05.01.2016

Nhật Bản phát triển kế hoạch kiềm chế Trung cộng ở Hoa Đông

Nhật Bản phát triển kế hoạch kiềm chế Trung cộng ở Hoa Đông
Reuters
Nhật Bản đang phát triển các kế hoạch nhằm thiết kế chiến lược riêng “Chống xâm nhập/Khu vực cấm” (viết tắt là A2/AD) nhằm chống lại sức mạnh của Hải quân Trung cộng trong thời gian tới.

Hệ thống tên lửa Type 88 của Nhật Bản (Ảnh: National Interest)

Hãng tin Reuters ngày 4/1 đã có bài viết đánh giá về chiến lược A2/AD riêng của Nhật Bản. Theo đó, Tokyo đang lên các phương án bằng cách xây dựng các hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm ở dọc 200 hòn đảo tại vùng biển Hoa Đông trải dài khoảng 1.400 km từ nước này hướng tới Đài Loan.
Kế hoạch lắp đặt các hệ thống tên lửa trên dù không còn là bí mật nhưng lần đầu tiên được giới chức Nhật Bản đề cập tới như cách nhằm “giữ chân”
Trung cộng ở phía Tây Thái Bình Dương. Các tàu chiến của Trung cộng từ vùng biển phía Đông Thái Bình Dương sẽ phải đi qua các hệ thống tên lửa dày đặc của Nhật Bản nếu muốn sang vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Đây được đánh giá là tuyến hàng hải mang tính sống còn với Bắc Kinh ở cả khía cạnh là tuyến tiếp nối giữa Thái Bình Dương và các đại dương khác trên thế giới, cũng như là nơi để Hải quân Trung cộng vươn xa.

Trong vòng năm năm tới, Nhật Bản sẽ tăng cường các đơn vị thuộc Lực lượng phòng vệ (SDF) trên các hòn đảo tại Hoa Đông. Theo kế hoạch, bên cạnh việc đặt kế hoạch khoảng 10.000 binh sĩ cùng với các hệ thống hỏa tiễn và trạm radar, các đơn vị đóng trên đảo cũng sẽ nhận được sự yểm trợ từ các lực lượng thủy quân lục chiến đóng trên đất liền hay các tàu ngầm có khả năng “tàng hình”, phi cơ chiến đấu F-35, tàu đổ bộ thế hệ mới, hàng không mẫu hạm cỡ lớn và Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đóng tại thành phố Yokosuka.

Theo đánh giá của tạp chí National Interest của Mỹ, chiến lược A2/AD đã được đề cập tới trong cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ trong nhiều năm qua. Ông Toshi Yoshihara, cựu cộng tác viên của tạp chí National Interest và hiện đang là giáo sư tại Đại học Hải quân Mỹ, cũng đã nhắc tới ý tưởng triển khai chiến lược A2/AD của Nhật Bản trong một cuộc thảo luận tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) hồi năm 2014.

Giáo sư Yoshihara đánh giá quần đảo Ryukyu có thể yểm trợ cho các lực lượng chống tiếp cận của Nhật Bản. Ví dụ, các hệ thống hỏa tiễn chống hạm và phòng không trải dài ở quần đảo Ryukyu sẽ dựng lên một rào cản đối với bất cứ tàu thuyền nào muốn đi qua. Khi xảy ra xung đột, một hệ thống cản trở có hiệu quả như vậy sẽ làm bất cứ chỉ huy nào của Quân giải phóng nhân dân Trung cộng (PLA) “đau đầu” trong việc tìm cách đi qua những “cánh cổng này”. Nhờ vậy, chiến lược chống tiếp cận của Nhật Bản có thể trói chặt khả năng chiến đấu của quân đội Trung cộng, trong khi làm suy kiệt binh lực và vũ khí của Bắc Kinh. Tuy nhiên, cũng có khả năng giới chức Trung cộng cân nhắc phương án tấn công “phủ đầu” các hệ thống của Nhật Bản trên những hòn đảo ở biển Hoa Đông.

Theo Giáo sư Yoshihara, Trung cộng sẽ không dễ dàng phá hủy các hệ thống hỏa tiễn mà Nhật Bản đặt: “Bất cứ nỗ lực nào nhằm loại bỏ mối đe dọa tới từ các hệ thống tên lửa của Nhật Bản cũng bắt buộc PLA mở một mặt trận trải dài khoảng 960km. Chiến dịch đánh phủ đầu của Trung cộng, bao gồm không quân và các loại tên lửa chiến thuật, đòi hỏi nhiều yếu tố cũng như đạn dược. Kết quả thu lại được có thể gây thất vọng, như lần liên quân thất bại trong chiến dịch “Scud hunt” trong cuộc chiến vùng Vịnh. Tấn công bằng đường bộ là cách hiệu quả nhất nhằm phá huỷ các hệ thống hỏa tiễn trên các đảo nhưng cách này tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Các loại vũ khí đa dạng, dễ thiết lập và có giá thành thấp như hệ thống hỏa tiễn chống hạm và phòng không Type 88, Type 12 hay các đơn vị phòng không khác của Nhật Bản có thể lôi kéo Trung cộng vào một cuộc chiến dài hơi và tốn kém hơn. Nhưng đổi lại, Trung cộng có thể chỉ giành được phần ít lãnh thổ có giá trị tại biển Hoa Đông và đối diện những viễn cảnh không chắc chắn nếu không đủ khả năng vượt qua được các hệ thống phòng thủ của Nhật Bản bố trí tại vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Ngoài ra, những đầu tư khiêm tốn nhất cho các lực lượng của Nhật Bản như vậy có thể kéo căng lực lượng của Trung cộng, qua đó giúp Nhật Bản có nhiều không gian tác chiến cần thiết hơn”, Giáo sư Yoshihara đánh giá.

Quyết định thiết lập các hệ thống hỏa tiễn chống hạm và phòng không tới quần đảo Ryukyu trong thời gian ngắn cho thấy quyết tâm của chính phủ Nhật Bản, cũng như mở ra khả năng phát triển chiến lược A2/AD cho nước này để sử dụng trong thời điểm xảy ra khủng hoảng. Các đơn vị “đánh chặn” của SDF sẽ hạn chế các loại vũ khí tầm xa mà PLA đang đặt trong khu vực và nhằm vào Nhật Bản. Kiềm chế Trung cộng theo không gian địa lý như vậy sẽ giảm nguy cơ leo thang xung đột và yểm trợ chiến lược chủ động phòng ngự của Tokyo, cũng như thúc đẩy quan điểm giải quyết bất đồng bằng ngoại giao và đàm phán của nước này trên trường quốc tế”.

Kế hoạch tăng cường phòng vệ và giới hạn khả năng hoạt động của Hải quân Trung cộng ở vùng biển Hoa Đông được đánh giá là một chiến lược sắc sảo. Tuy nhiên, Tokyo cần phải cẩn trọng trước việc Trung cộng đang phát triển các hệ thống hỏa tiễn có sức công phá mạnh và tầm xa, đủ để nhắm tới các mục tiêu trong lãnh thổ Nhật Bản hay các căn cứ của đồng minh.

Theo National Interest