Việc dạy tiếng Việt
ở nước ngoài
Blog Nguyễn Hưng Quốc
Trên báo Đại Đoàn Kết ở trong nước ngày 10 tháng 1 năm
2016, có bài viết nhan đề “Đưa tiếng Việt ra thế giới”, tác giả ghi nhận một
sự kiện: Càng ngày việc học tiếng Việt ở nước ngoài càng phát triển mạnh mẽ. Có
hai biểu hiện chính: Một, ở Hàn Quốc, học sinh có thể chọn môn tiếng Việt như
một môn ngoại ngữ để thi vào đại học; và hai, ở Úc, “tiếng Việt là một trong
năm ngoại ngữ bắt buộc”. Cuối cùng, tác giả đưa ra ý kiến của một số người, cho
rằng chính quyền Việt Nam cần giúp đỡ việc dạy tiếng Việt ở hải ngoại qua ba
biện pháp: Một là mở các khoá tu nghiệp cho giáo viên; hai là biên soạn các
cuốn sách giáo khoa dạy tiếng Việt để các cộng đồng người Việt ở hải ngoại có
thể sử dụng; và ba là, trong các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài nên có thêm
chức tùy viên giáo dục chuyên trách về việc phát triển các trường Việt ngữ.
Bài báo kết thúc bằng lời phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch Uỷ
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Chúng ta gặp nhau với một tấm lòng
người trong nước hướng tới người nước ngoài cùng nhau lắng nghe để hiểu nhau
hơn. Trong bất cứ vấn đề gì cần sự chia sẻ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam sẵn sàng chung tay góp sức với đồng bào ở xa Tổ quốc”.
Thật ra, trong bài báo trên, có nhiều chi tiết sai. Thứ nhất, ở Hàn Quốc,
không phải học sinh có thể chọn tiếng Việt như một ngoại ngữ để thi vào đại học
mà là, vào đại học rồi, sinh viên có thể chọn tiếng Việt như một ngoại ngữ để
học. Hai khía cạnh ấy khác nhau. Thứ hai, không phải chỉ ở Hàn Quốc, mà còn ở
nhiều quốc gia khác, như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Úc, v.v… tiếng Việt cũng được dạy
như một ngoại ngữ ở đại học. Thứ ba, ở Úc, tiếng Việt không phải là “một trong
năm ngoại ngữ bắt buộc”. Ở Úc, trừ tiếng Anh, không có ngôn ngữ nào là “bắt
buộc” cả. Tiếng Việt chỉ là một trong mười ngôn ngữ được ưu tiên giảng dạy ở
bậc trung và tiểu học. Nhưng nó không phải là ưu tiên nhất. Ưu tiên nhất là bốn
ngôn ngữ: Nhật, Hoa, Hàn và Nam Dương, bốn nước Á châu có quan hệ kinh tế và
chính trị đặc biệt quan trọng đối với Úc.
Nhưng cái sai nhất của bài báo là nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền
Việt Nam trong việc dạy tiếng Việt ở hải ngoại. Có thể nói, từ hơn 40 năm nay, ở hải ngoại,
việc dạy tiếng Việt càng lúc càng phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước khác nhau
trên thế giới mà không hề cần bất cứ sự trợ giúp nào của chính quyền Việt Nam. Hơn nữa, ở bất cứ đâu,
khi chính quyền Việt Nam nhúng tay vào, ở đó, việc dạy tiếng Việt đều bị chính
trị hoá, chỉ gây chia rẽ, và cuối cùng, chỉ dẫn đến thất bại.
Để nói đến các thành tựu trong việc dạy tiếng Việt ở hải ngoại, chúng ta
cần phân biệt hai đối tượng học sinh và sinh viên: Một là những người ngoại
quốc, và hai là trẻ em Việt Nam. Trong hai đối tượng ấy, thành công nhất là đối
tượng thứ hai: Cho đến nay, hầu hết các học sinh và sinh viên học tiếng Việt
tại các trường trung tiểu học cũng như đại học ở hải ngoại đều là những người
Việt thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba. Số người ngoại quốc học tiếng Việt tương
đối ít. Những người này học tiếng Việt vì hai, hoặc một trong hai, lý do chính:
Một là có vợ hoặc chồng (hoặc bạn gái/bạn trai) là người Việt Nam; hai là muốn làm
việc ở Việt Nam hoặc với người Việt Nam.
