Báo Thái Lan cảnh báo máy bay
Trung cộng gây nguy hiểm ở Biển Đông
Đánh giá về việc Trung cộng điều máy bay đến và đi ở Trường Sa mà không
thông báo, tờ Bangkok Post cho rằng Bắc Kinh đang tạo ra một tình huống nguy
hiểm.
Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (vòng xanh) nằm sát khu
vực quần đảo Trường Sa.
Theo Bangkok
Post, căng thẳng lại một lần nữa gia tăng trong tranh chấp Biển Đông. Sự nguy
hiểm trước mắt là các chuyến bay đến và đi của Trung cộng giữa lãnh thổ của họ ở Trung Hoa đại lục và
đảo Hải Nam, tới những thực thể họ đang cải tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt
Nam. Các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã coi các chuyến bay này như các tuyến
đường nội địa. Không quân và các công ty dân sự của Trung cộng bay trên Biển Đông mà không hề thông báo,
Bangkok Post nhận xét đây là một động thái rất nguy hiểm.
Việt Nam cho
biết, ngày 1-8/1, Trung cộng đã thực
hiện 46 chuyến bay vào vùng thông báo bay (FIR) Sài Gòn mà không nộp kế hoạch
bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết
lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Sài Gòn, trái với quy định
của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên Hợp Quốc (ICAO).
Cục Hàng
không dân dụng Việt Nam (CAAV) khẳng định chuyến bay của Trung cộng đe dọa sự an toàn của tất cả các chuyến bay
trong khu vực. Việt Nam đã trao công hàm phản đối với Trung cộng và gửi thư thông báo về sai phạm của Bắc Kinh
lên ICAO.
Ngoại trưởng
Phi Luật Tân Albert del Rosario cho biết ông sẽ đưa vấn đề an toàn này ra
ASEAN. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng Trung cộng có thể đang xem xét thiết lập một Vùng nhận
dạng phòng không (ADIZ) và sẽ đòi hỏi tất cả các chuyến bay nước ngoài phải
nhận dạng khi bay vào vùng Trung cộng coi là lãnh thổ.
Bangkok Post
cho rằng, lập trường của Trung cộng là
không thể chấp nhận được. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích
Biển Đông, đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Phi Luật Tân, Việt Nam,
Brunei và Mã Lai Á. Việt Nam, Phi Luật Tân và nhiều nước khác đều không công
nhận yêu sách chủ quyền của Trung cộng . Hà Nội khẳng định có chủ quyền không
thể tranh cãi với Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung cộng đã tạo ra những rủi ro an toàn lớn với các
chuyến bay đi, đến và trên quần đảo Trường Sa, nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ
quyền. Bangkok Post đánh giá rằng Trung cộng đã đi sai đường khi làm vậy. Các chuyến bay Trung
cộng đi qua vùng trời có mật độ cao,
được sử dụng bởi nhiều hãng hàng không từ hàng chục quốc gia. Bất kể phi cơ nào
bay qua đó mà không thông báo công khai đều đặt tất cả các máy bay vào nguy
hiểm. “Đó là một
quyết định tồi tệ của Trung cộng , và nên được hủy bỏ ngay lập tức”,
Bangkok Post viết.
Báo Thái Lan
cũng đánh giá rằng “một lần nữa, Trung cộng lại tạo ra căng thẳng và rủi ro mà không có lý
do chính đáng”. Ngoài yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông, các
chuyến bay không được thông báo này sẽ khiến Trung cộng càng phải hứng chịu chỉ trích và phản đối từ
quốc tế. Tờ này cho rằng, Trung cộng ít
nhất phải đồng ý thực hiện tất cả nỗ lực để tạo ra mức an toàn hàng không cao
nhất có thể.
Cuối cùng,
Bangkok Post kết luận, đây là tình thế mà Cộng đồng ASEAN mới thành lập có cơ
hội thể hiện mong muốn và khả năng hoạt động. ASEAN cần tiếp cận Trung cộng với tư cách là một nhóm đoàn kết, gây sức ép
khiến Bắc Kinh phải thực hiện đúng tiêu chuẩn an toàn hàng không.
