thương vẫn như giấu biệt nội dung về định chế này.

Những tin tức về nội hàm của công đoàn độc lập như một thành phần không thể thiếu trong TPP lại vẫn chỉ được đăng tải bởi các hãng báo đài quốc tế và mạng xã hội.

Cố tình không công bố thông tin về Công đoàn độc lập không chỉ là một thủ thuật xấu chơi của giới lãnh đạo Việt Nam, mà hành vi này còn vi phạm chính cam kết về việc phải công khai toàn bộ thông tin mà đoàn đàm phán TPP của Việt Nam đã hứa hẹn và ký kết.

Đến đầu tháng 12.2015 thì mọi chuyện càng trở lại không khí “qua cầu rút ván” như sau khi Việt Nam được vào WTO năm 2007: hai nhà hoạt động công đoàn là Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức đã bị công an Đồng Nai câu lưu và đánh đập khi họ cùng với luật sư tư vấn đến công ty Yupoong Vietnam ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, để bảo vệ quyền lợi cho các công nhân tại đây.

Sau cuộc trấn áp của công an Đồng Nai, Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức còn tiếp tục bị sách nhiễu. Nhà Minh Hạnh bị công an “kiểm tra hộ khẩu” và còn đòi khám xét cả phòng ngủ của cô.

Vào giữa tháng 12.2015, nhà cầm quyền Việt Nam còn trở chứng hơn hẳn khiến Liên minh châu Âu và cộng đồng quốc tế phẫn nộ: khởi tố và bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài – một nhà hoạt động nhân quyền và công đoàn độc lập.

Tình trạng đánh đập và bắt giữ vô lối trên xứng đáng là một cái tát đối với những hứa hẹn bất tận của giới lãnh đạo Việt Nam trước quốc tế. Trong thực tế, chính quyền Việt Nam đã vi phạm cam kết về Công đoàn độc lập ngay từ khi TPP còn chưa ráo mực.

Cần nhắc lại, những thông tin đầu tiên về công đoàn độc lập cho Việt Nam lại được công bố từ chính Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, khi ông đến nói chuyện tại nhà máy Nike ở bang Oregon vào đầu tháng 5.2015. Khi đó, ông Obama đã thông báo một chuyện có vẻ quá khó tin: lần đầu tiên Việt Nam sẽ phải để cho công nhân tự do thành lập các nghiệp đoàn của họ.

Thế nhưng thời điểm tháng 5 ấy lại là điểm ngoặt quyết định. Một thông tin ngoài lề cho biết chính vào thời điểm này, giới lãnh đạo chóp bu Việt Nam đã quyết định chấp nhận vô điều kiện định chế Công đoàn độc lập để Việt Nam có thể được vào TPP. Và thành “quà” cho chuyến đi Mỹ tháng 7.2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…

Bắt đầu ràng buộc

Mới đây, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski đã cứng rắn chưa từng thấy: “Chúng tôi có cách làm cho Việt Nam phải tuân thủ những cam kết trong Hiệp định TPP”.

Vào đầu tháng 12.2015, ông Tom Malinowski, đã có một cuộc gặp đáng chú ý với cộng đồng Việt Nam ở Washington. Lần đầu tiên, Malinowski đã giải đáp khá chi tiết về hướng thực hiện Công đoàn độc lập ở Việt Nam.
Có thông tin cho biết sau cuộc gặp trên, ông Malinowski sẽ thực hiện cuộc Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt cuối năm 2015. Một trong những nội dung quan trọng nhất của cuộc đối thoại này chính là Việt Nam sẽ phải cam kết cụ thể đến mức nào về việc triển khai thực hiện những cam kết về lao động trong TPP.

Thế nhưng cho tới lúc này và trước khi Quốc hội Mỹ họp để thông qua TPP, rất nhiều người đang lo ngại lịch sử của hậu WTO sẽ tái diễn khi Việt Nam không tuân thủ các yêu cầu về nhân quyền, về quyền của người lao động một khi được chính thức là thành viên của TPP.

Điểm đặc biệt là trong cuộc gặp ngày 4/12 với cộng đồng người Việt hải ngoại, ông Malinowski đã lần đầu tiên thông báo về việc TPP có cơ chế để ràng buộc Việt Nam trong việc thực thi các quyền của người lao động:
Hầu hết các yêu cầu đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi luật pháp và quốc hội Việt Nam phải thông qua các luật đó. Họ muốn thực hiện trong bao lâu thì tùy. Nhưng một khi quốc hội Mỹ thông qua TPP, nếu điều đó xảy ra, thì lúc đó, Việt Nam cũng vẫn chưa vào được TPP. Vào thời điểm đó, Việt Nam sẽ bắt đầu thực thi các cam kết. Và chỉ khi chúng tôi chứng nhận với quốc hội Mỹ rằng họ đã thực hiện tất cả các cam kết, thì lúc đó Việt Nam mới bắt đầu được miễn thuế và hưởng các lợi ích khác của TPP.

Trong quá khứ, các hiệp ước thương mại khác không đưa các điều khoản về quyền của người lao động vào trong quy trình giải quyết khiếu nại, nhưng TPP thì có”.

Malinowski cũng cho biết: TPP thiết lập một ủy ban song phương để giám sát việc thực hiện và báo cáo cho chúng tôi một khi phát hiện ra sai phạm và đề nghị biện pháp xử lý. Ủy ban đó sẽ gồm 3 thành viên độc lập với các chính phủ: một người do chính phủ Việt Nam đề cử, một do Hoa Kỳ chỉ định và một do ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế).

Hoa Kỳ sẽ định kỳ tái đánh giá quá trình thực hiện của Việt Nam. Nếu Việt Nam vẫn không để cho công đoàn độc lập được hình thành, thì những lợi ích về kinh tế tiếp theo sau thời điểm đó sẽ không được áp dụng. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho đây là yếu tố quan trọng vì các khoản miễn thuế đặc biệt quan trọng của TPP chỉ được chính thức áp dụng sau 5 năm hoặc 10 năm. Điều này cho phép Hoa Kỳ và các tổ chức xã hội, các nhà hoạt động có thời gian và công cụ để giám sát việc thực thi cam kết của Việt Nam.

Chế tài!

Vẫn có hy vọng phía Việt Nam sẽ không thể nuốt lời hậu TPP. Malinowski cho biết thêm: Cái mà chúng ta sẽ có là các cam kết bằng văn bản, cho phép các nhà hoạt động như thế có các quyền mà hiện giờ họ không có.

Chưa biết thái độ và hành động của Mỹ sẽ cứng rắn đến mức nào, nhưng trước mắt vẫn là thái độ và hành vi ém nhẹm thông tin về công đoàn độc lập của nhà nước Việt Nam. Điều này phản ánh một thực tế chưa mấy thay đổi, là nếu không có thêm những áp lực mạnh mẽ từ quốc tế, còn xa nữa mới có thể chứng kiến thái độ được coi là “thành tâm” của nhà nước này đối với các quyền tự do căn bản của công dân, như quyền tự do lập hội, quyền tự do báo chí, tự do biểu tình…

Cho tới nay, Việt Nam vẫn bị Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) xếp ở nhóm minh bạch thấp nhất trên thế giới.

Tin tức mới nhất là ngay cả Ngân hàng thế giới – một trong những nhà cho vay lớn nhất đối với Việt Nam – cũng đã dừng các khoản cho vay ưu đãi. Không những thế, tổ chức này cũng vừa trao cho chính phủ Việt Nam một bản khuyến nghị 7 điểm với khuyến nghị xếp đầu và chưa từng có: Việt Nam phải sớm ban hành Luật lập hội.

Ở vào thế gần như cùng kiệt về ngân sách và sản xuất kinh tế, chính quyền Việt Nam đang rơi vào tình trạng “khi đói đầu gối phải bò”. Những viên chức mang nặng thói quen vi phạm nhân quyền nhiều nhất đang đối mặt với nguy cơ bị đào thải bởi chính đồng chí của họ – những người cần đến phương Tây hơn.

Không cần phải chờ “thời gian ân hạn” sau 3 năm hay 5 năm, ngay vào lúc này, các quốc gia trong TPP cần chuẩn bị cơ chế chế tài đối với chính quyền Việt Nam về việc thực hiện công đoàn độc lập và cả tự do tôn giáo.

Chỉ có thế mới có hy vọng sẽ bắt đầu lộ trình thực hiện công đoàn độc lập và tự do đình công cho công nhân ở Việt Nam từ năm 2016.

Theo VOA