16.01.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 16.01.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 16.01.2016)

“Hải quân trá hình” Trung cộng ở Biển Đông

Cộng đồng quốc tế lo ngại Trung cộng  đang xây dựng một lực lượng “hải quân trá hình”, vì Trung cộng  đang cải tạo nhiều tàu chiến cũ thành tàu cảnh sát biển. 

Tàu Hải cảnh-2401 của Cảnh sát biển Trung cộng

The National Interest ngày 13/1 đăng bài viết “Thách thức ‘tàu vỏ trắng’ của Bắc Kinh ở Biển Đông” của nhà nghiên cứu Collin Koh, Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng, Viện nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore.
Xung quanh tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông những năm gần đây, dư luận chủ yếu vẫn tập trung chú ý vào xu hướng phát triển những trang bị hải quân có tính năng cao, chi phí lớn của các bên liên quan.


Tuy nhiên trên thực tế, những cuộc chạy đua về lực lượng tàu thực thi pháp luật trên biển giữa các bên yêu sách mới thực sự đang ngày càng trầm trọng. Đối với hòa bình và ổn định của các vùng biển tranh chấp, ảnh hưởng của cuộc đua “tàu công vụ” này mới thực sự rộng lớn.

Sự phát triển của lực lượng Cảnh sát biển Trung cộng  gần đây rất đáng chú ý. Nguồn tin từ Trung cộng  cho hay, tàu cảnh sát biển khổng lồ thứ hai của Trung cộng  đầu tháng này đã sắp hoàn thành, sắp đưa vào triển khai.

Chiếc tàu cảnh sát biển này có số hiệu là 3901 và sẽ trở thành tàu cảnh sát biển lớn nhất được chế tạo cho việc triển khai ở Biển Đông. Sau khi hoàn thành lắp ráp trang bị, tàu này sẽ chính thức đưa vào sử dụng. Hải cảnh-3901 là chiếc thứ hai thuộc loại 10.000 tấn , kế sau tàu Hải cảnh-2901 đã trang bị cho phân cục Đông Hải của Cảnh sát biển Trung cộng .

Ngày 12/1/2016, Trung cộng  đưa vào xử dụng  tàu Hải cảnh-44104 cho Tổng đội Hải cảnh Quảng Đông

Trung cộng  còn gây ngạc nhiên về tốc độ chế tạo loại “tàu vỏ trắng” này. Tàu Hải cảnh-2901 và Hải cảnh-3901 đã lần lượt đưa vào hoạt động trong thời gian rất ngắn.

“Tàu vỏ trắng” cỡ nhỏ thường được Trung Quốc trang bị một hoặc nhiều xuồng máy dùng cho các hành động như khám xét, tìm kiếm và bắt bớ tàu cá, tàu dân sự. “Tàu vỏ trắng” cỡ lớn hơn, trang bị tốt hơn có thể hoạt động ở những vùng biển xa xôi, vùng biển quốc tế và trong mọi điều kiện thời tiết. Chúng còn có thể chở 1 – 2 máy bay trực thăng.

Những chiếc “tàu vỏ trắng” này thường sẽ trang bị súng máy hoặc một khẩu pháo cỡ trung bình để làm vũ khí trang bị chính, trên tàu cũng thường có thiết bị điều khiển hỏa lực.


Nhật sẵn sàng chia sẻ tin tình báo Biển Đông cho Việt Nam và Phi Luật Tân

Nếu thỏa thuận được ký kết, Nhật Bản có thể sẽ chia sẻ thông tin tình báo về lực lượng quân sự và hoạt động của Trung cộng  ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani thăm Việt Nam, ảnh: Hồng Pha.

Nikkei Asian Review ngày 15/1 đưa tin, Nhật Bản đã sẵn sàng cho việc ký kết các hiệp định an ninh với Phi Luật Tân  và Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản hy vọng cuối năm nay có thể kết thúc thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo, bảo mật quốc phòng với 2 quốc gia Đông Nam Á này.

Hiệp định chia sẻ thông tin sẽ cho phép lực lượng vũ trang chia sẻ tin tức tình báo về thiết bị quốc phòng cũng như các động thái di chuyển, điều động quân đội của quốc gia khác.

Nếu thỏa thuận được ký kết, Nhật Bản có thể sẽ chia sẻ thông tin tình báo về lực lượng quân sự và hoạt động của Trung cộng  ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tranh chấp lãnh thổ, hàng hải với Việt Nam và Phi Luật Tân .

Nhật Bản đang xem xét việc cung cấp cho Phi Luật Tân  máy bay huấn luyện và trang bị quân sự khác mà Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã sử dụng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani dự định sẽ thăm Phi Luật Tân  và Việt Nam vào đầu năm nay để thúc đẩy đàm phán về việc chia sẻ thông tin quân sự. Các thỏa thuận cũng sẽ yêu cầu mỗi bên kiểm soát chặt chẽ thông tin được chia sẻ.

Nhật đã ký kết các thỏa thuận chia sẻ thông tin an ninh tương tự với Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc, Ấn Độ và NATO.