Đối với nhóm thứ nhất, tức học sinh và sinh viên người Việt, hai nước thành
công nhất là Úc và Mỹ. Ở Úc, nơi có hơn 200.000 người Việt sinh sống, mỗi năm
có gần 20.000 học sinh học tiếng Việt, từ lớp 1 đến lớp 12; hơn một nửa số học
sinh này nằm ở thành phố Melbourne thuộc tiểu bang Victoria. Ở Mỹ, đặc biệt tại
tiểu bang California, gần đây, chính phủ cho áp dụng phương thức dạy song ngữ:
học sinh, vào lớp, học bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
Những thành tựu như thế từ đâu mà có?
Trước hết là do chính sách của chính phủ sở tại. Ở Mỹ, việc dạy song ngữ là
một chủ trương chung của nhiều tiểu bang. Tại Úc, với chủ trương đa văn hoá,
chính phủ khuyến khích người dân, ngoài việc học tiếng Anh, cố gắng duy trì
tiếng mẹ đẻ và văn hoá truyền thống. Đó không phải là chủ trương suông trên lý
thuyết. Chính phủ Úc còn hiện thực hoá chủ trương ấy bằng cách tài trợ cho các
trường dạy ngôn ngữ sắc tộc để các trường ấy đủ tiền thuê mặt bằng dạy học cũng
như trả lương cho các giáo viên.
Thứ hai là do nhiệt tình của phụ huynh người Việt. Phải nói ngay là phần
lớn người Việt Nam, tuy sống ở nước ngoài, vẫn nỗ lực duy trì tiếng Việt không
những đối với thế hệ thứ hai (những người sinh ra ở ngoại quốc) mà còn đối với
cả thế hệ thứ ba (con cái của những người sinh ra ở ngoại quốc). Ở đâu có cộng
đồng người Việt ở đó cũng đều có các trường Việt ngữ với những quy mô khác
nhau. Nếu chính phủ địa phương không tài trợ, phụ huynh tự đóng góp để thuê
phòng ốc; còn giáo viên thì dạy thiện nguyện, không đòi hỏi bất cứ một thù lao
nào cả.
Ở các trường ấy, người ta có cần sách giáo khoa do Việt Nam biên soạn và
cung cấp không?
Câu trả lời rất rõ là: Không.
Lý do đầu tiên là tôi không tin ở Việt Nam người ta có thể biên soạn được
một bộ sách giáo khoa về tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai có giá trị. Qua
những bộ sách dạy tiếng Việt xuất bản trong nước, tôi thấy rõ một điều: phần
lớn các tác giả không phân biệt được tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ nhất và
tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai. Hơn nữa, phương pháp giảng dạy ngôn ngữ
của họ khá cũ, và do đó, rất ít có hy vọng có kết quả khả quan.
Lý do thứ hai là ở Tây phương, trong các lớp ngôn ngữ, trong đó có cả tiếng
Việt, các giáo viên không nhất thiết cần có một bộ sách giáo khoa riêng.
Thường, Bộ Giáo dục chỉ đưa ra một cái khung chung, bao gồm đề tài và các yêu
cầu về từ vựng cũng như kiến thức văn hoá, dựa theo đó, các giáo viên sẽ tự
soạn lấy bài giảng cho mình. Chủ trương ấy xuất phát từ quan điểm: chỉ có giáo
viên trực tiếp đứng lớp là hiểu rõ nhất về yêu cầu cũng như trình độ của học
sinh để có thể đưa ra một tài liệu giảng dạy cụ thể và thích hợp.
Một lý do khác là ở hải ngoại từ mấy thập niên vừa qua đã có nhiều người
biên soạn sách giáo khoa để dạy tiếng Việt. Một số trong các cuốn sách ấy được
biên soạn dựa trên những phương pháp giảng dạy ngôn ngữ khá mới, có thể được sử
dụng để giảng dạy ở các lớp Việt ngữ.
Có thể nói một cách tóm tắt: chính quyền Việt Nam không nên nhúng tay
vào việc dạy tiếng Việt ở hải ngoại. Đó là lãnh vực mà cộng đồng người Việt ở
hải ngoại có thể tự lo liệu lấy.
Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)