16.01.2016

Sáng mắt sáng lòng - Dương Đình Giao

SÁNG MẮT SÁNG LÒNG -
Quả thật, đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng

Dương Đình Giao

Trong những chuyến đi, thường sau bữa ăn chiều, chúng tôi đi dạo qua phố xá nơi dừng chân một lát rồi về nơi nghỉ, nằm chuyện trò trước khi dần đi vào giấc ngủ. Hôm ấy, ngồi ăn cơm, nghe chương trình ti vi, thấy có nói đến một cuộc vận động gì đó của đảng, một anh cất tiếng hỏi:

- Hình như bốn anh em mình ở đây đều trong sạch, không có anh nào là đảng viên thì phải?

Không thấy ai có phản ứng gì, anh nói tiếp:

- Kể cũng thú vị đấy! Lát nữa về phòng, mỗi người nói thử lý do vì sao sống ngần ấy năm trong “bão táp cách mạng” mà lại không thành đảng viên nhé!

Tất cả cười vui vẻ tán thành. Vừa là chuyện vui buổi tối, vừa qua đó để hiểu thêm về nhau.

Vừa đặt mình lên giường, anh Vũ lên tiếng:

- Nói thật với các ông, tôi đã trót vào đảng đấy, không được trong sạch như các ông đâu!


Ai nghe cũng bất ngờ, vì Vũ là nhân vật hay có những nhận xét mang tính “vô chính phủ”, thậm chí “phản động” nhất.

- Ông vào đảng từ bao giờ?

- Tôi vào khi ở bộ đội hồi chống Mỹ. Làm cái thằng đàn ông, không thể ngại khổ mà trốn việc khó khăn, không thể sợ chết mà hèn nhát nên người ta kết nạp, mặc dù mình cũng chẳng thích. Phục viên về đi học đại học, rồi đi làm, sống trong cảnh “trong chán ngoài thèm” nhưng không biết làm thế nào. Nhưng tới năm 91, về “một cục” thì tôi bỏ luôn cho nó nhẹ nợ.

Anh Thanh tiếp lời:

- Tôi thì có muốn vào đảng cũng không được. Đến đại học còn không dám thi, sao vào được đảng.

Hóa ra gia đình anh thuộc thành phần lớp trên, nhà giàu có vào loại được xếp hạng ở Hà Nội trước đây. Cả nhà anh từ cha mẹ đến mấy anh em đều khốn khổ khốn nạn hồi cải tạo khoảng 1958 – 1960. Học giỏi cả nhưng chẳng ai vào được đại học.

Dũng thủng thẳng:

- Tôi thì đơn giản lắm. Sau khi Thủ đô giải phóng vài năm, hai ông anh tôi học đại học ở Hà Nội. Nghỉ hè về, trong một bữa cơm, hai người nói chuyện đoàn, chuyện đảng. Ông bố tôi nhẹ nhàng bảo: “Đảng phái, phe cánh là chuyện chẳng hay ho gì đâu! Đất nước giờ đã yên hàn rồi, chí thú mà làm ăn, giữ cái tử tế của nếp nhà, các con ạ!”.
Nghe lời cụ, anh em tôi chẳng ai đảng phái gì.

Không ngờ ba người bạn nói mấy câu đã xong. Tôi thì không đơn giản như thế.

Gia đình tôi trước 1945 dù không giàu có nhưng cũng thuộc loại khá giả. Thế mà hai bên nội và ngoại nhiều người đã tham gia Việt minh (chỉ vì ghét áp bức, thấy nhục nhã bởi thân phận người dân mất nước). Tới khi kháng chiến chống Pháp cả đại gia đình đã lên Việt Bắc hưởng ứng lời kêu gọi “đi tản cư là yêu nước”. 1954, trở về sau Thủ đô giải phóng, rất nhiều người thuộc thế hệ trước tôi, chú bác cô dì, đều trở thành đảng viên.