Tận thu ‘vàng trắng’, ngư dân Trung cộng  tàn phá biển Đông

Ảnh chụp màn hình các trang mạng Trung cộng  cho thấy kết quả những chuyến khai thác sò khổng lồ của ngư dân nước này. Ảnh: Victor Robert Lee

Trong bài viết vừa đăng trên tạp chí Diplomat (Nhật Bản), tác giả Victor Robert Lee, cây viết chuyên về khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết, trong giai đoạn Bắc Kinh đẩy nhanh việc xây dựng các căn cứ quân sự trên những đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, ngư dân Đàm Môn đã tận thu loài sò khổng lồ trên quy mô công nghiệp. Những ngư dân này đi hơn 1.000km từ cảng Đàm Môn đến các bãi cạn, rạn san hô ở Trường Sa để khai thác loài sò khổng lồ có vỏ dài tới hơn 1m, nặng hơn 200kg, sống hơn 100 năm.

Vỏ sò được chế tác thành nhiều đồ vật giá trị. Một cặp sò phẩm chất lượng tốt có thể được bán với giá 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ đồng).

Dù sò khổng lồ đang bị đe dọa và luật quốc tế cũng như luật Trung cộng  cấm buôn bán loài vật này, ngư dân Trung cộng  vẫn chặt phá các rạn san hô để săn lùng chúng, thậm chí với sự hiện diện của lực lượng hải cảnh Trung cộng  và trên các bãi san hô mà Hải quân Trung cộng  đang chiếm đóng.

Nhiều nhà bình luận từng lên án hoạt động này, cho rằng ngư dân Đàm Môn đang khai thác sò khổng lồ ở biển Đông nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung cộng . Điều này có lý vì hoạt động cải tạo trái phép đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn thành đảo nhân tạo rồi xây dựng cơ sở hạ tầng trên đó trong năm 2014 và 2015 tiếp nối ngay sau khi hàng loạt tàu cá đến đó như thể ngư dân Trung cộng  đã được bật đèn xanh để khai thác loài sò quý hiếm này trước khi các rạn san hô bị chôn vĩnh viễn dưới hàng triệu tấn cát.

Được chính quyền khuyến khích

Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC cho biết, ông đã quan sát ngư dân Đàm Môn đánh bắt sò khổng lồ trên một rạn san hô chỉ cách đảo Thị Tứ chưa đầy 1 dặm. Những ảnh vệ tinh sắp xếp theo trình tự thời gian cho thấy các rạn san hô ở đảo Thị Tứ bị chặt phá trong năm 2013 và 2014, tạo nên một vết sẹo khổng lồ vào cuối năm 2015. Một ảnh vệ tinh khác cho thấy một khu vực rộng 1,36 km2 bị tàn phá. Quy mô tàn phá tương tự tại hơn chục rạn san hô khác cho thấy một diện tích san hô rất lớn đã bị Trung cộng  chôn vùi ở đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn.

Ảnh cận cảnh cho thấy các rạn san hô ở đá Subi, Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa bị chặt phá để khai thác sò khổng lồ trước khi Trung cộng  cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo. Ảnh: Victor Robert Lee & DigitalGlobe

Sàn thương mại điện tử Alibaba của Trung cộng  giới thiệu hai chục website bán các loại sản phẩm từ vỏ sò khổng lồ được làm ở Đàm Môn, từ vòng tay, vòng cổ, đến cặp vỏ sò nguyên vẹn hay tác phẩm chạm trổ cầu kỳ có giá lên đến 38.000 nhân dân tệ (khoảng 130 triệu đồng). Danh sách của Alibaba còn ghi rõ những sản phẩm này được làm từ những con sò khổng lồ khai thác từ bãi cạn Scarborough.

Giới quan sát ghi nhận, khoảng 3 năm trước, chính quyền Trung cộng  khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác sò khổng lồ ở Đàm Môn, cho dù đây là hoạt động bất hợp pháp, nhằm phát triển kinh tế của cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Trung cộng  tự tuyên bố trên biển Đông.

Phi Luật Tân  muốn Hoa Kỳ tuần tra chung trên biển Đông

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Phi Luật Tân , ông Peter Paul Galvez, hôm 14/1 kêu gọi Hoa Kỳ tuần tra chung trên biển Đông, sau khi Tòa án tối cao Phi Luật Tân  tuyên bố duy trì thỏa thuận an ninh 10 năm nhằm mở cửa cho Mỹ đưa thêm binh sĩ và phương tiện quân sự đến nước này. “Cần tăng cường sự hiện diện phối hợp ở biển Đông. Vì thế, ngoài những hoạt động tự do hàng hải của Mỹ, chúng tôi đề xuất chúng ta tuần tra cùng nhau”, AP dẫn lời ông Galvez nói với báo giới. Nhưng ông Galvez không nói cụ thể hoạt động tuần tra chung sẽ được tiến hành ở khu vực nào.

Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ và Phi Luật Tân  vừa kết thúc cuộc họp tại Washington để thảo luận về hợp tác an ninh. Bộ Quốc phòng Phi Luật Tân  thông báo, cuộc họp đã kết thúc với việc “phía Mỹ nhắc lại cam kết chắc chắn về việc bảo vệ Phi Luật Tân ”. “Phía Mỹ nhấn mạnh sẽ không để Trung cộng  kiểm soát biển Đông và sẽ hành động để bảo đảm tự do hàng hải được tôn trọng”, Bộ Quốc phòng Phi Luật Tân  khẳng định.


Tin tổng hợp (The Diplomat, BBC, Channel News Asia, National Interest)