“Lần này Đảng CSVN đưa ra dự luật về
trưng cầu dân ý chẳng khác nào trước đây họ hứa hẹn đưa ra Luật biểu tình…
nhưng chẳng bao giờ xảy ra.”
Trưng Cầu Dân Ý:
Định bịt mắt ai?
Đỗ Đăng Liêu
Vào ngày 25.11.2015
vừa qua, Quốc Hội CSVN đã thông qua cái gọi là "Luật Trưng Cầu Ý
Dân", và ấn định là Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2016, tức là hơn 7
tháng nữa.
Bản tin khi được
loan tải còn kèm theo câu đánh bóng: "Đây
là dự luật nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân và cử tri cả nước với
những nội dung đề cao tính dân chủ, đảm bảo quyền công dân theo tinh thần Hiến
pháp 2013."
Sự thực như thế
nào? Trưng cầu dân ý là gì? Và tác động thực sự của việc thông qua dự luật này
tại quốc hội CSVN là gì?
Trưng cầu dân ý
căn bản là hỏi ý dân, và thường là liên quan đến những quyết định thay đổi Hiến
Pháp hay những vấn đề tế nhị mà cơ cấu lập pháp là Quốc Hội cảm thấy khó tự lấy
quyết định.
Trưng cầu dân ý
thường chỉ xảy ra trong các quốc gia dân chủ vì đơn giản là các nước độc tài,
với bản chất độc đoán, chẳng bao giờ thèm hỏi ý dân.
Vì vậy, việc nhà
nước CSVN, với bản chất độc tài độc đoán, bày ra trò trưng cầu dân ý không khỏi
làm người ta thắc mắc, tự hỏi ẩn ý của việc làm này của Đảng CSVN là gì?
Câu trả lời rất
đơn giản là một lần nữa CSVN lại áp dụng nguyên tắc “bóp cổ” và “nới tay” để
cho người dân cảm thấy được “tôn trọng” qua cảm giác (bị lừa) được thở chút
không khí tự do (không có thật) mà bớt đi sự căng thẳng đối với Đảng và Nhà
nước.
Lần này Đảng CSVN
đưa ra dự luật về trưng cầu dân ý chẳng khác nào trước đây họ hứa hẹn đưa ra
Luật biểu tình… nhưng chẳng bao giờ xảy ra.
Mục tiêu của CSVN
nhắm vào hai chủ đích:
Thứ nhất, tạo ảo
giác rằng chế độ CSVN đang bắt đầu lắng nghe ý kiến của dân hầu “xả bớt sự căm
phẫn.”
Thứ hai, tìm cách
câu giờ trong lúc loay hoay chuẩn bị thế hạ cánh an toàn trước những áp lực
thay đổi của tình thế.
Theo như Luật trưng
cầu dân ý, những vấn đề được mang ra trưng cầu ý kiến người dân dựa trên: Toàn
văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt
quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại
có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về
kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước hoặc vấn đề
đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Nếu coi chủ quyền,
lãnh thổ quốc gia, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia thì
ba vấn đề sau đây không thể không nằm trong đề mục trưng cầu dân ý. Đó là định
hướng chủ nghĩa xã hội; vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của đảng CSVN và vấn
đề quốc doanh và tư doanh nắm vị trí chủ đạo trong nền kinh tế.
Đây là ba vấn đề đang
làm trì trệ đất nước và kéo giật lùi Việt Nam trong khi những lân quốc như
Campuchia, Lào, Miến Điện lần lượt vượt xa đất nước Việt Nam.
Do đó, nếu trưng cầu
dân ý, CSVN nên hỏi thẳng người dân 2 câu hỏi sau:
1/ Giữ hay bỏ điều
4 Hiến Pháp, và
2/ Giữ hay bỏ Định
Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Câu trả lời chỉ là GIỮ hay BỎ.
Thêm nữa, trong tình
hình hiện nay, việc tổ chức trưng cầu dân ý phải do một cơ chế độc lập chứ không
thể giao cho Quốc Hội hay Mặt Trận Tổ Quốc. Cơ chế hợp lý nhất nhằm thực thi trưng
cầu dân ý nên là sự hợp tác giữa các đoàn thể xã hội dân sự độc lập và Mặt Trận
Tổ Quốc.
Nói tóm lại, việc
Quốc Hội CSVN thông qua luật trưng cầu dân ý là điều đáng ca ngợi nếu Đảng CSVN
tức khắc (chứ không hứa hẹn suông để câu giờ) tổ chức trưng cầu dân ý với 2 câu
hỏi sau: 1/ Giữ hay bỏ Điều 4 Hiến Pháp, và 2/ Giữ hay bỏ định hướng Xã Hội Chủ
Nghiã.
Nếu không làm được
như vậy thì "trưng cầu dân ý" chỉ còn là một màn diễn thô kệch, nhàm
chán và … phí tiền của dân như bao màn diễn khác!