Tin tổng hợp liên
quan đến Biển Đông và Trung cộng
(ngày 30.12.2015)
Hoa Kỳ thay đổi sách
lược ở Biển Đông
Huffington Post
Trong địa chính trị, khi ngoại giao
hòa hoãn không hiệu quả sẽ là lúc cần đến ngoại giao răn đe. Đây cũng chính là
sự điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ ở Biển Đông trong bối cảnh Trung cộng tăng
cường hoạt động trái phép ở khu vực này, theo nhận định của tạp chí Mỹ Huffington
Post.
Tháng trước, trong một tín hiệu thể
hiện quyết tâm tăng cường hiện diện ở Biển Đông, Mỹ đã điều một trong các khu
trục hạm mang hỏa tiễn định hướng vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo
mà Trung cộng xây dựng phi pháp ở Trường Sa.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh
Trung cộng ngang nhiên đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo, tuyên bố
chủ quyền phi lý ở hầu hết Biển Đông – tuyến hàng hải lưu thông khoảng 5.000 tỷ
USD hàng hóa mỗi năm và được cho là có trữ lượng tài nguyên dầu và khí đốt
khổng lồ. Trung cộng hiện đã xây một đường băng phi pháp dài hơn 3km ở đây cùng
với một đài radar giám sát viện cớ “phòng vệ quân sự”.
Để kiểm soát các nguồn tài nguyên
thiên nhiên, Trung cộng có thể thực hiện chính sách ngoại giao “sức mạnh mềm” ở
châu Phi và Mỹ Latinh, nhưng ở vùng biển châu Á-Thái Bình Dương này Trung cộng
đang thực thi ngoại giao súng ống. Trung cộng một mặt kêu gọi các bên đàm phán
song phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, mặt khác cũng đe dọa các bên yếu
hơn và phản đối ASEAN làm trung gian đàm phán.
Kể từ vụ khủng bố 11/9/2001 ở Hoa Kỳ,
Trung cộng đặt cược rằng Mỹ quá chú tâm vào cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan
cũng như khủng hoảng kinh tế trong nước nên không thể đối trọng với Trung cộng
ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây
cho thấy Trung cộng đã lầm. Mỹ đã dùng chính sách ngoại giao hòa hoãn với hy
vọng giải quyết tranh chấp ở khu vực. Tại Diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức tại Hà
Nội tháng 7/2010, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton nhấn mạnh lợi ích của Mỹ
nằm ở việc tìm kiếm một giải pháp cho khu vực. Nhưng kêu gọi đó đã bị “bỏ ngoài
tai”, Trung cộng tiếp tục xây căn cứ quân sự ở khu vực.
Mỹ buộc phải chuyển chiến lược ngoại
giao từ hòa hoãn sang răn đe. Cụ thể, năm ngoái, Mỹ đã ký kết một thỏa thuận
mang tính bước ngoặt với Úc, theo đó các tàu chiến của Mỹ được phép đồn trú tại
các căn cứ quân sự của Úc. Mỹ cũng tìm cách kéo Miến Điện xa dần Trung cộng với
việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Miến Điện, thúc đẩy cải cách dân chủ
ở đây. Ngoài ra, Mỹ cũng xây các tuyến đường nối ở Lào và Campuchia để thử
thách Trung cộng.
Thực tế, Hoa Kỳ không còn lựa chọn
nào khác ngoài thúc đẩy chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương,
nhất là khi ASEAN vẫn còn bị chia rẽ, để có thể tạo liên minh đối trọng Trung
cộng. Mỹ phải tìm cách tái cân bằng lực lượng trong khu vực, đồng nghĩa với
việc có thể kéo theo rủi ro đối đầu
Ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton được cho là hiểu rất rõ
về chiến lược này. Bà đã lên tiếng ủng hộ chiến lược xoay trục sang châu Á khi
còn làm Ngoại trưởng Mỹ. Trong một bài bình luận đăng trên tạp chí Foreign
Policy, bà Hillary từng nhấn mạnh: “Tương lai chính trị nằm ở châu Á, không phải Afghanistan hay
Iraq, và Mỹ phải là trung tâm hành động”.