Trung cộng ngang ngược tuyên bố có quyền bay ở Đá Chữ
Thập
Bất chấp kháng nghị của Việt Nam và
các quy định quốc tế về an toàn hàng không, hôm qua (11/1/2015), Người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Hồng Lỗi
đã ngang ngược tuyên bố nước này có quyền bay thử nghiệm ở bãi Đá Chữ Thập,
thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) mà không cần thông báo trước cho phía
Việt Nam.
2 máy bay Trung
cộng chở người hạ cánh trái phép ở bãi
Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 6/1/2016
Đây là câu
trả lời của ông Hồng Lỗi cho câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng
của Trung cộng trước việc Cục trưởng
Hàng không Dân dụng Việt Nam Lại Xuân Thanh nói rằng đã gửi công hàm kháng nghị
tới Trung cộng và Tổ chức Hàng không Dân
dụng quốc tế (ICAO), nói rằng máy bay Trung cộng bất chấp nguyên tắc của Tổ chức Hàng không Dân
dụng quốc tế, bay qua vùng biển Việt Nam trong tình hình không cung cấp lịch
trình bay và không liên lạc vô tuyến với Trung tâm Không lưu Việt Nam, đe doạ
đến an toàn bay trong khu vực.
Không chỉ
ngang ngược tự cho Bắc Kinh cái quyền bay ở bãi Đá Chữ Thập, ông Hồng Lỗi còn
ngang nhiên bao biện rằng, việc Trung cộng tiến hành hoạt động bay thử nghiệm sân bay mới
xây dựng trên đá Vĩnh Thử (tên Trung cộng gọi bãi Đá Chữ Thập – PV) hoàn toàn là công
việc nằm trong phạm vi cái gọi là “chủ quyền” của Trung cộng và cơ quan của Liên Hiệp Quốc – Tổ chức Hàng
không Dân dụng quốc tế không có thẩm quyền đối với các “chuyến bay nhà nước”
này.
“Các chuyến bay không bị ràng buộc bởi Công
ước về Hàng không dân dụng quốc tế và các quy định có liên quan của Tổ chức
Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO). Chúng hoạt động theo quyền độc lập chủ
quyền của nhà nước”, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Hồng Lỗi phát biểu trong buổi họp báo thường
kỳ hôm qua.
Bên cạnh đó,
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng cũng phủ nhận các chuyến bay thử nghiệm mà
nước này tiến hành gần đây ở bãi Đá Chữ Thập đã ảnh hưởng đến an toàn khu vực,
hay vi phạm các quy định về an toàn hàng không.
Trước đó,
ngày 6/1/2016, Trung cộng điều hai máy
bay thương mại đáp xuống đường băng mà Bắc Kinh đã xây dựng phi pháp trên bãi
Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chỉ 4 ngày sau khi có hành
động tương tự.
Phản ứng
trước việc Trung cộng đáp máy bay xuống
bãi Đá Chữ Thập, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phản đối
hành động của Bắc Kinh xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với
quần đảo Trường Sa.
Cục Hàng
không Việt Nam hôm 8/1/2016 đã gửi thông báo tới ICAO về việc liên tiếp có máy
bay uy hiếp an toàn bay vùng thông báo bay Sài Gòn. Từ ngày 1 đến 8/1, Trung
cộng đã thực hiện 46 chuyến bay vào vùng
thông báo bay Sài Gòn (FIR) để tới bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa
của Việt Nam. Riêng sáng 8/1, có 4 chuyến bay vào và ra FIR sài Gòn.
Theo Cục
Hàng không Việt Nam, từ đầu tháng 1/2016, nhiều máy bay không được xác định đã
ảnh hưởng nghiêm trọng và uy hiếp an toàn đến các hoạt động bay trong khu vực.
Các phương tiện hoạt động trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh, nhưng
không liên lạc với cơ quan không lưu phụ trách theo quy định quốc tế về an toàn
bay. Từ 28/12/2015 đến nay, các cơ quan quản lý bay của Việt Nam không hề nhận
được bất kỳ thông báo bay nào của phía Trung cộng liên quan đến hoạt động bay đến bãi Đá Chữ
Thập của Việt Nam.