Từ khi còn quàng khăn đỏ, sinh hoạt đội thiếu niên, tôi đã được dạy thấm nhuần “lý tưởng”, suốt đời “sáng ngời hai chữ “đê vê” (“đ v”, còn nhỏ là đội viên, lớn lên trở thành đoàn viên và tới khi trưởng thành tất yếu phải thành đảng viên). Hình ảnh những đảng viên hy sinh trong tù ngục đế quốc qua các hồi ký “Nhân dân ta rất anh hùng”, “Lên đường thắng lợi”, … kể những tấm gương của các chiến sĩ cách mạng xuất bản nhân kỷ niệm 30 năm thành lập đảng (1960) vô cùng hấp dẫn thế hệ trẻ lúc ấy. Trong tâm trí non nớt tuổi thơ ấu, hình ảnh người chiến sĩ cộng sản “những người chiến sĩ vô danh, trong những chiều hoàng hôn rực đỏ, từ giã quê hương ra đi. Anh đã ngã xuống trong ngục tối, hay trên trận tuyến, dưới ánh sao đêm trên đỉnh núi, hay trên bờ biển xa xôi” (lời một bài hát của Hoàng Vân) luôn hiện lên như những vì sao lấp lánh. Rồi bài hát của một nhạc sĩ quen biết vượt lên nỗi đau riêng, phổ thơ của A-ra-gông, một nhà thơ cộng sản Pháp vang lên trong giọng hát của Trần Khánh, Trần Thụ náo nức lòng lớp trẻ “Đảng của tôi ơi, người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”. Rồi những tấm gương ông bà, cha mẹ trước mắt, đều là những con người rất đáng ngưỡng mộ. Con đường của mình sao khác được?

Nhưng từ khi vào đại học, tiếp xúc với nhiều đảng viên học cùng lớp (khóa chúng tôi học năm ấy mỗi lớp chỉ có khoảng hơn chục người là học sinh phổ thông, còn lại đều là cán bộ đi học, đảng viên nhiều người đều là học viên Bổ túc công nông, chỉ cần học 2 năm là từ trình độ biết đọc biết viết, qua cả cấp 2 và cấp 3 để vào đại học, họ cho rằng học các môn khoa học xã hội dễ, trong khi nhu cầu đang cần nhiều cán bộ tuyên giáo hay đảng viên trong các trường học, nhất là sau vụ Nhân văn – Giai phẩm, Đất mới), hình ảnh đảng viên không còn lung linh như trong óc tôi tuổi thơ dại. Sau này, khi đã trưởng thành, tôi mới hiểu, từ cải cách ruộng đất, đảng viên không còn là những người hiểu biết, giác ngộ lý tưởng, dám xả thân hoàn toàn vì nước vì dân nữa.

Đến khi ra trường, trở thành giáo viên, trong các nhà trường, đảng viên thường là những người xuất thân từ bộ đội hoặc giáo viên cấp 1, cấp 2, dù đã qua chuyên tu, tại chức, nhưng tôi luôn thấy họ là những người hiểu biết hạn hẹp, ngoài những nghị quyết, đường lối của đảng họ hầu như không cần biết cái gì khác, sống theo một khuôn phép máy móc vô cùng cứng nhắc. Thí dụ họ coi tất cả các bản nhạc không có lời ca ngợi chiến đấu, sản xuất, thi đua, … đều là nhạc của “địch”; học tiếng Anh, tiếng Pháp là một tội lỗi vì đó là thứ tiếng của thực dân đế quốc, nếu không có ý theo “địch”, làm tay sai cho “địch” thì học để làm gì?…Trong những đợt học tập chính trị, thật không có gì chán hơn khi phải nghe các vị đảng viên nhắc lại như con vẹt nghị quyết mà có khi họ cũng chẳng hiểu…Thấy tôi xuất thân từ một gia đình có nhiều người là đảng viên, trong công việc luôn có tinh thần trách nhiệm, cũng có những lần tôi được gợi ý tham gia sinh hoạt “cảm tình đảng” nhưng tôi thường tìm cách né tránh vì còn rất phân vân.

Có một câu hỏi mà chưa đảng viên nào thuyết phục được tôi: Vì sao cần vào đảng mới có thể phấn đấu cho lý tưởng? Chẳng lẽ thực hiện lý tưởng cộng sản là đặc quyền của đảng viên? Mỗi lần về thăm nhà, Ông ngoại tôi đều hỏi chuyện vào đảng. Thấy tôi đi công tác đã năm năm mà chưa có kết quả, ông tôi nhắc phải quyết tâm phấn đấu để vào đảng, vì theo ông đảng viên chính là biểu hiện của người có phẩm chất tốt. Ông còn nói: “Ông là một viên chức cũ thời Pháp, sinh ra và lớn lên dưới chế độ cũ, ảnh hưởng rất nhiều cái xấu xa của thực dân phong kiến mà chỉ tham gia kháng chiến có hơn một năm đã được kết nạp vào đảng”. Ông đã về hưu nên không hiểu cũng là đảng viên nhưng thời kháng chiến chống Pháp và giờ đây đã khác nhau nhiều lắm.