Tạp chí National Interest bình luận,
nếu bà Hillary trở thành tổng thống Mỹ, bà sẽ nhanh chóng tìm cách giải quyết
các thách thức trong khu vực trong nỗ lực nhằm củng cố vị thế của Mỹ và hồi
sinh chính sách xoay trục mà bà từng dẫn dắt.
Phi Luật Tân tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển
Lực lượng bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân – Ảnh: Joint
Special Operations Task Force
-Philippines
Manila
Bulletin ngày 28.12 dẫn lời phó đô đốc William Melad, quyền chỉ huy Lực lượng
bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân (PCG), cho biết sẽ tuyển thêm gần 1.000 quân nhân
trong năm tới để tăng cường năng lực hàng hải bên cạnh việc tiếp nhận các tàu
mới... Đợt tuyển dụng quy mô lớn này sẽ nằm trong ngân sách từ Cơ quan quản lý
và ngân sách Phi Luật Tân.
Trong năm 2015, Manila đã tuyển thêm 1.452 nhân sự cho lực lượng PCG, đưa
lực lượng hiện tại lên 8.807 người.
Những người mới tuyển dụng sẽ được đào tạo đặc biệt. Người phát ngôn Armand
Balilo của PCG cho biết một số sẽ được phân công lên 3 chiếc tàu của Nhật và 4
chiếc của Pháp sẽ được giao cho Phi Luật Tân trong năm sau.
“Những chiếc tàu sẽ được triển khai
tại các tỉnh và một số khu vực trên biển tây Phi Luật Tân (tên Phi Luật Tân
gọi Biển Đông)” – ông Balilo nói.
Lực lượng PCG Phi hiện đang thiếu hụt nhân sự và các đợt tuyển dụng mới
cũng không thể đáp ứng được mục tiêu đạt trên 10.000 nhân sự trước khi Tổng
thống Benigno Aquino kết thúc nhiệm kỳ trong năm sau.
Phi Luật Tân có hơn 36.289 km bờ biển, đồng nghĩa với việc chỉ có một người
bảo vệ trên mỗi kilômet bờ biển.
Trong khi đó, Hải quân Phi đã nhấn mạnh vai trò của PCG trong việc bảo vệ
các vùng lãnh hải quốc gia trước các động thái gây hấn của Trung cộng.
Trong diễn biến khác, trang Navy Today của lực lượng Hải quân Trung cộng
hôm 29-12 đưa tin Bắc Kinh sẽ triển khai thêm ba tàu mới đến Biển Đông trong
cuối tuần này.
Ba chiếc tàu gồm tàu vận tải Luguhu, tàu trinh sát Haiwangxing và tàu khảo
sát ngoài khơi Qianxuesen dự kiến đến quần đảo Hoàng Sa vào thứ sáu 1-1-2016. Tàu
trinh sát có khả năng hoạt động trong bất kỳ thời tiết nào trong khi tàu khảo
sát chủ yếu làm nhiệm vụ đo đạc các vùng biển và đảo.
Những bóng ma trên Biển Đông
Nikkei Asian Review
Tàu Cảnh sát biển Trung cộng – những bóng ma reo rắc nỗi kinh
hoàng trên Biển Đông. Ảnh: Talk Vietnam.
Humphrey Hawksley, một chuyên gia
về châu Á ngày 29/12 bình luận trên Nikkei Asian Review, châu Á cần
phải tự điều chỉnh mình trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Nếu để
Trung cộng và Hoa Kỳ đối đầu nhau ở Biển Đông thì cả khu vực Đông Nam
Á có thể trở lại tình trạng ảm đạm của chiến tranh nửa thể kỷ
trước khi biến thành chiến trường của các siêu cường.
Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi nằm
ngoài khơi cách bờ biển Việt Nam 32 km, đồng thời cũng nằm ngay trên
cạnh đường lưỡi bò (phi lý, bành trướng) của Trung cộng đòi “chủ
quyền” với 90% diện tích Biển Đông. Dân số trên đảo khoảng 20 ngàn
người và mới chỉ được dùng điện lưới quốc gia từ năm ngoái.
Từ xa xưa, các tàu cá ở Lý Sơn
đã khai thác, đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam)
mà không bị cản trở, nơi cách đảo 320 km. Nhưng từ khi Trung cộng thúc
đẩy yêu sách lưỡi bò đã đẩy ngư dân Lý Sơn vào trung tâm của một vấn
đề quốc tế ngày càng căng thẳng.
Những tàu cá Lý Sơn cứ 10 ngày
lại một lần vươn khơi, mỗi chuyến đánh bắt xa bờ cũng khai thác được
lượng hải sản trị giá khoảng 5000 USD. Nhưng trừ tiền nhiên liệu,
tiền công thợ thuyền, tuy nguồn cá cung cấp đầy đủ và dồi dào nhưng
không nghĩa là cuộc sống của ngư dân đã giàu có, xa hoa.
Ngày nay, ngư dân Việt Nam thường
xuyên gặp rắc rối với lực lượng Cảnh sát biển, Ngư chính Trung cộng.
Chúng thường xuyên ngăn chặn, đâm thủng tàu thuyền, làm hư hỏng thiết
bị, trộm cướp nguồn cá và đánh đập ngư dân Việt Nam.
Ông Võ Văn Giàu, một ngư dân 42
tuổi ở Lý Sơn cho biết: “Họ đã phá
hủy tất cả mọi thứ trong cabin và trên boong tàu. Sau đó họ ấn tôi
quỳ xuống như thế này và đánh tôi bằng dây thép và một cái vồ bằng
gỗ”, ông Giàu siết chặt nắm tay sau gáy và tự ấn đầu mình xuống
để diễn tả lại cảnh bị bắt bớ.
Trong con mắt của Bắc Kinh,
những ngư dân Việt Nam như ông Giàu đã “phạm tội” (?!). Trong hầu hết
các vấn đề liên quan đến Biển Đông, Bắc Kinh luôn từ chối thảo luận
hay cung cấp thông tin chi tiết những vụ việc như của Võ Văn Giàu.
Ngư dân Lý Sơn Võ Văn Giàu, ảnh: Nikkei Asian Review/Poulomi Basu.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn ngăn
chặn mọi nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, kể cả của Tổng
thống Barack Obama và Thủ tướng Shinzo Abe tại hội nghị thượng đỉnh
Đông Á tháng 11 vừa qua ở Kuala Lumpur, Mã Lai Á.
Mục đích của Bắc Kinh là đối
phó trực tiếp với Việt Nam và Phi thông qua đàm phán song phương, sử
dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình để buộc đối phương chấp
nhận những gì họ muốn. Nhưng kế hoạch đó của Bắc Kinh có rất ít cơ
hội thành hiện thực.
Bằng cách đâm húc tàu cá Việt
Nam, đánh đập ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa, Bắc Kinh đã cố ý để lộ
cái nhìn thoáng qua về những gì có thể xảy ra nếu va chạm trong khu
vực. Đó là những bóng ma ám ảnh, ảm đạm nhất ở Biển Đông mà Bắc
Kinh sử dụng hòng kiểm soát khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Một giải pháp thích hợp nhất
hiện nay là Trung cộng và phần còn lại của châu Á nỗ lực đàm phán
một thỏa thuận mà quốc tế chấp nhận được. Ngoài ra Bắc Kinh cũng
phải nhận ra rằng, đánh đập ngư dân nước khác không phải sự lựa chọn
khôn ngoan. Những hành động côn đồ ấy kết hợp với thái độ thiếu
thiện chí đàm phán từ phía Trung cộng cho đến nay đã đẩy cả khu vực
về phía Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và những nước khác.
Tin Tổng Hợp