Nhưng sau chuyện này thì tôi hoàn toàn từ bỏ ý định vào đảng:

Năm ấy mới ở khu sơ tán về. Không phải phân tán, điều kiện dạy và học được đảm bảo, giờ giấc không bị cắt xén vì nhiều chuyện, trường tôi có tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp khá cao (tới gần 80%). Đó là sự cố gắng rất lớn của giáo viên nhà trường. Thời gian hơn một tháng ôn tập trước khi thi, học sinh trọ học ở quanh trường được tập trung học buổi tối ở trường để quản lý giờ giấc. Giáo viên các môn thi thường xuyên có mặt để giải đáp thắc mắc, giải các bài tập khó cho học sinh. Một trường ở nông thôn mà thi đỗ không thua kém trường thị xã là một điều đáng phấn khởi. Buổi gặp nhau đầu tiên sau kỳ nghỉ hè, chuẩn bị bước vào năm học mới, nhà trường tổ chức một bữa liên hoan. Khổ, nói là liên hoan nhưng nào cũng có “sơn hào hải vị” gì đâu!

Cả trường gần bốn chục giáo viên xin phòng thương nghiệp huyện duyệt cho mua được đâu vài bộ lòng lợn, ít đậu phụ và thịt lợn không phải tem phiếu. Mọi người phần khởi lắm. Mấy bà mấy cô (lúc này giáo viên nữ còn ít), thường ngày chỉ quen luộc rau và rang lạc, hôm nay được dịp trổ tài nấu nướng. Chuyện trò rất rôm rả vừa là do lâu ngày mới gặp nhau, vừa là có bữa ăn tươi hơn bình thường. Ông Hiệu trưởng còn đưa ra chai rượu cam để dành từ hồi Tết. Đang ăn thì nghe có tiếng khóc thút thít, rồi nức nở. Ai cũng ngạc nhiên. Đang vui vẻ mà sao….? Người đang khóc là một giáo viên dạy môn Sinh vật. Mấy người ngồi gần xúm lại hỏi nguyên nhân. Anh ấy gạt dòng nước mắt đang dàn dụa, nức nở:

- Tôi thương đồng bào và chiến sĩ miền Nam đang hy sinh trong lửa đạn…. Thế mà chúng ta lại đang tâm ngồi ăn uống sung sướng thế này!

Ối giời ơi! Mấy anh em “bạch vệ” chúng tôi (từ chỉ những người chưa phải và cũng ít có ý muốn trở thành đảng viên) ngồi phía xa chẳng biết nên khóc theo hay nên cười? 

Hóa ra anh này đang chuẩn bị được kết nạp đảng. Chi bộ đã cử người thẩm tra lý lịch, nhưng hình như vẫn có đảng viên chưa tán thành. Thì xảy ra chuyện này.

Mấy tuần sau, buổi sáng trước giờ lên lớp, thấy anh ta cầm bao thuốc lá mời hết lượt. Hóa ra tối qua anh mới được kết nạp. Tới năm học sau thì anh có quyết định đề bạt làm Hiệu phó.

Tôi đã hiểu, xưa, trong kháng chiến gian khổ, trong chiến tranh máu lửa, người vào đảng là những người tiên phong, sẵn sàng hy sinh kể cả tính mạng cho sự tồn vong của đất nước. Họ coi danh dự lương tâm là thiêng liêng, “Phải giữ gìn tỉ mỉ, Như tròng mắt con ngươi” (thơ Tố Hữu). Họ là những người xứng đáng được tôn kính, noi gương.

Còn trong đời sống bình thường, người vào đảng chỉ trừ một số ít quá ngây thơ, phần lớn đều là những kẻ cơ hội, họ sẵn sàng hy sinh lương tâm, danh dự mong được tiến thân, tranh cướp phần hơn trong cuộc sống còn nhiều thiếu thốn với mọi người. Mà mình thì từ nhỏ đã được dạy danh dự, lương tâm là những cái không thể xem thường. Sao có thể “đồng chí” được?

Quả thật, đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng.